Hotline 24/7
08983-08983

GLTT: Cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm

Sáng nay 18/5, BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan - trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhân dân 115 tư vấn cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm... với bạn đọc Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.


Có rất nhiều bệnh lây nhiễm mà chúng ta đối mặt: lao, vi khuẩn Hp, thủy đậu, quai bị, các bệnh lây qua đường tình dục… do đó, kiến thức phòng tránh bệnh lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người nhà là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, khi hiểu rõ cách phòng tránh bệnh lây nhiễm, chúng ta cũng loại bỏ được những nỗi lo lắng không đáng có.

Sáng 18/5, BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan - trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhân dân 115 tư vấn cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm... với bạn đọc Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi về cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm.

Từ bây giờ, quý bạn đọc có thể gửi câu hỏi đến email tuvan@alobacsi.vn hoặc trong thời gian diễn ra buổi giao lưu từ 10g-11g30, bạn có thể gọi hotline 08983 08983 để được BS Lan tư vấn trực tiếp.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Nguyễn Minh Hằng - Bình Dương

Dạ chào BS Lan,

Em muốn hỏi là nước đun sôi để nguội nên dùng trong bao lâu, trước khi nó bị nhiễm khuẩn ạ? Em tham khảo trên mạng thì có nhiều thông tin lắm, nay em muốn được biết thông tin tin cậy từ BS ạ. Em cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Chào Minh Hằng,

Khi nước đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C thì có thể tiêu diệt một số vi khuẩn và virus gây bệnh. Tuy nhiên nếu để quá lâu thì có thể bị nhiễm một số vi sinh vật từ bên ngoài vào trong nước và có thể gây nhiễm bệnh.

Do vậy, sau khi nước đun sôi để nguội bạn không nên để quá 2 ngày, và phải để nơi sạch sẽ, thoáng mát, đậy kín nắp, dụng cụ đựng nước cũng phải vệ sinh sạch sẽ.

Tuy nhiên, trong vòng 2 ngày nếu bạn thấy nước có cặn, ngả màu, có mùi... thì cũng không nên sử dụng nữa.


FB B. Lan

Thưa BS,

Em rất thích đi du lịch nhưng em sợ đồ đạc trong khách sạn không đảm bảo vệ sinh. Nếu dùng khăn tắm, mền và ga giường của khách sạn liệu có bị lây những bệnh như lậu, Chlamydia, sùi mào gà… không, thưa BS? Có cách nào giúp em phòng tránh để yên tâm đi du lịch không BS? Em rất mong được BS hướng dẫn ạ!

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Bạn Lan thân mến,

Các bệnh như bạn nêu: lậu, Chlamydia, sùi mào gà… thường lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, đường máu hay tiếp xúc trực tiếp. Do vậy khi bạn đi du lịch, sử dụng các dụng cụ như khăn tắm, mền, ga của khách sạn cũng ít khả năng lây nhiễm những bệnh nêu trên.

Đối với những khách sạn đạt quy chuẩn thì họ sẽ có quy trình giặt và khử trùng đồ vải theo quy định, nên bạn có thể yên tâm.

FB Nhím C.

Chào AloBacsi,

Chồng em có thói quen sử dụng cồn sát khuẩn. Anh ấy dùng cồn lau bàn ghế, lau điện thoại,… nói chung những gì phải cầm nắm là anh ấy phải dùng cồn lau thì mới yên tâm. Em cảm thấy như vậy không cần thiết và kỳ cục sao đó.

Mà dùng cồn thường xuyên như vậy có hại gì cho sức khỏe không ạ? Nó có bị lờn giống như lờn kháng sinh không ạ? Em nên nói thế nào để anh ấy đừng làm như vậy? Mong BS cho em lời khuyên!

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Chào bạn,

Cồn thường được sử dụng để sát khuẩn với nồng độ từ 60-90%, là chất dễ cháy, bay hơi nhanh. Khi chồng bạn dùng cồn để lau các vật dụng thì nó cũng có tác dụng sát khuẩn nhưng nếu sử dụng nhiều lần, cồn có thể gây thoái hóa các vật liệu nhựa, cao su...

Việc chồng bạn thường xuyên sử dụng cồn như vậy cũng không có tác hại gì, ngoại trừ cảm giác hơi thiếu tế nhị với người xung quanh mà thôi.

N.T.H. Hà - ngoisao…@gmail.com
Chào BS,

Người nhà em bị HIV giai đoạn cuối, khi em chăm sóc cho anh ấy, vô tình tay em bị trầy xước 1 vết nhẹ. Anh ấy có nhiều nốt mọc quanh người nhưng các nốt này khô ráo, không bị lở loét.

Em có dùng khăn ướt lau mình mẩy cho anh ấy, vậy liệu em có thể bị nhiễm HIV không ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Chào em Hà,
HIV là bệnh lây truyền qua đường máu, đặc biệt khi bệnh nhân bị HIV giai đoạn cuối thì nồng độ virus trong máu rất cao. Khi em chăm sóc cho người nhà mà tay em bị trầy xước thì có khả năng bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, khoảng 0,3%.
Do đó, để an toàn thì em nên làm xét nghiệm kiểm tra sức khỏe để có hướng điều trị dự phòng tốt hơn.
Trong quá trình chăm sóc, nếu tay bị trầy xước thì em nên đeo găng tay để bảo vệ mình.
Quang Vinh - Thủ Đức, TPHCM
Thưa bác sĩ,

Em là sinh viên, ở trọ chung với 3 bạn. Trong phòng em có một bạn bị thủy đậu. Không biết em có bị lây không?

Em không nhớ hồi nhỏ em đã bị thủy đậu chưa, nếu bây giờ em đi chích ngừa thì có kịp nữa không BS?

Cho em hỏi cách phòng tránh hiệu quả và nếu em bị thủy đậu trong giai đoạn đầu chưa xuất hiện các mủ trên người thì có nên đi khám trước không? Em cám ơn BS!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Vinh thân mến,
Thủy đậu (trái rạ) là bệnh lây truyền qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với sang thương là mụn nước trên da của người bệnh. Khi em ở trọ chung với bạn bị thủy đậu thì em cũng có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh này.
Cách phòng tránh hiệu quả: Người bệnh thủy đậu nên được cách ly trong 7-10 ngày.
Nếu em chưa chích ngừa thì có thể đi chích ngừa kịp thời.
Nếu bị thủy đậu trong giai đoạn đầu chưa xuất hiện các nốt mủ trên người thì em vẫn nên đến BS để chẩn đoán xác định và hướng dẫn cách theo dõi và phòng ngừa lây nhiễm cho những người khác.

Khi đã có mụn mủ tức là bệnh đến giai đoạn biến chứng nhiễm trùng thì nên đi khám để điều trị tích cực, tránh để lại sẹo sau này.
Nguyễn Văn Mạnh - Q.8, TPHCM
BS ơi,

Em bị quai bị mà vợ em đang có thai 3 tháng rưỡi. Ở nhà em có đeo khẩu trang, ăn uống riêng và tự giặt đồ của mình nhưng em vẫn lo lắng lắm.

Vậy cho em hỏi, liệu vợ em có bị lây không? Nếu lây thì ảnh hưởng thế nào đến em bé? Em bệnh 2 tuần rồi, giờ em còn có khả năng lây cho vợ nữa không?
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Chào em Mạnh,
Bệnh quai bị (viêm tuyến nước bọt mang tai) lây truyền qua đường giọt bắn. Khi mang thai mà nhiễm virus quai bị thì có khả năng bị sảy thai hoặc sanh non.
Nếu vợ em trước khi mang thai đã được chích ngừa quai bị thì khả năng lây nhiễm rất thấp.
Em đã đeo khẩu trang, ăn uống riêng và tự giặt đồ cũng là biện pháp phòng lây nhiễm rất tốt rồi. Bệnh quai bị sau 2 tuần thì ít có khả năng lây nhiễm, không cần cách ly nữa, em nhé.
Long Nguyễn - bemap…@gmail.com
Thưa BS,

Vừa qua có người thân của em bị bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối. Trước khi mất người ấy đã ói ra rất nhiều máu tươi có lẫn những cục như máu. Do không biết, em đã tiếp xúc trực tiếp để lau chùi mà không có sử dụng găng tay.

BS cho em hỏi em tiếp xúc như vậy có bị lây không ạ? Em hoang mang quá. Mong BS giúp em với.
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Long thân mến,
Bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư thực quản nói riêng là bệnh l‎í không lây nhiễm.
Tuy nhiên, nếu người nhà của bạn ói ra nhiều máu tươi lẫn máu cục thì có khả năng lây nhiễm những bệnh lây qua đường máu (HIV, viêm gan siêu vi B-C…).
Như vậy khi tiếp xúc với dịch, máu của người bệnh, bạn nên đeo găng tay để đảm bảo an toàn và rửa tay sau khi tiếp xúc. Hiện tại, để yên tâm thì bạn nên đến BV để kiểm tra sức khỏe.
FB Đông Văn
Xin chào bác sĩ,

Nhờ BS tư vấn cho tôi về trường hợp này. 3 ngày trước nhà tôi có khách đến chơi và ngủ lại. Người ấy mới báo với tôi là đã có chẩn đoán bị bệnh lao phổi. Xin hỏi BS, giờ tôi nên vệ sinh nhà cửa như thế nào, liệu các con tôi có nguy cơ bị lây bệnh không ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Chào bạn Đông Văn,

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường không khí, đặc biệt là khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ, cười lớn hoặc la hét thì các vi khuẩn này sẽ theo hạt bọt khí lơ lửng trong không khí. Nếu chúng ta hít các hạt bọt khí có chứa vi khuẩn này thì sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh lao.
Người khách đến nhà bạn bị lệnh lao phổi nếu ở thể BK+ (vi khuẩn lao dương tính) thì khả năng lây nhiễm cao hơn thể BK-.
Trẻ em ngày nay đa số đã được chủng ngừa BCG để phòng ngừa bệnh lao nên khả năng lây nhiễm rất ít. Hơn nữa, thời gian cũng đã qua 3 ngày nên lượng vi khuẩn trong không khí (nếu có) cũng đã giảm đi rất nhiều nên ít có khả năng lây nhiễm.
Để yên tâm hơn thì bạn có thể tổng vệ sinh nhà cửa bằng các loại dung dịch khử trùng có bán trên thị trường như nước Javel pha loãng.
Quỳnh Hoa - hoale…@gmail.com
Xin chào AloBacsi,

Em sắp phải đưa người nhà đi khám bệnh ở BV Phạm Ngọc Thạch. Em hơi lo lắng vì nghe nói đến đó dễ bị lây bệnh lao. Nhờ BS tư vấn giúp em cách phòng tránh bị lây, ngoài việc đeo khẩu trang thì em cần làm gì nữa ạ? Cảm ơn BS!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Quỳnh Hoa thân mến,
BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) là bệnh viện chuyên điều trị bệnh lao và bệnh phổi nên ngoài những người bệnh lao đang nằm điều trị thì những người không bị bệnh lao như u phổi, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) cũng điều trị tại đây.
Khi em đưa người nhà đi khám bệnh tại BV Phạm Ngọc Thạch thì nguy cơ lây bệnh lao cũng có thể xảy ra, ngoài việc đeo khẩu trang, em nên rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hay môi trường xung quanh người bệnh. Nên hạn chế đi vào khu vực đông người và tiếp xúc gần với bệnh nhân.
FB T. H. Luu
Chào BS Lan,

Em là nhân viên spa ạ. BS cho em hỏi, nếu em đang cạo lông mặt cho khách mà tay em bị đứt, rơm rớm máu, giả sử khách bị HIV thì em có bị lây bệnh không? Em rất mong được BS tư vấn, em xin cảm ơn BS!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
HIV là bệnh lây truyền qua đường máu và dịch tiết. Khi em cạo lông mặt cho khách mà tay em bị đứt, rơm rớm máu, giả sử khách bị HIV thì em cũng có khả năng bị lây bệnh, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, khoảng 0,3%.
Em nên tạm ngưng việc cạo lông mặt cho khách để đi xử l‎í vết thương bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước đang chảy, rửa với xà phòng, không nặn hay bóp vết thương. Sau đó, đến BV gần nhất hoặc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM để làm xét nghiệm kiểm tra và uống thuốc dự phòng. Thời gian uống thuốc dự phòng khoảng 28 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 6 tháng.

FB Hạnh D.
Thưa BS,

Em muốn hỏi về dung dịch rửa tay. Em thấy thị trường có bán nhiều loại nước rửa tay khô, là nhỏ vào tay vài giọt rồi xoa tay, không cần rửa lại bằng nước. Em thấy bạn em hay rửa như vậy trước khi ăn cơm.

Nhưng em nghe nói loại nước rửa tay này cũng không tốt cho sức khỏe. Vậy BS có thể chỉ cho em loại nước rửa tay nào vừa an toàn vừa tiện lợi không ạ? Vì thường đi ăn cơm ngoài quán, mà ít có quán nào có sẵn bồn rửa tay, vô nhà vệ sinh có khi còn dơ hơn.

Mong được BS tư vấn, em cám ơn BS rất nhiều!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Chào em,
Có 2 biện pháp rửa tay: rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Nếu tay bạn có vết bẩn nhìn thấy được thì nên rửa tay bằng xà phòng và nước. Còn nếu không nhìn thấy vết bẩn, có thể hoặc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Hiệu quả của 2 biện pháp tương đương nhau.
Loại nước rửa tay khô mà bạn nói là dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Hiện tại trên thị trường có nhiều loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh với thể tích 70-100ml nhỏ gọn, tiện dụng để đem theo người.
Thành phần của các dung dịch rửa tay này chủ yếu là ethanol (cồn) và chlohexidine là những chất sát khuẩn có khả năng tiêu diệt được 1 số vi khuẩn. Có nhiều dạng: nước, xịt, gel, rất tiện lợi.
Dung dịch rửa tay này không ảnh hưởng đến sức khỏe của em. Những loại dung dịch rửa tay phổ biến và đã được kiểm nghiệm bán tại các nhà thuốc: Softa-man, Clincare, Clinhands… bạn có thể lựa chọn.

Nguyễn Thanh T. - TPHCM
Thưa BS,

Em xét nghiệm đờm thì âm tính, lấy mẫu dịch phế quản cũng âm tính. Vì em chụp Xquang có tổn thương nên BS vẫn cho điều trị lao.

Em điều trị bệnh lao được 1 tháng nhưng con em vẫn ngủ chung vậy có lây không? Làm thế nào để biết con em có mắc bệnh hay không ạ? Cám ơn BS!
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Nếu bạn điều trị lao được 1 tháng và xét nghiệm đờm âm tính thì khả năng lây nhiễm cho người xung quanh có giảm đi nhưng tốt nhất là không nên ngủ chung với con bệnh.
Để biết con bạn có bệnh hay không thì nên đến BS để làm các xét nghiệm: BK đàm, công thức máu, Xquang phổi để có hướng điều trị sớm.
Minh Đạo - dao…@gmail.com
Thưa BS,

Em đang nuôi người nhà trong BV. Có người khuyên em khi xuất viện thì không nên đem đồ đạc đã dùng trong BV về nhà, như là mền gối, thau chậu, ly tách… để tránh đem bệnh về nhà.

Theo BS có cần thiết như vậy không? Tại vì em cũng tiếc. Cám ơn BS ạ.
BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan
Chào bạn,
Theo tôi thì bạn vẫn có thể đem những vật dụng đã dùng trong BV về nhà, như là mền gối, thau chậu, ly tách… nhưng để yên tâm thì bạn nên giặt, rửa những vật dụng trên bằng xà phòng, dung dịch tẩy rửa như nước Javel.

FB Hùng C.

Chào bác sĩ,

Em năm nay 24 tuổi, nhà em hiện có 2 cháu bé 5 tuổi và 6 tháng, là con của chị em.

Em đang bị quai bị ngày thứ 8, đã hết sưng nhưng 1 bên má vẫn thấy hơi đau khi sờ vào.

Em đã ra khách sạn để cách ly rồi, giờ em muốn về nhà thì liệu có khả năng lây cho các cháu hay không ạ? Em xin chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Hùng thân mến,

Bệnh quai bị có khả năng lây nhiễm trong 2 tuần đầu từ khi khởi phát bệnh. Em đã bị vào ngày thứ 8, nếu được nên cách ly cho đủ 2 tuần. Nếu về nhà thì em nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần vối các cháu.

Các cháu trên 1 tuổi ngày nay cũng đã được chích ngừa quai bị, em xem lại cháu bé 5 tuổi của nhà mình đã được chích ngừa chưa? Nếu chích ngừa rồi thì em yên tâm.

Cháu còn lại mới 6 tháng tuổi thì chưa được chích ngừa, em nên cẩn thận cho cháu nhỏ.

 


FB Huỳnh T. H.

Chào AloBacsi,

Em muốn hỏi trường hợp bạn trai em, anh ấy mới phát hiện bệnh lao và bắt đầu điều trị. BS cho em hỏi là anh ấy điều trị đến tháng thứ mấy thì tụi em hôn nhau mà em không bị lây bệnh lao?

Ngoài ra, nếu tụi em quan hệ mà không hôn thì khả năng em bị lây bệnh lao có cao hay không ạ?

Mong BS giải đáp giúp em. Em cám ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Chào em,

Người bệnh lao phổi mang vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đờm, do đó có khả năng lây cho người khác khi ho, hắt hơi, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ, người bệnh sẽ thải vào không khí các hạt nhỏ li ti từ chất tiết của đường hô hấp. Vi khuẩn lao nằm trong dịch tiết, đờm, nhớt này chính là nguồn lây bệnh lao cho người khác.

Giai đoạn đầu điều trị thì nguy cơ lây bệnh cao hơn giai đoạn sau. Khi nào còn vi khuẩn lao trong đàm (AFB dương tính) thì trong dịch tiết đường hô hấp có nhiều vi khuẩn lao, khả năng lây nhiễm lao cao hơn người đã hết vi khuẩn lao trong đàm (AFB âm tính).

Sau khi điều trị được 1 tháng thì khả năng lây bệnh có giảm, nhưng nếu trong đờm của bạn trai em vẫn còn vi khuẩn lao (BK+) thì khả năng lây bệnh vẫn xảy ra.

Khi quan hệ tình dục, phát sinh những hành vi như hôn sâu, hôn có trao đổi nước bọt thì cũng có thể làm lây bệnh cho người bạn tình. Nó lây ở đường này, chứ không phải lây ở đường quan hệ tình dục. Tuy nhiên chúng ta rất khó kiểm soát được hành động khi quan hệ tình dục. Do vậy, người bị lao phổi nên hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt trong những tháng đầu điều trị lao.

 


FB D. N. Lan

BS ơi,

Em có thắc mắc này tế nhị. Em lo lắng việc dùng bồn cầu (chữ O) ở nhà vệ sinh công cộng có thể lây bệnh vùng kín như bệnh sùi mào gà, lậu… không ạ? Giờ nhà vệ sinh công cộng toàn dùng loại bồn cầu này nên em lo lắng quá.

Nếu em dùng loại nước rửa tay khô, lau qua 1 lượt trước khi sử dụng bồn cầu thì đã đủ an toàn chưa BS? Rất mong BS tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn BS!

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan

Lan thân mến,

Bệnh lậu là bệnh lý lây truyền qua đường quan hệ tình dục hay tiếp xúc trực tiếp với máu, do đó khi tiếp xúc gián tiếp qua việc dùng chung bồn cầu ít có khả năng lây nhiễm.

Bệnh sùi mào gà là bệnh do nhiễm virus HPV, lây qua đường tình dục hay tiếp xúc trực tiếp khi dùng chung đồ với người mắc bệnh như khăn mặt, quần áo, bàn chải đánh răng, bồn cầu, virus xâm nhập qua vết trầy xước, vết thương hở, niêm mạc miệng, mắt. Do vậy nếu da vùng mông của bạn không bị trầy xước thì bạn an tâm.

Việc dùng nước rửa tay khô (dung dịch sát khuẩn tay nhanh) trong trường hợp này không đem lại hiệu quả rõ rệt. Nếu thấy bồn cầu bẩn, bạn nên xịt nước cho sạch trước khi đi vệ sinh và sau khi đi vệ sinh nên rửa tay bằng xà phòng và nước.

Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X