Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông: Các biện pháp phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng

Đột quỵ trong mùa nắng là vấn đề không mới, nhưng rất nhiều người gặp phải. Nhằm hạn chế tối đa khả năng bị đột quỵ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, phòng ngừa hiệu quả là biện pháp tốt nhất.

Tiếp nối những câu hỏi về đột quỵ mùa nắng nóng, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giải đáp riêng cho bạn đọc AloBacsi xung quanh vấn đề này.

Sau đây là những câu hỏi tiếp theo của bạn đọc được GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Phạm Trần Bảo - baophamtr…@gmail.com

Nên tránh những môn thể thao nào trong mùa nắng nóng thưa bác sĩ? Vì nếu tập luyện nhẹ nhàng thì không đủ, còn tập nặng thì dễ mất nước, đột quỵ. Cảm ơn bác sĩ ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Bảo thân mến,

Bạn có tinh thần tập luyện thể dục thể thao thực sự rất đáng quý. Tuy nhiên, mùa hè, nắng nóng, các môn thể thao nếu chơi ở ngoài trời lâu đều không có lợi cho sức khỏe.

Tốt nhất bạn nên chơi các môn thể thao trong nhà như: cầu lông, bóng bàn, tập gym, bơi lội… vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tránh nguy cơ mất nước.

Hoàng Minh Nguyễn - hoangminh90...@gmail.com

Xin hỏi bác sĩ, vì sao đái tháo đường kèm tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ đột quỵ? Mẹ tôi đang bị đái tháo đường type 2 và dùng thuốc, vậy nguy cơ đột quỵ là bao nhiêu? Có cách nào để giảm nhẹ biến chứng này không ạ, mong bác sĩ tư vấn?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Minh Nguyễn,

Câu hỏi của bạn là thắc mắc của rất nhiều người. Đái tháo dường là nguyên nhân gây vữa xơ động mạch, làm giảm tốc độ dòng máu nên dễ gây tắc mạch, là nguyên nhân làm tăng các gốc tự do trong cơ thể, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, là một trong những nguy cơ của đột quỵ.

Tốt nhất bạn nên duy trì dùng thuốc và có chế độ ăn đái tháo đường, kiểm soát lượng đường máu và duy trì chế độ tập luyện đều đặn.

Thân mến.

Phạm Hoa - cobengok...@gmail.com

Thời tiết nóng bức cũng có thể dẫn đến đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đột quỵ này thưa BS?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ trong thời tiết nóng bức là do cơ chế sau:

Nắng nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, cơ thể phải dãn mạch ngoại vi và tăng tiết mồ hôi để chống nóng và bảo vệ cơ thể. Nắng nóng kéo dài sẽ gây suy giảm sức khỏe cũng như sức đề kháng.

Nếu nóng và lạnh đột ngột sẽ gây thay đổi huyết áp đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp, là nguyên nhân dễ gây đột quỵ mùa nắng nóng.

Thân mến.

Nhiệt độ cao là yếu tố nguy cơ gây đột quỵNhiệt độ cao là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhất là người cao tuổi. Ảnh: Internet

Mai Anh - Bình Chánh

Thưa bác sĩ, chồng em năm nay 34 tuổi, có tiền sử cao huyết áp đã điều trị hết. Tim hay đập nhanh mỗi khi hồi hộp. Gia đình đã có ba và anh hai mất vì bị đột quy. Vậy em có nên cho chồng đi tầm soát đột quỵ để phòng ngừa hay không? Ngoài việc tầm soát thì cần làm gì nữa để phòng ngừa ạ? Dạ em cảm ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Mai Anh thân mến,

Việc quan trọng hàng đầu trong phòng ngừa đột quỵ là duy trì huyết áp ổn định thường xuyên.

Chồng bạn mới 34 tuổi, còn trẻ, gia đình đã có bố và anh chết vì đột quỵ thì nên đi khám để tầm soát hệ mạch não, tim.

Nếu không có bệnh lý thì nên có chế độ sinh hoạt, làm việc và tập luyện hàng ngày đều đặn, bỏ thuốc lá, không lạm dụng rượu-bia.

Nhung Phạm - tuyetnhungpham...@gmail.com

Với người bệnh vừa trải qua cơn đột quỵ thì cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào để phục hồi sức khỏe sau tai biến và ngăn ngừa bệnh tái phát thưa bác sĩ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Tùy theo thể đột quỵ là chảy máu hoặc thiếu máu não mà có chế độ ăn uống, sinh hoạt khác nhau.

Điều chung là không nên ăn quá mặn, hạn chế mỡ động vật và thịt phủ tạng, nên ăn tăng rau xanh và hoa quả chín. Nếu có đái tháo đường phải có chế độ ăn đái tháo đường. Không nên ăn quá no. Tuyệt đối không dùng rượu bia hay hút thuốc lá.

Kỳ Hân - hannguyensp...@gmail.com

Tôi được biết bệnh đột quỵ cần phải cấp cứu kịp thời, nếu không bệnh nhân tử vong rất nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề. Vậy các chuyên gia có thể chỉ rõ dấu hiệu nào báo hiệu sớm cơn đột quỵ sắp xảy ra để người dân được biết? Bệnh đột quỵ có thể để lại những di chứng gì cho người bệnh không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Kỳ Hân,

Trên nền tảng bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, vữa xơ động mạch nếu xuất hiện 1 trong 5 dấu hiệu:

- Đột ngột yếu hoặc liệt một bên cơ thể

- Đột nhiên nói ngọng, nói khó, nói líu lưỡi

- Đột nhiên hoa mắt chóng mặt, mờ một hoặc cả hai mắt

- Đột ngột lĩnh hội khó khăn, không làm theo yêu cầu

- Đột nhiên đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân

Sau đột quỵ, tùy theo mức độ đột quỵ có thể để lại di chứng liệt nửa người, rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ, rối loạn đại tiểu tiện, nếu nặng có thể gây tử vong.

Thân mến.

Nguyễn Thị Hạnh - nguyenthihanh...@gmail.com

Khi gặp người đột quỵ thì người bên cạnh cần xử lý nhanh như thế nào để giúp được bệnh nhân giữ được mạng sống? Có trường hợp nào do người nhà sơ cứu sai cách dẫn đến nguy hiểm cho bệnh nhân mà bác sĩ nhớ nhất, bác sĩ có thể chia sẻ cho khán giả được biết?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Hạn thân mến,

Rất cám ơn câu hỏi của bạn. Vấn đề sơ cứu người đột quỵ không chỉ bạn mà rất nhiều người quan tâm, nhất là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao. Xin chia sẻ với bạn những việc nên làm khi gặp bệnh nhân đột quỵ:

Đặt bệnh nhân nằm ngang trên giường, không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm và thuốc gì. Nếu cho ăn hoặc uống, người bệnh có thể gây hít sặc vào phổi gây viêm phổi.

Nếu bệnh nhân rối loạn ý thức hoặc nôn thì nằm đầu nghiêng bên để tránh hít sặc vào phổi, sau đó gọi điện thoại ngay cho trung tâm cấp cứu để đưa đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Vũ Oanh - oanhpham...@gmail.com

Trong y học cổ truyền, điều trị đột quỵ ra sao thưa BS? Y học hiện đại có những phương pháp nào ạ? Xin cám ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Vũ Oanh,

Mỗi nền y học sẽ có quan điểm về đột quỵ khác nhau. Y học hiện đại có rất nhiều giải pháp:

- Điều trị hồi sức nội khoa toàn diện

- Dùng thuốc tiêu huyết khối

- Điều trị hội mạch lấy bỏ huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thả cuộn kim loại nút phình mạch hoặc dị dạng mạch

- Phẫu thuật lấy bỏ huyết khối

- Đặt dẫn lưu não thất.

Nút túi phình bằng phương pháp Stent và CoilNút túi phình bằng phương pháp Stent + Coil. Ảnh: Internet

Linh Hoàng

Cháu chào bác sĩ ạ, ba cháu phát hiện bệnh vào 4 năm trước, đang đi chơi bỗng dưng choáng và nằm im, ói, cảm thấy người như bị rớt xuống vực sâu, đưa đi cấp cứu khi đến bệnh viện thì đã khỏe và không có tiền sự bị huyết áp gì hết ạ, cho ngậm viên thuốc dưới lưỡi, 2 tiếng sau khỏe hẳn và đi về như chưa hề bị gì.

Cứ 1 năm bị tái phát 1 lần và đi cấp cứu. Đợt này nhập viện 6 ngày, chẩn đoán của bác sĩ là "Đau đầu và rối loạn tiền đình". Khi điều trị được 3 năm bệnh trên thì tháng 12/2018 ba cháu bị đột quỵ, cấp cứu kịp thời, lại phát hiện ra bị tắc nghẹt mạch máu tim 1 nhánh và đặt 1 stent, đến giờ bên Bệnh viện Nguyễn Trãi chỉ điều trị bệnh tim còn bệnh choáng và ói của ba cháu thì dùng thuốc của một bác sĩ tại Biên Hòa.

Vấn đề dùng thuốc có thông báo cho bác sĩ 2 bên thì 2 bác bảo uống chung được ạ, mà thời gian gần đây lượng thuốc uống hơi nhiều, ba cháu bị đau bao tử, và người luôn mệt mỏi, buồn ngủ mọi lúc mọi nơi, người không tỉnh táo, chỉ có cảm giác đói là tay run cầm cập và khi cầm nắm đồ vật.

Cháu muốn hỏi thăm bác là việc dùng thuốc và kết hợp thuốc có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không ạ, năm nay ba cháu 53 tuổi. Cháu cảm ơn các bác sĩ nhiều ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Thông thường, trong chiến thuật dùng thuốc thì thường đơn trị liệu trước, hạn chế phối hợp thuốc vì có khả năng cộng hưởng hoặc giảm tác dụng của thuốc.

Mặt khác các thuốc đều có tác dụng phụ. Các đơn thuốc đều có hướng dẫn cụ thể về tác dụng và chống chỉ định.

Tuy nhiên, thông thường, người bệnh bị nhiều bệnh bác sĩ phải phối hợp xử trí là đúng. Việc phối hợp thuốc còn tùy kinh nghiệm của bác sĩ.

Thân mến.

Trịnh Khánh Tiên - khanhtien82...@gmail.com

Trong những ngày nắng nóng khắc nghiệt, người cao tuổi cần bảo vệ sức khỏe ra sao để phòng tránh nguy cơ đột quỵ và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Khánh Tiên,

Người cao tuổi là đối tượng cần đặc biệt quan tâm trong những ngày nắng nóng như hiện nay. Để phòng tránh đột quỵ và những bệnh nguy hiểm khác, người lớn tuổi ần uống đủ nước, tránh bật điều hòa quá lạnh, hạn chế ra ngoài trời lâu, có chế độ ăn tăng dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng.

Thân mến.

Nguyễn Văn Hải - hainhu86...@gmail.com

Bố tôi bị tai biến mạch máu não và liệt nhẹ nửa bên trái. Bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu não vùng rộng. Hiện bố tôi đã về nhà điều trị và uống thuốc hằng ngày nhưng tay và chân trái vẫn rất yếu và dại. Xin hỏi bác sĩ có cách nào giúp phục hồi nhanh không? Tôi có nên cho ông tập trị liệu hoặc phục hồi chức năng không? Khi nào thì nên tập ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Hải,

Bố bạn đã từng nhồi máu não, do đó việc duy trì huyết áp ổn đinh là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó cần uống thuốc dự phòng theo đơn, tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tăng cường nuôi dưỡng và chăm sóc người bệnh.

Thân mến.

Chế độ ăn uống nên tăng cường rau củ, không chỉ với người bệnh đột quỵ mà tất cả mọi người nên thực hiện. Ảnh: Internet

Mạnh Quỳnh - quynhtranbc...@gmail.com

Bố tôi năm nay 70 tuổi, thời gian gần đây hay có hiện tượng chóng mặt một chút rồi đỡ ngay, đo huyết áp không tăng. Tôi nghe nói ở lứa tuổi này rất dễ bị đột quỵ và tỷ lệ tử vong cao. Rất mong bác sĩ tư vấn thêm cho trường hợp của bố tôi cần phải làm gì, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Mạnh Quỳnh thân mến,

Bố bạn có hiện tượng chóng mặt, bạn phải đo huyết áp cho bố bạn hoặc đưa đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra cột sống cổ, hỏi xem có rối loạn giấc ngủ không. Nếu có thì phải điều trị theo chuyên khoa.

Trân trọng.

Nguyễn Ngọc Minh Anh - minhanhjp...@gmail.com

Có nên sử dụng NattoEnzym để hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ mùa nắng nóng và sử dụng như thế nào để an toàn?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Minh Anh,

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, đột quỵ cũ, vữa xơ động mạch thì nên uống NattoEnzym để hỗ trợ nhé.

Thân mến.

Hùng Cường - Tây Ninh

Chào bác sĩ, ba tôi 68 tuổi, tối qua tự nhiên thấy rần rần nửa người bên phải, ngược từ dưới mình lên trên, nóng lên tai rồi ra sau ót (sau gáy). Xin BS tư vấn giúp đây là triệu chứng bệnh gì? Tôi có tham khảo triệu chứng đột quỵ thì nó xảy ra từ trên xuống, đằng này lại từ dưới lên. Nếu không phải đột quỵ thì ba tôi nên thăm khám ở đâu? Gia đình tôi ở Tây Ninh. Cám ơn BS!

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Xin chào bạn Cường,

Những triệu chứng của ba bạn khá mơ hồ và rất khó để phân biệt, bởi việc chẩn đoán bệnh phải thông qua thăm khám trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết phải cần đến sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc.

Tốt nhất bạn nên đưa đi khám tại chuyên khoa Thần kinh để xác định nhé.

Thân ái.

Thu Hà - Cần Thơ

AloBacsi cho em hỏi, ba em 66 tuổi, bị hẹp mạch cảnh P trên 90%. BS chỉ định là nong stent. Nhưng theo em tìm hiểu biết có 2 cách: một là mổ hở để cắt đoạn hẹp lấy sạch mảng xơ vữa. Hai là nong stent. Nhưng nong sten thì liệu những mảng xơ vữa có bị bong ra chạy đến hẹp đoạn khác, hay lượng máu lên não nhiều dẫn đến phù não hoặc những cục máu đông di chuyển đến nơi khác gây nguy hiểm không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Thu Hà thân mến,

Nong stent và mổ hở là hai phương pháp chính trong điều trị hẹp động mạch cảnh. Mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm riêng và từng bệnh nhân cụ thể sẽ lựa chọn giải pháp nào.

Bạn nên tư vấn thêm các bác sĩ can thiệp mạch để biết chính xác ba của bạn nên lựa chọn phương pháp nào an toàn và thích hợp nhé.

Nguyen Thi Minh Thanh

Tôi bị đột quỵ vào năm 2010. Sau này tôi lại bị dây thần kinh số 7. Bây giờ hễ đụng vào răng số 8 hàm trên, bên trái thì nó co thắt trên mặt.

Tôi bị chảy máu ở phần đồi thị bên phải, sau đó phục hồi, đi đứng bình thường. Không có di chứng gì cả.

Dần dần sau đó thì tôi bị kéo nhẹ trên mặt bên trái. Đến gần đây thì nó kéo rất mạnh, không có đau, dường như xuất phát từ răng số 8. Nó kéo mạnh dường như kéo cả hai vai. Thưa bác sĩ bây giờ chữa trị như thế nào?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Xin chào bạn,

Từ quan điểm và chuyên môn, tôi khuyên bạn nên đi khám chuyên khoa Răng -Hàm-Mặt để tìm nguyên nhân khởi phát đau và co giật cơ mặt. Theo như bệnh cảnh bạn mô tả ít do di chứng đột quỵ.

Thân mến.

Lan Hương

Xin chào bác sĩ ạ, thím của con bị đột quỵ nay cũng đã tập tễnh đi được nhưng tay trái thì vẫn không thể tự nâng lên được. Xin cho con hỏi muốn được bác sĩ khám bệnh thì đi tới địa chỉ nào ạ? Nhà thím con ở Đắc Nông ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Lan Hương,

Hiện tôi sống và làm việc ở Hà Nội. Bạn nên đưa thím của mình đến các chuyên khoa Thần kinh-Mạch máu trên các bệnh viện tại tỉnh để khám. Nhưng cần tập luyện tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ nhé.

Thân mến.

Long C.

Bố em bị tiểu đường và suy thận độ 3, đang được điều trị ngoại trú, dạo gần đây có biểu hiện của tai biến, cụ thể là chân rất yếu, có vài lần không thể đứng dậy được.

GS có thể cho em xin vài lời khuyên được không ạ? Trong trường hợp bị ngã, ngất và bệnh viện nào ở Hà Nội chuyên điều trị tình trạng này ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Đái tháo đường và suy thận là các bệnh mạn tính sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và máu nuôi não. Bạn có thể đưa đến bất kỳ bệnh viện nào có chuyên khoa Nội tiết và Thận để khám.

Thân mến.

Lê Văn Hải Anh - Hà Nội

Thưa GS, mẹ em bị di chứng xuất huyết nội sọ, rò động - tĩnh mạch trên nền tăng huyết áp và đái tháo đường. Hiện đã điều trị gần được 2 tháng, vẫn tái khám theo chỉ định của bác sĩ, nhưng vẫn còn yếu, đa số sinh hoạt là phụ thuộc vào gia đình. Bây giờ em muốn đưa mẹ đi tập vật lý trị liệu thì nên tập thế nào?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Hải Anh,

Việc cho mẹ bạn tập vật lý trị liệu phải theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Bác sĩ sẽ cho chỉ định tập luyện cũng như hướng dẫn các động tác, thời gian cũng như các chống chỉ định. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé.

Thân mến.

Huỳnh Võ Thục Đoan - Q.7, HCMC

Ba em bị rung nhĩ, sau bị đột quỵ nhồi máu não. Sau điều trị có hồi phục, giờ sống khỏe nhưng không được như lúc xưa nữa. Bác sĩ cho em hỏi ba em nên làm gì để phòng ngừa đột quỵ tái phát? Nên ăn uống và sinh hoạt như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Ba bạn đã có rung nhĩ và đột quỵ, vì vậy cần được điều trị chống đông theo chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ, hàng ngày tập luyện nhẹ nhàng theo khả năng.

Ăn uống đủ chất, lành mạnh, tăng cường rau quả, hạn chế đồ mỡ chiên xào, uống đủ nước, tốt nhất là nước lọc, hạn chế nước ngọt hay có ga… Đi ngủ đúng giờ, không nên thức khuya. Giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ, tránh mọi stress.

Thân mến.

Trần Thị Lệ - Quảng Ngãi

Kính gởi các bác sĩ! Chồng tôi bị đột quỵ xuất huyết não, đến bệnh viện kịp thời nên may mắn thoát chết. Chồng tôi có nền tăng huyết áp, đái tháo đường, trước khi bị đột quỵ chỉ số huyết áp cao trên 190. Bác sĩ cho tôi xin lời khuyên với ạ. Với những trường hợp xuất huyết não tỷ lệ tái phát như thế nào? Cách nào tốt nhất để phòng ngừa tái phát?

Đột quỵ xuất huyết nãoĐột quỵ xuất huyết não thường chiếm 20% trong đột quỵ. Ảnh: Internet

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Lệ thân mến,

Với những bệnh nhân sau đột quỵ xuât huyết não, duy trì huyết áp về < 140/90mmHg rất quan trọng.

Chồng bạn cần thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó cần uống thuốc theo toa bác sĩ kê đầy đủ, đúng giờ.

Xin chào.

Thái Bá Đức - TT Châu Đức, BRVT

Anh trai tôi đang uống thuốc chống đông phòng ngừa đột quỵ tái phát, do bác sĩ chỉ định. Bây giờ tôi muốn mua NattoEnzym cho anh uống thì có được không? Có cần uống cách thuốc Tây 2 tiếng không? Với TPCN có cần uống - nghỉ dãn cách không? Xin cảm ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Đức,

Nếu đã uống chống đông thì tạm thời chưa nên dùng Nattoenzym.

Uống chống đông phải theo liên tục, và kiểm tra máu định kỳ theo quy định.

Thân mến.

Bùi Thanh Hoài - Phú Yên

Xin chào các y bác sĩ dược sĩ. Em đọc trên báo AloBacsi thấy nói về Nattoenzym giúp ngăng ngừa đột quỵ do cục máu đông. Em đã 47 tuổi, bị cao máu, hay lên tăng xông. Em cũng hay nhói ở 2 bên dây mạch máu ở cổ và đi siêu âm động mạch cảnh thì bị hẹp 61%. Ngoài thuốc mỡ máu, huyết áp em uống Nattoenzym được không? Nên uống liều lượng như thế nào? Mua ở đâu? Em ở quê không biết có bán không nữa? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Thanh Hoài,

Theo như các triệu chứng mô tả, bạn có thể dùng Nattoenzym và kết hợp thuốc huyết áp nếu có tăng huyết áp.

Trên TV có quảng cáo địa chỉ và cách dùng, bạn có thể tham khảo, hoặc lên mạng xem những nhà thuốc nào có bạn, hoặc gọi điện thoại đến nhà cung cấp. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bác sĩ đã khám cho mình nhé.

Trần Văn Bi

Em có người nhà bị xuất huyết não đã điều trị ổn định, đi lại và sinh hoạt được. Bác sĩ cho em hỏi có loại thuốc nào hỗ trợ hồi phục không ạ? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Người nhà bạn cần duy trì huyết áp < 140/90mmHg và tập luyện đều đặn. Nếu bác sĩ có kê thuốc điều trị thì uống theo như chỉ dẫn. Tăng cường ăn uống cân bằng, khoa học, ăn nhiều rau củ quả, ngủ nghỉ đúng giờ.

Thân mến.

Nguyễn Bách - bach_nguyen…@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, chóng mặt có dễ dẫn đến đột quỵ không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Chóng mặt thường không phải là nguy cơ của đột quỵ. Nhưng nếu có huyết áp cao thì cần phải đi khám chuyên khoa nhé.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X