Hotline 24/7
08983-08983

36 bệnh viện trên cả nước đạt chuẩn thế giới về điều trị đột quỵ

Ngày 18/8/2023, tại TPHCM, trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt khoa học “Quản lý chất lượng Đơn vị đột quỵ năm 2023”, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới đã trực tiếp trao giải thưởng danh giá về điều trị đột quỵ - WSO Angels Awards với chuẩn Kim Cương, Vàng, Bạch Kim cho 36 bệnh viện trên cả nước.

WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. WSO đưa ra 3 mức chứng nhận theo thứ tự từ thấp đến cao gồm tiêu chuẩn Vàng - Golden Status, Bạch kim - Platinum Status và Kim Cương - Diamond Status.

Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận này cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Đại diện Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam

Để được nhận các giải thưởng này trong điều trị đột quỵ, cần đạt các tiêu chí do WSO đề ra về hệ thống cấp cứu, về nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu, được chẩn đoán và điều trị, can thiệp kịp thời…

Điều quan trọng nhất là chứng nhận do Hội Đột quỵ Thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được “tái cấp”.

Quý II năm 2023 có 36 bệnh viện trên cả nước nhận giải thưởng từ WSO. Trong đó:

36 đơn vị đạt chứng nhận Kim Cương, Bạch Kim, Vàng chụp hình lưu niệm

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM và đại diện cho Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam cho hay, khi bắt đầu hội nhập, tham gia đăng ký sổ bộ RES-Q từ năm 2018, đến nay nước ta đã có bước tiến rất dài với sự trợ giúp của chương trình Angels, để chuẩn hóa quy trình điều trị đột quỵ và xây dựng thêm nhiều đơn vị đột quỵ.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 100 đơn vị đột quỵ trên toàn quốc. Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đánh giá, điều này mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân đột quỵ, mang lại cơ hội phục tốt hơn nhờ những giải pháp điều trị, các bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo chuyên nghiệp trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng như phục hồi chức năng sau đột quỵ. Qua đó góp phần làm giảm gánh nặng gia đình, xã hội, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ.

GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới 2024 - 2026

“Tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhiều trung tâm đột quỵ. Quan trọng hơn, không chỉ thêm mà còn tăng chất lượng trong việc chăm sóc, điều trị đột quỵ. Đây cũng là mục tiêu của Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ Việt Nam và sắp tới là Hội Đột quỵ Hà Nội hướng đến trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.

Đặc biệt, lần này, các giải thưởng của WSO do GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới 2024 - 2026 trao trực tiếp. Ông là người người châu Á duy nhất cho đến nay được bầu vào Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới và cũng là diễn giả rất nổi tiếng, có mặt ở hầu hết các hội nghị tốt nhất về chuyên ngành đột quỵ hiện nay.

“Đây là điều hết sức quan trọng. Tôi tin rằng ở cương vị này trong nhiệm kỳ mới, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích và sẽ có nhiều sự hỗ trợ hơn từ Hội Đột quỵ Thế giới. Bởi vì không ai hiểu người châu Á bằng chính người châu Á. Chúng ta cùng một cơ chế bệnh sinh và giống nhau cả về kinh tế, xã hội” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh. 

Bệnh viện chứng nhận giải thưởng Kim Cương:

Trung Tâm Đột Quỵ Bệnh viện Bạch Mai thành lập 11/2020 với quy mô 46 giường nhân lực gồm 10 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 1 hộ lý. Mỗi quý tiếp nhận điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân đột quỵ. Sau khi tham gia quản lý chất lượng trung tâm đã dành được giải thưởng Kim Cương của WSO và duy trì được trong suốt 11 quý liên tiếp. Trung tâm cũng là nơi đào tạo phát triển mạng lưới Đột quỵ cho khu vực miền Bắc.
Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế SIS Cần Thơ thành lập năm 2019, là bệnh viện tư nhân với các kỹ thuật điều trị Đột quỵ chuyên sâu của vùng ĐBSCL. Bệnh viện được đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai đầy đủ các kỹ thuật điều trị đột quỵ, kể cả các kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tham gia QLCL bằng Res-Q. Và là quý thứ 4 liên tiếp bệnh viện đạt giải Kim Cương.
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Quân y 175 thành lập vào năm 2000, bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2019. Trải qua hơn 20 năm, đơn vị đã từng bước không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Với quy mô 75 giường, đơn vị đột quỵ Bệnh viện Quân y 175 đã và đang chăm sóc, điều trị cho hơn 300 bệnh nhân đột quỵ trong 1 quý. Đơn vị đã duy trì liên tục giải thưởng Kim Cương của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trong suốt 3 quý liên tiếp. 
Trung Tâm Đột quỵ Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An được thành lập tháng 12/2018 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2019. Nằm trong một bệnh viện là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ, trung tâm luôn nỗ lực không ngừng để phát triển chất lượng điều trị Đột Quỵ. Trung tâm có 25 phòng với đội ngũ 13 bác sĩ, 23 điều dưỡng, tiếp nhận và điều trị trên 500 bệnh nhân mỗi quý. Kể từ 2019 đến nay trung tâm luôn duy trì giải thưởng bạch kim. Đặc biệt, năm 2023 trung tâm vinh dự 2 lần nhận giải thưởng Kim Cương.
Trung Tâm Đột Quỵ Bệnh viện tỉnh Phú Thọ được thành lập tháng 9/2018 với quy mô 120 giường. Nhân lực gồm 25 bác sĩ, 58 điều dưỡng và kỹ thuật viên. Đây là trung tâm hoàn chỉnh với 3 khoa trực thuộc: cấp cứu, bán cấp, phục hồi chức năng. Mỗi quý trung tâm điều trị khoảng 300 bệnh nhân. Ngay từ khi tham gia quản lý chất lượng năm 2019 trung tâm đã liên tục nhận giải thưởng Bạch Kim và đến năm 2023 trung tâm vinh dự 2 lần nhận giải Kim Cương. 
Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng, thành lập tháng 4/2019, hơn 100 giường bệnh, 13 bác sĩ và 25 điều dưỡng, điều trị 1.000 bệnh nhân 1 quý. Tham gia Quản lý chất lượng từ năm 2020 và Bệnh viện đã nâng từ hạng Vàng lên Kim Cương. Và đây là lần đầu tiên Bệnh viện đạt giải thưởng Kim Cương. 

Tiền thân từ đơn vị Đột quỵ Khoa Thần kinh, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tách ra và thành lập vào tháng 6/ 2023. Với 50 giường bệnh, 8 bác sĩ và 14 điều dưỡng, điều trị khoảng 600 bệnh nhân/quý. Tham gia Quản lý chất lượng từ năm 2021 và Bệnh viện đã nâng từ hạng Vàng lên Kim Cương. Đây là quý đầu tiên Bệnh viện đạt giải thưởng Kim Cương.

Bệnh viện chứng nhận giải thưởng Bạch Kim:

Đơn vị Đột quỵ bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thành lập vào năm 2016, bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2019. Đơn vị đã từng bước không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Và đây là giải thưởng Bạch Kim lần thứ 2 của Đơn vị. Với quy mô 74 giường, đơn vị đột quỵ bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã và đang chăm sóc, điều trị cho hơn 400 bệnh nhân đột quỵ trong 1 quý. Đơn vị đã duy trì liên tục giải thưởng Bạch Kim trong suốt 2 quý liên tiếp. 
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Tim mạch An Giang thành lập năm 2018 trực thuộc Khoa Cấp cứu, là bệnh viện chuyên khoa Tim mạch duy nhất của ĐBSCL có ĐVĐQ, với nhân lực 11 bác sĩ và 19 điều dưỡng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ĐV tham gia QLCL bằng Res-Q và đã đạt 3 giải Vàng trước đó, đây là quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện đạt giải Bạch Kim. Bệnh viện không ngừng cải tiến chất lượng, tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian cửa kim và mang đến nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân đột quỵ.
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang thành lập năm 2019 trực thuộc Khoa Hồi sức Cấp cứu, hiện nay là Khoa Can thiệp tim mạch - Đột quỵ. Tuy là bệnh viện được phân tuyến hạng 2 nhưng đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hay lấy huyết khối bằng dụng cụ, với nhân lực 11 bác sĩ và 20 điều dưỡng và Kỹ thuật viên. Đây là Quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện tham gia QLCL bằng Res-Q và đã đạt giải Bạch Kim, Bệnh viện phấn đấu sẽ đạt giải Kim Cương vào năm 2024.
Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang đã sớm tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ từ năm 2018 do Khoa Nội Thần kinh phụ trách, bệnh viện đang từng bước hoàn thiện các kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp, với nhân lực 8 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Đây là Quý đầu tiên bệnh viện tham gia QLCL bằng Res-Q và đã đạt giải Bạch Kim, bệnh viện không ngừng cải tiên chất lượng và hướng đến các chuẩn mực cao hơn trong tương lai. 
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thành lập năm 2019 trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Năm 2020 Đơn vị được phát triển về nhân sự, cơ sở vật chất và đi đến thành lập Khoa Đột quỵ, hiện tại với nhân lực 11 bác sĩ và 17 điều dưỡng và Kỹ thuật viên, có 20 giường trong đó có 8 giường Hồi sức dành cho bệnh nặng. Bệnh viện đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật điều trị đột quỵ, và là năm thứ 4 liên tiếp tham gia QLCL bằng Res-Q. Đây là quý thứ 2 liên tiếp Bệnh viện đạt giải Bạch Kim.
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thành lập vào năm 2017, bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2019. Đơn vị đã từng bước không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, và trở thành đơn vị uy tín và được các bệnh nhân đột quỵ trong khu vực tin tưởng lựa chọn. Và đây là giải thưởng Bạch Kim lần thứ 2 của bệnh viện.
Trung Tâm Đột Quỵ Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên được thành lập tháng 8/2016, trực thuộc khoa thần kinh với quy mô 75 giường. Nhân sự gồm 10 bác sĩ và 20 điều dưỡng. Mỗi quý trung tâm tiếp nhận và điều trị khoảng 250-300 bệnh nhân đột quỵ. Trung tâm liên tục giành được giải thưởng Bạch Kim từ năm 2019 đến nay. Trung tâm cũng là nơi đào tào hỗ trợ kỹ thuật về đột quỵ cho các tỉnh lân cận. 
Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất được thành lập từ năm 2013, thuộc khoa Nội Thần kinh, hiện tại có 20 giường, điều trị tiêu sợi huyết từ 2014, can thiệp mạch từ 2017 đến nay, quy trình điều trị đột quỵ từ giai đoạn tối cấp cho đến phục hồi chức năng và quản lý điều trị ngoại trú. Một quý Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận và điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân đột quỵ. Bệnh viện đạt được giải thưởng Vàng từ năm 2020, và năm nay 2023 đạt được giải thưởng Bạch Kim của Hội đột quỵ thế giới.
Đơn vị đột quỵ Bệnh viện TP Thủ Đức thành lập cuối năm 2016. Là Đơn vị điều trị đột quỵ hoàn chỉnh cả tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối đầu tiên tại khu vực phía đông TPHCM. Đơn vị điều trị khoảng 600-700 ca đột quỵ não hàng năm.

Bệnh viện nhận giải thưởng Vàng:

Đơn vị Đột Quỵ Bệnh viện E được thành lập tháng 4/2021, trực thuộc khoa Cấp cứu với số giường điều trị là 32. Nhân sự của khoa là 7 bác và 2 hộ lý. Mỗi quý đơn vị tiếp nhận và phân loại 200 bệnh nhân đột quỵ. Đơn vị đã có 3 lần nhận giải thưởng Vàng.

Đơn vị Đột Quỵ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh thành lập năm 2019 trực thuộc khoa Cấp cứu Chống Độc và Thận Nhân Tạo. Đây là nơi duy nhất có đơn vị Đột Quỵ tại tỉnh Hà Tĩnh. Với 10 giường điều trị và nhân lực gồm 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng, mỗi quý đơn vị Đột Quỵ điều trị 120 bệnh nhân. Năm nay là năm đầu tiên tham gia quản lý chất lượng bệnh đã nhận giải thưởng Vàng.

Khoa Đột Quỵ bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hải Dương thành lập năm 2021. Đây là nơi duy nhất có đơn vị Đột Quỵ tại tỉnh Hải Dương. Với 50 giường điều trị và nhân lực gồm 6 bác sĩ và 17 điều dưỡng, mỗi quý khoa Đột Quỵ điều trị 500 bệnh nhân. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp bệnh viện tham gia quản lý chất lượng bệnh viện RESQ và duy trì giải thưởng Vàng.
Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa Kiên Giang thành lập năm 2018 trực thuộc Khoa Nội Thần kinh, là bệnh viện duy nhất có Đơn vị Đột quỵ tại Kiên Giang, với nhân lực 11 bác sĩ và 18 điều dưỡng. Mỗi năm Đơn vị tiếp nhận và điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân đột quỵ. Đây là quý đầu tiên Đơn vị tham gia QLCL bằng Res-Q và đạt giải Vàng, mục tiêu hướng đến là giải Bạch Kim trong năm 2024. 
Thành lập từ ngày 07/04/2021, Đơn vị đột quỵ - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) mỗi năm tiếp nhận từ 400-500 ca đột quỵ não từ TP Thủ Đức và Nhơn Trạch - Đồng Nai. Đơn vị được trang bị máy CT, MRI hiện đại, áp dụng quy trình chẩn đoán, cấp cứu hiệu quả với thời gian cửa - kim trung bình là 41 phút. Hồi sức tích cực, phẫu thuật sọ não với các ca bệnh nặng. Khám tầm soát yếu tố nguy cơ và phục hồi chức năng sau đột quỵ. Sắp tới, đơn vị quyết tâm giữ thành quả, cải thiện quy trình và phát triển kĩ thuật mới nhằm tối ưu điều trị cho người bệnh trong khu vực. 

Đơn vị đột quỵ thuộc khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai thành lập tháng 1/2019, mỗi năm thu dung khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó 80% là nhồi máu não. Đơn vị đột quỵ đã thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, đang từng bước phát triển và kế hoạch triển khai lấy huyết khối bằng dụng cụ trong 2 năm tới. Đơn vị đã được WSO trao 6 chứng nhận Vàng.

Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Ninh Bình là đơn vị duy nhất của tỉnh Ninh Bình có khả năng điều trị đột quỵ. Khoa Đột Quỵ được thành lập vào tháng 6/2017 với 47 giường. Nhân lực gồm 7 bác sĩ và 12 điều dưỡng, Khoa đã từng bước không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, và trở thành đơn vị uy tín và được tin tưởng cho các bệnh nhân đột quỵ trong tỉnh. Mỗi quý khoa tiếp nhận và điều trị 400-450 bệnh nhân. Bắt đầu tham gia quản lý chất lượng từ 2019, bệnh viện đã liên tục duy trì được giải thưởng Vàng.

Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Nguyễn Trãi thành lập vào năm 2020, bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2022. Với hơn 2 năm, đơn vị đã từng bước không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Đây là giải thưởng Vàng lần thứ 2 của Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trực thuộc khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện. Với đội ngũ 10 bác sĩ và 32 Điều dưỡng, Đơn vị điều trị khoảng hơn 200 bệnh nhân đột quỵ 1 quý. Bệnh viện bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2022. 2 năm qua, đơn vị đã từng bước không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Đây là giải thưởng Vàng lần thứ 4 của bệnh viện. 
Đơn vị Đột quỵ bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị thành lập vào năm 2017, là một đơn nguyên thuộc Khoa Hồi sức tích cực chống độc với nhân sự gồm 14 bác sĩ, 34 điều dưỡng và 2 hộ lý. Bắt đầu tham gia quản lý chất lượng bằng RES-Q vào năm 2019. Với hơn 6 năm, đơn vị đã từng bước không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân.
Đơn vị đột quỵ não thuộc khoa Thần kinh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2008. Đến nay, đội ngũ cán bộ, viên chức của Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) dần ổn định với 42 cán bộ (trong đó có 11 bác sĩ, 1 bác sĩ CK II, 1 đang học nghiên cứu sinh, 2 bác sĩ CKI, 3 cao học...); 130 giường thực kê/65 giường bệnh kế hoạch. Mỗi quý tiếp nhận và điều trị 400 bệnh nhân. Từ 2019 đến nay bệnh viện luôn duy trì được giải thường Vàng của WSO.
Đơn vị Đột Quỵ Bệnh viện Thanh Nhàn thành lập năm 2016, với 30 giường đột quỵ, 10 bác sĩ và 28 điều dưỡng. Mỗi quý đơn vị Đột Quỵ điều trị khoảng 300 bệnh nhân. Năm nay là năm đầu tiên bệnh viện tham gia quản lý chất lượng RES-Q và bệnh viện đã nhận được giải thưởng Vàng.  
Đơn vị đột quỵ trực thuộc khoa Nội Thần kinh Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức - được thành lập 19/8/2020 - là Đơn vị điều trị đột quỵ hoàn chỉnh cả tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và lấy huyết khối tại khu vực phía đông TPHCM. Đơn vị điều trị khoảng 600-700 ca đột quỵ não hàng năm.
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long thành lập năm 2020 trực thuộc Khoa Nội Tim mạch - Lão học, là bệnh viện công duy nhất có ĐVĐQ tại Vĩnh Long, với nhân lực 20 BS (với 4 bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ) và 34 điều dưỡng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đơn vị tham gia QLCL bằng Res-Q và đã đạt 4 giải Vàng.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-CuBa Đồng Hới là bệnh viện duy nhất tại Quảng Bình thực hiện điều trị đột quỵ bằng phương pháp tái thông. Đơn vị đột quỵ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới được thành lập 2018, với quy mô 32 giường, đã và đang chăm sóc, điều trị cho hơn 200 bệnh nhân đột quỵ trong 1 quý. Đơn vị đã duy trì liên tục chứng nhận Vàng trong suốt 4 quý liên tiếp. 
Đơn vị Đột Quỵ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được thành lập năm 2017 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực chống độc với quy mô 30 giường, nhân lực gồm 8 bác sĩ, 19 điều dưỡng, 4 hộ lý, khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 160 bệnh nhân mỗi quý. Tuy mới tham gia quản lý chất lượng năm nay nhưng khoa đã đạt được giải thưởng Vàng và đang phấn đấu giải thưởng cao hơn trong năm 2024.

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á được thành lập vào năm 2017 và đã không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện có quy mô 100 giường, với đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế trực 24/24, đảm bảo công tác cấp cứu bệnh nhân đột quỵ luôn được tiến hành với chất lượng cao nhất. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã vinh dự nhận được giải thưởng vàng của Hội đột quỵ thế giới đến nay 4 lần liên tiếp. 

Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh là bệnh viện đa khoa thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, trong đó Đơn vị đột quỵ là mũi nhọn của Bệnh viện. Được thành lập năm 2020, Đơn vị đột quỵ - Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh đã và đang chăm sóc, điều trị cho hơn 100 bệnh nhân đột quỵ trong 1 quý. Bắt đầu tham gia quản lý chất lượng cấp cứu, điều trị đột quỵ bằng RES-Q vào năm 2022, Đơn vị đột quỵ - BV Xuyên Á Tây Ninh duy trì liên tục đạt chứng nhận Vàng trong suốt nhiều quý liên tiếp. 

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long được thành lập vào năm 2018 và đã không ngừng cải thiện chất lượng quy trình điều trị đột quỵ, rút ngắn cửa sổ điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện có quy mô 25 giường, với đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế trực 24/24, đảm bảo công tác cấp cứu bệnh nhân đột quỵ luôn được tiến hành với chất lượng cao nhất. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã vinh dự nhận được giải thưởng vàng của Hội đột quỵ thế giới đến nay 4 lần liên tiếp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X