Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Nguyên nhân làm tăng bạch cầu ái toan?
Câu hỏi
Chào bác sĩ.
Em xét nghiệm máu thì eos % tăng 30.8% eos là 3.3, vậy có sao không ạ? Em có xét nghiệm giun sán thì 3 loại đều âm tính, 2 tháng trước thì eos% của em tận 47.7%.
Trả lời
Chào em,
Eso là viết tắt của bạch cầu ái toan trong máu. Bạch cầu được phân thành ba loại chính: bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và lympho. Bạch cầu hạt (granulocyte) được đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất dưới kính hiển vi quang học. Có ba loại bạch cầu hạt: bạch cầu trung tính (neutrophil), bạch cầu ái kiềm (basophil) và bạch cầu ái toan (eosinophil) (được đặt tên theo các thuộc tính nhuộm màu của chúng).
Tăng số lượng tế bào eosophil trong máu thường liên quan đến đáp ứng điều hòa miễn dịch, xảy ra ở nhiều quá trình bệnh lý, bao gồm phản ứng viêm, dị ứng, ung thư và nhiễm ký sinh trùng.
Một số nguyên nhân sau có thể làm tăng bạch cầu ái toan:
- Do dị ứng: viêm mũi dị ứng, dị ứng cơ địa, hen phế quản.
- Do các rối loạn ở bệnh da: bệnh Pemphigus, dạng nốt như Pemphigus, viêm nút động mạch (Polyarteritis Nodosa).
- Do nhiễm trùng các bệnh nhiệt đới, đặc biệt là ký sinh trùng: giun xoắn (Trichinosis), nấm Aspergillus, bệnh Hydatidosis, giun mạch Angiostrongylus, giun đũa A.lumbricoides, giun Capillaria spp, ấu trùng sán lợn (Cysticercosis), sán dải Echinococcus, sán lá gan lớn (Fascioliasis), giun chỉ (Filariasis), giun đầu gai (Gnathostomiasis), sán lá phổi (Paragonimiasis), sán máng (Schistosomiasis), giun lươn (Strongyloidiasis), giun đũa chó (Toxocara canis), giun tóc Trichuris trichiura.
- Do nhiễm vi khuẩn: sốt hồng ban (Scarlet Fever), bệnh phong (Leprosy).
- Do các bệnh lý mạch máu hoặc liên quan đến sợi collagen: viêm khớp dạng thấp (RA - Rheumatoid Arthritis), viêm quanh động mạch (Periarteritis), lupus ban đỏ hệ thống (SLE - Systemic Lupus Erythematosus), hội chứng đau cơ tăng bạch cầu ái toan (EMS - Eosinophilia-Myalgia Syndrome).
- Do sử dụng thuốc hoặc xạ trị: liệu pháp tia xạ, thuốc Aspirin, Chlorpropamide, Erythromycin, Imipramine, Methotrexate, Nitrofurantoin, Procarbazine, Sulfonamides.
- Do rối loạn tăng sinh tủy và các bệnh ác tính khác: bệnh tăng bạch cầu tủy bào mạn tính (CML), u lympho Hodgkin, u lympho Non-Hodgkin, bệnh đa hồng cầu, xơ hóa tủy xương (Myelofibrosis).
- Do nguyên nhân khác: viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan (EG - Eosinophilic Gastroenteritis), bệnh Sarcoidosis, bệnh Addison, hội chứng Loeffler.
Số lượng bạch cầu ái toan của em tăng cao khá nhiều, dù cho xét nghiệm 3 loại giun sán âm tính thì vẫn nên khám chuyên khoa huyết học để tìm các nguyên nhân còn lại gây tăng bạch cầu ái toan, em nhé.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình