Hotline 24/7
08983-08983

Đau do thoái hóa khớp và đau do viêm khớp dạng thấp khác nhau thế nào?

Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp đều khiến khớp của người bệnh bị đau. TS.BS Cao Thanh Ngọc đưa ra các dấu hiệu để mọi người phân biệt cơn đau của 2 bệnh lý này khác nhau thế nào.

Trong ngày thứ hai của Hội nghị khoa học thường niên năm 2020 do Hội Y học TPHCM tổ chức tại TPHCM trong 2 ngày 7-8/11, TS.BS Cao Thanh Ngọc - trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM trình bày một bài tổng quan về bệnh thoái hóa khớp, từ chẩn đoán cho đến điều trị.

alobacsi TS.BS Cao Thanh NgọcTS.BS Cao Thanh Ngọc trình bày báo cáo: “Cập nhật chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp - những thông tin từ ACR 2020”

TS.BS Cao Thanh Ngọc cho biết, trước đây thoái hóa khớp được hiểu là sự tổn hại của sụn khớp và xương dưới sụn, tuy nhiên ngày nay người ta thấy đây không chỉ là vấn đề của sụn khớp mà còn là tổn thương của cấu trúc xung quanh khớp (bao khớp, dây chằng, gân cơ). Đây cũng là bệnh thường gặp và có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó, đứng đầu là tuổi tác, nữ bị thoái hóa khớp nhiều hơn nam, và còn các yếu tố khác như béo phì, khớp viêm (viêm khớp dạng thấp, gout…).

Trước đây, đau trong thoái hóa khớp được xem là đau cơ học nhưng ngày nay người ta nhận thấy còn có vai trò của đau thần kinh.

Yếu tố nguy cơ và biểu hiện đau của thoái hóa khớpYếu tố nguy cơ và biểu hiện đau của thoái hóa khớp

Về hình ảnh học, X-quang là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thoái hóa khớp. Trên X-quang sẽ thấy những hình ảnh sớm nhất của thoái hóa khớp: đặc xương dưới sụn, mọc gai xương ở khớp, hẹp khe khớp… Ngày nay với sự tiến bộ của kỹ thuật, chúng ta đang lạm dụng MRI trong chẩn đoán, bởi vì việc dùng MRI trong thực hành lâm sàng bệnh thoái hóa khớp gần như không cần thiết, bởi vì chỉ cần bệnh nhân có triệu chứng đau kèm hình ảnh thoái hóa khớp trên X-quang là đã có thể điều trị. Do đó, mặc dù MRI có độ tin cậy rất cao nhưng chi phí cũng nhiều, do đó MRI nên dùng trong nghiên cứu nhiều hơn thực hành lâm sàng.

Trong các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân bị sưng đau và biến dạng khớp rất nhiều, tuy nhiên theo nghiên cứu thì thoái hóa khớp có mức ảnh hưởng nhiều hơn, gây tàn phế nhiều hơn viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nên gánh nặng của thoái hóa khớp với cộng đồng và hệ thống y tế cũng nhiều hơn.

Để chẩn đoán thoái hóa khớp, đầu tiên phải có “tiêu chuẩn nhận vào”, gồm:

  1. Người bệnh phải có đau khớp. Thực tế nhiều người chụp X-quang thấy thoái hóa khớp nhưng lại không đau thì chưa đủ chẩn đoán thoái hóa khớp, mà đây là trường hợp chỉ có hình ảnh thoái hóa khớp trên lâm sàng.
  2. Người bệnh không có các tiêu chuẩn loại trừ: không sưng khớp ở mức độ trung bình đến nặng, khớp không đỏ, không nóng (điều này giúp chúng ta phân biệt với viêm khớp dạng thấp và gout), không có chấn thương trước khi đau khớp.

Sau khi đủ tiêu chuẩn này rồi, cần xét tới yếu tố tiếp theo: nếu người bệnh có đau khớp cơ học sẽ được 1 điểm. Đau cơ học là đau khi đi lại, giảm đau khi nghỉ ngơi, khác với đau do viêm là đau cả khi nghỉ ngơi.

Thêm một điểm để nhận diện bệnh thoái hóa khớp đó là bệnh nhân có thể có đau vùng xương quanh khớp, có tiếng lạo xạo của khớp. Một số bệnh nhân thoái hóa khớp nhưng đi lại nhiều sẽ kích thích viêm khớp phản ứng nhẹ thì bác sĩ có thể chọc dịch khớp, dịch này sẽ không phải là dịch viêm, phù hợp với thoái hóa khớp.

Ngoài ra, tuổi càng cao cũng làm tăng giá trị chẩn đoán lên, ví dụ bệnh nhân từ 40-50 tuổi được 1 điểm, người bệnh trên 50 tuổi được 2 điểm. Nếu có phì đại xương quanh khớp gối được 1 điểm, nếu có hình ảnh gai xương trên X-quang hoặc hình ảnh thoái hóa khớp trên MRI thì được 2 điểm…

Khi bệnh nhân có 3/10 điểm, trong đó có 1 điểm liên quan đến tuổi, hình ảnh X-quang, MRI thì chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa khớp.

Hồng Nhung

Trích nội dung Hội thảo khoa học thường niên 2020

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X