Giảm 1 độ cận, trẻ giảm được 40% nguy cơ phát triển bệnh lý ảnh hưởng đến thị giác
Cận thị là tật khúc xạ rất phổ biến, dự kiến đến 2050, cứ 2 người sẽ có 1 người bị cận thị. Theo TS.BS Trần Đình Minh Huy - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Đại sứ Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Cận thị Thế giới, cận thị càng nặng dẫn đến càng nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác ở mắt, do đó việc kiểm soát tốc độ cận thị học đường rất quan trọng.
1. Cận thị đang có xu hướng trẻ hóa
Xin hỏi BS, vì sao cận thị ngày càng trẻ hóa?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Từ năm 2015, 2016, đã có những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về 3 xu hướng mới của cận thị. Thứ nhất, tỷ lệ cận thị tăng nhanh trên toàn cầu, đồng thời dự đoán rằng 50% dân số thế giới bị cận thị vào năm 2050.
Thứ hai là xu hướng trẻ hóa của cận thị. So sánh số liệu tại Mỹ năm 1970 và đầu những năm 2000 cho thấy, trong vòng khoảng 40 năm, tỷ lệ cận thị có xu hướng tăng gấp đôi ở mọi lứa tuổi. Trong đó, sự trẻ hóa gia tăng trong những năm gần đây.
Tại các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Việt Nam,... những năm gần đây cũng đã ghi nhận xu hướng trẻ hóa về cận thị. Lý do được đưa ra là cận thị ngày nay có sự tác động của 2 yếu tố chính: di truyền và môi trường.
Trong yếu tố về môi trường, việc tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử cũng như thiếu thời gian sinh hoạt ngoài trời sẽ hình thành và tiến triển cận thị.
Với những thế hệ trước, học sinh lớp 9, lớp 10 mới bị cận thị. Nhưng hiện nay các bé ở trường mầm non đã có một tỷ lệ cận thị nhất định, thậm chí có những bé có độ cận rất cao.
2. Mỗi độ cận đều mang theo nguy cơ phát triển bệnh lý ảnh hưởng đến thị giác
Ở lứa tuổi học đường, chúng ta có những phương pháp nào để điều trị cận thị cho trẻ, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Ngày nay, quan niệm tiếp cận trẻ bị cận thị cũng như phương pháp chăm sóc dành cho trẻ em cận thị đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm cách đây 20 năm.
Một báo cáo rất nổi tiếng từ năm 2012 minh chứng rằng đã không còn vùng an toàn của cận thị. Trước đây, chúng ta vẫn thường nói cận thị độ nhẹ không nguy hiểm, chỉ cần đeo kính. Nhưng hiện nay người ta chứng minh được rằng, chỉ cần độ cận nhẹ từ 1 - 3 độ đã gia tăng nguy cơ tiềm ẩn về phát triển những bệnh lý có thể ảnh hưởng nặng nề đến thị giác của trẻ trong tương lai so với một trẻ không có cận.
Điều đó cho thấy chúng ta phải chăm sóc trẻ đúng cách để phát hiện được độ cận sớm và theo dõi, hỗ trợ kiểm soát tiến triển cận thị để tốc độ tăng cận của trẻ chậm nhất có thể. Khi độ cận của trẻ bước vào giai đoạn ổn định (khoảng 16 - 18 tuổi), độ cận càng nhỏ thì các nguy cơ về thị giác trong tương lai càng giảm đi hẳn.
Theo thống kê, cứ mỗi 1 độ cận được giảm đi thì nguy cơ về phát triển các bệnh lý có thể ảnh hưởng nặng nề đến thị giác được giảm đi 40%. Mỗi một độ cận đều có ý nghĩa điều trị.
3. Những công nghệ mới giúp điều trị, kiểm soát cận thị ở trẻ em
Các loại kính đeo, kính áp tròng hiện nay đã có những ưu điểm tiến bộ gì so với trước đây, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Từ báo cáo năm 2015, 2016 của WHO cũng như tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Á, Đông Nam Á đã có những chương trình hành động quốc gia trong việc điều trị và chăm sóc, kiểm soát cận thị cho trẻ em, nhiều hãng dược, hãng kính đã đầu tư cho ra các sản phẩm mới để nâng cao hiệu quả điều trị.
Cả kính gọng và kính áp tròng ngày nay đã có rất nhiều sự phát triển về mặt công nghệ. Trong đó, ngoài việc duy trì thị giác tốt, các sản phẩm còn có tác dụng kiểm soát tốc độ tiến triển cận thị của trẻ. Thậm chí những công nghệ mới sau này còn có tác dụng kiểm soát tốc độ tiến triển cận thị lên đến 50 hay 70%. Đó là tín hiệu vui trong việc điều trị và theo dõi cận thị cho trẻ.
Mặc dù tại Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm có ứng dụng mới về mặt khoa học, tuy nhiên vẫn có các loại kính áp tròng, nhất là kính áp tròng đeo ban đêm, có tác dụng điều trị và kiểm soát cận thị rất tốt. Tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm đã được chứng minh bằng những nghiên cứu dài hạn.
5. Những yếu tố cần xem xét trước khi quyết định điều trị cận thị bằng kính áp tròng đeo ban đêm
Rất nhiều phụ huynh thắc mắc rằng có nên cho trẻ đeo kính áp tròng ban đêm không, những lợi ích và ưu điểm của loại kính này là gì?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Nhiều nghiên cứu lớn và nghiên cứu dài hạn trên toàn thế giới đã chứng minh kính áp tròng ban đêm là một phương pháp hiệu quả, an toàn trong điều trị và kiểm soát cận thị ở trẻ em.
Tuy nhiên, đối với bất kỳ phương pháp điều trị nào được áp dụng trên trẻ em cũng cần lưu ý rằng, cần phải đánh giá cụ thể trên từng cá thể. Mỗi trẻ đều có đặc thù bề mặt nhãn cầu, đặc thù giác mạc riêng cần đánh giá xem có phù hợp với phương pháp này hay không và liệu phương pháp này có thể điều trị hiệu quả, an toàn cho trẻ hay không.
Tôi vẫn ưu tiên điều trị với kính áp tròng đeo ban đêm với những trẻ từ 8 tuổi trở lên, độ cận khoảng 2 - 6 độ và độ loạn không quá 2 độ.
Sau khi tư vấn với phụ huynh là một quy trình đánh giá đầy đủ về bề mặt nhãn cầu, tình trạng giác mạc để biết được đặc điểm bề mặt nhãn cầu của trẻ có phù hợp để đeo kính áp tròng lâu dài hay không. Từ đó mới đưa ra quyết định sau cùng.
6. Đo mắt, thay kính mỗi 6 tháng/lần
Trẻ cần được đo mắt là cắt kính mới định kỳ bao lâu 1 lần, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Khuyến cáo của các đơn vị lâm sàng cũng như của WHO, Hiệp hội Cận thị Thế giới là trẻ em nên được đi thăm khám và đánh giá tình trạng khúc xạ mỗi 6 tháng.
Ngoài ra, kính gọng cũng nên được cân nhắc thay mới mỗi 6 tháng đến 1 năm tùy trường hợp. Trẻ hiếu động thường dễ làm trầy bề mặt tròng kính nên cần thay kính 6 tháng/lần hoặc khi độ cận có sự thay đổi sau 6 tháng.
Cũng có những trường hợp độ cận không thay đổi sau 6 tháng, trẻ có ý thức giữ gìn tròng kính tốt vẫn có thể sử dụng kính cũ, theo dõi trong 6 - 12 tháng tiếp theo.
7. Cần làm gì khi trẻ có độ cận 2 mắt chênh lệch nhiều?
Khi đưa trẻ đến các cửa hàng kính thuốc để đo mắt, với kết quả độ cận hai bên mắt của trẻ chênh lệch nhiều, phụ huynh được khuyên rằng nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Nhờ BS giải thích, độ cận giữa hai mắt chênh lệch nhiều có nguy hiểm không?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đây là một câu hỏi khá thường gặp khi chúng tôi khám cho bệnh nhân trên lâm sàng. Thực tế, rất khó để tìm được một đôi mắt có độ cận gần như tương đương 100%. Luôn có một độ lệch nào đó giữa hai mắt.
Tuy nhiên, khi độ lệch khúc xạ giữa hai mắt từ 2,5 độ trở đi được xem là bất đồng khúc xạ. Khi có những bất đồng khúc xạ nhất định, việc đeo kính cũng như việc đánh giá tình trạng khúc xạ của trẻ cần đến một quy trình đặc biệt khác.
Đầu tiên, về tình trạng khúc xạ, phải xem trẻ có những bất thường đi kèm như nhược thị hay không. Ngoài ra còn phải đánh giá những bất thường thị giác giữa hai mắt, đồng thị, hợp thị.
Cũng cần phải lưu ý, đôi khi ẩn sau những bất đồng khúc xạ là tình trạng bệnh lý tại mắt không được đánh giá kỹ nếu chỉ khám ở tiệm kính thuốc. Vì vậy, khi kết quả cho thấy độ khúc xạ giữa hai mắt tương đối lệch, lời khuyên là hãy đến các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện chuyên ngành mắt uy tín.
8. Dùng Atropin để điều trị kiểm soát cận thị ở trẻ em
Việc dùng thuốc sẽ có những tác động như thế nào đến tật khúc xạ của trẻ, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Nhóm thuốc được phụ huynh quan tâm nhiều nhất là các loại thuốc bổ, vitamin để bổ trợ cho trẻ. Hầu hết các vitamin được cung cấp trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin cho trẻ qua các loại sinh phẩm dạng uống.
Vitamin A, vitamin E, vitamin B, vitamin C hay omega-3 đều có ý nghĩa hỗ trợ cho việc phát triển thị giác của trẻ.
Nhóm thứ hai là thuốc điều trị kiểm soát cận thị. Đây là thuốc dùng để nhỏ vào mắt với mục tiêu làm chậm tốc độ tiến triển cận thị của trẻ. Loại thuốc duy nhất được minh chứng là có hiệu quả trong điều trị kiểm soát cận thị là Atropine.
Atropin nồng độ thấp (0,01%, 0,025% hay 0,05%) có các bằng chứng lâm sàng cũng như được đáp ứng tại Việt Nam là có hiệu quả trong điều trị kiểm soát cận thị ở trẻ em.
Các viên uống sáng mắt có tác dụng trong việc điều trị cận thị không? Có nên cho trẻ sử dụng thường xuyên không, thưa BS?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Các viên uống này thật ra không có tác dụng điều trị kiểm soát cận thị hay điều trị cận thị. Chúng chỉ có vai trò bổ sung các vi chất hỗ trợ các dưỡng chất dành cho mắt.
Chúng ta phải phối hợp với các loại thuốc nhỏ đặc biệt để có thể điều trị kiểm soát cận thị cho trẻ.
9. Các điều kiện phẫu thuật khúc xạ
Theo chỉ định của các bác sĩ mắt, trẻ 18 tuổi mới được mổ phẫu thuật khúc xạ (mổ lasik). Lý do chọn mốc 18 là gì? Ngoài 18 tuổi, còn độ tuổi nào thích hợp nhất để mổ lasik?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Các bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu về phẫu thuật khúc xạ, hay còn gọi là phẫu thuật lasik, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào cặp kính gọng.
Theo tiêu chuẩn phẫu thuật khúc xạ của các chuyên gia đầu ngành trong phẫu thuật khúc xạ tại Việt Nam và trên thế giới, đủ 18 tuổi là mốc thời gian mà độ tuổi và cả độ cận của bệnh nhân có sự ổn định nhất.
Sau 18 tuổi, chỉ còn khoảng 10% trường hợp còn tiến triển độ cận đối với một số nhóm ngành nghề cụ thể. Hầu hết, từ sau 18 tuổi, độ cận đã ổn định hơn nhiều, khả năng tái cận sau phẫu thuật của các bạn trẻ giảm thấp.
Các tiêu chuẩn quan trọng trong việc quyết định mổ cận thị là:
- Từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Độ cận ổn định: Trong vòng 1 năm gần nhất, độ cận tăng dưới 0,5 diop;
- Tình trạng mắt cũng như các bệnh lý tại mắt đủ điều kiện để có thể thực hiện phẫu thuật khúc xạ: bề mặt nhãn cầu, tình trạng giác mạc và không có các bệnh lý nặng như glaucoma (cườm nước), bệnh lý võng mạc hoặc các bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
10. Những phương pháp chăm sóc, bảo vệ đôi mắt con trẻ
BS có những lời khuyên nào để giúp phụ huynh bảo vệ đôi mắt của trẻ không bị cận thị? Nếu trẻ đã bị cận thị, làm thế nào để hạn chế nhất sự tiến triển của tật khúc xạ này?
TS.BS Trần Đình Minh Huy trả lời: Đây là một câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được. Những lời khuyên sau dành cho độc giả của AloBacsi đang quan tâm đến tình trạng đôi mắt của con minh.
Trẻ con ngày nay khoảng thời gian nhìn gần rất lớn. Do đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Có những nghiên cứu lớn minh chứng được thời gian sinh hoạt ngoài trời hơn 120 phút/ngày hoặc hơn 14 tiếng/tuần là một yếu tố bảo vệ cũng như làm chậm tiến triển cận thị của trẻ.
Cứ mỗi 1 tiếng sinh hoạt nhìn gần tăng thêm, trẻ có thêm 2% nguy cơ tiến triển và phát triển cận thị.
Khi trẻ sinh hoạt nhìn gần, phụ huynh cần lưu ý khoảng cách sinh hoạt phải từ 33cm trở lên. Bên cạnh đó, trẻ phải có khoảng nghỉ trong lúc đọc hay làm việc nhìn gần, có thể hướng dẫn cho trẻ bài tập 20 - 20 - 20 (cứ mỗi 20 phút sẽ cần đưa mắt nhìn xa 20 feet, tương đương 6m, trong vòng 20 giây).
Sinh hoạt ngoài trời cùng với thăm khám định kỳ, có phương pháp điều trị cận thị cụ thể sẽ là cách chăm sóc tốt nhất dành cho trẻ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình