Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 đón nhận số người tham dự kỷ lục
Sáng 19/08/2023, Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 diễn ra với số lượng người tham dự kỷ lục, hơn 1.200 y bác sĩ. Điều này, chứng tỏ đột quỵ đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng và có sự ưu ái của nhiều bác sĩ đột quỵ, cũng như các chuyên ngành khác.
Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 diễn ra vào hai ngày 19 và 20/08/2023. Cập nhật những chủ đề nổi bật về các thử nghiệm lâm sàng RCT đã được công bố trong 2022 và 2023, bao gồm 4 nghiên cứu lấy huyết khối trên lõi nhồi máu não lớn trong cửa sổ muộn 6 - 24 giờ: RESCUE Japan, SELECT2, ANGEL ASPECT và TESTLA. Đặc biệt lần đầu tiên, đã có 2 RCT trong 2023 cho kết quả dương tính trong điều trị xuất huyết não tự phát (ENRICH và INTERACT3). Những kết quả này, sẽ làm thay đổi đáng kể phác đồ điều trị tại các trung tâm đột quỵ trên thế giới.
Thông qua hội nghị, người tham dự có cơ hội bàn luận với các chuyên gia Đột Quỵ hàng đầu trên thế giới từ Pháp, Ý, Úc, Ấn Độ về những cập nhật trong điều trị cấp và dự phòng đột quỵ thứ phát 2023.
Chương trình lần này có hơn 40 bài báo cáo đến từ các báo cáo viên trong nước và quốc tế. Trong đó, có sự tham dự của hàng loạt các tên tuổi trên thế giới như: GS Jeyaraj Durai Pandian - người Châu Á đầu tiên được giữ vị trí Chủ tịch hội Đột quỵ Thế giới; GS Geoffrey Donnan - người đầu tiên thực hiện những nghiên cứu về tiêu huyết khối ở Úc và sau đó tiến hành các nghiên cứu trên toàn thế giới; Craig Anderson - lãnh đạo cao cấp viện sức khỏe quốc gia và hội đồng nghiên cứu y học Úc,...
Tại Việt Nam có GS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM; PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS.BS Lê Văn Trường - Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…
Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023 tập trung cho các bác sĩ chuyên khoa về những quan điểm hiện đại, trong dự phòng bệnh rung nhĩ - căn nguyên dẫn đến đột quỵ. Mặc dù thế giới đã thực hiện nhưng đối với Việt Nam còn khá mới, mọi người phân vân về sử dụng và biến chứng trong xuất huyết.
Bên cạnh đó, sẽ có một số báo cáo về can thiệp mạch như thời điểm nào cần can thiệp mạch, trường hợp nào không nên can thiệp mạch. Vấn đề tiếp theo là cách dùng thuốc tiêu huyết khối trong thời gian vàng, sớm và muộn như thế nào để có hiệu quả.
Ngoài ra, hội nghị tiếp tục mở rộng chỉ định lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Trước đây, cửa sổ đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ nhưng phải có phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID. Tuy nhiên đây là phần mềm khá đắt đỏ và không phải trung tâm đột quỵ nào cũng có (tại Việt Nam chỉ có vài trung tâm có phần mềm RAPID).
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết: “Hiện nay, hướng dẫn điều trị đột quỵ đã cho phép lấy huyết khối ở cửa sổ 24 giờ mà không cần phần mềm. Điều này rất ý nghĩa vì Việt Nam có khoảng 100 trung tâm đột quỵ nhưng chỉ có 5 trung tâm có phần mềm RAPID. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần CT mạch máu đã có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học với cửa sổ 24 giờ, do đó, rất nhiều bệnh nhân sẽ được hưởng lợi. Phần mềm trí tuệ nhân tạo mặc dù quan trọng nhưng giống như một món ăn sang, ngon và không dành cho tất cả mọi người”.
Hội nghị còn cập nhật những nghiên cứu mới về xuất huyết não. Trước đây, cả thế giới bó tay vì chưa có giải pháp điều trị vấn đề này. Khi bệnh nhân bị xuất huyết não, nếu là xuất huyết nhỏ bệnh nhân sẽ sống, nếu là xuất huyết lớn sẽ không thể qua khỏi. Những điều bác sĩ có thể làm được để cứu chữa cho bệnh nhân xuất huyết não rất ít, dù bệnh nhân đến trong giờ vàng.
Hiện tại, Việt Nam đã có thêm 2 giải pháp mới, đặc biệt là các bài nghiên cứu mới công bố trên thế giới sẽ được chính tác giả cập nhật tại Hội nghị Đột quỵ TPHCM 2023. Những cập nhật này sẽ làm thay đổi các quy trình điều trị ngay tại các trung tâm đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình