Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời chùm câu hỏi cách phòng ngừa đột quỵ mùa nắng nóng

Các tỉnh miền Bắc và Trung đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt. Tình trạng nắng nóng đang diễn tiến như hiện tại khiến rất nhiều người lo ngại về sức khỏe như mất nước, kiệt sức, thậm chí đột quỵ.

Mang tâm trạng lo lắng, quan ngại về sức khỏe các bệnh nhân đột quỵ cũng như các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong mùa nắng nóng, Thầy thuốc Nhân dân.GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giành thời gian trả lời cho bạn đọc AloBacsi những thắc mắc xung quanh vấn đề phòng ngừa đột quỵ thời điểm này.

Kính mời bạn đọc theo dõi những câu tư vấn dưới đây của GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông.

1. Nguyễn Văn Minh - minhnguyen…@ymail.com

Chào bác sĩ, bố tôi tuổi đã cao (78 tuổi), đã từng bị đột quỵ 1 lần, huyết áp cao và hiện sống cùng gia đình tôi. Bố ngủ một mình (mẹ tôi đã qua đời), vợ chồng tôi gặp bố trước khi đi ngủ và sáng sớm. Bố tôi hằng ngày uống thuốc huyết áp 2 viên chia sáng và tối, sức khỏe khá ổn định. Tôi đọc báo và biết được thông tin đột quỵ trong khi ngủ có tỷ lệ tử vong khá cao, do đó tôi rất lo lắng cho bố. Rất mong bác sĩ tư vấn về trường hợp bố tôi. Xin cám ơn.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Minh,

Đột quỵ thiếu máu não thường xảy ra khi ngủ và sáng sớm. Nếu bạn duy trì mức huyết áp trong phạm vi < 140/90mmHg thì an toàn, và nên chuyển thuốc huyết áp uống sáng và tối.

Nếu đã bị đột quỵ thiếu máu não thì phải dùng thêm aspirin uống hàng ngày và thuốc huyết áp uống hàng ngày, không bỏ thuốc. Nếu tăng mỡ máu phải dùng thuốc và tập thể dục thường xuyên theo khả năng.

2. Đoàn Khánh Ngọc - 42 tuổi, TPHCM

Vào mùa nắng nóng lại thêm COVID-19 khiến tôi ra đường lúc nào cũng phải khẩu trang 2-3 lớp. Có lúc về đến nhà mồ hôi nhễ nhại, mặt mày xây xẩm. Sau đó nghỉ lấy 10 phút mới đi tắm, bật máy lạnh. Xin hỏi bác sĩ, thời gian nghỉ của tôi như vậy là đủ chưa? Vì tôi được biết, nếu hạ nhiệt đột ngột có thể đến đột quỵ. Mong bác sĩ cho lời khuyên.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Ngọc,

Khi ở ngoài nắng về, bạn nên nghỉ ngơi cho hết mồ hôi, có thể dùng quạt hạ nhiệt, uống nước mát (không uống nước đá) rồi tắm và vào phòng điều hòa với nhiệt độ khoảng 26 độ.

Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, ăn đủ chất, thêm hoa quả mọng nước, giáu vitamin vào chế độ ăn của mình.

Thân mến.

Nên bật điều hòa ở mức 26 độ vừa tiết kiệm điện và đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Lao động

3. Hoàng Bích Lan - lanhoang…@gmail.com

Cháu chào bác sĩ, mẹ cháu năm nay 65 tuổi ạ. 9 năm trước, mẹ cháu từng bị đột quỵ, may mắn phát hiện kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hiện tại sức khỏe mẹ khá bình thường, uống thuốc huyết áp sáng tối, nhưng giấc ngủ chập chờn, ngủ ngắn, tầm 1-2 tiếng là tỉnh, rồi ngủ tiếp, một đêm cứ như vậy 2-3 lần.

2 năm trở lại đây mẹ cũng hay quên. Điều này làm cháu rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn cách giúp mẹ ngủ ngon và khắc phục triệu chứng hay quên ạ. Cháu rất cám ơn bác sĩ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Bích Lan,

Mẹ bạn hồi phục sau khi bị đột quỵ là rất tốt. Tình trạng mất ngủ có thể do huyết áp chưa duy trì ở mức an toàn.

Bạn nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa Thần kinh xem tình trạng rối loạn giấc ngủ do nguyên nhân gì và mức độ trí nhớ như thế nào?

Thân mến.

4. Nguyễn Ngọc Vy - ngocvy...@gmail.com

Những thói quen xấu nào dễ gây đột quỵ cần được loại bỏ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Ngọc Vy,

Rất cám ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Câu hỏi của bạn cũng rất được nhiều người quan tâm. Các thói quen dễ gây đột quỵ gồm có:

- Lạm dụng rượu - bia

- Hút thuốc

- Lười tập thể dục

- Luôn căng thẳng

- Chế độ ăn ít rau xanh và hoa quả, ăn quá mặn, ăn toàn đồ ăn nhanh, chiên rán

- Không khám sức khỏe định kỳ…

5. Phan Thị Lệ Huyền - phanhuyen…@gmail.com

Thưa bác sĩ, gia đình cháu có ông ngoại, em trai ông ngoại, mẹ cháu từng bị đột quỵ. Ông ngoại đột quỵ, nằm liệt giường 2 năm thì mất. Em trai ông ngoại bị đột quỵ xuất huyết, điều trị 12 ngày thì bệnh viện cho về, vừa qua đời năm ngoái. Mẹ cháu từng bị đột quỵ 5 năm trước nhưng may mắn là trong giờ vàng, không nguy hiểm tính mạng, hiện đang điều trị huyết áp cao (170-180).

Bản thân cháu là nữ, 27 tuổi, sức khỏe ổn định, có thiếu máu nhẹ, huyết áp 110-120. Liệu cháu có nguy cơ di truyền bệnh này từ gia đình không ạ? Gia đình bên nội sức khỏe tốt. Bố cháu huyết áp 140-150 ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Bạn quan tâm đến sức khỏe là điều đáng trân quý. Quan trọng nhất là giữ huyết áp mục tiêu (huyết áp tâm thu từ 110-120mmHg) là tốt.

Đột quỵ thường là do mắc phải, ít di truyền. Bên cạnh giữ huyết áp ổn định, bạn nên khuyên mẹ bạn thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giảm huyết áp xuống bởi huyết áp hiện vẫn khá cao.

Tập luyện thể dục thể thaoTập luyện thể dục thể thao là chìa khóa quan trọng nhằm giữu sức khỏe ổn định trong mùa nắng nóng dễ gây mất sức như hiện nay. Nguồn ảnh: Internet

6. Đỗ Tuấn Thanh - Hà Nội

Thưa giáo sư, tôi năm nay 48 tuổi, có thắc mắc về việc tầm soát đột quỵ, mong được tư vấn ạ. Với một người người khỏe mạnh, lối sống sinh hoạt điều độ, độ tuổi dưới 40 và trên 40 có cần tầm soát đột quỵ không? Nếu có thì bao lâu nên làm một lần? 1 năm, 3 năm hay 5 năm, 10 năm. Các mốc thời gian cần lưu ý?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Tuấn Thanh,

Với độ tuổi của bạn (48 tuổi) nên tầm soát các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, lipid máu.

Người có bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch nên tầm soát đột quỵ ở độ tuổi nào? Bao lâu nên làm một lần? Trên một người mà có từ 2 bệnh nền trở lên thì có phải rút ngắn thời gian tầm soát lại không? Xin cảm ơn giáo sư đã dành thời gian giải đáp.

Nếu có các yếu tố nguy cơ như bạn đề cập thì tầm soát ở mọi lứa tuổi, 6 tháng 1 lần. Nếu có cơn TIA hoặc đột quỵ, thì 3 tháng 1 lần.

Tóm lại, tầm soát đột quỵ không giới hạn độ tuổi, nhưng tốt nhất là từ 40 tuổi trở lên.

Những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ (gia đình có người thân bị đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá, rượu bia nhiều, có triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh) thì nên tầm soát sớm.

Thời gian tầm soát đột quỵ tùy mỗi cá nhân. Nếu kết quả chụp mạch máu não phát hiện bất thường cần theo dõi định kỳ, nếu bình thường thì sau 3 năm hoặc với người dưới 50 tuổi thì sau 5 năm cần tái khám.

7. Nguyễn Ngọc Minh Châu - chaunguyen...@gmail.com

Bà tôi đã phẫu thuật kẹp túi phình và uống thuốc hạ huyết áp. Hiện tại, bà tôi đã sinh hoạt như bình thường. Xin hỏi, bà tôi dùng Nattospes lâu dài có được không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Minh Châu thân mến,

Nattospes không có chỉ định dùng trong kẹp túi phình. Bạn nên cho bà dùng thuốc do bác sĩ khám trực tiếp kê đơn.

8. Trịnh Gấm - 0935…

Chồng tôi 56 tuổi, bị đột quỵ xuất huyết, đang điều trị tại bệnh viện tỉnh, hiện đã tỉnh, giao tiếp được, chuẩn bị lên nội trú. Bác sĩ tại bệnh viện có nói là nên tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt để cải thiện vận động. Bác sĩ cho tôi hỏi liệu có thể phục hồi hoàn toàn không ạ? Xin cám ơn.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Tùy theo mức độ tổn thương và vị trí bị mất chức năng mới xác định được mức độ hồi phục. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sẽ kéo dài trong khoảng 1 năm. Bạn nên cho chồng tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

Thân mến.

9. Văn Quý - nguyenvanquy...@gmail.com

Chào bác sĩ! Để bảo vệ sức khỏe khỏi đột quỵ mùa nắng nóng nên bổ sung thực phẩm gì và hạn chế điều gì?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Quý,

Nhằm bảo vệ sức khỏe trong màu nắng nóng và tránh nguy cơ đột quỵ, bạn nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đủ chất. Ăn thức ăn mềm, mát tăng cường rau xanh và hoa quả mọng nước, giàu vitamin, thực phẩm chứa nhiều selen - vi lượng…

Tránh đồ ăn, thức uống có cafein, nhiều đường, có gas, chất có cồn vì làm cơ thể mất nhiều dịch và trầm trọng hơn tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Bên cạnh đó, hạn chế nóng lạnh đột ngột, tránh căng thẳng quá mức, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Thân mến.

10. Mỹ Trang - Đà Nẵng

Con chào bác sĩ ạ, con năm nay 26 tuổi, đang sống cùng bố mẹ và ông nội. Cả ông nội và bố đều bị huyết áp cao, bác sĩ nói phải kiểm soát huyết áp tốt, nếu không sẽ dẫn đến đột quỵ. Nếu không may một người xảy ra đột quỵ, ngoài việc điện thoại cho cấp cứu thì người thân nên làm gì trong thời gian đợi xe cấp cứu ạ? Con cám ơn bác sĩ tư vấn ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Mỹ Trang thân mến,

Vấn đề bạn quan tâm rất đáng quý đối với ông bà, cha mẹ.

Khi người thân không may xảy ra đột quỵ, nên đặt bệnh nhân nằm ngang trên giường, không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm và thuốc gì.

Nếu người bệnh rối loạn ý thức hoặc nôn thì nằm đầu nghiêng bên để tránh hít sặc vào phổi, gọi điện thoại ngay cho cấp cứu để đưa đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Thân mến.

11. Hoàng Việt - TPHCM

Chào bác sĩ, tôi có thắc mắc muốn hỏi, tôi có nghe nói về trí tuệ nhân tạo RAPID sẽ kéo dài thời gian vàng điều trị người bị đột quỵ não đến 24 giờ kể từ khi có dấu hiệu đầu tiên. Tuy nhiên nhiều bác sĩ có phản bác lại RAPID, luôn kêu gọi nên đến bệnh viện trong giờ vàng. Vậy đâu là câu trả lời chính xác? Bởi có nhiều bệnh nhân đột quỵ khi đến đúng bệnh viện điều trị sẽ mất rất nhiều thời gian.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,

Công nghệ Rapid giúp cho bác sĩ cân nhắc can thiệp lấy bỏ huyết khối hay không, hoặc lựa chọn phương pháp can thiệp tại bệnh viện.

Với bệnh nhân, cần chuyển ngay đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ càng nhanh càng tốt, không nên quan tâm bệnh viện nào có Rapid mới chuyển đến làm trễ mất giờ vàng bạn nhé.

GS.TS.BS Nguyễn Văn ThôngGS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

12. Phương Thùy - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa bác sĩ, trời nắng nóng nên nhiều khi đi đường tôi hay tấp vào mua ly nước “khổng lồ” giải khát. Nhưng về đọc báo với được biết là việc uống lượng nước đá lớn trong thời gian ngắn cũng có thể làm co mạch máu ở dạ dày gây khó hấp thu, viêm họng hoặc choáng nhẹ do giảm nhịp tim, tụt huyết áp...

Vậy xin hỏi bác sĩ uống nước giải khát thế nào cho đúng trong mùa nắng nóng này? Uống nước không lạnh thì không đã khát, mà uống nước đá thì không tốt cho sức khỏe.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Phương Thùy thân mến,

Bạn nên uống nước mát hoặc nước hoa quả. Uống từng ngụm một sẽ tốt cho sức khỏe và giải nhiệt, đỡ khát. Uống nhiều nước đá lạnh cấp tập không giải nhiệt được mà lại tăng tiết mồ hôi, mất muối.

Hơn nữa, nước đá không vệ sinh có thể dẫn đến đau bụng.

13. Trần Thị Bích Phương - bichphuong23...@gmail.com

Bố tôi (50 tuổi) có huyết áp là 180/90mmHg và đang dùng thuốc hạ huyết áp. Tôi nghe nói tăng huyết áp dễ dẫn tới đột quỵ não. Xin hỏi, bố tôi có nên dùng Nattoenzym để phòng ngừa đột quỵ không?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Bích Phương,

Tăng huyết áp là nguy cơ chủ yếu dẫn đến đột quỵ não.

Nattoenzym giúp dự phòng đột quỵ tắc mạch não. Hạ huyết áp là mục tiêu cơ bản và đầu tiên. Nếu có đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng mỡ máu bạn cũng có thể dùng Nattoenzym đều được.

14. Lê Chi - Vinh, Nghệ An

Xin chào bác sĩ, chồng tôi năm nay 61 tuổi, vừa qua đi khám sức khỏe tổng quát phát hiện bệnh rung nhĩ, bác sĩ kêu bệnh này có nguy cơ bị đột quỵ. Hai vợ chồng tôi không sống cùng con cái. Mong bác sĩ tư vấn phòng tránh đột quỵ do căn bệnh này.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào chị,

Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân gây tắc mạch. Chị nên đến bác sĩ Tim mạch để đánh giá lại và sẽ được chỉ dẫn cụ thể về điều trị dự phòng và theo dõi định kỳ cũng như dự phòng các biến chứng chảy máu.

Thân mến.

15. Thư Tâm - TPHCM

Dạ cháu chào bác sĩ, anh trai cháu 32 tuổi, ở TPHCM, làm kỹ sư công trình, không bị bệnh gì. Hai ngày nay đứng lên bị choáng, nhức đầu nhiều, hay than mệt. Đo huyết áp nhiều lần trong ngày dao dộng 130 - 145. Bác cho cháu hỏi vậy là bị cao huyết áp hay rối loạn tiền đình, hay là thiếu máu não ạ? Có cần dùng thuốc gì không bác sĩ? Xin cảm ơn ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Thư Tâm thân mến,

Hiện nay, huyết áp của anh bạn thuộc nhóm tăng huyết áp giai đoạn 1, có thể là nguyên nhân gây đau đầu và choáng váng, mệt mỏi.

Bạn nên khuyên anh bạn đi khám để xác định có đúng là tăng huyết áp hay không và yếu tố nào gây nên để dùng thuốc phù hợp.

16. Ngọc Mai - maitran…@gmail.com

Cháu chào BS Thông ạ. Bố cháu 69 tuổi, vừa trải qua đột quỵ nhồi máu não 3 ngày, hiện đã tỉnh, tiếp xúc tốt, đã chuyển lên nội trú và đang ở lại bệnh viện để kiểm tra một số vấn đề. Bác sĩ cho cháu hỏi bao lâu thì bố cháu nên tập phục hồi chức năng ạ?

Ngoài huyết áp cao, tiểu đường thì bố cháu bị viêm khớp mãn tính ạ. Trước khi chưa bị đột quỵ bố cũng hay đi bộ nhẹ nhàng 30 phút buổi sáng ạ.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Ngọc Mai,

Sau đột quỵ, tất cả bệnh nhân nói chung cũng như bố bạn nói riêng cần tập phục hồi chức năng theo chỉ định của chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu không có chống chỉ định, sau 3 ngày có thể tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn.

Thân mến.

17. Nam Bùi - buihoangnam...@gmail.com

Trong thời tiết nắng nóng mùa hè, người ta lại dễ hiểu lầm đột quỵ là say nắng. Làm sao để phân biệt ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Xin chào bạn,

Say nắng, say nóng thường khi lao động hoặc ở dưới trời nắng nóng quá lâu, có thể dẫn tới sốc nhiệt, nhưng không có yếu liệt nửa người hoặc nói ngọng, nói khó. Khi gặp tình trạng này cần đưa người bệnh vào chỗ mát hoặc làm mát cơ thể có thể hồi phục, không để lại di chứng.

Còn với đột quỵ, biểu hiện khá đơn giản, được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:

- F (Face): Biến đổi ở khuôn mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

- A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

- S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.

- T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

18. Mạnh Đức - Đắc Lắc

Chào GS Thông, tôi 49 tuổi, nam, bị tình trạng nghe tiếng ve kêu và khó ngủ mấy năm nay rồi. Đã đi khám tai, khám nội thần kinh, uống thuốc mà không cải thiện mấy. Đồng thời gia đình cũng có xáo trộn nên tâm lý căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Đi chụp CT ở BV tỉnh thì có mạch máu não bị hẹp, nhưng BS nói cũng chưa nguy hiểm lắm. Gần đây tôi ngửi mùi thức ăn lại thấy ghê ghê.

Mong GS hướng dẫn cho tôi, tình trạng này tôi nên làm thế nào, thăm khám ở đâu, có cần chụp MRI không ạ? Cảm ơn BS rất nhiều!

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào anh Mạnh Đức,

Đầu tiên anh phải đi khám chuyên khoa Thần kinh để tìm nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ và xác định các xáo trộn tâm lý nhằm giải quyết ổn thỏa để đảm bảo giấc ngủ sâu.

Mặt khác, anh phải tập luyện thể dục, tránh căng thẳng tâm lý, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.

Nếu khám ở các bệnh viện tuyến tỉnh không có kết quả, anh có thể đến chuyên khoa Thần kinh- Tâm thần tại các bệnh viện tuyến trung ương. Nếu như có thể, anh đến Bệnh viện 108, tôi có thể trực tiếp khám cho anh. Chụp MRI phải có chỉ định, nếu không cần thì không chụp.

Thân mến.

Máy chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần ThơNgười bệnh chỉ nên chụp MRI khi có chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám bệnh cẩn thận. Ảnh: Máy chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

19. Bảo Ngọc - An Giang

Chồng em 29 tuổi, bị xuất huyết não đã 2 năm. Mấy bữa trước đang chạy xe thì chồng em bị té và co giật, vào bệnh viện BS có cho chụp CT lại, nói là vùng não xuất huyết vẫn còn. Xin hỏi có thuốc nào uống để tan máu trong não không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Bảo Ngọc thân mến,

Chồng bạn tuổi trẻ, không bị tăng huyết áp, đã từng bị chảy máu não. Nếu kết quả chụp CT cho vùng não xuất huyết còn cần tìm thêm nguyên nhân để giải quyết (phình mạch, dị dạng mạch, huyết khối tĩnh mạch não…), tránh tái phát.

Thông thường, nếu chảy máu não đơn thuần thì một vài tháng là hết. Bạn không nên quá lo lắng.

20. Lê Hoàng - Hà Nội

Cháu chào BS Thông, cháu là thanh niên 25 tuổi, làm công trình. Vì công việc thường xuyên về muộn, do đó đi tắm cũng trễ, thường là 11h-11h30 mới tắm rửa. Bố mẹ cháu thường xuyên la rầy nên cháu cũng cố về sớm, tắm rửa cũng phải hơn 10h. Cháu biết đi tắm khuya cũng có nguy cơ đột quỵ.

Huyết áp cháu cũng khá cao do di truyền từ bố (135-145) nhưng cháu không uống thuốc. Rất mong bác sĩ tư vấn cháu nên làm gì? Có nên uống thuôc huyết áp khi tuổi còn trẻ không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào Lê Hoàng,

Khi bạn đã xác định là tăng huyết áp thì phải khám chuyên khoa Tim mạch để điều trị và uống thuốc hạ huyết áp.

Bạn nên hạn chế tắm khuya, bố trí sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý vì đó là nguyên nhân làm tăng huyết áp do căng thẳng.

Thân mến.

21. Trần Bằng - An Giang

Tôi có đọc được trường hợp đột quỵ ở tuổi 27 và có tiền sử hút thuốc lá 12 năm. Tôi cũng là trường hợp như vậy, nhưng năm nay 33 tuổi rồi. Xin hỏi AloBacsi, có phải ở những người không sinh hoạt lành mạnh như hút thuốc lá, rượu bia, ít vận động thì nên tầm soát sớm dù còn ở độ tuổi rất trẻ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Trần Bằng,

Những người không sinh hoạt lành mạnh (như hút thuốc lá, rượu bia, ít vận động) cần tầm soát sớm dù còn ở độ tuổi rất trẻ, bởi đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ và hiện nay ngày càng trẻ hóa.

Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và ít tập luyện đều là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Nếu có các yếu tố nguy cơ này, bạn nên từ bỏ và thực hiện lối sống khoa học, nên đi tầm soát sớm.

22. Trịnh Ngọc Phương Uyên - TPHCM

Bố tôi năm nay 62 tuổi, tăng huyết áp 10 năm nay. Tôi muốn đưa bố đi tầm soát đột quỵ nhưng tìm hiểu thì thấy chi phí cũng tròm trèm 9-10 triệu đồng, con số này quả thực không nhỏ so với gia đình tôi.

Xin hỏi bác sĩ nếu không có điều kiện để làm hết các xét nghiệm có trong gói tầm soát đột quỵ, vậy tối thiếu nên làm xét nghiệm gì để nhận biết được nguy cơ đột quỵ mà phòng tránh? Nếu chỉ chụp MRI hoặc siêu âm động mạch cảnh thôi thì có đủ không thưa bác sĩ?

Có phương pháp nào ít tốn kém chi phí hơn như một bài test, đánh giá để sau khi thực hiện bệnh nhân có quyết định nên đi tầm soát hay chưa?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Phương Uyên,

Nếu điều kiện kinh tế không cho phép, bạn nên cho bố khám, kiểm tra các chỉ số sinh hóa máu như (mỡ máu, đường máu, chức năng thận và siêu âm tim, tuyến giáp, tuyến thượng thận). Nếu các chỉ số này trong giới hạn bình thường mà tăng huyết áp thì đó là tăng huyết áp vô căn, chỉ cần điều trị là được.

Thân mến.

Xét nghiệm sinh hóa máuXét nghiệm sinh hóa máu giúp người bệnh đỡ gánh nặng kinh tế. Nguồn ảnh: Internet

23. Trần Quốc Huy - huytran76…@gmail.com

AloBacsi ơi, mấy nay thời tiết oi bức quá, tôi là công nhân cầu đường. Có bữa nắng nóng làm việc ngoài trời thấy váng vất luôn. Tôi lại có tiền sử rối loạn tiền đình. Xin hỏi bác sĩ, bệnh này của tôi có liên quan đến đột quỵ không? Đột quỵ do nắng nóng có biểu hiện thế nào? Và làm thế nào để tránh đột quỵ trong thời điểm này?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Bạn Quốc Huy thân mến,

Nếu huyết áp bạn bình thường, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ như vữa xơ động mạch, đái tháo đường và tiền sử tim mạch thì nguy cơ đột quỵ không cao.

Khi bạn làm việc ngoài trời nắng nóng kéo dài, cần có những trang phục tránh nắng nóng, bảo hộ đầy đủ, đảm bảo uống đủ nước và nên có thời gian nghỉ ngơi để cơ thể thích nghi.

24. Phạm Duy Nam - Quảng Ninh

Bác sĩ ơi, có phải nắng nóng dễ làm người cao huyết áp tăng xông? Không hiểu sao dạo gần đây tôi giống như bị bốc hỏa, rất dễ cáu giận mặc dù chuyện nhỏ xíu. Huyết áp có khi đo được đến 190, 200. Bác sĩ tư vấn giúp tôi làm cách nào để hạ huyết áp, tránh đột quỵ, nhất là nửa đêm. Vì nhà có 2 vợ chồng già ở với nhau thôi, con cái đi làm ăn xa hết.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào anh Duy Nam,

Nắng nóng và căng thẳng, bực tức cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp. Nhưng nếu huyết áp cao thì anh phải đến bệnh viện khám để tìm thêm các nguyên nhân khác gây tăng và có chiến thuật sử dụng thuốc để duy trì huyết áp ổn định.

Anh cũng nên ăn uống khoa học, luyện tập thể thao, ngủ sớm… thì mặc nhiên tâm lý sẽ thoải mái, cân bằng mọi chuyện trong cuộc sống.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X