Gia tăng bệnh hô hấp, chuyên gia cảnh báo có thể tử vong nếu vào đợt cấp hen, COPD
Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thăm khám vì bệnh lý hô hấp liên tục tăng lên, một số bệnh phổ biến như cảm cúm, hen phế quản, giãn phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… PGS Trần Văn Ngọc cảnh báo đợt cấp của các bệnh hô hấp như hen, COPD có thể khiến người bệnh nhập viện, thậm chí tử vong.
Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân 50 tuổi, không có tiền căn bệnh phổi, gia đình có mẹ và em gái bị hen suyễn. 5 tháng nay bệnh nhân thỉnh thoảng có ho đàm vướng cổ, thở hụt hơi, phải cố gắng khạc được đàm mới thấy khỏe. Một số triệu chứng khác như đau liên bả vai, tức ngực khi gắng sức… bệnh nhân đã khám nhiều nơi, chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhưng không giảm, tình trạng ho vướng đàm nhầy trong nhiều hơn, khó chịu và hụt hơi về đêm nên đến thăm khám tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hen phế quản và được điều trị thuốc dãn phế quản, kháng viêm corticoid hít, sau 1 tuần các triệu chứng cải thiện rõ rệt.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân Đ.V.T. 70 tuổi, bị COPD trên nền bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường type, block nhánh phải. Người bệnh điều trị tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh từ đầu năm 2024, trước đây bệnh nhân có đợt cấp, thường xuyên khó thở và được chỉ định loại thuốc hít 3 trong 1. Thời gian gần đây bệnh nhân không còn đợt cấp nhưng vẫn còn triệu chứng khó thở, tuy nhiên nhờ vào tuân thủ chỉ định tái khám định kỳ, chủng ngừa cúm, phế cầu, tuân thủ dinh dưỡng, tập luyện nên tình trạng bệnh ổn định trong đợt tái khám mới nhất.
Nam bệnh nhân N.P.T., 31 tuổi bị giãn phế quản, hen phế quản, thời gian gần đây bệnh nhân ho nhiều đàm xanh, sốt 38 độ, khó thở, họng viêm đỏ sung huyết… Đến thăm khám tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm, bác sĩ đã chỉ định thuốc điều trị.
Trước tình trạng đó, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM, Đồng sáng lập Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, thời điểm này vào mùa lạnh, các bệnh hô hấp mạn tính thường vào đợt cấp như hen phế quản, COPD, giãn phế quản. Ở nhóm người lớn tuổi khi nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, đợt cấp thường xuất hiện. Đặc biệt là những người điều trị bệnh nền không ổn định, không điều trị thuốc hen suyễn, COPD thường xuyên, bệnh nhân rất dễ vào đợt cấp, có thể phải nhập viện thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, vào mùa lạnh, mật độ virus, vi khuẩn, nấm trong không khí gia tăng, dễ làm các vấn đề nhiễm trùng hô hấp do virus lây lan nhanh chóng như: virus cảm, virus cúm hay các loại virus hô hấp hợp bào qua giọt bắn, tiếp xúc… Khi mắc các vấn đề đó, đa phần triệu chứng sẽ gây nhiễm trùng hô hấp trên. Ví dụ như sốt, nhức đầu, sổ mũi, đau họng… Một số trường hợp, đặc biệt là những người lớn tuổi (trên 65 tuổi), có bệnh nền, COPD, đái tháo đường, tim mạch… dễ làm vấn đề nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới, gây ra đợt hô hấp nặng, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi. Đặc biệt, sau nhiễm cúm, nhiễm virus hợp bào, COVID… có thể xuất hiện biến chứng viêm phổi do vi khuẩn, bệnh diễn biến nặng hơn, kéo dài hơn.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, khi bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp như sốt cao, suy nhược cơ thể, khó thở… cần đi khám bác sĩ ngay, vì đây là các triệu chứng của nhiễm trùng nặng, đặc biệt là trên những người lớn tuổi, có bệnh nền, có thể xảy ra diễn tiến nặng hay biến chứng nguy hiểm.
Để phòng ngừa, bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện thể dục, thể thao. Điều trị tốt bệnh nền, không được tự ý ngưng thuốc ở bệnh nhân COPD, đái tháo đường…
Cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống, không gian sinh hoạt trong nhà, vì trong mùa lạnh sự tăng sinh của virus, vi khuẩn ở môi trường ô nhiễm sẽ nhiều và nhanh hơn.
Những người lớn tuổi có bệnh nền cần chủng ngừa cúm, phế cầu, RSV, để tạo ra miễn dịch chủ động, khi nhiễm bệnh có thể nhẹ hơn. Nhiều nghiên cứu chứng minh những bệnh nhân đã chủng ngừa sẽ giảm mức độ nặng của bệnh khi mắc, giảm nguy cơ nhập viện, dùng kháng sinh và nguy cơ tử vong.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình