Hotline 24/7
08983-08983

Ho kéo dài, làm việc trong môi trường khói bụi: Coi chừng bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi là mối lo ngại lớn đối với những người làm việc trong môi trường khói bụi, đặc biệt là những ngành nghề như khoan, cắt đá. Theo PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ, Trưởng khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một khi đã mắc bệnh sẽ rất khó điều trị và phổi cũng không thể hồi phục như trước. Vì vậy, việc phát hiện sớm và phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bụi phổi

Bệnh bụi phổi hình thành từ những nguyên nhân nào? Người làm công việc nào có nguy cơ mắc bệnh nhất, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Bụi phổi là một căn bệnh nghề nghiệp. Những người làm việc liên quan tới bụi, đặc biệt là bụi silic mắc bụi phổi nhiều.

Ví dụ: người làm ở xưởng đá, nơi khoan cắt, những việc đụng đến đá, cát, bụi. Khi hít phải, những bụi này lâu ngày sẽ động lại trong phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc lá sẽ nặng hơn, tăng nguy cơ bệnh bụi phổi.

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Độ tuổi nào thường mắc bệnh bụi phổi?

Hiện nay, thực trạng mắc bụi phổi tại nước ta như thế nào? Độ tuổi nào thường gặp phải tình trạng này, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Bụi phổi là một trong những bệnh nghề nghiệp thường gặp nhất. Theo thống kê năm 2011, có hơn 27.000 người mắc căn bệnh này do silic, chiếm khoảng 75% (3/4) các bệnh nghề nghiệp được theo dõi ở Việt Nam.

Người mắc bụi phổi thường trong độ tuổi trẻ, độ tuổi làm việc. Các bạn từ 18-20 tuổi bắt đầu đi làm công trường, tham gia nghề nghiệp có liên quan đến khói bụi. Thông thường, thời gian tiếp xúc với bụi phổi khoảng 5 năm. Khi đó, độ tuổi mắc bệnh từ 25-40-50 tuổi.

Nghề khoan, cắt đá có nguy cơ mắc bụi phổi cao nhất

Nhiều người lo ngại môi trường khói bụi ô nhiễm như hiện nay, hay sinh sống gần công trường, xí nghiệp, nơi chế tạo vật liệu xây dựng sẽ dẫn đến bụi phổi. Thực hư điều nay như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Chúng ta nên hiểu rằng, nơi nào có bụi, cát, đá, silic mới gây bụi phổi. Ví dụ, bệnh nhân xử lý cao su bằng cát. Trong quá trình làm việc có thể hít phải silic. Những nghề có nguy cơ mắc cao nhất là khoan, cắt đá.

Đối với những nơi làm gạch từ đất bỏ vào lò nung, nếu không phải quá trình khoan, cắt làm bụi bay mù mịt; nguy cơ mắc bụi phổi thấp hơn những nghề liên quan đến đá, cát.

Khám định kỳ thường xuyên để phát hiện chữa trị

Bệnh bụi phổi nguy hiểm như thế nào? Diễn tiến của người mắc bụi phổi ra sao, cũng như biến chứng là gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Khi hít phải bụi, người bệnh thường có thể ho, tuy nhiên không thấy quá nhiều triệu chứng. Sau 5-6 năm tiếp xúc với bụi, khi mắc bệnh lại không chữa được. Vì vậy, phải cẩn thận khi làm việc trong những môi trường khói bụi. Bệnh nhân và người chủ cần biết rằng, nghề nghiệp này dễ gây bệnh bụi phổi. Chủ doanh nghiệp cần cho phép nhân viên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm hoặc 6 tháng/lần, tùy thuộc nguy cơ.

Ví dụ, với nghề đã được thống kê có tiếp xúc với bụi silic tự do (thường là đá thạch anh) có nguy cơ cao hơn. Lúc này, nên khám định kỳ 6 tháng/lần.

Đối với những nghề tiếp xúc với bụi không phải là silic tự do, ít nguy cơ hơn có thể khám định kỳ 1 lần/năm.

Nên khám định kỳ để kịp thời phát hiện chữa trị sớm. Đến khi bệnh nặng gây tổn thương xơ hóa phổi, lúc này không thể chữa được.

Theo PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ một khi đã mắc bệnh bụi phổi sẽ rất khó điều trị và phổi cũng không thể hồi phục như trước. Vì vậy, việc phát hiện sớm và phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. 

Triệu chứng cảnh báo bụi phổi khá mơ hồ, nghèo nàn

Triệu chứng cảnh báo bệnh bụi phổi là gì, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Triệu chứng cảnh báo bụi phổi rất nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Triệu chứng phổ biến nhất là ho. Tuy nhiên, nhiễm siêu vi cũng gây ho. Nhưng ho do bụi phổi kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Do đó, bệnh nhân nên lưu ý nếu bị ho khi làm trong môi trường khói bụi. Bên cạnh đó, những người hút thuốc rất dễ tăng nguy cơ mắc bụi phổi. Vậy nên, nếu ho kèm theo hút thuốc và làm trong môi trường khói bụi, phải nghĩ ngay đến bụi phổi.

Khi bệnh tiến triển hơn, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, thường là khó thở khi gắng sức. Ví dụ, ban đầu người bệnh có thể chạy bộ, nhưng sau đó đi bộ bởi vì không chạy nổi nữa. Hoặc lúc đầu có thể đi 5km, sau đó giảm xuống còn 1km đã gây mệt, khó thở. Hoặc bệnh nhân không thể leo lầu nổi, hạn chế hoạt động do khó thở. Đó là triệu chứng khó thở, giảm vận động liên quan đến bụi phổi.

Bệnh bụi phổi gây tổn thương mô xen kẽ

Khi có các triệu chứng này, bệnh nhân cần làm gì? Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nào giúp bác sĩ chẩn đoán đúng căn bệnh, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Một khi làm trong môi trường khói bụi có nguy cơ mắc bụi phổi, chúng ta cần có ý thức cảnh giác rằng mình có thể mắc bệnh. Chủ doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên đeo khẩu trang, có biện pháp bảo hộ để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Khi có triệu chứng bất thường, người bệnh cần lập tức đi khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT-scan đánh giá tổn thương. Đối với bụi phổi thường tổn thương mô kẽ. Tổn thương thường có tính đối xứng hai bên, thỉnh thoảng có hạch đặc trưng, vôi hóa. Khi đó, có thể chẩn đoán bệnh bụi phổi.

Bên cạnh đó, bác sĩ kết hợp thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng phổi suy giảm đến mức nào, đã ảnh hưởng qua tim chưa? Với những xét nghiệm đầy đủ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết có mắc bụi phổi không, mức độ cũng như phương pháp điều trị.

Bệnh bụi phổi không thể điều trị phục hồi

Giải pháp điều trị bụi phổi là gì, liệu có hồi phục được không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Điều đáng buồn là không thể điều trị hồi phục bụi phổi. Vì vậy, việc phát hiện sớm rất quan trọng. Nếu biết nghề nghiệp của mình có nguy cơ mắc bệnh, người lao động nên khám định kỳ 1 lần/năm để phát hiện sớm và dừng công việc. Khi đó sẽ có khả năng chữa trị, ngăn chặn tiến triển.

Bệnh bụi phổi ở một số người rất nguy hiểm. Khi tiếp xúc bụi trong 5-6 năm, sau đó nghỉ làm, bệnh vẫn có thể tiến triển. Vì vậy, khi xét nghiệm có dấu hiệu nhẹ phải dừng công việc, theo dõi và điều trị.

Có nhiều phương pháp điều trị bụi phổi, nhưng nhìn chung có 2 loại chính:

Thứ nhất là điều trị triệu chứng. Uống thuốc ho nếu ho; khi khó thở, uống thuốc khó thở.

Thứ hai là điều trị hậu quả. Tiến hành thở oxy nếu tụt oxy, điều trị suy tim nếu suy tim. Bệnh không thể đảo ngược các quá trình xơ hóa, cũng không thay đổi việc bụi đọng trong phổi. Vì vậy, việc chữa trị rất khó khăn.

Làm sao để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân mắc bụi phổi?

Nếu mắc phải bụi phổi, có giải pháp nào để nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Có rất nhiều giải pháp hỗ trợ trong trường hợp này. Nếu nhận biết bệnh phổi mãn, bệnh nhân nên tiêm ngừa vắc xin cúm 1 lần/năm. Ngoài ra, có thể viêm vắc xin phế cầu (vắc xin đa giá, vắc xin cộng hợp), đây là vắc xin chỉ tiêm một lần, không cần lặp lại. Bên cạnh đó, vắc xin ngừa COVID cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, việc điều trị triệu chứng như khó thở, suy tim, giảm oxy rất cần thiết. Hỗ trợ bệnh nhân sống trong cộng đồng như cung cấp xe lăn, bình oxy giúp bệnh nhân có thể di chuyển với bình oxy cũng làm chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Đừng để mắc bệnh mới đi chữa

Nếu không thể bỏ nghề vì một số lý do, có giải pháp nào phòng ngừa bệnh bụi phổi hay không? Có thể rửa sạch bụi bẩn ra khỏi cơ thể sau một ngày làm việc hay không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Đây là một vấn đề quan trọng nhất. Như đã nói, bụi phổi không thể chữa khỏi, vì vậy, phòng ngừa rất quan trọng.

Việc phòng ngừa có thể đến từ cấp cao nhất như Bộ y tế, Hội nghề nghiệp. Ở một số nước khác, theo thống kê một số nghề trong y văn có nguy cơ cao, đặc biệt khi tiếp xúc với bụi silic tự do (thường gặp trong thạch anh).

Bản chân chủ doanh nghiệp phải nói với công nhân rằng, nghề nghiệp này có nguy cơ cao mắc bụi phổi. Bộ Y tế khi cấp phép phải yêu cầu chủ doanh nghiệp cam kết chi trả tiền lương, bảo hiểm cho công nhân chẳng may mắc bệnh suốt đời.

Một số nghề gia truyền như điêu khắc đá, nếu không thể bỏ chúng ta có thể nâng cấp sản xuất công nghiệp. Nếu trước đây dùng khoan, cắt trực tiếp gây bụi, hiện nay chúng ta có thể sử dụng khoan cắt có tia nước, giúp rửa bụi tại chỗ. Bên cạnh đó, sử dụng đồ bảo hộ lao động rất quan trọng, tối thiểu nhất phải đeo khẩu trang. Đối với những nghề nguy cơ cao, người lao động nên đeo mặt nạ để hạn chế bụi bặm.

Bên cạnh đó, cần tầm soát, phát hiện sớm bằng việc thăm khám sức khỏe định kỳ; đặc những người này không nên hút thuốc.

Vì vậy, luật pháp, Bộ y tế, Hội nghề nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động cùng ngăn ngừa, phòng chống bao giờ cũng tốt hơn để mắc bệnh rồi mới đi chữa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X