Hotline 24/7
08983-08983

Giao mùa: Trẻ sốt trên 2 ngày, sốt không hạ, li bì nên đi bệnh viện khám sớm

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết khoảng thời gian trẻ nhập viện cao nhất trong năm là giai đoạn giao mùa thu - đông. Cha mẹ cần có những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, đặc biệt phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng để đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời.

1. Nguyên nhân của tình trạng trẻ nhập viện gia tăng đột biến

- Nguyên nhân nào khiến số lượng trẻ nhập viện gia tăng mạnh như vậy, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khi thay đổi thời tiết, nhất là thời điểm chuẩn bị có dấu hiệu vào mùa lạnh - mùa trẻ dễ bị nhiễm bệnh đặc biệt là bệnh liên quan đến đường hô hấp, siêu vi.

Trẻ khi bệnh có thể diễn tiến nặng và có những biến chứng khiến phải nhập viện. Những triệu chứng thường gặp liên quan đến viêm mũi, viêm họng, viêm tai, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi … Đôi khi có những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi nặng, nhiễm trùng nặng, thậm chí nhiễm trùng máu cần phải can thiệp tích cực.

Mùa này có nhiều trường hợp nhập viện do siêu vi như cúm, Adenovirus,... Đa phần trường hợp nhiễm siêu vi có thể tự ổn định và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp nặng hơn không thể chăm sóc tại nhà, cần phải nhập viện để bác sĩ có thể theo dõi sát hơn, chăm sóc và điều trị, can thiệp phù hợp.

2. 60% trường hợp trẻ nhập viện do bệnh đường hô hấp

- Nhìn chung tại khu vực miền Nam thì BS có thấy tỷ lệ trẻ nhập viện gia tăng hay không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khoảng tháng 9, 10 và tháng 11, số lượng nhập viện sẽ cao so với những tháng còn lại trong năm. Khoảng 60% trường hợp nhập viện liên quan đến hô hấp, còn lại là bệnh lý tiêu hóa, bệnh nhiễm như sốt xuất huyết,...

3. Siêu vi Adenovirus có thể biến chứng viêm phổi nặng

- Một số nơi diễn ra viêm phổi do Adenovirus. Xin hỏi BS, đây có phải bệnh nguy hiểm không và là một bệnh như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Adenovirus là một loại siêu vi gây bệnh cảm giống như siêu vi khác: em bé sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, mắt sưng và đổ ghèn, đau họng, ho, khó nuốt,... Triệu chứng diễn tiến trong vòng vài ngày.

Một số trường hợp biến chứng, đặc biệt liên quan viêm phổi vì khả năng bảo vệ đường hô hấp bị ảnh hưởng, vi khuẩn gây bệnh và các vi trùng khác bội nhiễm đi kèm theo, em bé sẽ sốt cao hơn, cảm giác khó thở, ho nặng, có thêm triệu chứng đau bụng từng cơn, nôn ói,...

Siêu vi đôi khi tấn công những cơ địa đặc biệt như em bé dưới 1 tuổi, trẻ nhỏ bị bệnh lý mãn tính về hô hấp, tim mạch, huyết học, thận, suy dinh dưỡng,... dễ dàng dẫn đến biến chứng. Những trường hợp này bắt buộc nhập viện điều trị.

Adenovirus là một loại siêu vi gây bệnh cảm giống như siêu vi khác, với các biểu hiện, ho, đau họng, sốt...

4. Adenovirus có khả năng lây lan rất cao

- Khả năng lây lan của Adenovirus ra sao ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khả năng lây lan của bệnh rất cao vì bản chất là siêu vi, đặc biệt liên quan đến giọt bắn của đường hô hấp khi em bé ho, hắt hơi, sổ mũi. Siêu vi phân tán từ giọt bắn và người tiếp xúc gần có thể hít phải và bị lây nhiễm.

Trường hợp lây nhiễm khác là em bé dùng tay che miệng khi ho, hắt hơi bị dính giọt bắn và chạm vào người khác.

Những môi trường lớp học, nhà trẻ hoặc khu vực mật độ đông người là nơi dễ lây lan.

Hiện nay, khả năng lây lan và mắc bệnh cao vì chưa có vắc xin phòng ngừa.

5. Khó phân biệt Adenovirus với các virus khác

- Adenovirus có dễ nhầm lẫn với các virus khác hay không và biện pháp phòng ngừa tốt nhất là gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Adenovirus giống với các loại siêu vi khác.

Tuy nhiên, có thể xảy ra hiện tượng bội nhiễm (vừa nhiễm siêu vi vừa nhiễm vi trùng), vi trùng đi theo con đường thuận lợi có thể gây tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn và các triệu chứng diễn tiến nhanh hơn. Nếu chúng ta chủ quan sẽ bỏ sót những triệu chứng biến chứng nghiêm trọng.

6. Bí quyết chăm sóc trẻ trong thời điểm giao mùa

- Nhờ BS chia sẻ vài lưu ý cho phụ huynh về cách bảo vệ con trẻ trong thời điểm giao mùa thu - đông và thay đổi thời tiết như thế này ạ?

Dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thật uống, uống đủ nước... để bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết giao mùa

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Thứ nhất, em bé rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết nên dễ bị bệnh. Phụ huynh cần tích cực vệ sinh đường hô hấp cho con.

Thứ hai, lưu ý chăm sóc khi trẻ bị bệnh: dùng thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước ấm, vệ sinh đường thở.

Tiếp theo, cung cấp dinh dưỡng vừa phải và vừa đủ liên tục, chuẩn bị thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu giúp trẻ duy trì năng lượng để điều trị.

Cần theo dõi sát những dấu hiệu trở nặng của trẻ để nhập viện kịp thời, tránh diễn tiến nặng: sốt trên 2 ngày, sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt; ho nhiều; ngủ li bì, mệt mỏi, kém đáp ứng kích thích; nôn ói; có dấu hiệu khó thở, ngồi thở theo nhịp;...

Khi phụ huynh cảm thấy triệu chứng của con không bình thường như mọi ngày, cần đưa con đến cơ sở y tế, việc điều trị chậm trễ có thể xuất hiện biến chứng làm nghiêm trọng tình hình bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X