Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện Bạch Mai 11 quý liên tiếp nhận giải thưởng Kim Cương thế giới về điều trị đột quỵ

Ngày 18/8/2023, tại TPHCM, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới 2024 - 2026 trực tiếp trao giải thưởng Kim Cương của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) cho Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai. Đây là lần thứ 11 liên tiếp Bệnh viện nhận được giải thưởng danh giá nhất của tổ chức này dành cho các trung tâm đột quỵ.  

Trung Tâm Đột Quỵ - Bệnh viện Bạch Mai nhận giải thưởng Kim Cương do GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới 2024 - 2026 trao và công nhận (ngoài cùng bên phải), cùng với PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam (ngoài cùng bên trái)

Trung Tâm Đột Quỵ - Bệnh viện Bạch Mai được thành lập từ tháng 11/2020 với quy mô 46 giường nhân lực gồm 10 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 1 hộ lý. Trước đó, các kỹ thuật về cấp cứu, xử trí đột quỵ đã được Khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai triển khai trong nhiều năm, cấp cứu hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ não trong 20 năm. 

Tiếp tục phát triển những thành quả trong lĩnh vực đột quỵ của Khoa Cấp cứu, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai được thành lập với tổ chức hoàn chỉnh, hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân đột quỵ. 

Kể từ khi ra đời, Trung tâm Đột quỵ đã có những đóng góp đặc biệt cho chuyên ngành đột quỵ toàn quốc. Bên cạnh việc tiếp nhận và điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân đột quỵ, Trung tâm cũng là nơi đào tạo phát triển mạng lưới Đột quỵ cho khu vực miền Bắc, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu về đột quỵ của Việt Nam với thế giới. Trung tâm còn tổ chức thường kỳ các bài báo cáo khoa học 2 tuần một lần và phát miễn phí trên zoom cho các đồng nghiệp trên toàn quốc cập nhật các kiến thức chuyên sâu về đột quỵ.

Tại Trung tâm, các phương pháp xử trí và điều trị bệnh nhân đột quỵ tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên triến trên thế giới. Trong đó, áp dụng thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp đột quỵ như tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người thiếu máu não, phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện. Ngoài ra còn có các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...

Trung tâm tổ chức thường kỳ các bài báo cáo khoa học 2 tuần một lần và phát miễn phí trên zoom cho các đồng nghiệp trên toàn quốc cập nhật các kiến thức chuyên sâu về đột quỵ

Hiện, mỗi quý Trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân đột quỵ. Sau khi tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q, trung tâm đã dành được giải thưởng Kim Cương của Hội Đột quỵ Thế giới và duy trì được trong suốt 11 quý liên tiếp. Trong 3 giải thưởng, Kim Cương là mức chuẩn cao nhất của WSO khi phải đạt 10 tiêu chí cực kỳ gắt gao trong chẩn đoán, chăm sóc và điều trị đột quỵ. Tiếp theo sau đó là Bạch Kim và Vàng, với 7 tiêu chí.

Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất, cũng khó đạt nhất với giải thưởng Kim Cương là trên 25% số bệnh nhân được điều trị tái thông mạch máu não trên tổng số bệnh nhân đột quỵ. Ngoài ra, 75% bệnh nhân thời gian từ khi vào viện tới khi được điều trị tiêu sợi huyết nhỏ hơn 60 phút...

Ngoài ra, bệnh viện còn phải đạt các tiêu chí khác như: tối thiểu 90% bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI; tối thiểu 90% bệnh nhân đột quỵ được tầm soát rối loạn nuốt; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị dự phòng với thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, đạt từ 90%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ có liên quan tới rung nhĩ được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông máu, đạt từ 90%... 

Ngoài ra, bệnh viện phải báo cáo các số liệu, quy trình điều trị lên hệ thống RESQ mỗi ngày, sau đó WSO căn cứ nhiều tiêu chí đánh giá như: quy trình tiếp nhận, can thiệp, cứu sống bệnh nhân đột quỵ, cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện. Trên hết, trong rất nhiều tiêu chí khắt khe của chứng nhận Kim Cương, đòi hỏi không chỉ ở vấn đề tay nghề, trình độ của bác sĩ, trang thiết bị của bệnh viện mà còn phải có sự phối hợp, hoạt động với cộng đồng, để người dân nhận biết được triệu chứng đột quỵ, đến bệnh viện để được điều trị tốt.

Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai là 1 trong 36 bệnh viện trên cả nước đạt chuẩn thế giới về điều trị đột quỵ trong quý II/2023.

Theo số liệu của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 sau ung thư. Cứ mỗi 6 giây, đột quỵ lại cướp đi cuộc sống của 1 người. Một năm có 6,5 triệu người chết vì đột quỵ và có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15- 49 tuổi.

Và tính riêng tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, với khoảng 200,000 ca mắc mới mỗi năm. Do vậy, các đơn vị điều trị chuyên sâu về đột quỵ giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục người bệnh. 

Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận này cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X