Hotline 24/7
08983-08983

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng: Ung thư gan phát hiện sớm được không?

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về ung thư gan: ai dễ mắc, làm sao để phát hiện sớm, điều trị thế nào... và dịp Tết này, bệnh nhân ung thư gan nên ăn uống thế nào để dưỡng gan?

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin giáo sư cho biết có mấy loại loại ung thư gan? Loại nào thường gặp và ít gặp nhất ở người Việt Nam?

Mặc dù ung thư phổi hiện nay vẫn có tỉ lệ mắc bệnh cao, nhưng tỉ lệ mắc ung thư gan có phần trội hơn. 2 loại ung thư này thường gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới.

Ung thư gan được gọi với tên chuyên môn là ung thư tế bào gan (HCC) và diễn ra ở người lớn. Bên cạnh đó cũng có những loại ung thư khác như ung thư mật, ung thư ống mật nhưng ít gặp. Trẻ em vẫn có khả năng mắc bệnh ung thư gan, trẻ khoảng 5 - 10 tuổi bị ung thư nguyên bào gan, khác với ung thư gan ở người lớn.

Ung thư nguyên bào gan ở trẻ em được xem như bẩm sinh, do thay đổi trong phôi thai của trẻ và có thể phát hiện sớm, không liên quan đến các nguyên nhân gây nên ung thư gan của người lớn.

2. Ung thư gan do những nguyên nhân nào ạ? Ở nước ta nguyên nhân nào đứng đầu, thưa giáo sư?

Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân gây nên ung thư gan. Điển hình có 2 loại vi-rút gồm vi-rút viêm gan B và vi-rút viêm gan C. Khi 2 loại vi-rút này đi vào cơ thể sẽ gây nên bệnh viêm gan, lâu ngày sẽ trở thành viêm gan mạn tính và dẫn đến xơ gan, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng trong nhóm đó lại phát ra ung thư gan. Điều nguy hiểm nhất của viêm gan nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm là viêm gan có thể phát triển thành ung thư gan.

Đồng thời, khi bị viêm gan nhưng có nhiễm thêm độc tố nấm mốc Aflatoxins như hạt bắp, gạo, đậu phộng để lâu gây nên mốc và chúng không có các dấu hiệu nhận biết bên ngoài, thì khi cơ thể bệnh nhân đang có các vi-rút của viêm gan và nhiễm Aflatoxins có thể làm tăng khả năng bị ung thư gan lên đến 60 - 70 lần.

Ngoài ra, vi-rút khi gặp rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan và người Việt Nam có thói quen uống rượu rất nhiều, điều này cũng giải thích cho việc nam giới mắc ung thư gan nhiều hơn nữ giới.

Ngoài ra thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Tóm lại, đàn ông mắc ung thư gan nhiều nhất do thói quen hút thuốc, uống rượu bia.

3. Dấu hiệu nhận biết lá gan đã “bị bệnh” ở giai đoạn sớm là gì ạ?

Nguyên nhân do viêm gan phát triển thành ung thư, nên việc đầu tiên để nhận biết sớm, mọi người nên tập trung vào viêm gan, những người bị viêm gan mạn tính, người có vi-rút viêm gan B hoặc vi-rút viêm gan C phải điều trị ổn định hoặc điều trị dứt điểm rồi nhưng về lâu dài, do đã từng mắc bệnh thì bệnh nhân vẫn có thể bị ung thư gan.

Nếu bệnh nhân đã điều trị ổn định thì vẫn nên tiếp tục theo dõi vì có khả năng sẽ bị ung thư gan, nên tầm soát ung thư để nhận thấy những nguy cơ có thể phát triển thành ung thư gan.

Vì chúng có thể không có triệu chứng nên khi tầm soát như siêu âm vùng gan có thể phát hiện được khối u hoặc thử chất men AFP, nếu cho kết quả chất men cao thì có thể nghi ngờ và chụp CT cắt lớp hoặc MRI cộng hưởng từ sẽ phát hiện ung thư khi chưa có triệu chứng.

Ngoài ra, khi bệnh nhân đã có biểu hiện thì đây không phải là giai đoạn sớm. Chẳng hạn bệnh nhân bị vàng da, tròng mắt vàng, đi cầu có phân màu trắng hay đau ê ẩm vùng dưới sườn bên phải, chạm vào thấy có phần thịt nhô lên, ăn không tiêu,...Mặc dù tình trạng nhẹ nhưng đây không phải là giai đoạn sớm, vì vậy, mọi người nên chú ý.

4. Những trường hợp phát hiện ung thư gan thường ở giai đoạn quá muộn thường do nguyên nhân gì ạ?

Ung thư gan thường không có triệu chứng, vì thế bệnh nhân có thể bị viêm gan và dẫn đến xơ gan dần thành ung thư gan mà bệnh nhân không nhận thấy, đến khi có triệu chứng thì bệnh đã trở nặng, vào giai đoạn trễ. Vì vậy, những người bị viêm gan lâu năm, gọi là viêm gan mạn tính thì khi trị bệnh đã ổn nhưng đừng chủ quan, phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tôi thường khuyên mọi người nên đi khám để được chẩn đoán sớm, nhưng ung thư gan rất khó để chẩn đoán sớm, trừ khi theo dõi những người có nguy cơ như người đã hoặc đang bị viêm gan nhưng điều trị ổn định thì mới có thể phát hiện sớm được. Có thể với các biểu hiện bên ngoài rất nhẹ như vàng da nhẹ hay phân có màu trắng hoặc đau tức vùng dưới sườn, ăn không tiêu khiến chúng sưng gồ lên khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác.

5. Hiện nay, có những phương pháp nào để chẩn đoán ung thư gan? Phương pháp nào là phổ biến nhất và cho kết quả chính xác nhất?

Một số phương pháp có thể phát hiện được ung thư gan như siêu âm, chụp CT có thể thấy bất thường trong gan. Phương pháp chụp CT được cho là một trong những thành tựu của ngành y học.

Ngoài ra, để có thể thấy rõ được những tế bào ung thư, sử dụng phương pháp sinh thiết, tức dùng kim tiêm chọc vào khối u để xét nghiệm tế bào ung thư. Sau khi chẩn đoán được bệnh, chúng ta mới tiếp tục điều trị.

6. Điều trị ung thư gan gồm những phương pháp nào, thưa giáo sư?

Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị ung thư gan, như khi chúng còn nhỏ, có thể thực hiện phẫu thuật, cắt 1 phần gan bị bệnh đi.

Hoặc chích thuốc, gọi là hóa trị, tác động lên tế bào ung thư bằng việc chích hoặc uống thuốc để làm tan đi tế bào ung thư, tuy nhiên, nếu dùng nhiều có thể ảnh hưởng đến cơ thể. Vì vậy, có một phương pháp khác hiện đại hơn tức đưa thuốc vào bên trong cơ thể nhưng chúng chỉ phá hủy mô ung thư bằng cách chặn các mạch máu lại để không cho thuốc đi ra ngoài, gọi là phương pháp TOCE được thực hiện rộng rãi mà ít nguy cơ gây tai biến và ảnh hưởng đến cơ thể bệnh nhân.

Ngoài ra, còn 1 phương pháp khác là đưa 1 cây kim vào trong mô ung thư, đốt bằng sóng cao tần, giúp đỡ bệnh nhân rất nhiều trong việc điều trị.

Tất cả những phương pháp trên đều phải được bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phương pháp nào phù hợp cho tình trạng bệnh của bệnh nhân. Tốt nhất, nếu vẫn còn có thể can thiệp phẫu thuật, có thể cắt được phần ung thư chung với phần gan thì sẽ cho kết quả đáng hy vọng nhất.

7. Những ai dễ bị ung thư gan tấn công và cách phòng ngừa? Ung thư gan có di truyền không?

Phòng ngừa vẫn là tốt nhất, vì hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan nhưng phần lớn khi bị ung thư, dù mô ung thư còn nhỏ nhưng điều trị rất khó khăn. Vì vậy, mọi người nên phòng ngừa để đừng bị ung thư gan.

Ung thư gan vẫn có thể phòng ngừa được. Tại vì viêm gan được gây ra bởi vi-rút viêm gan B và vi-rút viêm gan C, trong đó vi-rút viêm gan B đã có vắc-xin và có thể phòng ngừa được, những trẻ sơ sinh khi chào đời được một thời gian thì đã được chích vắc-xin phòng ngừa. Người lớn, người tiếp cận với người bị ung thư gan hoặc vi-rút viêm gan, người thân hoặc bác sĩ, y tá hằng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm/ ung thư gan thì phải xét nghiệm viêm gan, nếu chưa bị thì nên chích ngừa hoặc phát hiện những bất thường thì nên điều trị. Nếu ngừa được thì sẽ không bị ung thư gan.

Tuy nhiên, vi-rút viêm gan C thì không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra thuốc sử dụng trong vòng 3 tháng có thể trị hết được bệnh.  Đây cũng là một trong những cách để phòng ngừa.

Ngoài ra, việc phòng ngừa phải đi đôi với thói quen, vì 2 loại vi-rút viêm gan trên nếu bệnh nhân sử dụng những thực phẩm bị mốc hoặc rượu bia, hút thuốc có thể làm nặng thêm bệnh. Vì thế, mọi người cần tập cho mình nếp sống tránh những thói quen trên thì có thể tránh viêm gan, ngừa được ung thư gan.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh ung thư gan có yếu tố di truyền đối với ung thư gan ở người lớn, nếu có thì cũng rất hiếm mà chủ yếu chính từ những nguyên nhân như viêm gan B, viêm gan C và ăn uống thực phẩm bị mốc, rượu bia, thuốc lá,...

8. Khi nào thì mọi người nên tầm soát ung thư gan ạ?

Nói chung về ung thư, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, chú ý vào những loại ung thư thường gặp nhưng khi chúng chưa có triệu chứng, chẳng hạn phụ nữ 30 tuổi trở lên đã có con thì nên khám phụ khoa định kỳ và thử tế bào âm đạo, đồng thời chú ý tự khám vú và siêu âm, nếu 40 tuổi trở lên thì làm nhũ ảnh kể cả khi chưa có triệu chứng.

Nam giới hút thuốc lá từ nhỏ nhiều nên đi chụp hình phổi khoảng 40 tuổi trở lên dù không có triệu chứng nào khác ngoài dấu hiệu ho hen.

Nam giới và nữ giới nếu 50 tuổi trở lên thì các bác sĩ thường khuyên nên chú ý đại tràng (ruột) và khám nội soi bằng ống soi rất nhỏ, êm, bình thường cũng xem được và có thể phát hiện những ổ polyp và điều trị tốt.

Riêng ung thư gan, chú ý tầm soát ở những người bị viêm gan do vi-rút phải điều trị ổn định và điều trị ổn định cũng đừng chủ quan vì ung thư gan có thể quay trở lại, vì vậy, bệnh nhân nên đi tầm soát ung thư gan.

Tóm lại, ung thư gan có thể ngừa được. Nếu chưa ngừa được, bị viêm gan rồi thì nên chặn chúng bằng các phương pháp điều trị và tầm soát kể cả khi bệnh ổn định.

9. Khi đi một người có kết quả là u lành trong gan nhưng họ vẫn cảm thấy đây là trái bom nổ chậm, không biết khi nào thì nó chuyển thành ung thư. Giáo sư có lời khuyên cho trường hợp này?

Trong gan có một loại bướu lành (bướu mạch máu) thường gặp, không có triệu chứng, qua siêu âm vẫn có thể phát hiện được. Nhưng để có độ tin cậy hơn, bệnh nhân thường được làm thêm bước chẩn đoán hình ảnh, chụp CT hoặc chụp MRI. Sau khi chẩn đoán đây là bướu lành thì bác sĩ sẽ không can thiệp vào bướu, để yên như vậy nhưng bệnh nhân vẫn sẽ không tránh khỏi cảm giác lo lắng.

Nếu bướu mạch máu này ở một tình huống nào đó mà bác sĩ cân nhắc nên mổ lấy ra thì lúc đó mới cần can thiệp phẫu thuật vì sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và không tốt cho sức khỏe.

10. Đối với bệnh nhân ung thư gan, nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào để có một cái Tết vui khỏe nhưng vẫn đảm bảo quá trình điều trị?

Đối với bệnh nhân ung thư gan, ngày Tết hay ngày thường đều phải kỹ lưỡng vì bệnh nhân đang điều trị sẽ phải dùng thêm thuốc hoặc những phương tiện khác nên bác sĩ sẽ dặn bệnh nhân ăn những thực phẩm nhẹ gan, ăn dưỡng gan nhưng không được kiêng cữ quá thì sẽ dẫn đến gan yếu.

Dưỡng gan bằng cách ăn ít chất béo, dầu mỡ, ăn nhiều trái cây, thực vật. Đồng thời, không được kiêng cữ thịt cá vì những chất trong này sẽ đảm bảo sức khỏe cũng như chất dinh dưỡng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Cuối cùng là sinh hoạt, vận động nhẹ nhàng.

~~~~~~~

Những chia sẻ của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã giúp bạn đọc hiểu hơn về mối nguy hiểm của bệnh viêm gan, cách tầm soát ung thư gan, ung thư gan được điều trị như thế nào ... Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn Giáo sư!.

Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Trung Úy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X