Hội nghị Cập nhật Chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành lần thứ 4 có gì mới?
Đây là lần thứ 4 hội nghị mang tầm quốc tế về điều trị, can thiệp thần kinh - đột quỵ được tổ chức tại Cần Thơ. Với 40 bài báo cáo từ các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước, hội nghị đem đến nhiều thông tin cập nhật thú vị. Đặc biệt, tập trung chủ yếu vào vấn đề can thiệp là sự thay đổi đáng chú ý của hội nghị năm nay.
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 300 y bác sĩ đến từ các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế
Chương trình đào tạo y khoa liên tục CME “Cập nhật Chẩn đoán và điều trị đột quỵ - Từ lý thuyết đến thực hành” là hội nghị thường niên trong khóa học Asian Stroke Summer School do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức.
TS.BS Trần Chí Cường - Người góp công lớn trong việc đưa khóa học hữu ích này về Việt Nam nhận định, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, sau COVID-19 dường như bệnh đột quỵ trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có sự gia tăng đáng kể bệnh nhân đột quỵ, nhất là các ca đông máu bất thường ở tĩnh mạch não, động mạch não, động mạch phổi, động mạch vành…
“Điều đáng nói, các ca đột quỵ ngày ngày trẻ hoá, thậm chí có trẻ em chỉ mới 4 tuổi cũng bị đột quỵ do tắc động mạch nội sọ, điều mà trước đây vô cùng hiếm gặp. Chính sự gia tăng này, đòi hỏi các Trung tâm - Bệnh viện có chuyên khoa điều trị đột quỵ bên cạnh có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại thì điều cần thiết chính là đội ngũ y bác sĩ kinh nghiệm”.
Do đó, nội dung lớp đào tạo năm 2022 được đánh giá rất cần thiết cho thực hành lâm sàng nhiều chuyên khoa như Nội-Ngoại thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Hồi sức cấp cứu, Can thiệp Nội mạch Thần kinh. Trên hết, khóa học cũng đặc biệt hữu ích với các bệnh viện có máy DSA và chuẩn bị thành lập Đơn vị Đột quỵ.
Hội nghị quy tụ cây đa, cây đề trong lĩnh vực thần kinh-đột quỵ. Trong hình là GS Blaise Baxter - Chủ tịch Hiệp hội Can thiệp Thần kinh Mỹ.
Năm 2022, khóa học diễn ra trong 3 ngày 15-17/9, quy tụ 300 người tham dự với 40 bài báo cáo, giảng dạy của các chuyên gia trong lớp và nước ngoài đến từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị đột quỵ, cũng như định hướng việc phối hợp xây dựng mạng lưới cấp cứu, can thiệp đột quỵ cho các tỉnh thành Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.
Trong đó, ngày 15 và 16/9, hội nghị đề cập đến các kiến thức mới, được sắp xếp cụ thể theo các chuyên đề: nhồi máu não, xuất huyết não, bệnh lý mạch máu não-tủy. Song song đó các chuyên gia sẽ cùng người tham dự thảo luận về những ca lâm sàng-live cases. “Đặc sản” của khoá học là chương trình đào tạo thực hành các ca lâm sàng (đặt stent nội sọ, stent chuyển dòng…) và thực hành can thiệp lấy huyết khối trên động vật - animal lab sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng của hội nghị.
Đặc biệt, từ năm 2022 sẽ có bước dịch chuyển mới, tên chương trình thay đổi từ “Stroke Summer School” thành “Stroke Intervention School” và can thiệp thần kinh-đột quỵ sẽ trở thành trọng tâm của khóa học, thay vì bao quát nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến Nội thần kinh như các khóa học trước.
Theo TS.BS Trần Chí Cường, sự thay đổi này là cần thiết. Bởi vì hiện nay, về vấn đề Nội Thần kinh tại Việt Nam đã có nhiều khóa đào tạo được tổ chức bởi các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm. Với việc tập trung về can thiệp sẽ tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận nhiều hơn cho các bác sĩ có định hướng Can thiệp Nội mạch Thần kinh.
Chuyên gia kỳ vọng, với tinh thần cầu tiến, khóa học sẽ đem đến tinh thần tương tác - trao đổi thẳng thắn giữa người tham dự và chuyên gia, để từ đó mở ra cơ hội học hỏi, trau dồi, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn.
GS.TS.BS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đánh giá cao các chương trình đào tạo liên tục do S.I.S Cần Thơ tổ chức, cũng như các trang thiết bị hiện đại được đầu tư tại đây
GS.TS.BS Phạm Minh Thông đánh giá, chương trình đào tạo liên tục của S.I.S Cần Thơ rất quan trọng. Hội thảo quy tụ các chuyên gia trong nước và đặc biệt là quốc tế phổ biến kiến thức, đào tạo, cập nhật tất cả các vấn đề trong lĩnh vực của đột quỵ. Đây là dịp để các bác sĩ trẻ, bác sĩ từ trong và ngoài nước lĩnh hội kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ, cũng như có thêm các về các kỹ thuật mới trên thế giới.
Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cũng nhấn mạnh, ngành Điện quang Can thiệp Thần kinh ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, kể từ khi bắt đầu triển khai trên bệnh nhân đầu tiên năm 1999 tại Bạch Mai đến nay đội ngũ can thiệp thần kinh đã phát triển đến các trung tâm trên cả nước. Đặc biệt, trên bản đồ y khoa thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia đang thực hiện tốt về chẩn đoán, điều trị đột quỵ với rtPA cũng như can thiệp nội mạch.
“Trong đó, có thể nói, S.I.S Cần Thơ là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong can thiệp thần kinh đột quỵ, tập hợp đội chuyên gia lành nghề và các bác sĩ trẻ cùng với trang thiết bị hiện đại. Hằng năm, theo thống kê, S.I.S Cần Thơ điều trị cho hàng trăm ca tắc mạch não, tương đương với các bệnh viện lớn trong nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 hay Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh viện cũng vừa trang bị robot Corindus để can thiệp mạch máu, đây là hệ thống đầu tiên của Đông Nam Á. Có lẽ, trong nước chưa có bệnh viện nào trang bị nhiều thiết bị hiện đại như S.I.S Cần Thơ. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì như vậy, người dân trong nước, đặc biệt là trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thụ hưởng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ”.
Hệ thống can thiệp mạch máu robot Corindus đầu tiên tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á mới được trang bị tại S.I.S Cần Thơ
Trong chương trình hội nghị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng tổng kết những con số đáng chú ý về hoạt động của bệnh viện. Sau 3 năm hoạt động, bệnh viện đã khám, điều trị cho hơn 189.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 82.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị đột quỵ, đa số bệnh nhân ở các tỉnh miền tây cũng như các khu vực trên cả nước.
Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu trung bình khoảng 30-50 bệnh nhân. Bệnh nhân đến trước trong “thời gian vàng” trước 6 giờ cấp cứu đạt khoảng 20%. TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh, những con số này đã chứng minh hiệu quả cấp cứu tại khu vực miền Tây ngày càng được nâng cao, tốt hơn nhiều so với trước đây do cải thiện được việc di chuyển lên TPHCM làm trễ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.
Với việc ngày càng nâng cao chất lượng điều trị, can thiệp đột quỵ, S.I.S Cần Thơ nhận được chứng nhận Bạch Kim của Hội đột quỵ thế giới (WSO). Song song với công tác điều trị, đào tạo, Bệnh viện còn triển khai nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng như trao tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo tại Cà Mau, cùng nhiều phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo bị đột quỵ cũng đã trao tặng gần 8,8 tỷ đồng cho 941 bệnh nhân. Hiện, công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đã vượt 169%, công suất sử dụng giường thực kê cũng vượt 107%.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình