Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học khối Thận - Niệu 2017: Quy tụ 150 bác sĩ và nhiều báo cáo giá trị

Theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, thận hay tạng hiến từ người chết não, tim ngừng đập là món quà vô giá. Chúng ta cần thực hiện đúng ý nguyện của người đã mất là nhận đạo, làm phước cứu người.

Trong hai ngày 1 và 2/8, BV Nhân dân 115 (TPHCM) đã tổ chức Hội nghị khoa học khối Thận - Niệu năm 2017, quy tụ 150 giáo sư, bác sĩ đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam và các đồng nghiệp đến từ Hà Lan. Đây là cơ hội để các bác sĩ cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều trị các bệnh Thận niệu - Ghép thận.


Trong khuôn khổ chương trình, đã có nhiều phiên thảo luận và báo cáo gồm các chủ đề có tính thực tiễn cao trong lĩnh vực nghiên cứu về tình hình và phương pháp điều trị mới trong chạy thận nhân tạo, ghép thận như: Xử trí các biến chứng trong thận nhân tạo của BS.CK2 Tạ Phương Dung - BV Nhân dân 115; Điều trị viêm gan virus B, C ở bệnh nhân trước và sau ghép thận của ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - BV Nhân dân 115; Ghép thận ở người có kháng thể kháng HLA trước ghép của TS.BS Lê Đình Hiếu - BV Nhân dân 115; Cập nhật từ ESOT về phác đồ ức chế miễn dịch sau ghép. Các tiêu chuẩn ghép mở rộng của GS J.P. van Hooff - Maastritch, Hà Lan…

Biến chứng nguy hiểm khi chạy thận nhân tạo

BS.CK2 Tạ Phương Dung với báo cáo đưa ra các biến chứng thường gặp trên người bệnh trong lọc máu

Trong báo cáo “Biến chứng trên người bệnh trong lọc máu”, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép (BV Nhân dân 115) cho hay, chạy thận nhân tạo là phương pháp duy trì, cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều biến chứng và tai biến xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng buổi chạy thận nhân tạo, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Một số biến chứng có thể gặp là:

Tụt huyết áp
chiếm khoảng 20-30% trong lọc máu, nguyên nhân có thể do rút ký quá nhiều, uống thuốc hạ áp trước khi lọc máu, bệnh tim, nhiễm khuẩn huyết, thiếu máu, tăng cân ít hoặc mất nước, ăn/uống trong lúc lọc máu… Vì biến chứng tụt huyết áp thường xảy ra đột ngột nên việc theo dõi sát mạch, huyết áp của bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Dấu hiệu để nhận biết là mạch nhanh, da lạnh, nôn và buồn nôn, vọp bẻ, đau ngực, chóng mặt, buồn ngủ, đuối sức, giảm hoặc mất ý thức, co giật… Khi xảy ra tụt huyết áp phải tạm ngừng siêu lọc, để bệnh nhân ở tư thế Trendelenburg và cho bệnh nhân thở oxy, truyền nhanh Natrichlorua đẳng trương.

Vọp bẻ:
Gặp khoảng 5-20% ở bệnh nhân suy thận mạn lọc máu định kỳ, xuất hiện vào bất kỳ lúc nào của quá trình lọc máu, đặc biệt vào khoảng giữa đến cuối quá trình điều trị, có thể phối hợp với tụt huyết áp. Khi xảy ra tình trạng này, có thể truyền muối đẳng trương, giảm siêu lọc, xoa bóp hoặc dùng lực kéo ngược lại, giảm rút ký.

Hội chứng mất quân bình:
Các triệu chứng nhận biết là buồn nôn và nôn, đau đầu, bồn chồn, tăng huyết áp, nặng hơn bệnh nhân có biểu hiện đờ đẫn, co giật và hôn mê. Lúc này, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân chặt chẽ tìm dấu hiệu tăng huyết áp, giảm tốc độ dòng máu. Cần cảnh giác với cảm giác bồn chồn, thay đổi ý thức và ngôn ngữ.

Buồn nôn và nôn:
Tình trạng này có thể xảy ra do khi bị hạ huyết áp, ure huyết cao, hội chứng mất quân bình. Xử trí bằng cách giảm hoặc ngưng siêu lọc máu, có thể truyền muối đẳng trương.

Đau đầu hoặc đau vùng mặt, kèm hạ huyết áp, nôn hoặc buồn nôn. Xử trí tình trạng này bằng cách dùng thuốc giảm đau, nếu hạ huyết áp thì truyền muối đẳng trương.

Đau ngực: Chia làm 2 loại đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim cấp. Theo đó, đau thắt ngực là kiểu bóp nghẹt ở trước tim hoặc lan đến cổ, hàm dưới hoặc vai, cánh tay, lo lắng, cảm giác nghẹn đè ép kéo dài 1-2 phút, buồn nôn, da tái xanh. Nhồi máu cơ tim cũng có những triệu chứng như trên nhưng cảm giác nghẹn đè ép có thể kéo dài trên 30 phút kèm theo tụt huyết áp. Điều trị đau ngực với Nitroglycerin, đau do nhồi máu cơ tim cấp cần dùng thuốc giảm đau, giảm stress, lo âu.

Ngứa:
Để giảm triệu chứng này cần lọc máu đầy đủ để điều hòa nồng độ điện giải, dùng thuốc hoặc kem dưỡng da, kiểm soát tình trạng ure máu cao và cường tuyến cận giáp thứ phát.

Phản ứng sốt: là cảm giác lạnh khi mới bắt đầu điều trị (40-70 phút đầu). Bệnh nhân lạnh run cầm cập, sau đó thân nhiệt tăng cao và hết triệu chứng sau khi kết thúc lọc máu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có triệu chứng mạch nhanh xuất huyết trước khi lạnh run, tụt huyết áp, đau đầu/ đau cơ. Ngưng lọc máu sẽ hết các triệu chứng này.

Tăng huyết áp: Nguyên nhân là do quá tải dịch, lo lắng, căng thẳng. Triệu chứng nhận biết là bệnh nhân tăng huyết áp từ từ hoặc đột ngột, đau đầu, mắt nhìn mờ, nôn/ buồn nôn, chóng mặt, động kinh. Lúc này, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại thuốc.

Nên điều trị viêm gan siêu vi C trước khi ghép thận

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trình bày báo cáo tại hội nghị

Việt Nam là một trong ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) mạn tính cao nhất.

Trong phần báo cáo “Điều trị viêm gan siêu vi B, C trước và sau ghép thận” của TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa (BV Nhân dân 115) cho thấy, những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HBV, HCV là người đã từng hoặc đăng chích ma túy, người mắc HIV, con của người mẹ có HBV, HCV (+), nhân viên y tế từng phơi nhiễm với kim tiêm của người nhiễm, bạn tình của người nhiễm virus, đặc biệt là người từng thẩm phân máu, chạy thận nhân tạo.

Việc điều trị viêm gan siêu vi B trước ghép thận nhằm cải thiện tỷ lệ tử vong, HBV không bị tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ bị ức chế lâu dài. Việc chỉ định điều trị chỉ khi có các biểu hiện như: ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/ xơ gan bất kể ALT ở mức nào; BHV-DNA ≥ 10 mũ 5 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HbeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 10 mũ 4 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HbeAg (-).

Những trường hợp nhiễm HBV (HbsAg dương tính hoặc Anti-HBc dương tính) được ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu. Các bước điều trị bao gồm: xét nghiệm HBV DNA để xác định tình trạng nhiễm HBV. Sau đó, xem xét điều trị dự phòng viêm gan virus B mạn bùng phát bằng thuốc ETV, TDF hoặc LAM. Thời gian điều trị trước, trong và tiếp tục ít nhất 12 tháng sau khi ngưng trị liệu thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị liệu.

Việc điều trị viêm gan siêu vi C ở bệnh nhân ghép thận còn gặp nhiều thách thức. BS Phượng đưa ra dẫn chứng tại Mỹ có khoảng 8% (~400.000) bệnh nhân lọc máu nhiễm HCV. Chính số năm lọc máu, số lần truyền các chế phẩm từ máu, tiêm chích ma túy, tiền sử ghép tạng là những yếu tố nguy cơ gây nhiễm HCV trên bệnh nhân lọc máu.

“Bệnh nhân lọc máu có nhiễm HCV sẽ tăng nguy cơ tử vong do xơ gan và ung thư gan. Nếu điều trị HCV trước ghép thận sẽ tương tự như bệnh thận mạn không ghép thận. Còn nếu điều trị HCV sau ghép thận, điều quan trọng nhất là tương tác thuốc trong giai đoạn sau ghép thận. Cần đảm bảo rằng sử dụng DAAs trong giai đoạn này không làm tăng khả năng thải ghép của bệnh nhân. Do đó, hiện nay việc điều trị HCV trước ghép thận được ưa chuộng hơn so với điều trị HCV sau khi ghép thận” - BS Phượng cho biết.

Hệ thống điều phối tạng: Xóa tan nghi ngại trong việc phân phối mô, tạng hiến tặng

GS J.P. van Hooff (Hà Lan)

Trong phần báo cáo của mình, GS J.P. van Hooff (Hà Lan) đã chia sẻ với các đồng nghiệp tại Việt Nam về các tiến bộ trong ghép thận hợp tác và tư duy sáng tạo. Ông cho biết: “Sự phối hợp giữa các trung tâm ghép thận tại Hà Lan đã tạo ra chương trình ghép thành công cho các bệnh nhân mẫn cảm. Ngoài ra, phác đồ ức chế miễn dịch TAC, tránh hoặc ngưng steroid dành cho bệnh nhân đái tháo đường sau ghép mới là lựa chọn tốt nhất cho cả bệnh nhân và bác sĩ”.

Trao đổi với các đồng nghiệp trong báo cáo “Điều phối trong hiến và ghép tạng” - GS.TS Trần Ngọc Sinh, Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, sau 25 năm kể từ bệnh nhân đầu tiên được ghép thận, cả nước đã thực hiện được 1.700 ca ghép thận với nhiều kỹ thuật ngày càng tiến bộ. Nhiều bệnh nhân được ghép thời kỳ đầu giờ vẫn sống khỏe mạnh, lập gia đình và sinh con bình thường.


Trung bình mỗi năm trên cả nước có thêm 8.000 bệnh nhân bị suy thận mới cần điều trị thay thế thận. Hiện có trên 12.000 bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu liên tục vì chưa có nguồn tạng để ghép. Số bệnh nhân bị suy thận hay suy cơ quan có chỉ định ghép tăng rất nhanh theo cấp số nhân. Do đó, theo GS.TS Trần Ngọc Sinh thì con số được ghép thận vẫn còn rất ít. Nếu chỉ nhận thận ghép từ người cho sống thì không thể đáp ứng được với nhu cầu ghép tạng như hiện nay, nên cần phải có thêm nguồn hiến tặng tạng từ người chết não hay tim ngừng đập.

Để làm được điều này chúng ta cần phải có hệ thống điều phối tạng. Tại Việt Nam có các trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia vừa được thành lập năm 2013 đặt tại BV Việt Đức, Hội vận động hiến tạng, Hội ghép tạng Việt Nam (2015). Đây là sự kiện mở ra một bước phát triển mới cho lịch sử ghép tạng Việt Nam, tuy nhiên chúng ta còn cần phải chỉn chu hoàn thiện thêm từng bước.

Bước đầu tiên cần thực thực hiện là phát triển công tác truyền thông như thông tin về những hoạt động hiến tặng tạng và ý nghĩa của hoạt động này trên truyền thông; Đưa vấn đề hiến tạng cứu người vào học đường, các trường trung và đại học; Đặt tờ rơi các điều kiện hiến tạng khi chết, cần thiết được ghép tạng cho những bệnh nhân suy tạng mạn tính; Có ngày tưởng niệm cho người đã hiến tạng, Vinh danh người sống tình nguyện hiến tạng, Có trang web riêng về ghép, hiến tạng…

Ngoài ra, cần hình thành mạng lưới điều phối thông qua sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ ngành; Hệ thống tiếp nhận người đăng ký hiến tạng; Phương tiện vận chuyển tạng nhanh chóng; Đào tạo hệ thống nhân viên điều phối chuyên nghiệp…

“Riêng về ghép thận, do chiếm đa số và phức tạp nhất trong các loại ghép tạng hiện nay. Do đó, bệnh viện nào có đủ tiêu chuẩn đều có thể ghép thận. Trung tâm ghép thận vùng sẽ đặt tại các bệnh viện có số lượng ghép thận nhiều. Chẳng hạn như, miền Bắc đặt tại Bệnh viện 103, là nơi khởi đầu của ghép thận tại Việt Nam, miền Trung đặt tại BV Trung ương Huế, miền Nam tại BV Chợ Rẫy. Danh sách bệnh nhân chờ ghép thận phải do trung tâm điều phối quốc gia về người nhận quản lý” - GS.TS Trần Ngọc Sinh cho biết.

ThS.BS Trương Hoàng Minh báo cáo kết quả bước đầu các ca ghép thận lần 2 tại BV Nhân dân 115


Ngoài các vấn đề nêu trên, hội nghị còn trình bày nhiều báo cáo khác nhận được sự đồng tình, thảo luận sôi nổi như: Suy tim và bệnh thận mạn tính của BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền - BV Nhân dân 115; Mức lọc cầu thận ước tính theo các công thức MDRD, CKD - EPI và CKD - EPI châu Á ở bệnh thận mạn của PGS.TS.BS Vương Tuyết Mai - Đại học Y Hà Nội; Biến chứng đường tiêu hóa của PGS.TS.BS Bùi Văn Mạnh - Bệnh viện 103; Kết quả bước đầu các ca ghép thận lần 2 tại BV Nhân dân 115 - ThS. BS Trương Hoàng Minh; Nhân một trường hợp “Biến chứng muộn thuyên tắc mạnh máu thận sau ghép” của PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - BV Chợ Rẫy cùng nhiều báo cáo của các bác sĩ đến từ BV Nhân dân 115: BS.CK2 Nguyễn Thúy Quỳnh Mai, BS.CK2 Nguyễn Thị Bích Huyên.

Theo Phương Nguyên - BV Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X