Bác sĩ nha khoa - Đang du học University of Colorado School of Dental Medicine
Răng bị ê buốt sau trám do đâu?
Câu hỏi
Xin chào bác sĩ, Cách đây khoảng 5-6 tuần, em có trám 1 răng kế răng cửa. Nha sĩ cảnh báo răng khá sâu gần tủy, và lan sang 1 phần răng cửa kế bên nên đã trám 2 răng. Đến nay thì phần răng cửa (ít sâu hơn) lại bị kích thích khi ăn cơm nóng, canh nóng cảm giác nhói, ê thoáng qua vài giây rồi hết. Tuy nhiên, khi không ăn gì, em chạm mạnh lưỡi vào răng cửa, có khi không làm gì, thì thi thoảng lại nhói lên và hết nhanh, có khi lại không đau nhói gì cả. Vậy: 1. Có phải răng trám bị hở miếng trám hay không hay bị vấn đề gì? 2. Từ lúc mới trám, khi quan sát từ ngoài vào, có thể thấy ẩn sâu bên trong của răng kế răng cửa có chấm đen. Diện tích phần đen đã được thu nhỏ nhưng vẫn còn 1 ít sau khi trám. Em nghi ngờ chưa lấy hết phần mô sâu răng nha sĩ đã trám bít lại rồi. Vậy, để lâu ngày có bị ăn vào đến tủy hay không và cách xử lý như thế nào? Em dự định nhờ nha sĩ phá miếng trám đó ra, lấy hết mô sâu rồi trám lại. Tuy nhiên, mỗi lần tác động mạnh như vậy (khoan lấy mô sâu) sẽ rất ảnh hưởng đến răng, có nguy cơ nứt răng vì răng này mỏng manh hơn răng hàm. Xin BS cho em lời khuyên. Em chân thành cám ơn! (Phương Ly – TPHCM)
Trả lời
Bạn Ly thân mến,
Thứ nhất là về việc ê buốt, có thể là miếng trám của bạn bị hở, cũng có thể do răng bạn bị kích thích với vật liệu trám đó. Tuy nhiên vì trám 2 răng mà chỉ ê buốt 1 răng nên có lẽ do hở nhiều hơn.
Thứ hai là về màu đen. Mô răng bị sâu đang tiến triển thường có màu vàng nhạt và mềm, hơi mủn ra khi đụng vào hay nạo vét. Mô răng đã từng bị sâu ảnh hưởng nhưng vì lý do gì đó nó không tiến triển nữa mà chắc lại thì có màu đen và cứng, nạo không ra. Nhìn từ bên ngoài thì 2 loại mô răng giống nhau cùng có màu đen, nhưng nếu mở lỗ sâu ra thì ta có thể nhìn thấy rất rõ 2 lớp mô khác nhau. Như vậy có thể phần đen bạn thấy là phần mô răng đã khoáng hóa lại, chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ chứ không gây sâu răng thêm.
Việc có lấy phần đen ra không thì tùy thuộc nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là về thẩm mỹ, nếu nó nằm ở mặt ngoài thì ta cố lấy càng nhiều càng tốt, tuy nhiên tất nhiên mài đi càng nhiều mô răng thì có thể càng ê buốt và răng có thể yếu hơn 1 chút.
Việc có nguy cơ nứt răng hơn thì cũng không hẳn, vì tùy thuộc vào lỗ sâu lớn hay nhỏ nhiều hơn, nếu lỗ sâu lớn thì tác động mạnh hay yếu gì răng cũng yếu cả. Việc nứt răng không do khoan lấy lỗ sâu, vì dù có thể bạn cảm thấy bác sĩ làm rất mạnh tay, nhưng thật ra bác sĩ không ai dám làm mạnh tay đâu bạn mà luôn có sự kiểm soát lực khi khoan, đi chệch 1 tí là đủ thứ vấn đề có thể xảy ra mà.
Tóm lại, bạn có thể nói bác sĩ xem lại miếng trám, còn sau khi trám lại, có thể vết đen vẫn còn vì đó thật sự là mô răng khoáng hóa chứ không phải là phần sâu còn sót lại.
Thân chào bạn,
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình