Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn mỡ máu là gì, hướng điều trị và những lưu ý

Câu hỏi

Chào bác sĩ, em đi xét nghiệm sinh hóa máu có kết quả như sau: Acid Uric: 609 umol/L Cholesterol toàn phần: 6.4mmol/L Triglycerid: 11.3 mmol/L HDL - cholesterol: 1.8 mmol/L LDL- cholesterol: 2,1 mmol/ L Bác sĩ nói em bị tăng Lipid máu hỗn hợp và bệnh gút vô căn. Kính mong được bác sĩ giải đáp các thắc mắc: - Bác sĩ cho em hỏi bị tăng lipid máu hỗn hợp là bệnh gì ạ? - Bệnh gút vô căn nghĩa là sao? - 2 bệnh này có nguy hiểm không, điều trị lâu dài hay hết bệnh rồi ngưng? - Làm sao để giảm lipid máu xuống ạ? - Bao lâu thì đi kiểm tra lại một lần? - Bệnh này có di truyền không vì ba em cũng bị tăng lipid máu và dùng trị bệnh này lâu dài có ảnh hưởng hay tác dụng phụ tới các cơ quan khác không? - Chế độ dinh dưỡng của 2 bệnh này ra sao, có được ăn các loại thịt (ví dụ như thịt bò, gà, vịt, lợn, trứng, tép) và các món ăn chiên, xào, thực phẩm như kẹo, bánh ngọt không? Xin bác sĩ tư vấn dùm em. Em cám ơn rất nhiều. (Huy - huyhuo...@gmail.com)

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Rối loạn mỡ máu đang là vấn đề thời sự ngày nay, có khá nhiều người mắc phải và thông tin báo đài cũng khá phổ biến. Rối loạn mỡ máu có nhiều nguyên nhân, rất khó xác định được 1 nguyên nhân cụ thể, thông thường là do di truyền, lối sống ít vận động, chế độ ăn thiếu khoa học, béo phì, thừa cân, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan, bệnh tuyến giáp, tuổi cao…

Bệnh nhân có rối loạn mỡ máu sẽ được đánh giá nguy cơ tim mạch, nếu nguy cơ tim mạch không cao, cholesterol máu và triglycerid máu không tăng quá cao, có thể thay đổi lối sống để điều chỉnh trước.

Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt và xét nghiệm lại thấy có đáp ứng, bệnh nhân tiếp tục duy trì lối sống này, kiểm tra định kỳ thì có thể không cần dùng thuốc. Trường hợp của em vừa có cholesterol máu tăng, vừa có triglycerid máu tăng rất cao. Khi Triglycerides máu tăng quá cao có thể gây viêm tụy cấp - là một bệnh cấp cứu nội khoa nguy hiểm. Do đó, trước hết em cần mang kết quả này đến khám bác sĩ nội khoa để được kê toa thuốc giảm triglycerid máu về mức an toàn.

Nồng độ acid uric máu của em có tăng nhưng không phải bất kỳ ai tăng acid uric máu đều bị bệnh Gout. Vì gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá, gây ra bởi tình trạng lắng đọng các tinh thể urat ở các mô của cơ thể, do tăng acid uric trong máu. Do đó, nếu chỉ tăng acid uric máu mà không có tổn thương khớp đặc trưng của bệnh Gout thì không gọi là bệnh Gout. Tăng acid uric làm tăng nguy cơ bệnh Gout, bệnh tim mạch (trong đó có bệnh tăng huyết áp), bệnh thận…

Mức acid uric máu và mỡ máu có thể giảm dần thông qua việc thay đổi lối sống. Cụ thể là, em nên tăng cường vận động hằng ngày (chạy bộ, đi bộ ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần), hạn chế dầu mỡ, kiêng rượu bia, cai thuốc lá, không ăn phủ tạng động vật, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống nhiều nước. Nếu có béo phì, thừa cân thì em nên kiểm soát lại cân nặng của bản thân, lên kế hoạch giảm cân dần.

Em nên kiểm tra định kỳ lipid máu 6 tháng/lần để kiểm soát tốt các biến chứng của bệnh và bác sĩ có được chỉ định điều trị tốt nhất.

Thân mến!

Rối loạn mỡ máu, nếu không được điều trị kịp thời, mỡ máu đọng lại thành động mạch gây xơ vữa động mạch, thậm chí mắc các bệnh lý về tim mạch như suy tim, đột quỵ...

Rối loạn mỡ máu có thể do cả hai nhóm yếu tố thay đổi được và không thể thay đổi được góp phần gây ra.

Các yếu tố có thể kiểm soát (có thể thay đổi), bao gồm:

- Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo không bão hòa và đường đơn, bị béo phì và ít vận động;
- Một số thuốc, như estrogen, thuốc trị HIV, cũng có thể làm tăng nồng độ triglyceride.

Các yếu tố không thể kiểm soát (không thay đổi được) bao gồm di truyền; bệnh sử gia đình, đặc biệt nếu bệnh tim mạch xảy ra ở những thành viên trẻ hơn trong gia đình  (dưới 55 tuổi ở nam và ở nữ là dưới 65).

Biện pháp đầu tiên để chống rối loạn mỡ máu là thay đổi lối sống như tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn đã thực hiện những điều này và tình trạng mỡ máu vẫn còn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để trị bệnh.

Việc sử dụng thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc khác sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các nguy cơ mắc bệnh, tuổi tác, sức khỏe hiện tại và tác dụng phụ của thuốc.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X