Hotline 24/7
08983-08983

Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, biến chứng và cách phòng ngừa

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan dư thừa quá nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của gan.

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh thường gặp. Ở giai đoạn đầu, bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ đưa đến nhiều biến chứng như viêm gan, xơ gan, gây nguy hiểm đến tính mạng.

1. Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là hiện tượng gan bị ứ mỡ trong tế bào gan trên 5% so với trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ gây rất nhiều phiền toái, là “sát thủ âm thầm”, tiến triển lặng lẽ qua nhiều năm.

2. Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ

Có rất nhiều nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ, trong đó, ăn uống là nguyên nhân hàng đầu. Ví dụ ăn nhiều đồ béo ngọt, chất mỡ, gan không thể đào thải được và gây ứ đọng trong tế bào gan.

Bia rượu cũng là “sát thủ” đới với tế bào gan, làm gan quá tải, không thể thải độc tố của rượu bia và gây ứ mỡ trong gan, dẫn đến viêm gan do gan nhiễm mỡ, men gan tăng cao.

Nguyên nhân nào dẫn đến gan nhiễm mỡ?

Mỡ trong máu đi qua gan quá nhiều thì hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, nếu vượt quá khả năng chuyển hoá của gan sẽ làm mỡ trong máu tồn đọng trong gan sinh ra gan nhiễm mỡ.

Đường huyết cao cũng sẽ tạo thành một lớp bao phủ khiến gan mất đi chức năng chuyển hoá cholesterol dẫn tới tình trạng tích tụ nhiều cholesterol gây ra gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, sút cân quá nhanh khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein làm cho triglyceride tích tụ trong gan, lâu ngày sẽ gây thừa mỡ trong gan.

Một số loại thuốc điều trị mỡ máu, lao phổi có thể có tác dụng phụ gây tổn thương gan, làm gan nhiễm mỡ.

3. Triệu chứng bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ ít khi có các triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bạn hơi to ra một chút.

Triệu chứng của gan nhiễm mỡ độ 1

Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Lúc đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.

4. Ai có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ?

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ, đặc biệt là những người uống nhiều rượu bia, béo phì, đái tháo đường, suy giáp, suy tuyến yên, hội chứng buồng trứng đa nang…

5. Biểu hiện của gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn

Dựa vào lượng mỡ có trong gan mà gan nhiễm mỡ được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Mỡ chiếm 5 - 10% trọng lượng gan

Là cấp độ đầu tiên cũng như ít nguy hiểm nhất. Nếu phát hiện kịp thời, bệnh gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể chữa trị được, chỉ cần bạn tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Ở giai đoạn này, người bệnh không có biểu hiện cụ thể, nếu chỉ khám lâm sàng sẽ rất khó để phát hiện ra. Cần làm các xét nghiệm và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhất gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu.

Giai đoạn 2: Mỡ chiếm 10 - 25% trọng lượng gan

Nếu bạn không điều trị ngay ở giai đoạn 1, bệnh gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn.

Ở giai đoạn 2, mỡ đã xuất hiện rõ trên nhu mô gan và cơ hoành. Bên cạnh đó đường bờ tĩnh mạch cũng giảm đi rất nhiều và khó xác định. Khi đó, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rõ hơn như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta “lờ” đi những cảnh báo này của cơ thể, nên bệnh gan nhiễm mỡ không được phát hiện và điều trị kịp thời, khi đó ranh giới tiến tới cấp độ 3 là vô cùng mong manh.

Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn

Giai đoạn 3: Mỡ chiếm hơn 25 - 30% trọng lượng gan

Giai đoạn này là giai đoạn nguy hiểm và nặng nhất của gan nhiễm mỡ. Từ đây, bệnh hoàn toàn có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan một cách nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách và kiên trì.

Ở giai đoạn 3, các triệu chứng cảnh báo với cường độ mạnh hơn, các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng,... Khi bệnh nhân khi đi xét nghiệm sẽ thấy rõ độ lây lan các nhu mỡ tại gan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt.

Ở cấp độ này, chắc chắn bệnh sẽ không thể điều trị dứt điểm. Để phòng ngừa biến chứng, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ

6.1 Chẩn đoán lâm sàng

Gan nhiễm mỡ có thể phát hiện được thông qua thăm khám lâm sàng. Các biểu hiện như bụng ấm ách hay chán ăn, vàng da, vàng mắt ở giai đoạn muộn, hay tiền sử về sử dụng rượu và các loại thuốc là cơ sở để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ.

6.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu

Với xét nghiệm máu, chúng ta có thể đánh giá được sự thay đổi của men gan (men gan tăng). Đây là phương pháp cần thiết trong việc tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan.

Xét nghiệm máu để đánh giá được sự thay đổi của men gan

  • Siêu âm

Hình ảnh của gan nhiễm mỡ trên siêu âm là độ hồi âm của nhu mô gan gia tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”.

Bên cạnh đó còn có một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.

  • Sinh thiết

Bác sĩ sẽ gây tê cho người bệnh, sau đó sử dụng một kim sinh thiết để lấy ra mảnh tổ chức gan và đưa đi kiểm tra tế bào học. Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ.

7. Dấu hiệu để phát hiện sớm gan nhiễm mỡ?

Biểu hiện lâm sàng của gan nhiễm rất âm thầm, nhiều khi không có triệu chứng nên khó phát hiện sớm. Nhưng khi có biểu hiện thoáng qua như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, chúng ta phải đi xét nghiệm, siêu âm, sinh hóa huyết học để kiểm tra gan đang ở mức độ nào, tình trạng ra sao và kịp thời điều trị.

Da vàng, mắt vàng có phải bệnh gan?

Người bệnh gan nhiễm mỡ thường chán ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vitamin nên cơ thể mệt mỏi, gầy gò, sút cân. Nặng hơn, bệnh nhân có thể biểu hiện đau tức hạ sườn phải, đầy bụng, khó tiêu.

Đó là những biểu hiện thoáng qua, ít gặp mà người bệnh dễ bỏ qua. Khi có biểu hiện này, bệnh nhân nên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

8. Biến chứng của gan nhiễm mỡ

Lượng mỡ tích tụ quá nhiều trong gan sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ được xem là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm và hiệu quả, gan nhiễm mỡ sẽ biến chứng thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan, gây nguy hiểm đến tính mạng.

  • Viêm gan nhiễm mỡ

Mỡ bao phủ các tế bào gan ngày càng nhiều, làm cho chức năng gan suy giảm, hạn chế vai trò chống độc của gan, tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố, virus, vi khuẩn, kí sinh trùng từ ruột và bên ngoài xâm nhập, gây bệnh viêm gan.

Viêm gan nhiễm mỡ khiến gan nhanh chóng suy kiệt, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, làm tăng tỉ lệ tử vong.

  • Xơ gan

Gan nhiễm mỡ không phải bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, nhất là khi bệnh ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi bệnh biến chứng sang xơ gan, thì việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, khi phát hiện mình mắc gan nhiễm mỡ, người bệnh cần được thăm khám sức khỏe định kỳ và gặp bác sĩ để được tư vấn.

Thông thường, khi gan nhiễm mỡ độ 3 (mỡ trong gan vượt quá 30% trọng lượng gan) sẽ bắt đầu xuất hiện xơ gan. Nếu người bệnh tiếp tục sử dụng rượu bia, chất kích thích, ăn uống không lành mạnh thì chất béo càng tích tụ thêm, tàn phá tế bào gan.

Xơ gan càng nặng, sợi xơ càng nhiều thì tế bào gan càng bị tổn thương, gan bị biến đổi cấu trúc, suy giảm chức năng không thể phục hồi. Nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách, xơ gan do gan nhiễm mỡ có thể cướp đi tính mạng của người bệnh.

Gan nhiễm mỡ sẽ biến chứng thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan, gây nguy hiểm đến tính mạng

  • Ung thư gan

Mỡ trong gan tích tụ gây tình trạng viêm gan, xơ gan kéo dài nặng dần. Bệnh nhân không được điều trị tốt, kết hợp tác nhân xấu tấn công cùng với đó là tế bào Kupffer bị kích hoạt quá mức, tiết nhiều chất gây viêm, khiến các tế bào gan bị chết hàng loại.

Việc điều trị bệnh ung thư gan còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều trị. Nếu ung thư gan do gan nhiễm mỡ được phát hiện sớm, khi kích thước khối u nhỏ thì việc điều trị đạt hiệu quả tích cực.

Còn nếu phát hiện ung thư giai đoạn cuối, chức năng gan suy kiệt, bệnh nhân có các biểu hiện nặng như trướng bụng, vàng da, vàng mắt, ung thư xâm lấn các phân thùy,… thì chỉ có thể điều trị kéo dài sự sống, giảm đau cho bệnh nhân.

  • Suy giảm chức năng các cơ quan khác

Bệnh gan nhiễm mỡ để lâu sẽ dẫn đến chán ăn, sức miễn dịch kém, dễ mắc các loại bệnh tật.

  • Ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và huyết quản

Gan nhiễm mỡ khiến cho phospholipid lipoprotein huyết tương tổng hợp trong gan giảm đi, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và huyết quản, đồng thời khiến trí nhớ giảm sút và xơ vữa động mạch.

9. Điều trị gan nhiễm mỡ thế nào?

Hiện nay, không có loại thuốc hay phương pháp nào điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, tình trạng gan nhiễm mỡ có thể dần được kiểm soát nếu bạn thay đổi lối sống và điều trị các bệnh lý đi kèm.

- Giảm cân: đây là cách tốt nhất để điều trị gan nhiễm mỡ ở những người béo phì. Tránh các cách giảm cân cấp tốc bởi nó sẽ khiến bệnh gan nhiễm mỡ trầm trọng hơn.

- Xem xét sử dụng vitamin E: Bệnh nhân gan nhiễm mỡ không bị đái tháo đường có thể sử dụng Vitamin E để cải thiện tình trạng viêm. Tuy nhiên vitamin E không được sử dụng để điều trị gan nhiễm mỡ với những bệnh nhân nam có tiền sử hoặc gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến. Cũng không nên sử dụng vitamin E liều cao quá 800UI/ ngày vì có thể làm tăng tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

- Kiểm soát rối loạn lipid máu: Các statin không chuyển hoá kéo dài qua gan có thể kiểm soát rối loạn lipid máu, giảm gan nhiễm mỡ.

- Sử dụng Omega 3: Một số nghiên cứu cho thấy acid béo omega 3 có thể cải thiện được tình trạng viêm gan nhiễm mỡ, tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa

Gan ít nhiễm mỡ do khéo léo áp dụng hoạt chất Omega 3 có trong cá biển

- Tiêm phòng: Tiêm phòng viêm gan A, B đầy đủ sẽ giúp bạn phòng tránh được virus gây tổn thương gan.

10. Các cách hạn chế diễn tiến của bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ có thể diễn tiến thành viêm gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan, nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu lưu ý vài điều sau:

Thứ nhất, bạn cần tái khám đúng lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe. Bạn cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.

Thứ hai, bạn cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Đồng thời, bạn cũng cần kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.

Khi tái khám, bạn nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể làm tổn thương gan, chẳng hạn như paracetamol (acetaminophen) và một số được sử dụng cho bệnh tiểu đường và cholesterol cao.

Cuối cùng, bạn phải bắt buộc giảm cân nếu bị béo phì.

11. Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng gì?

11.1 Thực phẩm tốt cho bệnh gan nhiễm mỡ

Một trong những cách để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ là thay đổi chế độ ăn uống. Người bị gan nhiễm mỡ nên có chế độ ăn khoa học với một số loại thực phẩm như:

  • Rau củ quả tươi

Đây là những thực phẩm lý tưởng cho người bệnh gan nhiễm mỡ vì có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tế bào gan (mỗi ngày mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi).

Một số thực phẩm được xem là thuốc có tác dụng giảm mỡ như: đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, nấm hương, chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín, trà xanh, lá sen, hoa hòe, hoa atiso...

Thực đơn cho người bị gan nhiễm mỡ

  • Dầu thực vật

Chất béo không bão hoà có trong dầu thực vật có thể làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ và kiểm soát lượng đường trong máu. Nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu tương (trừ dầu dừa).

  • Ăn nhiều cá

Cá có hàm lượng chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, lại không chứa nhiều chất béo có hại như trong mỡ của động vật. Đặc biệt, trong cá còn chứa rất nhiều acid Omega 3, có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride trong máu (loại chất béo là thủ phạm chính gây nên bệnh gan nhiễm mỡ).

  • Thảo dược thiên nhiên

Atiso, trà xanh, lá sen… đều có tác dụng giảm lượng mỡ trong gan, thanh nhiệt và điều hòa cơ thể.

11.2 Kiêng những thực phẩm nào?

Mục đích của việc điều trị gan nhiễm mỡ đó là làm giảm lượng mỡ trong gan. Do đó, người bị gan nhiễm mỡ cần kiêng hoặc hạn chế các loại thực phẩm như:

  • Chất béo, mỡ động vật

Mỡ động vật khi dung nạp vào cơ thể sẽ đi qua gan, bài tiết ra ngoài ở gan. Nếu sử dụng quá nhiều mỡ động vật, gan không thể bài tiết kịp dẫn đến tích tụ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Nên thay mỡ động vật bằng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật.

  • Thực phẩm giàu cholesterol

Cholesterol cao có thể dẫn đến rất nhiều bệnh, trong đó có gan nhiễm mỡ. Những thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng động vật, da động vật, lòng đỏ trứng… người bệnh cần loại bỏ khỏi bữa ăn của mình.

Gan nhiễm mỡ: Cần kiêng những gì?

  • Thịt đỏ

Thịt bò, thịt dê chứa rất nhiều protein và chúng chuyển hoá tại gan. Gan không chuyển hoá được sẽ làm tăng lượng mỡ tồn đọng khiến bệnh gan nhiễm mỡ càng trầm trọng hơn.

  • Các loại hoa quả chứa hàm lượng đường cao

Hàm lượng đường cao là nguyên nhân gây ra hàng loạt các căn bệnh như béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ... Đường do gan chuyển hóa, do đó nếu hấp thụ quá nhiều sẽ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.

  • Gia vị cay, nóng, đồ ăn đóng hộp

Nếu bạn ăn quá nhiều các loại gia vị cay, nóng sẽ làm suy giảm chức năng gan, khiến gan không thể bài tiết chất béo, làm tồn đọng khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

  • Rượu, bia và chất kích thích

Nếu bị gan nhiễm mỡ và vẫn uống rượu bia, bạn sẽ có nguy cơ cao bị xơ gan và ung thư gan. Đây là nhóm thực phẩm cấm kỵ với người bệnh gan nhiễm mỡ.

12. Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên bệnh khó phát hiện sớm và người bệnh hay không tuân thủ điều trị. Do đó, cách an toàn nhất là nên tiến hành phòng bệnh.

Cách đơn giản nhất để phòng ngừa gan nhiễm mỡ là xây dựng một lối sống lành mạnh, kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi và vận động. Dưới đây là 5 việc đơn giản bạn có thể làm hàng ngày để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.

  • Tăng cường vận động để giảm béo

Lười vận động không chỉ dẫn tới béo phì mà còn làm cho lượng chất béo không chuyển hóa được tích lại quá nhiều, hình thành gan nhiễm mỡ.

Thống kê cho thấy, 75% người béo phì có gan nhiễm mỡ. Vì vậy, những người ít vận động như dân công sở nên thường xuyên lựa chọn các hình thức vận động phù hợp để giảm cân, từ đó tránh nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Tập thể dục đủ để tiết mồ hôi sẽ kích hoạt sự phân hủy chất béo trong gan

Lưu ý, quá trình tập luyện, vận động phải từ từ tăng dần cường độ, không nên bắt đầu mà tập nặng ngay. Song phải duy trì chế độ tập luyện thường xuyên.

Thông thường, thời gian vận động mỗi lần nên từ 30-60 phút. Bạn cần phải lên kế hoạch tập luyện dựa theo tình hình tuổi tác, tính cách, khả năng cơ thể và tình hình bệnh của mình.

  • Luôn sống lạc quan

Những người hay căng thẳng, buồn bực, tức giận cũng là một trong những nhóm nguy cơ dễ bị gan nhiễm mỡ. Do vậy, hãy luôn giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan, kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý.

  • Ăn uống lành mạnh

Ăn uống không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ. Bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh để ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần giới hạn khẩu phần ăn để tránh tăng cân quá nhanh. Cơ thể cần đủ chất dinh dưỡng để hoạt động nhưng dư thừa sẽ gây hại. Cách tốt nhất là ăn thành nhiều bữa.

  • Hạn chế bia rượu

Đây là yếu tố dẫn đến gan nhiễm mỡ nhiều nhất. Có tới 60% những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên mắc gan nhiễm mỡ. Vì vậy, những người nghiện rượu hoặc uống nhiều rượu nên cai rượu. Với những người bình thường nên tránh uống nhiều rượu.

  • Thận trọng khi dùng thuốc

Bất kỳ một loại thuốc nào khi vào cơ thể đều phải qua giải độc ở gan. Vì vậy khi lựa chọn thuốc, bạn cần phải cẩn thận, đề phòng tác dụng phụ độc hại của thuốc.

Lưu ý khi dùng thuốc để bảo vệ gan

Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc gây tổn hại đến gan để tránh làm cho gan bị tổn thương nặng hơn.

Lắng nghe ý kiến chuyên gia về các vấn đề xoay quanh gan nhiễm mỡ:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X