Hotline 24/7
08983-08983

Có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân nguy cơ không BS?

Câu hỏi

Xin chào BS, Xin nhờ AloBacsi giải đáp giúp tôi: Tôi nghe nói hiện nay có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Xin tư vấn giúp tôi nơi tiêm, chi phí, và cần tiêm bao mũi, thời gian ngăn ngừa là bao năm?

Trả lời
Không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho bệnh nhân có nguy cơ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho bệnh nhân có nguy cơ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào Thanh Kiều,

Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý về máu…

Đột quỵ gồm 2 thể: nhồi máu não (khi mạch máu não bị tắc nghẽn) và xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ). Khi đột quỵ nhồi máu não xảy ra, một số phương pháp để làm tái thông mạch máu như tiêm thuốc, dùng dụng cụ lấy huyết khối… như vậy, sau khi bị nhồi máu não mới có thuốc tiêm để làm thông mạch máu.

Hiện nay không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có những nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chỉ có những thuốc để điều trị các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… mà thôi.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Khi đó một phần não bắt đầu chết đi và gây tổn thương não. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc phải đột quỵ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Các triệu chứng có xu hướng xảy ra đột ngột và hầu như luôn ảnh hưởng một bên cơ thể. Chúng sẽ nặng nhất trong vòng 24 đến 72 giờ đầu. Những triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Đau đầu một cách đột ngột
- Mất khả năng thăng bằng; đi đứng khó khăn
- Bất tỉnh hoặc hôn mê
- Hoa mắt, chóng mặt
- Tầm nhìn bị tối hoặc mờ
- Tê và yếu đi ở cánh tay, mặt hoặc chân ở một bên cơ thể
- Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu.

Phương pháp điều trị đột quỵ sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân nào gây ra bệnh. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ sống phụ thuộc vào thời điểm đến khoa cấp cứu của bệnh viện có sớm hay không.

Đột quỵ có thể để lại các biến chứng từ nhẹ đến nặng. Mức độ khả năng hồi phục của một người có thể không rõ trong vài tháng đầu. Nhiều người cần các biện pháp phục hồi chức năng, chẳng hạn như trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu… Việc điều trị cũng phải dựa vào tiền sử bệnh, chẳng hạn như tăng huyết áp, tiểu đường, sử dụng thuốc lá, lối sống và nồng độ cholesterol cao. Ngoài ra, cần phải ngăn ngừa đột quỵ thêm bằng cách giảm hoặc loại bỏ nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ đầu tiên. Nhiều người có thể đạt được điều này bằng cách dùng thuốc để ngăn ngừa tạo huyết khối. Thông thường uống lượng nhỏ aspirin mỗi ngày là đủ. Những người khác cần phải kiểm soát huyết áp và làm giảm các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác như tiểu đường, tăng cholesterol, hút thuốc lá và thừa cân.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến đột quỵ:

- Ngừng hút thuốc
- Uống thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ
- Tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ
- Ăn chế độ ăn ít chất béo và uống tối đa một phần rượu mỗi ngày
- Kiểm soát huyết áp, nồng độ cholesterol và đường huyết.

TS.BS Đinh Vinh Quang
Trưởng khoa Nội thần kinh tổng quát, BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X