Hotline 24/7
08983-08983

“Cấp cứu đột quỵ - Tuyệt đối không chần chừ vì bậc thang điều trị”

Đây là nhận định của GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trong một chương trình hội nghị diễn ra tại Cần Thơ.

Chuyên đề “Nhồi máu não” trong Chương trình đào tạo y khoa liên tục CME “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành” năm 2022 do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức cuối tuần qua đem đến những thông tin hữu ích, quý giá trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh đột quỵ.

Khóa học “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành” năm 2022 với 40 bài báo cáo và quy tụ hơn 300 người tham dự từ trong nước và quốc tế

Năm 2030, dự kiến 22 triệu người bị đột quỵ và 7,8 triệu người tử vong

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam mở đầu chương trình hội nghị với đề tài “Mô hình điều trị đột quỵ ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh căn bệnh này trên thế giới và cả Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Chuyên gia dẫn chứng, nếu không hạ huyết áp, cholesterol, cải thiện chế độ ăn và ngừng hút thuốc thì con số này sẽ gia tăng, dự kiến đến năm 2030, đột quỵ lần đầu ước tính khoảng 22 triệu người và 7,8 triệu người tử vong, trong khi đó con số này năm 2010 là 16,9 triệu người và 5,9 triệu người. Đồng thời, căn bệnh này để lại nhiều gánh nặng cho xã hội, tăng tỉ lệ tái nhập viện và chi phí chăm sóc. Năm 2015, tổng chi phí cho đột quỵ ở Mỹ là 66,3 tỷ USD, dự kiến 2035 là 143 tỷ USD.

Ở Việt Nam chưa có thông kê cụ thể, nhưng năm 2012, Bộ Y tế và một số nhóm đã làm thống kê tại các bệnh viện, ghi nhận tỉ lệ chảy máu não khoảng 40-50%, tử vong trong 28 ngày (51% chảy máu não, 20% nhồi mãu não), bệnh nhân nhập viện trung bình là 42 giờ.

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam

Chuyên gia nhận định, thế giới và Việt Nam có những sự khác biệt trong tổ chức điều trị đột quỵ. Điểm chung của một số quốc gia như Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Đức, Áo, Mỹ là điều trị đột quỵ kết hợp phục hồi chức năng và tất cả điều này đều được tổ chức thực hiện tại khoa Thần kinh.

Hệ thống tổ chức đột quỵ tại Việt Nam bao gồm Đội Đột quỵ, Đơn vị Đột quỵ, Khoa Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ. Trong khi đó, trên thế giới hầu hết không có khoa Đột quỵ, thường chỉ có Đơn vị Đột quỵ sơ khởi hoặc Đơn vị Đột quỵ hoàn chỉnh.

“Tại Việt Nam, chưa nơi nào có Trung tâm Đột quỵ hoàn chỉnh, vì còn thiếu nhiều yếu tố. Điển hình có nơi không có Phục hồi chức năng tại chỗ hay Can thiệp tại chỗ. Hiện, chỉ có duy nhất Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ có cơ cấu Phục hồi chức năng trong Đột quỵ, còn lại hầu hết đều là khoa riêng biệt nên không đảm bảo phục hồi chức năng sớm ngay cho bệnh nhân từ đầu”. Vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh rằng, cần lưu ý điều này trong chiến thuật điều trị cho bệnh nhân.

Hiện, trên cả nước đã có gần 100 cơ sở sẵn sàng thu dung, điều trị đột quỵ. Hầu hết mỗi tỉnh thành đều có 1-2 cơ sở, tuy nhiên ông đánh giá “nhiều tỉnh thành lực lượng này còn rất mỏng khi chỉ có 1 cơ sở y tế điều trị đột quỵ. Riêng S.I.S Cần Thơ là bệnh viện chuyên ngành đầu tiên về đột quỵ, đây là mũi nhọn phát triển và là mô hình cho các nơi học tập.

Ngoài ra, tại Việt Nam vẫn còn đang tồn đọng “bậc thang điều trị”, từ xã đến huyện, rồi mới đến tỉnh và trung ương. “Điều này cần phải cải cách. Khi không có điều kiện chữa trị thì không nên giữ bệnh nhân mà nên chuyển đến nơi có khả năng điều trị, can thiệp đột quỵ. Tuyệt đối không chần chừ vì bậc thang điều trị, như vậy sẽ mất thời gian, cơ hội vàng của người bệnh” - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam khuyến nghị.

Bệnh nhân đột quỵ có thể được cứu sống ngay trên xe cấp cứu

Trong bài báo cáo “Cập nhật điều trị đột quỵ cấp”, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết, đối với điều trị đột quỵ hiện nay, cho dù lựa chọn tái thông bằng rt-PA tĩnh mạch hay lấy huyết khối dụng cụ thì thời gian vẫn được xem là yếu tố quan trọng nhất. Việc tái thông càng sớm chắc chắn càng mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu kinh điển người ta thấy rằng, khi tắc động mạch não giữa, mỗi phút trôi qua sẽ mất khoảng 1,9 triệu nơron thần kinh không thể hồi phục, tương đương với thời gian già đi khoảng 3 tuần. Một bệnh nhân bị đột quỵ có thể già đi 36 tuổi. “Như vậy, đột quỵ có thể khiến một cô gái trẻ ngoài 30 trở thành “bà lão”, vì lượng nhu mô não tương đương với người gần 70 tuổi”.

Vì vậy, trong tất cả các nghiên cứu gần đây tập trung chủ yếu vào việc rút ngắn các cửa sổ thời gian, nâng cao tối đa hiệu quả của điều trị. Trong đó có mô hình Mobile Stroke Unit (Đơn vị đột quỵ lưu động), bệnh nhân sẽ được chụp CT-Scan, liên hệ trực tuyến qua video với trung tâm đột quỵ gần đó và sử dụng rt-PA đường tĩnh mạch ngay trên xe cấp cứu thay vì phải chờ đến bệnh viện.

Nghiên cứu cho thấy, mô hình này mang đến những kết quả ngoạn mục, với 33% bệnh nhân được điều trị trong cửa sổ “kim cương” - trong vòng 60 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng. Con số này gấp 11 lần so với việc điều trị thường quy, ngay cả tại Hoa Kỳ - quốc gia có tốc độ điều trị đột quỵ được xem là nhanh nhất thế giới cũng chỉ có 3% bệnh nhân được điều trị trong cửa sổ “kim cương”. Điều quan trọng hơn là việc rút ngắn thời gian điều trị với mô hình xe cấp cứu lưu động đã góp phần giảm tỷ lệ tàn phế và thêm 10% bệnh nhân phục hồi tốt. “Đây là sự khác biệt rất lớn” - PGS Nguyễn Huy Thắng đánh giá.

Còn đối với bệnh nhân vào viện ngoài cửa sổ tĩnh mạch thường quy (sau 4,5 giờ), việc đưa thẳng vào phòng DSA (nếu bệnh nhân có NIHSS từ 10 trở lên và nghi ngờ tắc động mạch lớn) được nghiên cứu chứng minh giúp tăng tỷ lệ phục hồi, giảm các biến cố xuất huyết, tàn phế và tử vong so với điều trị thường quy (bệnh nhân đến bệnh viện, chụp CT, CTA và chuyển DSA).

Với quy trình đưa trực tiếp vào phòng DSA, thời gian nhập viện đến khi được đâm kim chỉ 18 phút (rút ngắn được 24 phút so với nhóm thường quy 42 phút) và thời gian từ lúc nhập viện đến khi tái thông chỉ có 57 phút (nhóm thường quy là 84 phút). “Đây là con số cực kỳ trong mơ, làm giảm rõ rệt các cửa sổ điều trị, tăng tỷ lệ điều trị can thiệp nội mạch, cải thiện lâm sàng rõ rệt" - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM nhấn mạnh.

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM

Song song với việc rút ngắn thời gian, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho rằng, còn phải có giải pháp để kéo dài ngưỡng chịu đựng của tế bào não trong thời gian chờ đợi tái thông. Bởi đối với tế bào não có hai yếu tố quan trọng để quyết định thời gian chết, đó là thời gian tắc động mạch lớn kéo dài bao lâu và lưu lượng máu lên não ở mức độ nào. Neuroprotection được cho là giải pháp điều trị cộng thêm để kéo dài ngưỡng chịu đựng của vùng tranh tối tranh sáng, làm tăng hiệu quả điều trị tái thông.

Hiện nay, xu hướng trên thế giới đó là sử dụng song song Neuroprotection (đặc biệt là Cerebrolysin) với rTPA tĩnh mạch mang lại lợi ích hơn là việc sử dụng Neuroprotection 1-2 tuần sau khi điều trị tái thông. Giải pháp này mở ra thêm cơ hội điều trị cho bệnh nhân.

Kháng thể đơn dòng, thuốc ức chế gen: Mở ra “cánh cửa” tương lai giảm LDL-C hiệu quả

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cũng góp mặt trong một bài báo cáo khác thu hút không kém “Vai trò của kiểm soát LDL-C trong phòng ngừa đột quỵ thứ phát”. Chuyên gia nhấn mạnh, đối với dân số hiện nay, rõ ràng lượng Cholesterol thấp cũng không tốt, bởi vì điều này có thể làm tăng biến cố về xuất huyết. Do vậy, với một người bình thường, nếu không có yếu tố nguy cơ thì không nên hạ LDL quá thấp, vì sẽ không mang lại lợi ích. Ngược lại, việc giảm LDL chắc chắn sẽ mang lại lợi ích làm giảm các biến cố đột quỵ tiên phát hay thứ phát.

“Mức LDL càng thấp hiệu quả phòng ngừa giảm biến cố đột quỵ càng cao. Để đạt được LDL, nếu chỉ sử dụng statin, thậm chí thêm Ezetimibe thì việc đạt được các mục tiêu đặc biệt trên các bệnh nhân nguy cơ cao là rất khó.

Do đó, việc ra đời của các kháng thể đơn dòng, các thuốc ức chế gen là cơ hội mới để giảm LDL hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những thuốc này vẫn đang ở pha IV để chứng minh được việc giảm LDL có thể làm giảm trực tiếp biến cố đột quỵ hoặc tim mạch cho bệnh nhân” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết.

Chuyên đề "Nhồi máu não" trong hội nghị có 7 bài báo cáo bằng tiếng Anh với nhiều nội dung thú vị từ vấn đề Chẩn đoán hình ảnh, đến điều trị, ứng dụng Robot trong can thiệp...

Bên cạnh đó, trong phiên Nhồi máu não, hội nghị cũng có 7 bài báo cáo bằng tiếng Anh như Các chiến lược hình ảnh tốt nhất để đánh giá bệnh nhân LVO trước khi điều trị tPA tĩnh mạch từ GS Blaise Baxter - Chủ tịch Hiệp hội Can thiệp Thần kinh Mỹ; Điều trị tắc mạch lớn bằng dụng cụ cơ học không dùng thuốc tiêu sợi huyết từ GS.TS.BS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam; Chuyển đổi việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trong liệu pháp điều trị đột quỵ có hướng dẫn bằng hình ảnh (đột quỵ một lần) từ BS Kenneth Ho; MRI trong đột quỵ cấp tính với kinh nghiệm ở Malaysia từ BS Sobri Muda. Đặc biệt là đề cập đến ứng dụng công nghệ robot mở ra một điểm sáng đầy triển vọng trong điều trị, can thiệp với bài báo cáo Can thiệp mạch vành qua da có hỗ trợ bằng robot từ PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng.

Đây là điểm nhấn khác biệt của hội nghị, cho thấy sự đầu tư, tinh tế xứng tầm “quốc tế”, đồng thời cũng là sự khích lệ các bác sĩ trẻ sử dụng tiếng Anh như một phương tiện để nghiên cứu, cập nhật kiến thức của đồng nghiệp các nước mỗi ngày.

Hội nghị do Bệnh viện S.I.S Cần Thơ tổ chức thu hút nhiều báo cáo viên và người tham dự quốc tế

Năm 2022, khóa học “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành” diễn ra trong 3 ngày 15-17/9, quy tụ 300 người tham dự với 40 bài báo cáo, giảng dạy của các chuyên gia trong lớp và nước ngoài đến từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị đột quỵ, cũng như định hướng việc phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho các tỉnh thành Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.

Trong đó, ngày 15 và 16/9, hội nghị đề cập đến các kiến thức mới, được sắp xếp cụ thể theo các chuyên đề: nhồi máu não, xuất huyết não, bệnh lý mạch máu não-tủy. Song song đó các chuyên gia sẽ cùng người tham dự thảo luận về những ca lâm sàng-live cases. “Đặc sản” của khoá học là chương trình đào tạo thực hành các ca lâm sàng (đặt stent nội sọ, stent chuyển dòng…) và thực hành can thiệp lấy huyết khối trên động vật - animal lab diễn ra vào ngày cuối cùng của hội nghị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X