Bác sĩ cấp cứu - Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện quận 1, TPHCM
Tôi nổi nhiều nhọt ở bẹn và mông, có nên uống kháng sinh trong vòng 2 tháng hay không?
Câu hỏi
Xin chào bác sĩ, Tôi thỉnh thoảng có bị nổi nhọt vùng lông mu, rất ngứa nhưng sau đó tự khỏi. Ngày 14/7/2011 tôi bị nổi nhọt ở vùng bẹn trái, sưng, chảy mũ, phải dùng kháng sinh Medoclav 1g trong vòng 10 ngày. Nhưng đến ngày 06/8/2011 tôi lại bị nổi rất nhiều mụt nhọt ở vùng mông 2 bên phía sau và ngón tay cái. Tôi phải đi bác sĩ da liễu điều trị kháng sinh phối hợp Augmentin 1g và Dalacin C (Lindamincin 300mg) ngày 2 lần, lần 1 viên trong vòng 38 ngày. Đến ngày 26/11/2011 lại bị nổi rất nhiều nhọt vùng mông sau nhưng 1 ngày sau tự khỏi (bôi dầu nhị thiên đường). Đến ngày 30/11/2011 lại bị nổi 1 mụt ở giữa 2 mông bên đùi phải, chảy mủ, nổi hạch ở háng bên phải và cảm giác đau dưới thắt lưng bên phải. Hiện tôi đang điều trị lại công thức kháng sinh phối hợp như trên. Bác sĩ nghi ngờ tôi bị tiểu đường nên cho thử máu lúc đói, kết quả glycemie 110mg%. Xin hỏi bác sĩ có phải tôi mắc bệnh tiểu đường hay không? Nếu chưa chắc thì phải cần thêm những xét nghiệm gì? Trong trường hợp này tôi có nên điều trị nhọt bằng kháng sinh trong vòng 2 tháng hay không? Vì bác sĩ da liễu bảo phải uống kháng sinh trong vòng 2 tháng để ngưng tái phát nhọt. Tôi có tiền sử giãn tĩnh mạch, hay bị nổi mề đay, dị ứng mũi, hay viêm mũi họng. (Minh Giang - TPHCM)
Trả lời
Chào Minh Giang,
Đúng là trường hợp của bạn cần tầm soát bệnh lý tiểu đường, với xét nghiệm đường huyết của bạn 110mg% là bình thường, nhưng chỉ số này chỉ nói lên đường huyết hiện tại của bạn mà thôi. Bạn phải làm thêm xét nghiệm HbA1c để xem lượng đường huyết có ổn định trong 2 - 3 tháng không. Bạn tham khảo bài viết sau nhé:
>> Lượng đường trong máu của vợ tôi là 7,7 mmol thì có nguy hiểm không?
Nếu không vệ sinh tốt, trên da chúng ta sẽ có nhiều vi khuẩn bám vào mà mắt thường không nhìn thấy được. Do vậy, khi sức đề kháng kém và vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tăng sinh nhiều độc tính và gây bệnh viêm da mủ.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn tụ cầu và liên cầu. Ngoài ra, còn có các yếu tố thuận lợi dẫn đến nhọt như: suy dinh dưỡng, tiểu đường, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch...
Bạn bị nhọt là một trong những thể của viêm da mủ, nhọt hay tái phát từng đợt, dai dẳng hàng tháng thường gặp ở người suy nhược và sức đề kháng yếu.
Việc điều trị, cần dùng kháng sinh càng sớm càng tốt (có thể cho uống hoặc tiêm tĩnh mạch), kết hợp nâng sức đề kháng bằng các vitamin và chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
Tuyệt đối không được chích rạch, nặn khi đang viêm tấy, chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng người bệnh.
Chọn lựa kháng sinh nào, liều dùng, thời gian dùng kéo dài bao lâu là do BS trực tiếp điều trị, nhưng không thể dùng kháng sinh kéo dài 2 tháng sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc. Tốt nhất bạn nên làm kháng sinh đồ để điều trị.
Để phòng ngừa, cần giữ vệ sinh thân thể tốt, mặc quần áo thoáng mát, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Chúc bạn mau lành bệnh!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình