Hotline 24/7
08983-08983

Hậu COVID-19: Gan đối mặt với nguy cơ gì?

COVID-19 có thể để lại di chứng đa cơ quan với trên 50 triệu chứng, trong đó có gan. Lời khuyên từ PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để chống chọi những nguy cơ gan có thể mắc phải trong “hậu COVID-19”.

1. Gan ảnh hưởng ra sao trong giai đoạn hậu COVID-19?

Thời gian gần đây, khái niệm “hậu COVID-19” được nhiều người biết đến hơn. Một nghiên cứu cho thấy COVID-19 để lại di chứng đa cơ quan với trên 50 triệu chứng. Xin hỏi BS, cho đến nay đã có nghiên cứu nào cho thấy mức độ ảnh hưởng đến gan ra sao trong giai đoạn hậu COVID-19?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Theo thực tế lâm sàng cho thấy, COVID-19 gây ra hậu quả ở trên khá nhiều hệ cơ quan. Những bệnh nhân mắc COVID-19 dù đã khỏi bệnh nhưng chịu nhiều hậu quả nặng nề ở nhiều hệ cơ quan, gan cũng không ngoại lệ.

Dưới đây là một số cơ chế gây ảnh hưởng đến gan:

  • Chế độ dinh dưỡng: Trong thời kỳ mắc COVID-19, diễn tiến bệnh nặng khiến nhiều bệnh nhân không thể ăn uống được nhiều nên gần như không cung cấp được dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thì sẽ ảnh hưởng đến gan.
  • Sử dụng nhiều thuốc: Việc sử dụng nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế miễn dịch để tiêu diệt được COVID-19 cũng là một trong những yếu tố gây suy gan khá nặng.
  • Ảnh hưởng của COVID-19: Khi virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể sẽ gây suy giảm hệ miễn dịch. Khi đó, gan cũng bị ảnh hưởng ở tất cả các chức năng như: chức năng tổng hợp, tạo mật, bài tiết mật, tạo các yếu tố đông máu,…
  • Gan nhiễm mỡ: Mặc dù bệnh nhân COVID-19 có tình trạng suy dinh dưỡng nhưng vẫn có khả năng bị gan nhiễm mỡ.

Điều này tác động ra sao đến vai trò và chức năng của gan về lâu dài? Đặc biệt là với những người có lá gan đã bị suy yếu vì bệnh (viêm gan, xơ gan, ung thư gan…), thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Ngay trong thời gian nhiễm COVID-19, người bệnh có thể gặp tình trạng suy gan. Khi tình trạng suy gan đã nặng thì cần phải lọc gan nhân tạo để cứu sống người bệnh.

Tuy nhiên, ở những mức độ nhẹ hơn, chẳng hạn như COVID-19 ở tầng thứ 1, 2, thì tình trạng ở gan vẫn có thể xảy ra với các cơ chế như suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, do vai trò của các yếu tố miễn dịch trên cơ thể tác động một cách thái quá lên gan. Đồng thời, việc sử dụng nhiều thuốc về lâu dài gây suy giảm tất cả các chức năng của gan như chức năng tạo mật, chức năng chuyển hoá, chức năng tạo các yếu tố đông máu và chức năng giải độc.

Đặc biệt, đối với những người có bệnh gan từ trước thì những bệnh phụ có thể làm bùng phát lên, ví dụ trên nền viêm gan. Chẳng hạn với những người bị viêm gan virus B hoặc C, thường tình trạng viêm gan cũng nặng lên khi buộc phải dừng thuốc trong một thời gian để điều trị, làm cho bệnh diễn biến nặng hơn.

2. Làm sao nhận biết gan có vấn đề?

Đâu là những dấu hiệu cho thấy gan “có vấn đề” sau COVID-19 thưa BS? Những triệu chứng nào có thể cải thiện theo thời gian và những triệu chứng nào cảnh báo cần đi khám?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Những dấu hiệu tổn thương gan khá đa dạng. Trong thời kỳ khởi đầu, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện nhẹ như: mệt mỏi, chán ăn, hơi tức nhẹ ở vùng gan.

Khi nặng hơn, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu như: xuất huyết dưới da, xuất huyết ở niêm mạc, vàng mắt, vàng da, nước tiểu trở nên sẫm màu, sút cân và chán ăn…

Nếu bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ thì những dấu hiệu đó có thể thoáng qua và biến mất. Nhưng nếu những dấu hiệu vẫn diễn biến kéo dài thì đó đã là tình trạng nặng của bệnh.

Đặc biệt, nếu xuất hiện những dấu hiệu vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đau vùng gan, mệt mỏi, chán ăn thì đó cũng là dấu hiệu nói lên tình trạng nặng của bệnh và bệnh nhân nên đi khám ngay.

3. Mất bao lâu để gan trở về trạng thái bình thường?

Gan là cơ quan có khả năng phục hồi kỳ diệu. Vậy theo BS, khả năng phục hồi của gan sau khi mắc COVID-19 ra sao và mất bao lâu để gan trở về trạng thái bình thường?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Ai cũng hy vọng việc phục hồi của gan có thể diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc phục hồi của gan cần một thời gian dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, nếu bệnh nhân có tình trạng mắc COVID-19 ở mức độ nặng, đòi hỏi thời gian phục hồi kéo dài hơn. Nếu mắc COVID-19 xuất hiện nhiều biến chứng thì khả năng phục hồi sẽ lâu hơn nữa.

Những biến chứng của COVID-19 có thể gây rối loạn đông máu gây tắc mạch ở nhiều cơ quan, gan cũng không ngoại lệ. Theo đó, nếu tắc mạch ở những hệ thống như hệ thống tĩnh mạch cửa liên quan đến gan sẽ làm suy giảm chức năng ganvà thời gian phục hồi sẽ vô cùng lâu, có thể lên đến hàng năm trời.

Việc không chữa kịp thờicó thể làm nặng lên tất cả dấu hiệu của hội chứng suy tế bào gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

4. Những yếu tố nào hay thói quen nào có thể tác động xấu đến gan?

Không chỉ người mắc COVID-19 mới bị ảnh hưởng gan, theo BS trong giai đoạn giãn cách xã hội, những yếu tố nào hay thói quen nào có thể tác động xấu đến cơ quan này?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Trong những giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID-19, nhiều thói quen xấu đã tăng lên như:

  • Thường xuyên uống rượu bia: Việc tiêu thụ nhiều bia rượu là yếu tố làm tăng nguy cơ viêm gan.
  • Có chế độ ăn uống và tập luyện không điều độ: nhiều người thường có xu hướng ăn uống nhiều hơn và tập luyện ít đi. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn cân bằng về mặt dinh dưỡng, gây rối loạn mỡ máu, kèm theo những rối loạn chuyển hoá mỡ ở gan khiến tình trạng gan nhiễm mỡ tăng lên.
  • Người có bệnh nền không được tái khám: Trong thời gian giãn cách kéo dài, những người có bệnh nền từ trước như viêm gan B mãn tính hay xơ gan khó có thể quay trở lại bệnh viện khám đánh giá tình trạng bệnh. Do đó, việc duy trì điều trị đối với bệnh nền của gan kém đi làm tình trạng bệnh nặng thêm.

5. Làm gì để gan được phục hồi tốt nhất và nhanh nhất?

Vấn đề phục hồi sau COVID-19 được rất nhiều bạn đọc quan tâm, nhất là với cơ quan trọng yếu như gan. Xin hỏi BS, chúng ta có thể làm gì để gan được phục hồi tốt nhất và nhanh nhất (dinh dưỡng, tập luyện…)?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Việc phục hồi gan đòi hỏi khá nhiều thời gian để cơ quan này quay trở về chức năng bình thường. Theo đó, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ những vấn đề sau:

  • Tránh xa bia rượu, các đồ uống có cồn.
  • Xây dựng chế độ ăn cân đối:Với người lớn tuổi, nên hạn chế thịt đỏ hay cung cấp quá nhiều mỡ bởi những thực phẩm này sẽ làm bệnh nhân khó hấp thu, đồng thời làm gia tăng tình trạng gan nhiễm mỡ.
  • Duy trì chế độ tập luyện một cách đều đặn:Chúng ta cần phải thiêu đốt calo đã cung cấp trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày thì cơ thể mới khoẻ mạnh. Bởi nếu cung cấp nhiều dưỡng chất mà không tập luyện thì tất cả chất dinh dưỡng sẽ chuyển hoá thành mỡ. Theo đó, mỡ có thể lắng đọng trong cơ thể, dưới da hoặc trong gan gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ nặng.

6. Việc thăm khám sức khỏe gan trong giai đoạn hậu COVID-19 nên tiến hành ra sao?

Việc thăm khám sức khỏe gan trong giai đoạn hậu COVID-19 nên tiến hành ra sao? Bên cạnh những hướng dẫn của BS, có thể sử dụng thêm các sản phẩm chăm sóc gan như một giải pháp bổ trợ hữu hiệu? Nếu được thì cần lưu ý gì trong cách lựa chọn cũng như sử dụng, thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Nhân cơ hội chúng ta đang trở lại giai đoạn đang “bình thường mới” như hiện nay, tất cả người bệnh có bệnh lý nền từ trước nên tái khám sớm để đánh giá lại tình trạng bệnh và có những phương thức điều trị phù hợp.

Những người khoẻ mạnh cũng nên khám tổng quát lại sức khoẻ của mình, không chỉ ở gan. Bởi trong suốt thời gian dài giãn cách xã hội, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Theo đó, lời khuyên của bác sĩ là nên kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, đối với người lớn tuổi (> 50 tuổi) thì ít nhất 6 tháng/lần. Thời gian tái khám còn tuỳ vào mức độ của bệnh nền, nếu bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng thì có thể tái khám trong 1 - 3 tháng, thậm chí 6 tháng.

Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ đánh giá tất cả các chức năng của các hệ cơ quan. Nếu cần phải sử dụng thuốc để điều trị, các bác sĩ sẽ tiên lượng những ảnh hưởng có thể xảy ra đến các hệ cơ quan như: tim mạch, thận, tiết niệu hay hệ thống gan mật.

Sau quá trình thăm khám, nếu kết quả đánh giá cho thấy các cơ quan không bị tổn thương gì nghiêm trọng thì việc bổ sung thêm những sản phẩm có vẻ như không thật sự cần thiết.

Tuy nhiên, nếu bạn buộc phải sử dụng thêm các loại thuốc để chữa bất kể bệnh nào, thì hầu như những thuốc đó đều phải qua gan chuyển hoá nên khiến gan làm việc nhiều lên. Lúc này, việc bổ sung thêm những thực phẩm sẽ giúp cho chức năng gan cải thiện tốt hơn.

7. Cần lưu ý gì để sống chung với dịch bệnh an toàn nhất?

Với những người có sẵn bệnh gan, trong giai đoạn “bình thường mới” như hiện nay cần lưu ý gì để sống chung với dịch bệnh an toàn nhất?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng trả lời: Lời khuyên đối với tất cả mọi người nói chung là chúng ta nên có một chế độ sinh hoạt khoa học, điều độ, đúng giờ, ăn uống cân đối, tránh tiêu thụ những thức ăn quá nhiều chất dinh dưỡng trong thời gian kéo dài.

Nhiều người nghĩ rằng phải ăn nhiều chất dinh dưỡng thi mới tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Theo đó, chúng ta cần duy trì một chế độ ăn cân đối giữa những dưỡng chất như: đường, đạm, mỡ, khoáng chất, các vitamin, chất xơ và lượng nước cần thiết.

Ngoài ra,chúng ta cũng nên tập luyện thể dục, thể thao để giải phóng những năng lượng dư thừa, giúp giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Anh Thi (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X