Khăn ướt che mũi và miệng - Nguyên tắc sống còn trong đám cháy
Khói cùng khí độc sinh ra từ đám cháy chính là “sát thủ” giết người nhiều nhất, nhiều hơn cả chết do lửa thiêu hoặc bị bỏng. Theo hướng dẫn của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, với một chiếc khăn hoặc miếng vải tẩm ướt dùng che mũi, miệng, chúng ta có khả năng sống sót cao hơn trong một đám cháy
CO2 và muội than - 2 “sát thủ” trong đám cháy
Xin hỏi BS, thông thường, những khí độc nào có thể sản sinh ra từ những vụ cháy? Những khí độc này nguy hiểm ra sao?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khí độc sinh ra nhiều nhất trong những vụ cháy vẫn là CO2 và muội than. Những khí sinh ra trong đám cháy rất độc đối với cơ thể. Thông thường khi chúng ta hít thở, trong không khí phải có đủ 21% nồng độ oxy. Trong khí đốt ra hoàn toàn không có oxy nên chắc chắn sẽ gây hại cho cơ thể.
Nhóm gây hại thứ hai là muội than, loại bụi tro có màu đen trong không khí. Khi hít phải, muội than sẽ bám hệ thống phổi, làm ảnh hưởng đến khả năng trao đổi oxy khiến nạn nhân tử vong vì bị ngạt khí.
Khói từ đám cháy ảnh hưởng đến bệnh lý đường hô hấp
Những khí độc từ vụ cháy phát tán ra không khí sẽ ảnh hưởng đến những người ở khu vực xung quanh đám cháy như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, những khí sinh ra từ vụ cháy sẽ tan dần vào không khí. Nếu là đám cháy lớn như cháy rừng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bệnh lý hô hấp của những người xung quanh.
Khói, bụi, những chất có hại cho đường hô hấp có thể gây dị ứng, viêm phổi. Những người có sẵn bệnh lý phổi tắc nghẽn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Dùng khăn ướt che mặt để hạn chế hít phải khói bụi
Người gặp nạn trong đám cháy có thể làm gì để tăng cơ hội sống cho bản thân và gia đình? Cần tránh điều gì để không bị ngạt khói, ngộ độc khí, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong các vụ hỏa hoạn lớn, đa phần nạn nhân tử vong do ngạt khí, tỷ lệ chết do bỏng khá ít. Theo khuyến cáo, khi ở trong vụ cháy, có thể đeo mặt nạ chống độc.
Nếu không có mặt nạ chống độc, hãy dùng khăn ướt che mặt và tìm đến khu vực thoáng nhất để tránh bị đè nếu xảy ra sập, đổ. Khăn ướt có thể lọc được những chất bụi, chúng ta hít thở từ từ qua tấm khăn và chờ người đến cứu.
Sơ cứu nạn nhân bị ngạt và đưa đến bệnh viện
Phải làm gì để giúp nạn nhân bị ngộ độc khí, ngạt khói trước khi đưa đến bệnh viện? Dấu hiệu nào để nhận biết một người đang bị ngộ độc khí, ngạt khói?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong trường hợp nạn nhân bị bất tỉnh, cần đưa nạn nhân đến chỗ thoáng và phải hà hơi thổi ngạt. Việc đưa nạn nhân đến bệnh viện là rất quan trọng. Ngoài xử lý bỏng, một số trường hợp bị tắc nghẽn đường thở, bác sĩ phải đưa ống vào để rửa đường thở, hút cặn để hồi phục phổi.
Tuyệt đối không bôi nước mắm, kem đánh răng,... lên vết bỏng
Đối với những nạn nhân bị bỏng, nên sơ cứu như thế nào? Cần tránh những việc gì trong khi sơ cứu người bị bỏng?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu người bị bỏng còn tỉnh táo, chúng ta chỉ cần dội nước sạch lên vết bỏng càng nhiều càng tốt để giảm nhiệt độ, sau đó chuyển đến bệnh viện. Tuyệt đối không bôi nước mắm, kem đánh răng,... lên vết bỏng.
Tại bệnh viện, nhân viên y tế sẽ tiếp tục tắm bỏng, sau đó mới xử lý vết thương.
Trang bị cẩn thận khi xông vào cứu người trong đám cháy
Xin hỏi BS, những người xung quanh đến ứng cứu phải làm gì để vừa cứu được nạn nhân trong đám cháy, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần thiết nhất vẫn là nên có mặt nạ chống độc, nếu không có thì dùng khăn tẩm nước để che đường hô hấp khi lao vào đám cháy. Nếu không trang bị cẩn thận, có khi chính bản thân cũng bị ngạt khói.
Thoát khỏi đám cháy càng nhanh càng tốt
Làm sao để hạn chế tối đa nguy cơ hít phải khói độc khi xảy ra hỏa hoạn, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phải cố gắng thoát khỏi đám cháy càng nhanh càng tốt. Trong trường hợp không thoát được, hãy dùng khăn ướt che vùng mũi miệng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình