An Giang có 3 bệnh viện liên tiếp nhận giải Bạch Kim thế giới về điều trị đột quỵ
Trong quý 2, tỉnh An Giang có 3 bệnh viện nhận Chứng nhận Bạch Kim do Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ. Đó là Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Đặc biệt, chứng nhận lần này do chính tay GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới 2024 - 2026 trao trực tiếp tại TPHCM vào ngày 18/8/2023 vừa qua.
Giải thưởng này không chỉ vinh danh và công nhận cho những nỗ lực của các đơn vị đột quỵ của 3 bệnh viện, mà điều quan trọng nhất là cho thấy rằng, ngay tại khu vực Tây Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng, bệnh nhân đột quỵ hoàn toàn có thể được điều trị tối ưu nhất, áp dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến, ngang bằng với chuẩn của các trung tâm đột quỵ trên thế giới.
Được biết, quy trình đánh giá giải thưởng được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, chứng nhận do WSO trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn mà sẽ đánh giá theo từng quý, nếu vẫn đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được tái cấp.
Theo đó, Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Tim mạch An Giang thành lập năm 2018 trực thuộc Khoa Cấp cứu. Đây là bệnh viện chuyên khoa Tim mạch duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long có Đơn vị đột quỵ, với nhân lực 11 bác sĩ và 19 điều dưỡng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp đơn vị tham gia quản lý chất lượng bằng Res-Q, đã đạt 3 giải Vàng trước đó và là quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện đạt giải Bạch Kim. Bệnh viện không ngừng cải tiến chất lượng, tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian cửa kim và mang đến nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân đột quỵ.
Trung bình mỗi năm Bệnh viện Tim mạch An Giang cấp cứu khoảng 800 bệnh nhân đột quỵ thông qua quy trình báo động đỏ đột quỵ. Đây là quy trình được Ban Giám đốc và Hội đồng khoa học kỹ thuật bệnh viện xây dựng đảm bảo bệnh nhân đột quỵ được thăm khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính não và dùng thuốc tiêu sợi huyết sớm nhất có thể trong cửa sổ 3-4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng.
Phát huy các thành tựu đã đạt được, Bệnh viện Tim mạch An Giang tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới hội chẩn từ xa, phát hiện sớm đột quỵ, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm giúp rút ngắn hơn nữa thời gian chẩn đoán và điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong đột quỵ.
Địa chỉ: Số 8 Nguyễn Du, Phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang
Điện thoại: 029 6395 4832
Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang thành lập năm 2019 trực thuộc Khoa Hồi sức Cấp cứu, hiện nay là Khoa Can thiệp tim mạch - Đột quỵ. Tuy là bệnh viện được phân tuyến hạng 2 nhưng đã triển khai đầy đủ các kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hay lấy huyết khối bằng dụng cụ, với nhân lực 11 bác sĩ và 20 điều dưỡng và Kỹ thuật viên. Đây là Quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện tham gia quản lý chất lượng bằng Res-Q và đã đạt giải Bạch Kim, Bệnh viện phấn đấu sẽ đạt giải Kim Cương vào năm 2024.
Địa chỉ: Số 917, đường Tôn Đức Thắng, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Điện thoại khoa cấp cứu: 029 6355 0705
Cơ sở thứ 3 tại An Giang được trao giải thưởng trong quý 2/2023 đó là Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang. Cơ sở y tế này đã sớm tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ từ năm 2018 do Khoa Nội Thần kinh phụ trách và bệnh viện đang từng bước hoàn thiện các kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp, với nhân lực 8 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Đây là Quý đầu tiên bệnh viện tham gia QLCL bằng Res-Q và đã đạt giải Bạch Kim.
Địa chỉ: 60 Ung Văn Khiêm, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên
Điện thoại: 029 6385 2989 - 029 6385 2862
Không dừng lại ở đó, Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, phấn đấu nhận giải thưởng Kim Cương của WSO.
Đây là 3 cơ sở y tế nằm trong danh sách 36 bệnh viện trên cả nước đạt chuẩn thế giới về điều trị đột quỵ trong quý II/2023.
7 Tiêu chí khắt khe đạt giải thưởng Bạch Kim của Hội Đột quỵ Thế giới: - Ít nhất 75% số bệnh nhân đột quỵ cấp được bắt đầu điều trị tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 60 phút từ khi nhập viện. - Ít nhất 75% số bệnh nhân đột quỵ cấp được bắt điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ trong vòng 120 phút từ khi nhập viện. - Tỷ lệ điều trị tái thông đạt ít nhất 15% tổng số bệnh nhân nhập viện. - Toàn bộ bệnh nhân (100%) nghi ngờ đột quỵ cấp đều được khảo sát hình ảnh học CT/ MRI sọ não sớm. Ngoài ra, các tiêu chí về điều trị bệnh nhân sau khi được tái thông đều được tuân thủ gần như tuyệt đối (gần 100%) bao gồm: tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình