Mất ngủ, nặng đầu, ngộp thở, là biểu hiện xơ vữa động mạch?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Trước đây thỉnh thoảng em hay bị tê ở đầu nhưng không nhiều, có lúc em ngủ dậy đầu em bị tê một lúc mới hết. Gần đây triệu chứng này không xuất hiện nhiều nhưng thỉnh thoảng sau ót có nhói nhói một tí. Em hay bị mất ngủ ạ. Trước lúc mất ngủ em cảm thấy người mệt mệt, rồi khi nằm ngủ em có cảm giác bị hụt hụt gì đó ở bên phải đầu, càng nghĩ tới điều đó càng căng thẳng, ngộp thở và ra mồ hôi lạnh. Em sợ bị bệnh gì đó nặng lắm nên phải choàng ngồi dậy để trấn tĩnh rồi mới ngủ tiếp được. Trước đó em có đi khám BS nội thần kinh vì cứ nghe thấy mấy tiếng o o khi ngủ, BS có đo điện não đồ và nói sóng của em không được tốt, có đoạn giống như người bị bệnh động kinh ạ. Em rất lo sợ, không biết có phải bị xơ vữa động mạch hay gì không? Em không có biểu hiện nhức đầu nặng hay chóng mặt nặng và buồn nôn. Chỉ là lâu lâu thấy hơi nặng đầu và nhói nhói nhẹ thoáng qua, mỏi cổ và thêm vào đó là mất ngủ căng thẳng như trên. Em xin BS lời khuyên ạ. (Nguyễn Minh – TPHCM)
Trả lời
Ngoài những biểu hiện em kể, AloBacsi không rõ em còn có bệnh lý nào đã biết không như bệnh phổi, tim mạch, nội tiết...?
Nếu không, theo những triệu chứng mà em mô tả (nặng đầu, mất ngủ, ngộp thở...), AloBacsi nghĩ nhiều đến tình trạng căng thẳng thần kinh và đau đầu căng cơ. Tuy nhiên, em có thêm tình trạng tê ở đầu, nhói sau gáy (sau ót), những biểu hiện này có thể do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ..., nhưng rất ít gặp ở tuổi của em.
Những biểu hiện em kể không phù hợp với bệnh lý xơ vữa động mạch, em đừng quá lo lắng nhé. Về kết quả điện não đồ, thông tin em ghi chưa rõ nên AloBacsi chưa kết luận được về tình trạng động kinh.
Về giấc ngủ, ở lứa tuổi của em, thời gian ngủ cần khoảng 7-8 tiếng/ngày. Ngoài ra, tư thế ngủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nếu có thói quen nằm ngửa, em nên dùng gối thấp, còn nếu nằm nghiêng thì gối cao hơn một chút, để giữ cho cột sống cổ được thẳng, tránh mỏi cổ, nặng đầu khi thức dậy. Nên hạn chế nằm sấp vì dễ ảnh hưởng đến hô hấp cũng như gây đau gáy.
Nếu công việc của em cần ngồi lâu hoặc có nhiều căng thẳng, em nên dành thời gian thư giãn cổ, vai, gáy bằng cách xoay, nghiêng đầu qua lại sau mỗi 1 tiếng.
Để có giấc ngủ ngon, em có thể tham khảo các cách sau đây:
- Tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, phải tập nhẹ nhàng và trước khi ngủ ít nhất 3 tiếng. Nếu tập thể dục gần giờ đi ngủ lại có tác dụng ngược lại, nó sẽ khiến em khó đi vào giấc ngủ hơn.
- Một số thực phẩm và đồ uống nên tránh trong 4-6 tiếng trước khi đi ngủ: caffeine, bao gồm cà phê, trà, và sôđa, đồ ăn chứa nhiều chất béo hoặc thực phẩm nhiều gia vị, cồn (rượu)
- Phòng ngủ nên thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn.
Khi cảm thấy khó ngủ, hụt hụt ở đầu hoặc căng thẳng, ngộp thở, em hãy thử áp dụng theo các bước:
- Đặt 1 tay lên bụng
- Hít vào bằng mũi. Lúc này, bụng căng (cảm nhận thấy tay ở bụng được nâng lên)
- Thở ra bằng miệng, 2 môi khép nhẹ (như huýt sáo). Lúc này, bụng xẹp (cảm nhận thấy tay ở bụng được hạ xuống)
- Lặp lại 3-10 lần như vậy, tập trung vào mỗi nhịp thở.
Sau khi áp dụng các biện pháp trên, nếu tình trạng chưa cải thiện, em nên đến BS Nội thần kinh hoặc Tâm thần kinh để được thăm khám trực tiếp, em nhé.
Chúc em có giấc ngủ ngon và khỏe mạnh.
Thân mến,
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình