Hotline 24/7
08983-08983

Hôi miệng? Đừng đổ lỗi do hở van dạ dày!

Nhiều người thắc mắc tại sao đánh răng hàng ngày nhưng vẫn bị hôi miệng? Liệu hở van dạ dày có phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hôi miệng? Mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

1. Nguyên nhân gây hôi miệng

Có thể nói hôi miệng là nỗi khổ không của riêng ai. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao mình đánh răng súc miệng mỗi ngày mà vẫn bị hôi miệng. Xin BS cho biết, tình trạng hôi miệng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân gì?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trong mùa COVID-19, tình trạng hôi miệng có vẻ giảm bớt vì chúng ta gặp nhau thường phải bịt khẩu trang.

Hôi miệng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là răng miệng. Người Việt hay có thói quen không quan tâm nhiều đến răng miệng. Răng miệng có rất nhiều bệnh như viêm nướu, viêm nha chu; không phải đến khi nhức răng, sâu răng, gãy răng thì mới là vấn đề nha khoa. Bệnh viêm nướu, viêm nha chu gây hôi miệng rất nhiều. Đặc biệt những thức ăn bị dính ở kẽ răng sẽ lên men và gây hôi miệng rất dữ dội.

Hoặc là những bệnh tai mũi họng như viêm amidan, viêm họng, viêm mũi xoang,... cũng gây hôi miệng.

Hôi miệng có thể do nhiễm vi trùng HP trong dạ dày, gây viêm dạ dày mãn tính. Nó kích thích dạ dày tiết dịch tiêu hóa không tốt thì có thể gây hôi miệng.

Ngoài ra, hôi miệng còn do những nguyên nhân mà chúng ta không ngờ tới như viêm phổi, lao phổi, suy gan (trong Y học có bệnh hơi thở mùi gan).

2. Hở van dạ dày có gây hôi miệng không?

Nhiều người sau khi đã đi khám nha khoa và tai mũi họng rồi, không tìm thấy nguyên nhân gây hôi miệng, họ “đổ lỗi” do “hở van dạ dày”. Theo BS, điều này có đúng không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Một số bệnh nhân cho rằng mình bị hở van dạ dày nên bị hôi miệng. Điều này là không đúng, vì dạ dày không hôi tới mức gây hôi miệng như vậy. Không có bệnh hở van dạ dày nào tới mức độ gây hôi miệng. Dạ dày có van đóng mở nhịp nhàng, dù có hở cũng không đến mức gây hôi dữ dội, trừ trường hợp bị trào ngược dạ dày nặng.

Người Việt Nam là người mắt đen, mũi tẹt , da vàng nên tỷ lệ bị trào ngược dạ dày ở mức độ D là cực kỳ thấp (bệnh này thường gặp ở người da trắng, mắt xanh). Do đó, nguyên nhân do hở van dạ dày gây hôi miệng là rất hiếm.

Chủ yếu là ở trong bao tử của chúng ta bị lở loét hoặc ung thư bao tử, khiến các mô hoại tử gây ra mùi hôi. Nếu dạ dày bình thường nhưng van dạ dày mở hơi nhiều thì sẽ không hôi tới mức gây hôi miệng. Ví dụ, trong cuộc đời, trái tim của chúng ta sẽ mở cửa thì không có vấn đề gì; trừ khi còn nhỏ tuổi nhưng lại yêu say đắm, không lo học hành thì sẽ giống như trào ngược dạ dày độ D. Còn tình yêu say đắm bình thường thì cũng giống như van dạ dày hở nhẹ.

3. Có cần thiết phải nội soi để xác định hở van dạ dày?

Có cần nội soi để để xác định có hở van dạ dày hay không, thưa BS? Nếu thật sự bị hở van dạ dày thì các triệu chứng thường gặp sẽ là gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Hở van dạ dày là thuật ngữ dân gian. Nói dễ hiểu là thực quản sẽ nối từ cuống họng đến dạ dày, giống như từ nhà muốn đi ra quốc lộ phải có đoạn đường nối. Chỗ giao nhau giữa quốc lộ và đường nối thì phải có đèn xanh đèn đỏ, giống như chỗ giao nhau giữa thực quản và dạ dày thì gọi là van dạ dày. Van dạ dày sẽ co bóp nhịp nhàng, khi thức ăn đi xuống van sẽ mở, khi thức ăn đầy van sẽ đóng lại. Đối khi van dạ dày sẽ hơi mở hơn so với bình thường, nhưng sau đó vẫn đóng lại chứ không phải mở hoàn toàn.

Nội soi dạ dày sẽ được chỉ định do đau bụng kéo dài, ăn uống không được, ợ nóng, ợ chua kéo dài,  đi ngoài phân đen chứ không phải do hôi miệng.

Trong quá trình nội soi, các bác sĩ sẽ quan sát xem dạ dày có viêm loét hay có khối u không. Hở van dạ dày ở người Việt Nam rất nhẹ nên một số bác sĩ có kinh nghiệm mới nhận ra. Giống như trong tình yêu, nếu không tinh tế thì sẽ không biết được ai đó đang thầm yêu mình.

Do đó, không phải nội soi để chẩn đoán bệnh hở van dạ dày, mà để chẩn đoán những bệnh như loét cuống thực quản, nấm mốc thực quản, … Với một bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì khi nội soi dạ dày sẽ phát hiện được có “tình yêu nhẹ nhàng” ở vùng nối hay không, tức là “mở cửa trái tim” hơi nhiều hơn bình thường.

4. Phẫu thuật hở van dạ dày có chấm dứt triệt để hôi miệng?

Nhiều người mong muốn chấm dứt tình trạng hôi miệng nhiều năm do hở van dạ dày, họ muốn được phẫu thuật. Xin BS cho biết, phẫu thuật có phải là phương pháp chấm dứt triệt để vấn đề này không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nếu quý vị khán giả xem phần tư vấn của tôi từ đầu từ biết chắc câu trả lời là không. Nguyên nhân gây hôi miệng có rất nhiều, và hở van dạ dày chỉ là nguyên nhân phụ. Vì vậy nếu phẫu thuật để giải quyết tình trạng hở van dạ dày thì hôi miệng cũng sẽ không hết. Ví dụ, chúng ta đang bị đau đầu, mất ngủ vì người mình thương đi thương người khác, nợ nần và cháy nhà nhưng nếu chỉ giải quyết 1 nguyên nhân thì vấn đề cũng không thể giải quyết.

Do đó, chúng ta không nên phẫu thuật. Ở Việt Nam, chỉ định phẫu thuật để chống trào ngược, trị hôi miệng gần như không có. Một số trường hợp hở van dạ dày nặng, ợ nóng, ợ chua nhiều, ho sặc về đêm, kèm theo hở van dạ dày nặng mới được chỉ định phẫu thuật. Khoảng 99.9% bệnh nhân hở van dạ dày không phải phẫu thuật.

Phẫu thuật đôi khi sẽ có biến chứng và khiến van dạ dày bị siết chặt lại.

5. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người bị hôi miệng lâu năm

BS có lời khuyên cho những người bị hôi miệng lâu năm, phải lưu ý gì để có thể khắc phục tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Trước hết, khi bị hôi miệng, chúng ta không nên “đổ lỗi” cho hở van dạ dày, nó chỉ là một lý do phụ. Chúng ta phải uống nhiều nước, uống ít nước sẽ khô miệng, ít nước bọt sẽ gây hôi miệng.

Nếu chúng ta uống nhiều thuốc thì sẽ gây đặc nước bọt và gây hôi miệng. Chúng ta phải kiểm tra các bệnh đường hô hấp, gan và đường tiêu hóa, đặc biệt là loét dạ dày và nhiễm vi trùng HP.

Nếu đã bị hôi miệng thì nên hạn chế ăn các chất nhiều tinh bột, vì nó sẽ sinh hơi nhiều và dễ lên men thối hơn. Tránh ăn khuya và đồ ăn béo, rượu bia; vì nó sẽ khiến thức ăn đang tiêu hóa trong dạ dày bị trào ngược và gây hôi miệng hơn. Nên đi khám bác sĩ và kiên trì điều trị lâu dài.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X