Hotline 24/7
08983-08983

Khó thở là dấu hiệu của bệnh gì? Nên làm gì khi bị khó thở?

Khó thở là tình trạng phổ biến, hầu như ai cũng từng gặp qua. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên chia sẻ với bạn đọc AloBacsi: khó thở là biểu hiện của những bệnh gì, cách phân biệt khó thở do bệnh tim và bệnh hô hấp, cách phòng tránh khó thở…

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thế nào là khó thở?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Khó thở là triệu chứng chủ quan, do người bệnh cảm nhận được, thường được mô tả là cảm giác không thoải mái hoặc khó khăn trong việc hít thở. Một số người còn miêu tả khó thở bằng các cụm từ như hụt hơi, nghẹt thở, thiếu dưỡng khí, căng tức ngực, không thể hít sâu hoặc phải gắng sức để thở.

Trong một số hoàn cảnh như khi phải gắng sức quá mức, nhiệt độ môi trường quá nóng hay quá lạnh, béo phì hoặc khi mới lên tới vùng cao, người bình thường có thể gặp phải triệu chứng khó thở. Nếu đã loại trừ những tình huống này mà có khó thở thì thường liên quan tới vấn đề về sức khoẻ.

Khó thở có thể xuất hiện cấp tính trong vài phút đến vài giờ; hoặc kéo dài nhiều tuần nhiều tháng, còn gọi là khó thở mạn tính.

2. Khó thở là dấu hiện của những bệnh gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Khó thở cấp tính thường đi kèm một số triệu chứng khác giúp gợi ý nguyên nhân, ví dụ như do phản ứng phản vệ (do thức ăn, do thuốc), cơn hen, nhiễm trùng hô hấp dưới, tắc nghẽn phế quản do dị vật, tắc mạch phổi do cục máu đông, tràn khí màng phổi, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim cấp...

Khó thở mạn tính thường dai dẳng và đôi khi tự khỏi rồi lại tái phát, nguyên nhân có thể do hen (khó thở từng đợt), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh phổi mô kẽ, bệnh cơ tim, tăng áp phổi, suy tim mạn, thiếu máu, bệnh lý thần kinh cơ, tràn dịch màng phổi, ung thư phổi, các bệnh lý mạn tính gây suy yếu cơ thể như bệnh gan, bệnh thận, các rối loạn nội tiết...

Ngoài ra, để xác định nguyên nhân khó thở, người ta còn dựa vào một số tính chất khác như hoàn cảnh khởi phát (khó thở khi nằm, khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm), các triệu chứng đi kèm, các yếu tố làm tăng giảm khó thở...

alobacsi ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc ThạchThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

3. Khó thở khi nằm có thể do nguyên nhân gì?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Khó thở khi nằm thường xảy ra do sung huyết phổi, khi ở tư thế nằm ngang, một lượng máu lớn ở chi dưới và ổ bụng di chuyển về phổi, ở người khoẻ mạnh điều này ít gây ảnh hưởng. Nhưng ở bệnh nhân suy tim, họ thường sẽ cảm thấy khó thở do hệ thống tuần hoàn phổi bị quá tải, dịch thoát ra mô kẽ gây phù phổi. Triệu chứng khó thở sẽ cải thiện khi bệnh nhân ngồi hoặc đứng dậy.

Một số người bệnh béo bụng hoặc bệnh lý thần kinh - cơ gây yếu cơ hô hấp hoặc một số bệnh mạn tính khác cũng thường than phiền về tình trạng khó thở khi nằm nặng hơn khi ngồi hoặc đúng, do tăng công hô hấp khi nằm và do áp lực ổ bụng tăng cao.

4. Nên làm gì khi bị khó thở?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Khó thở cấp tính đôi khi là tình trạng nguy hiểm tính mạng nên cần phải nhờ người xung quanh hỗ trợ và gọi cấp cứu ngay, đặc biệt là khi người bệnh có tình trạng bệnh tim mạch mạn tính, có đau ngực nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp, khó thở nặng, ảnh hưởng đi lại sinh hoạt bình thường, ngất, thay đổi tri giác hoặc có tiền căn phản vệ.

Các trường hợp khó thở mạn tính hầu như phải tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh nền thì triệu chứng mới thuyên giảm, nên khám sớm nếu có kèm phù chân, khó thở khi nằm, sốt cao, khò khè hoặc tình trạng nặng lên của bệnh lý gây khó thở sẵn có.

5. Cách nhận biết khó thở do bệnh tim hay bệnh hô hấp?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Người bệnh có thể dựa vào các triệu chứng liên quan và bệnh nền sẵn có để dự đoán nguyên nhân khó thở và lựa chọn khám chuyên khoa phù hợp.

Ví dụ như ở người có bệnh tim mạch trước đây, lần này khó thở kèm phù chân, tiểu ít, khó thở khi nằm, khó thở kịch phát về đêm, khó thở kèm đau nặng ngực hoặc cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh trước khởi phát khó thở thì nhiều khả năng là do nguyên nhân tim mạch.

Nếu bệnh nhân có bệnh nền là bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi cũ, tình trạng khó thở đi kèm với sốt, ho đàm vàng xanh, khò khè, đau ngực khi hít sâu hoặc khi ho, thường gợi ý do nguyên nhân tại phổi và nên khám chuyên khoa Hô hấp.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa trên kỹ năng hỏi bệnh và tìm kiếm các dấu hiệu thực thể để làm rõ nguyên nhân là do tim hay do phổi. Nếu khám đúng chuyên khoa sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn, giúp bác sĩ tiếp cận được bệnh sớm và điều trị kịp thời.

6. Các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân khó thở gồm những gì?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Các xét nghiệm được chỉ định ở bệnh nhân khó thở sẽ được sắp xếp theo mức độ ưu tiên, tuỳ theo nguyên nhân nghi ngờ khi hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng.

Xét nghiệm ban đầu thường bao gồm công thức máu (tổng phân tích tế bào máu), BNP hay ProBNP, khí máu động mạch, X-quang phổi, điện tâm đồ, hô hấp ký, điện giải đồ, chức năng thận, đường huyết, chức năng tuyến giáp, siêu âm tim, đo gắng sức tim mạch hô hấp CPET...

7. Đo đo hô hấp ký được tiến hành như thế nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Quá trình hô hấp bình thường diễn ra qua nhiều giai đoạn phức tạp bao gồm: thông khí, trao đổi khí qua màng phế nang mao mạch, vận chuyển khí trong máu và hô hấp tế bào. Hiện nay, chưa có phương pháp thăm dò nào có thể đánh giá tất cả các giai đoạn nêu trên.

Trong thực tiễn lâm sàng, các bác sĩ cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá đầy đủ chức năng của hệ hô hấp như: hô hấp ký, phế thân ký, khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch, khí máu động mạch, đo sức cơ hô hấp, đánh giá kháng lực đường dẫn khí, đo gắng sức tim mạch hô hấp...

Hô hấp ký hay phế dung ký là một phần trong các phương pháp thăm dò chức năng hô hấp, cũng là công cụ đơn giản, dễ sử dụng và thường được các bác sĩ hô hấp chỉ định cho nhiều mục đích khác nhau như chẩn đoán, lượng giá, tiên lượng, theo dõi bệnh...

Hô hấp ký đo lường số lượng không khí một người có thể hít vào trong phổi và số lượng không khí và tốc độ dòng khí có thể thở ra nhanh khỏi phổi. Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người đo kỹ thuật để hít vào thật sâu và thở ra hết sức có thể, thông qua một ống gắng vào hệ thống xi-lanh và cảm biến gọi là hô hấp kế.

Để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh phải lặp lại việc hít thở ít nhất ba lần. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ cho người đo dùng một loại thuốc giãn phế quản và tiến hành đo thêm ít nhất 3 lần hít thở nữa, nhằm khảo sát mức độ đáp ứng với thuốc. Thường mất 30 phút để hoàn thành test này.

8. Điều trị khó thở có những phương pháp nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Điều trị khó thở tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ khó thở của người bệnh. Trong hầu hết các trường hợp khó thở nhẹ và mạn tính, điều trị khỏi nguyên nhân thì người bệnh sẽ cải thiện khó thở ngoạn mục.

Đối với khó thở nặng phải nhập cấp cứu, tuỳ theo biểu hiện trên lâm sàng như tình trạng tri giác, huyết động, mức độ oxy và CO2 trong máu, xử trí thông thường sẽ là thở oxy, nằm đầu cao, ổn định huyết động (truyền dịch hoặc thuốc trợ tim) hoặc đặt nội khí quản, thở máy.

Khó thở chỉ là biểu hiện của bệnh, do đó điều trị nguyên nhân mới là chính yếu và cần phải thực hiện càng sớm càng tốt, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân, kể cả khi các phương pháp oxy hoặc hỗ trợ đường thở đã được áp dụng đầy đủ.

9. Những phương pháp không dùng thuốc giúp cải thiện tình trạng khó thở?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Các phương pháp điều trị khó thở không dùng thuốc bao gồm cai thuốc lá, thở oxy, máy trợ thở, nội khí quản, tập phục hồi chức năng hô hấp - tim mạch và chăm sóc giảm nhẹ, trị liệu tâm lý cho các tình trạng bệnh nặng, cuối đời.

Tuỳ theo nguyên nhân và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ xem xét áp dụng và lựa chọn phương pháp phù hợp cho bạn.

10. Khó thở có phòng ngừa được không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Đề phòng ngừa các bệnh lý có thể gây ra khó thở, người bình thường nói chung và người có bệnh mạn tính nói riêng có thể áp dụng một số phương pháp như sau:

- Không hút thuốc lá hoặc cai thuốc lá nếu đang hút. Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh phổi mạn tính và yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng, ngưng thuốc lá càng sớm thì nguy cơ bệnh lý càng giảm mạnh và giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh

- Tránh khói bụi, ô nhiễm, các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, hoá chất bay hơi, tránh những nơi có người hút thuốc lá.

- Tránh thay đổi độ cao và nhiệt độ đột ngột, tránh ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh, đặc biệt là ở người có bệnh phổi mạn tính

- Tập thể dục thường xuyên giúp cải tiện khả năng dung nạp vận động của cơ thể và tăng cường sự dẻo dai, thích nghi của hệ tim mạch, hô hấp.

- Dùng thuốc theo đúng chỉ định nếu có bệnh lý mạn tính, tái khám định kỳ, tầm soát biến chứng theo lịch và báo với bác sĩ sớm khi có biểu hiện khác lạ hoặc khi khó thở vừa mới chớm xuất hiện.

nhận biết khó thở do bệnh tim hay bệnh hô hấp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X