Hệ luỵ suy tuyến sinh dục nam giới
Khi tuyến sinh dục nam bị suy yếu thì chức năng chính của tinh hoàn cũng sẽ suy giảm, làm ảnh hưởng tới việc tạo tinh trùng, xuất tinh và khó thụ thai…
1. Tuyến sinh dục nam giới là gì?
Tuyến sinh dục nam chính là tinh hoàn. Ngoài sản sinh ra các tế bào sinh dục còn sinh ra hormon sinh dục testosteron có tác dụng đối với sự xuất hiện giới tính nam cũng như thúc đẩy quá trình sinh sản ở nam giới. Hoạt động của tinh hoàn chịu sự thúc đẩy của hormon FSH (Follicle-stimulating hormone) và LT (luteinizing hormone). Hai loại hormon này do tuyến yên tiết ra.
Tinh hoàn bắt đầu hoạt động khi nam giới bước vào tuổi dậy thì dưới tác động của hormon tuyến yên tiết ra làm cho các tế bào kẽ giữa các ống sinh tinh trong tinh hoàn tiết ra hormon sinh dục nam testosteron. Testosteron tạo ra những biến đổi ở tuổi dậy thì như lớn nhanh, cao vượt, mọc râu, mọc lông mu, ria mép, cơ bắp phát triển, bộ phận sinh dục ngoài to ra, mụn trứng cá, xuất tinh lần đầu…
2. Suy tuyến sinh dục là gì?
Testosterone là hóc môn sinh dục nam được sản xuất chủ yếu bởi tinh hoàn. Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì nhiều đặc điểm thể chất của nam giới như ham muốn tình dục, sản xuất tinh trùng, khối lượng cơ bắp - sức mạnh, phân bổ lượng chất béo và khối lượng xương.
Suy tuyến sinh dục ở nam giới là tình trạng mà tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone. Suy sinh dục có tác động tiêu cực đến chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể và chất lượng cuộc sống. Khi nồng độ testosterone thấp, nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, giảm khối lượng cơ bắp, rối loạn cương dương và mệt mỏi.
3. Nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục nam
Testosteron là nội tiết tố sinh dục nam cần thiết nhất cho hoạt động tình dục như kích thích tinh hoàn sản sinh tinh trùng đủ chất và số lượng, kích thích làm cương dương vật và kích thích xuất tinh. Khi tuyến sinh dục nam bị suy yếu, chức năng chính của tinh hoàn sẽ suy giảm, đó là giảm (hoặc không) sản xuất testosteron hoặc giảm (hoặc không) tạo tinh trùng hoặc cả hai.
Có nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm tuyến sinh dục nam. Nguyên nhân tiên phát (gặp đầu tiên) ở người không có tinh hoàn, hoặc do sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn vì một bệnh lý nào đó, vì vậy, sẽ không có cơ quan sản xuất testosteron. Nguyên nhân thứ phát là do mắc bệnh nhiễm trùng (lao tinh hoàn, lao mào tinh hoàn); bệnh quai bị biểu hiện ở tinh hoàn…; do tác động chiếu xạ (tác nhân viêm tinh hoàn do chiếu tia X), ung thư tinh hoàn hoặc do hội chứng Klinefelter (tinh hoàn teo nhỏ, cứng, không có tinh trùng) hoặc do tinh hoàn ẩn hoặc do chấn thương tinh hoàn...
Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ làm suy giảm sinh dục nam, từ đó gây vô sinh, đó là tình trạng “yêu bừa bãi”. Tình dục trong xã hội hiện đại đã không còn quá khắt khe, nhưng chính điều thông thoáng ấy lại khiến cho một bộ phận giới trẻ hiểu sai, hoặc cố ý lạm dụng nó. Người ta thường ví tinh trùng của nam giới giống như một bình nước, nếu dùng bừa bãi sẽ cạn dần và một ngày nào đó sẽ “cạn kiệt”.
Chính lối sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, thủ dâm vô tội vạ lâu ngày khiến nam giới mắc các bệnh về suy giảm tình dục, tác động xấu đến tuyến sinh dục nam như xơ ống dẫn tinh, làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản, thậm chí có thể gây vô sinh. Một số do lối sống thiếu khoa học như thức khuya, sử dụng nhiều chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, thậm chí ma túy) là những nguyên nhân khiến số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm.
Xem thêm: Những thắc mắc thường gặp về suy tuyến sinh dục ở nam giới
4. Các triệu chứng suy tuyến sinh dục ở nam giới
Các dấu hiệu và triệu chứng của suy tuyến sinh dục nam sẽ khác nhau tùy từng thời điểm xuất hiện.
a. Trong giai đoạn bào thai
Việc cơ thể trẻ không sản xuất đủ testosterone trong giai đoạn bào thai sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan sinh dục ngoài. Suy tuyến sinh dục bẩm sinh khởi phát trong ba tháng đầu thai kỳ dẫn đến việc biệt hóa giới tính không đầy đủ, trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục nữ hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng. Nếu xảy ra trong ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, sự thiếu hụt testosterone có thể dẫn đến tình trạng dương vật nhỏ hoặc tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn ẩn).
b. Trong tuổi dậy thì
Suy tuyến sinh dục nam có khả năng làm chậm quá trình dậy thì hoặc khiến bé trai phát triển bất thường. Theo đó, sự thiếu hụt testosterone sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của giọng nói, cơ, lông, dương vật và tinh hoàn ở nam giới. Tình trạng này cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của mô vú và khiến ngực nở nang.
c. Sau tuổi dậy thì
Ở nam giới trưởng thành, tình trạng suy tuyến sinh dục sẽ làm thay đổi một số đặc điểm thể chất và gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản bình thường. Người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Giảm ham muốn tình dục.
- Rối loạn cương dương.
- Giảm khối lượng cơ.
- Teo tinh hoàn.
- Giảm phát triển lông trên mặt và cơ thể.
- Phát triển mô vú (nữ hóa tuyến vú, vú to ở nam giới).
- Loãng xươn.
- Thay đổi cảm xúc và tinh thần, lo lắng, trầm cảm.
- Bốc hỏa, vã mồ hôi.
- Thiếu năng lượng, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ.
5. Hệ lụy suy tuyến sinh dục mang lại cho nam giới là gì?
Giảm ham muốn tình dục cùng với rối loạn cương dương là các dấu hiệu sớm biết đến. Rối loạn cương dương là một biểu hiện đáng buồn nhất của nam giới do suy tuyến sinh dục, đó cũng chính là một trong các nguyên nhân không thể thụ tinh. Một số trường hợp không xuất tinh được (rất khó xuất tinh, trong khi sự cương dương đã giảm) hoặc xuất tinh yếu, thậm chí xuất tinh ngược.
Một số trường hợp bị giảm nhạy cảm ở đầu dương vật hoặc thấy dương vật, tinh hoàn nhỏ đi, trong khi vú có thể to ra.
Đối với toàn trạng có thể xuất hiện thiếu nhiệt tình trong công việc, thiếu bền bỉ, chịu đựng, dễ bị bức xúc, cảm xúc bực bội, giảm hứng thú sống, buồn chán, thậm chí trầm cảm.
Xem thêm: Top 6 Bác sĩ Nam khoa giỏi chuyên môn tại TPHCM
6. Điều trị suy tuyến sinh dục ở nam giới như thế nào?
Điều trị suy sinh dục nên được chú trọng đến hai vấn đề chính bao gồm bảo tồn chức năng sinh sản và duy trì sức khỏe nam giới. Đối với vấn đề sinh sản, bệnh nhân nên đến khám tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản để kiểm tra chức năng sinh tinh của tinh hoàn. Nếu chức năng sinh tinh bị suy giảm đáng kể, bệnh nhân cần được can thiệp các phương pháp hỗ trợ sinh sản kịp thời và có kế hoạch bảo tồn khả năng sinh sản như trữ lạnh tinh trùng.
Về mặt sức khỏe nam giới, suy tuyến sinh dục nam thường được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone. Liệu pháp này sẽ cung cấp cho nam giới lượng testosterone cần thiết để giúp đưa nồng độ hormone trong máu trở lại mức bình thường. Testosterone thường được dùng dưới dạng gel bôi, miếng dán thẩm thấu qua da hoặc đường tiêm. Các chế phẩm testosterone đường uống không được sử dụng để điều trị suy tuyến sinh dục nam do có khả năng ảnh hưởng đến gan.
Bên cạnh đó, nếu thuộc nhóm suy sinh dục thứ phát do tổn thương vùng hạ đồi - tuyến yên làm giảm hormone sinh dục từ tuyến yên là FSH và LH, bệnh nhân sẽ được điều trị đặc hiệu với liệu pháp bổ sung gonadotropin giúp phục hồi khả năng sinh tinh và điều trị suy giảm testosterone.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình