Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ
Da mặt bị ngứa, bong, đỏ, nhưng không tìm thấy nấm?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Em thấy mặt mình ngứa và khó chịu nhưng không gãi. Hôm sau mặt em bị nổi sần, bong da và đỏ những chỗ đã ngứa. Em đi khám da liễu và làm xét nghiệm cạo vảy ngay sáng đó thì BS chẩn đoán là viêm da tiếp xúc vì xét nghiệm cạo nấm không tìm thấy vi nấm (nhưng do chỉ sau 2 phút là có kết quả nên em nghĩ là không làm xét nghiệm đúng mà chỉ ghi qua loa). BS cho toa thuốc: Loriday 1v/sáng; Vitamin PP 500 1v/sáng, 1v/chiều; Econazine bôi 2 lần/ngày. Em dùng 10 ngày nhưng không giảm mà còn nổi thêm một số vùng da đỏ và ngứa khác. Lúc trước mỗi lần thấy ngứa hoặc có triệu chứng sần, vảy bong lan rộng em thoa thuốc Cloleo là hết ngay sau 2-3 lần bôi. Nhưng cũng tái phát nhiều lần. Em thực sự không biết chính xác mình bị gì, phải điều trị như thế nào? Mong BS tư vấn giúp! (Nguyen Tuyen - nguyentuyen…@gmail.com)
Trả lời
Nguyen Tuyen thân mến,
Trước hết, AloBacsi xin được “giải oan” cho người thực hiện kỹ thuật soi tươi tìm nấm, vì đây là một xét nghiệm nhanh, chỉ cần cạo lớp vẩy ngoài của sang thương và xem ngay trên kính hiển vi để tìm tế bào nấm (sợi men hoặc bào tử), do đó không phải trả kết quả trong 2 phút là do làm “ẩu” hay “ghi cho có ghi” như bạn đã nghĩ. Kết quả không tìm thấy nấm xảy ra trong các tình huống sau:
- Sang thương trên da bạn không do nấm gây nên.
- Sang thương do nấm, nhưng bạn có sử dụng thuốc thoa trước đó, dẫn đến kết quả soi tươi không tìm thấy nấm.
- Sang thương do nấm, nhưng chỗ lấy mẫu xét nghiệm lại không có nấm.
Kế đến là thuốc thoa Clobetasol propionate mà bạn thường sử dụng, đây là corticoide hoạt lực mạnh, có tác dụng giảm viêm, ức chế miễn dịch, nếu sử dụng lâu ngày dễ có nhiều tác dụng phụ như teo da, rậm lông, phát ban do thuốc, bội nhiễm nấm, vi trùng,… thường tránh sử dụng cho vùng da mặt, bạn chỉ nên sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp của bạn đã sử dụng thuốc thoa diệt nấm (Econazine) trong 10 ngày, nhưng triệu chứng không giảm, sử dụng Clobetasol thì triệu chứng giảm nhưng lại tái phát, do đó rất có thể các triệu chứng trên da bạn do bệnh lý dị ứng gây nên.
Điều trị dị ứng, hiệu quả nhất là tìm được nguyên nhân và tránh xa nó, điều này nói dễ nhưng làm rất khó, vì thực tế rất khó xác định mình dị ứng cái gì để biết mà tránh.
Tuy vậy, bạn nên kiểm tra lại các chế độ ăn uống cũng như môi trường sinh hoạt hàng ngày của mình, những sản phẩm chăm sóc da bạn đang sử dụng, các hóa chất có thể tiếp xúc, để ý rằng các triệu chứng da có tăng, giảm khi tiếp tục hay ngưng sử dụng không... Bên cạnh đó, nên kết hợp thể thao nhẹ hàng ngày vừa giúp bạn giảm stress vừa thúc đẩy hệ miễn dịch của bạn.
Và trên hết, bạn cần thiết đi tái khám lại, việc thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa giúp việc chẩn đoán sẽ chính xác và điều trị cụ thể hơn.
Thân mến,
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình