Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Đã có thuốc tiêm ngừa đột quỵ chưa, AloBacsi?
Câu hỏi
AloBacsi cho em hỏi. Hiện nay có thuốc tiêm ngừa đột quỵ không ạ? Nếu có thì nên tiêm loại nào và ở đâu là an toàn? Hoặc có loại thuốc nào tốt để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ không vì trên thị trường thấy nhiều loại quá nên rất mong AloBacsi tư vấn cách phòng ngừa hợp lý nhất. Trân trọng cảm ơn các bác sĩ nhiều ạ!
Trả lời
Chào bạn,
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc phải đột quỵ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Các triệu chứng có xu hướng xảy ra đột ngột và hầu như luôn ảnh hưởng một bên cơ thể. Chúng sẽ nặng nhất trong vòng 24 đến 72 giờ đầu. Những triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đau đầu một cách đột ngột
- Mất khả năng thăng bằng; đi đứng khó khăn
- Bất tỉnh hoặc hôn mê
- Hoa mắt, chóng mặt
- Tầm nhìn bị tối hoặc mờ
- Tê và yếu đi ở cánh tay, mặt hoặc chân ở một bên cơ thể
- Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu.
Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý về máu…
Đột quỵ gồm 2 thể: nhồi máu não (khi mạch máu não bị tắc nghẽn) và xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ). Khi đột quỵ nhồi máu não xảy ra, một số phương pháp để làm tái thông mạch máu như tiêm thuốc, dùng dụng cụ lấy huyết khối… như vậy, sau khi bị nhồi máu não mới có thuốc tiêm để làm thông mạch máu.
Hiện nay không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có những nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chỉ có những thuốc để điều trị các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… mà thôi.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa đột quỵ cần đến nhiều hành động chứ không phải chỉ có dùng thuốc. Hơn nữa, mỗi người bệnh sẽ cần có "một bài thuốc" khác nhau chứ không phải ai cũng giống ai. Các cách để phòng ngừa đột quỵ bao gồm:
Phát hiện sớm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp
- Phát hiện sớm và điều trị bệnh tim
- Đái tháo đường
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Xơ vữa động mạch
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng: Để tầm soát bệnh, uống đúng theo toa của BS, chỉ ngưng khi có ý kiến của BS.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối
Thay đổi lối sống: Cai thuốc lá, uống rượu bia thích hợp, giảm stress: cần giải tỏa bớt áp lực công việc, tạo cuộc sống lành mạnh bên người thân, chế độ ăn: tránh ăn chất béo bão hòa, giảm muối, ăn nhiều rau quả và chất xơ, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ 5 ngày/ tuần.
Nếu bạn có mong muốn sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng phòng ngừa đột quỵ, trước tiên bạn cần đến khám tầm soát nguy cơ đột quỵ, từ đó BS sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn thuốc phù hợp.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình