Hotline 24/7
08983-08983

Giao mùa, nhận diện và phân biệt viêm mũi dị ứng với cảm cúm, cảm lạnh

Theo ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, trong điều kiện thời tiết hiện nay, viêm mũi dị ứng có thể nhầm lẫn với cảm cúm. Trong đó, tam chứng điển hình của viêm mũi dị ứng bao gồm chảy mũi trong, ngứa mũi, hắt hơi, và thường không gây sốt như cảm cúm.

[DAP]

Lời mở đầu:

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh khá thường gặp. Đặc biệt là khi môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng. Đây là tình trạng hiện tượng niêm mạc mũi phản ứng với các dị nguyên khi chúng ta hít vào và xảy ra một loạt phản ứng dị ứng, với các triệu chứng đặc thù như chảy mũi trong, ngứa mũi, hắt hơi.

Viêm mũi dị ứng đôi khi chưa được hiểu đúng dẫn đến chẩn đoán nhầm thành viêm xoang, cảm cúm thông thường… Trước hết, đặc điểm của viêm mũi dị ứng hiện nay được chia thành các dạng viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm. Trong mỗi dạng này, viêm mũi dị ứng lại chia thành 3 mức độ: nhẹ - trung bình - nặng.

Ngày nay, viêm mũi dị ứng theo mùa còn được gọi là viêm mũi dị ứng từng đợt; còn viêm mũi dị ứng quanh năm hay còn gọi là viêm mũi dị ứng dai dẳng. Tùy tình trạng và mức độ của viêm mũi dị ứng sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Vì vậy, khi có tình trạng viêm mũi dị ứng, trước tiên cần được chẩn đoán, xác định và sử dụng thuốc phù hợp.

Khi viêm mũi dị ứng vừa xảy ra, sử dụng thuốc ngay giúp chặn phản ứng dị ứng, hiện tượng diễn tiến của bệnh sẽ ngừng lại và bệnh nhân sẽ không có triệu chứng nặng hơn cùng những hệ lụy.

Trong các thuốc kháng dị ứng, thuốc kháng histamin là lựa chọn đầu tiên theo hướng dẫn điều trị viêm mũi dị ứng của Hội Dị ứng thế giới. Kháng histamin có hai thế hệ, trong đó thế hệ 1 đã được sử dụng từ năm 1930. Tuy nhiên đặc điểm của thế hệ 1 là qua hàng rào máu não, vì vậy nó gây buồn ngủ. Đây là một trong những bất lợi của thuốc.

Những năm gần đây, người ta đã sáng chế và đưa ra thị trường thế hệ 2, đó là những loại thuốc ngăn được tình trạng gây buồn ngủ, nghĩa là không vượt qua được hàng rào máu não, và thứ hai là hiệu quả dùng cao hơn, tốt hơn, liều dùng hằng ngày thuận tiện hơn cho bệnh nhân.

Trong nhóm kháng histamin thế hệ 2, hiện có 2 loại thuốc được các nhà nghiên cứu đưa ra thị trường ít qua hàng rào máu não nhất, đó là nhóm Bilastin và Fexofenedin, khuyến khích bệnh nhân nên dùng. Để chọn lựa thuốc kháng dị ứng nào cho tốt, cần dựa trên 3 yếu tố:

- Hiệu quả tác dụng nhanh

- Liều dùng thuận tiện (một ngày chỉ dùng 1 viên), viên nhỏ tiện dụng

- Sự phổ biến của thuốc

Fexofenedin hiện là thuốc thông thường được bán tại các nhà thuốc, bệnh nhân có thể mua mà không cần toa của bác sĩ.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM[/DAP]

Ở Việt Nam, viêm mũi dị ứng có phổ biến?

Những năm gần đây, viêm mũi dị ứng được đánh giá có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, viêm mũi dị ứng phổ biến như thế nào? Theo BS, những tác động của nhịp sống hiện đại, môi trường ô nhiễm ảnh hưởng ra sao đến tần suất mắc viêm mũi dị ứng ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể, bởi vì mỗi miền sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều đồng thuận cho rằng tỷ lệ bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng do sự ô nhiễm môi trường.

Để chẩn đoán bệnh, thứ nhất, đa phần hiện nay dựa vào tam chứng của viêm mũi dị ứng, đó là chảy nước mũi trong, ngứa mũi và hắt hơi. Thứ hai là vấn đề này có thể xảy ra và lặp lại. Thứ ba là bệnh nhân có cơ địa hen suyễn, chàm da hoặc có người nhà mắc các bệnh liên quan đến dị ứng.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, việc chẩn đoán dị nguyên đã chi tiết hơn. Ví dụ đã có mã số bệnh tật viêm mũi dị ứng do phấn hoa, viêm mũi dị ứng do mạt nhà, viêm mũi dị ứng do thức ăn…

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mũi Xoang

Viêm mũi dị ứng, vì sao có người bị theo mùa, có người lại gặp quanh năm suốt tháng?

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là gì thưa BS? Vì có người chỉ gặp tình trạng này theo mùa, nhưng người khác lại bị quanh năm suốt tháng. Vậy tình trạng này là do đâu? Thời điểm nào trong năm dễ bị viêm mũi dị ứng nhất?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Viêm mũi dị ứng chia thành nhiều dạng, đó là viêm mũi dị ứng theo mùa (từng đợt) và viêm mũi dị ứng quanh năm. Trong viêm mũi dị ứng từng đợt có những yếu tố dị nguyên như mạt nhà, phấn hoa, thức ăn... Do vậy, có người chỉ xảy ra viêm mũi dị ứng vào mùa phấn hoa, sau đó mùa này qua đi thì bệnh nhân sẽ khỏi. Trường hợp xảy ra liên tục là bệnh nhân đã gặp tình trạng viêm mũi dị ứng quanh năm.

Điều quan trọng trong điều trị viêm mũi dị ứng đó là ngăn chặn việc tiếp xúc với dị nguyên và kiểm soát cơn. Nếu chúng ta để mũi của mình bị nghẹt, chảy nước mũi, hắt hơi quanh năm, bệnh có thể diễn tiến xa hơn nữa như:

- Viêm xoang;

- Hoặc khi vô tình hít phải tế bào nấm thì nó sẽ bị kẹt lại, sinh sôi, phát triển, trở thành tình trạng viêm xoang do nấm, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để loại trừ nấm;

- Hoặc tình trạng viêm xoang do polyp trong mũi quá lớn, không điều trị nội khoa nữa và phải trải qua phẫu thuật.

Tất cả các tình trạng này đều gây ra nhiều phiền phức cho bệnh nhân.

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra ở nhóm người nào và độ tuổi nào mắc nhiều nhất ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Theo các tài liệu trên thế giới cũng như những nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy, viêm mũi dị ứng có thể xảy ra từ trẻ trên 2 tuổi, và thực tế cũng đã có bệnh nhân 85 tuổi.

Nhưng độ tuổi thường xảy ra viêm mũi dị ứng nhất đó là giai đoạn đầu đời của trẻ, khi miễn dịch bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ có các phản xạ, phản ứng giữa cơ thể với yếu tố môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, 30-40 tuổi cũng là giai đoạn thường gặp viêm mũi dị ứng. Lứa tuổi này thường làm việc (thức đêm, dậy sớm), stress, căng thẳng và đây đều là những yếu tố thuận lợi để viêm mũi dị ứng bùng phát.

Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và đời sống của người bệnh?

Căn bệnh này ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe (biến chứng) và đời sống của người bệnh, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Khi chúng ta tiếp xúc với một bệnh nhân và nghe họ chia sẻ về tình trạng viêm mũi dị ứng ở đỉnh điểm, vượt ngưỡng chịu đựng thì mới thấy được sự khổ sở này. Đó là tình trạng hắt hơi buổi sáng không thể ngừng, nghẹt mũi không thở được. Thậm chí là chảy mũi trong liên tục, người bệnh có thể sử dụng hết nhiều cuộn khăn giấy, nhưng tình trạng này vẫn chưa dừng lại. Để hết tình trạng này, một số bệnh nhân bị nhẹ, khi trời nắng lên hoặc mũi được sưởi ấm có thể đỡ hơn, nhưng một số bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc để cắt cơn, chặn các phản ứng dị ứng này lại.

Các dấu hiệu cảnh báo viêm mũi dị ứng là gì?

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo viêm mũi dị ứng thưa BS?

- Tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi cũng có thể gặp ở các bệnh khác như cảm lạnh, cảm cúm, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh hô hấp đang gia tăng như hiện nay. Vậy làm sao để phân biệt rõ ràng viêm mũi dị ứng với các tình trạng này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Bệnh nhân viêm mũi dị ứng ít nhiều cũng sẽ nhận diện được căn bệnh này, với tam chứng thường gặp, đó là chảy mũi trong, ngứa mũi và hắt hơi. Các triệu chứng này cũng tương tự như dấu hiệu của nhiễm siêu vi đường hô hấp hay trong dân gian gọi là cảm cúm. Tuy nhiên, trong cảm cúm, bệnh nhân có thể sốt, trong khi đó bệnh viêm mũi dị ứng có thể không sốt. Ngoài ra, viêm mũi dị ứng có thể liên quan đến tiền căn của bệnh nhân hoặc gia đình (suyễn, chàm da, dị ứng với thức ăn).

Cần làm gì khi có triệu chứng viêm mũi dị ứng?

Khi có các dấu hiệu viêm mũi dị ứng, người bệnh nên thăm khám như thế nào, khám chuyên khoa gì?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Viêm mũi dị ứng có nhiều mức độ và có nhiều dạng. Viêm mũi dị ứng không phải loại dai dẳng hoặc có thể kiểm soát cơn, ban đầu bệnh nhân có thể mua thuốc kháng dị ứng OTC (thuốc không cần kê đơn) tại các nhà thuốc hoặc thuốc xịt mũi được Bộ Y tế cũng như phác đồ điều trị của thế giới cho phép.

Nếu bệnh nhân dùng từ 3-5 ngày mà vẫn không kiểm soát được cơn thì tốt nhất nên đến các bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng để khám và bác sĩ có thể sử dụng các thuốc phối hợp thêm, đồng thời theo dõi, kiểm soát bệnh.

Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm mũi dị ứng?

Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán căn bệnh này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn trả lời: Thực tế, thông qua việc khám và hỏi bệnh cũng đã chẩn đoán được 80-90% viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, để xác định chính xác dị nguyên, người ta sẽ lấy dịch mũi làm xét nghiệm.

Hiện nay, tại chuyên khoa Tai mũi họng có những xét nghiệm để tìm yếu tố dị nguyên như 30 yếu tố của thức ăn, những yếu tố thường tiếp xúc hằng ngày như bụi, mạt nhà, lông chó, lông mèo… Chi phí dao động từ 2-3 triệu đồng.

Song, các xét nghiệm này thường được sử dụng cho những trường hợp viêm mũi dị ứng quanh năm, khó kiểm soát cơn. Đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng theo mùa, hoặc kiểm soát được, các xét nghiệm này cũng chưa cần thiết.

Phần 2: Hắt hơi, chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng, dùng thuốc gì nhanh cắt triệu chứng?

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Telfor - DHG Pharma đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X