Khò khè, khó thở, khạc đàm… coi chừng bệnh giãn phế quản
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên cho biết giãn phế quản dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác như áp xe phổi, lao phổi tiến triển, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, viêm mũi xoang mạn, viêm phổi hít, trào ngược dạ dày thực quản… vì cùng có triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài.
1. Giãn phế quản là tình trạng như thế nào, gây ra hậu quả gì?
Phế quản là một ống dẫn khí thuộc hệ hô hấp dưới, nằm nối tiếp phía dưới khí quản, ở ngang mức đốt sống ngực 4, 5 sau đó phân chia thành các nhánh nhỏ đi sâu vào trong phổi tạo thành cây phế quản.
Giãn phế quản (bronchiectasis) là bệnh giãn vĩnh viễn, không hồi phục của một hay nhiều phế quản do tổn thương phá hủy cấu trúc thành phế quản. Đây là bệnh mạn tính, tiến triển nặng dần, phế quản bị viêm mạn tính, hệ thống lông chuyển bị phá hủy, đờm nhầy bị tăng tiết quá mức... dẫn đến hàng loạt các triệu chứng và biến chứng quan trọng trên phổi và toàn thân.
Tình trạng này khiến cho bệnh nhân cảm thấy khó thở, giảm khả năng gắng sức và chất lượng cuộc sống. Các đợt bùng lên của triệu chứng hô hấp do bệnh gây ra, thông thường là do nhiễm trùng, sẽ làm cho bệnh tiến triển ngày một xấu đi và bệnh nhân có thể tử vong vì suy hô hấp.
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
2. Nguyên nhân gây giãn phế quản là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản, bao gồm các nguyên nhân bẩm sinh và bệnh di truyền (thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh xơ nang, hội chứng Young, rối loạn vận động lông chuyển), tiền sử nhiễm trùng ở phổi trước đây như lao, nấm, phế quản bị tắc nghẽn do u, dị vật, hạch to, sỏi phế quản..., các rối loạn của hệ miễn dịch như các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus), suy giảm miễn dịch, các vấn đề về nuốt gây ra việc hít phải làm thức ăn hoặc chất lỏng rơi vào phổi, có thể gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Tuy nhiên, trong khoảng 40% trường hợp, nguyên nhân gây giãn phế quản không được xác định. Những trường hợp này được gọi là “chứng giãn phế quản nguyên phát”.
3. Giãn phế quản có triệu chứng gì? Những triệu chứng nào bệnh nhân có thể tự nhận biết?
Triệu chứng thông thường nhất của giãn phế quản là ho đàm mạn tính. Để lắng đờm có 3 lớp: lớp trên là bọt; lớp giữa là nhầy mủ; lớp dưới là mủ đục. Khạc đờm thường tăng lên khi có bội nhiễm. Có một số trường hợp ho khan hoặc không ho (giãn phế quản thể khô ở các thuỳ trên). Các triệu chứng khác có thể bao gồm :
- Khò khè, khó thở
- Sụt cân không chủ ý
- Ho ra máu
- Tức ngực hoặc đau thắt ngực
Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và tiến triển nặng hơn theo thời gian. Các bệnh nhân bị bệnh giãn phế quản thường sẽ chú ý tới việc họ bị viêm phế quản hoặc nhiễm trùng phổi khá thường xuyên và có thể sau 1 đợt viêm phổi hoặc lao phổi từ lúc nhỏ trong. Bệnh nhân bị giãn phế quản có thể mắc kèm viêm mũi xoang góp phần vào triệu chứng ho kéo dài.
4. Giãn phế quản được thăm khám như thế nào, chụp Xquang hay CT?
Ở bệnh nhân giãn phế quản, khám phổi thường thấy ran nổ, ran ẩm. Ran ngáy, ran rít chỉ nghe thấy trong đợt cấp, có khi nghe thấy tiếng thổi giả hang, có thể thấy hội chứng đông đặc co rút khi có xẹp phổi. Bệnh nhân có thể có ngón tay dùi trống hoặc các triệu chứng của tâm phế mạn: phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi,…. Do đó xét nghiệm hình ảnh học đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán xác định.
Bệnh giãn phế quản có thể được phát hiện nhờ hình ảnh X-quang ngực, nhưng hầu như luôn đi kèm với chụp CT ở ngực. Chụp CT sẽ thể hiện vùng và mức độ nặng của bệnh giãn phế quản và một số trường hợp giúp gợi ý nguyên nhân của bệnh này.
5. Bệnh giãn phế quản có dễ nhầm với bệnh nào khác?
Triệu chứng của giãn phế quản dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác như áp xe phổi, lao phổi tiến triển, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, viêm mũi xoang mạn, viêm phổi hít, trào ngược dạ dày thực quản...
6. Điều trị giãn phế quản hiện nay có những phương pháp nào? phẫu thuật có chữa khỏi không?
Giãn phế quản không thể hồi phục được, do đó, điều trị chủ yếu giúp giảm triệu chứng, ngăn chặnn nhiễm trùng và đợt kịch phát, giảm tiến triển của bệnh. Một số bệnh nhân chỉ bị giãn phế quản trong một vùng của phổi, phẫu thuật cắt bỏ phần phổi đó có thể chữa khỏi bệnh.
Tùy vào tình trạng bệnh của từng người, điều trị có thể bao gồm các thuốc kháng sinh, kháng viêm đường hít, thuốc giãn phế quản để giảm khó thở, thuốc long đàm.
Người bệnh được khuyến cáo nên tiêm ngừa cúm và phế cầu để phòng ngừa nhiễm trùng phổi.
Với các trường hợp thiếu oxy mạn có thể phải thở oxy tại nhà.
Quan trọng nhất là phải ngưng thuốc lá, tránh tiếp xúc khói bụi, hoá chất và tập vật lý trị liệu hô hấp.
7. Người bị giãn phế quản thường ho khạc vì có nhiều đờm, làm sao để giảm bớt tình trạng này?
Tình trạng khạc đàm mạn tính là khó tránh trong bệnh giãn phế quản, tuy nhiên, người bệnh có thể giúp cho tình trạng đàm nhiều trở nên dễ chịu hơn nhờ vào lối sống phù hợp. Bệnh nhân nên bổ sung đủ nước, các muối khoáng để đàm loãng, dễ khạc.
Tập vận động thể lực, tập vật lý trị liệu hô hấp và dẫn lưu tư thế có thể hỗ trợ thêm việc đưa đàm ra ngoài, tránh ứ trệ gây tắc nghẽn. Tư thế dẫn lưu nào phù hợp còn tuỳ thuộc vào vị trí phổi bị tổn thương của từng người bệnh.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thêm thuốc long đàm hoặc phun khí dung hàng ngày để hỗ trợ việc loại bỏ đàm nhớt.
Tuy nhiên, nếu lượng đàm tăng lên đột ngột hoặc đàm mủ, đổi màu thường là dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên sắp xếp khám chuyên khoa để điều trị kháng sinh thích hợp.
8. Tình trạng bệnh giãn phế quản như thế nào là nghiêm trọng, được điều trị như thế nào ạ?
Bệnh giãn phế quản thường trầm trọng hơn vào các đợt cấp hay bội nhiễm của bệnh. Các đợt cấp với biểu hiện bởi ho nhiều hơn, khó thở tăng lên, tăng khối lượng đờm và mủ trong đờm. Có thể có các triệu chứng sốt nhẹ và triệu chứng toàn thân (ví dụ, mệt mỏi, khó chịu).
Thông thường dựa trên cơ địa, triệu chứng, độ nặng của đợt cấp, bác sĩ sẽ nhận định tác nhân gây bệnh và điều trị kháng sinh thích hợp, kết hợp với thuốc giãn phế quản đường hít. Corticosteroid dạng hít hoặc uống thường được dùng để điều trị viêm đường hô hấp. Nếu người bệnh có suy hô hấp, cần hỗ trợ thở oxy, thở máy không xâm lấn hoặc đặt nội khí quản.
Một số trường hợp giãn phế quản có biểu hiện ho ra máu nặng, lúc này bệnh nhân sẽ được cầm máu qua nội soi phế quản hoặc can thiệp bằng nút động mạch phế quản.
9. Nên ăn gì khi bị giãn phế quản?
Người bệnh giãn phế quản rất thường gặp các vấn đề về dinh dưỡng như thiếu cân, suy dinh dưỡng do phải tiêu hao nhiều năng lượng và protein, điều này dẫn tới suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức cơ và chức năgn phổi. Một số ít bị béo phì do ít vận động thể chất, có thể diễn tiến tới các bệnh đái tháo đường và tim mạch trong tương lai.
Lý tưởng là nên giữ cân nặng trong giới hạn bình thường với chế độ ăn đa dạng, giàu đạm từ thịt, cá, đậu và hạt; hạn chế các thức ăn chiên xào, có thể sử dụng các loại chất béo “tốt” từ dầu oliu, bơ thực vật, các loại hạt, nên tăng cường chất xơ trong khẩu phần hàng ngày, tăng cường canxi,vitamin D và bổ sung thêm các thực phẩm có men tiêu hoá như sữa chua, phô mai, đặc biệt là sau các đợt nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.
Không nên ăn quá no,dễ gây đầy hơi, khó tiêu và tăng khó thở, nên chia thành 5-6 bữa ăn nhỏ/ngày, ưu tiên thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt. Đặc biệt là phải uống đủ nước để làm loãng đàm, dễ khạc. Nếu sử dụng sữa làm tăng lượng đàm thì nên hạn chế.
10. Người bệnh giãn phế quản nên chơi môn thể thao nào?
Tăng cường vận động thể lực mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân giãn phế quản, môn thể thào cũng đem lại lợi ích, miễn sao vừa sức với người bệnh, đặc biệt đi bộ và bơi lội rất tốt với người bị giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ loại bỏ đàm nhớt hơn.
Người bệnh có thể tìm hiểu thêm các bài tập tăng sức cơ phù hợp tại các cơ sở vật lý trị liệu gần nhà.
11. Hướng dẫn bài tập hít thở dành cho bệnh nhân giãn phế quản
Để tập thở đúng cách, tốt nhất bệnh nhân nên tới trung tâm vật lý trị liệu để được hướng dẫn trực tiếp và kiểm tra việc thực hành tại chỗ trong vài lần đầu. Chu ký hít thở thường bao gồm ba giai đoạn
- Kiểm soát hơi thở: thở nhẹ nhàng, bằng mũi nếu được, giữ vai thư giãn
- Hít sâu, chậm và dài, giữ hơi thở trong 2-3 giây sau đó thở ra nhẹ nhàng, chậm rãi, phần cuối nên dùng lực đẩy hết hơi trong phổi ra
- Thở gấp: Hít thở bằng miệng, tư thế mở. Để thở hổn hển, bạn ép không khí nhanh chóng từ phổi, thoát ra ngoài qua miệng và cổ họng như thể bạn đang cố gắng làm mờ một tấm gương.
12. Những ai có nguy cơ bị giãn phế quản? Cần làm gì để phòng tránh giãn phế quản?
Ở các nước phát triển, người trẻ tuổi ít khi bị giãn phế quản, tần suất mắc bệnh cao chủ yếu ở người từ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguyên nhân chính gây giãn phế quản là do lao phổi cũ và có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giãn phế quản bao gồm:
- Người từng bị lao phổi, nấm phổi, viêm phổi nặng hoặc ho gà
- Có bệnh bẩm sinh như thiếu alpha-1 antitrypsin, xơ nang, rối loạn vận động lông chuyển
- Người bị suy giảm miễn dịch (AIDS), suy dinh dưỡng nặng
- Người bị viêm ruột mạn tính (bệnh Crohn’s hoặc viêm loét đại tràng), trào ngược dạ dày thực quản
- Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hoá chất trong nhiều năm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình