Hotline 24/7
08983-08983

F0 nào dễ diễn tiến nặng và những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng?

Với thực trạng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ trở thành F0, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên đã có những chia sẻ kiến thức quan trọng để mỗi người chuẩn bị ứng phó với tâm thế tốt nhất.

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Phụ trách Bộ môn Nhi (ĐH Y Dược TPHCM), Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1), khi bạn là F0 ở các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị có 2 việc quan trọng nhất cần phải lưu tâm. Thứ nhất là phải biết khi nào mình nặng và thứ hai là tránh lây cho người khác.

“Khi điều trị, bất kỳ ai cũng có thể diễn tiến nặng, nhưng không phải ai cũng có khả năng như nhau, người thì rất cao, người thì lại khó để diễn tiến nặng. Vì vậy, bạn cần phải biết cách để theo dõi” - PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho hay.

Vậy F0 nào dễ diễn tiến nặng?

Về tuổi tác, trên 65 tuổi là nguy cơ nhiều nhất, kế đến là trên 45 tuổi. Còn dưới 45 tuổi ít nguy cơ hơn, chỉ khoảng dưới 5%.

Về bệnh nền, khả năng dễ diễn tiến nặng cao nhất là ung thư, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn, bệnh thần kinh, tiểu đường, suy tim, cao huyết áp, bệnh gan, béo phì, thuốc lá, thai phụ; hay bạn đang dùng thuốc mà làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể bạn (như thuốc điều trị ung thư, steroids, thuốc chống thải ghép). Càng nhiều bệnh, nhiều yếu tố thì nguy cơ càng cao.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh COVID-19 diễn tiến nặng

Nhận biết sớm và điều trị sớm luôn là mong đợi trong y khoa. Vì vậy, theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên mục tiêu quan trọng là nhận biết sớm các biểu hiện nặng để được điều trị kịp thời. Khi hiện nay, bệnh viện dã chiến rất đông người thì người bệnh phải cùng với nhân viên y tế làm điều đó. Các dấu hiệu nặng, cần chăm sóc y tế đó là:

- Khó thở: bắt đầu bằng thở nhanh (bạn thở từ 20 lần/phút trở lên), thở mệt, thở nông; khi nặng bạn thấy khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh.

- Đau ngực, nặng ngực.

- Bạn nói khó khăn, đi lại khó khăn.

- Bạn cũng cần thông báo bệnh nền của mình nặng hơn như: tiểu không được, sốt cao, nhiễm trùng da, chóng mặt,…

“Khi có các biểu hiện này, đến gặp nhân viên y tế, báo cho họ biết. Nhân viên y tế sẽ thăm khám, kiểm tra lại triệu chứng, sẽ xem bạn đang bị bệnh nhẹ, trung bình, nặng hay rất nặng (nguy kịch) để xử trí kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế” - PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhấn mạnh.

Bạn cần làm gì để ứng phó với COVID-19?

Bệnh diễn tiến nặng là điều không ai mong muốn, do đó mỗi người cần gia tăng khả năng đề kháng của cơ thể. Một trong những yếu tố quan trọng mà PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhắc đến đó là tránh lo lắng, hốt hoảng, không tốt cho hệ miễn dịch, tỷ lệ nhiễm không có triệu chứng hay nhẹ và khoảng bệnh 80%, 2 tuần sau nhiễm bạn sẽ có kháng thể, vì thế hãy giữ tâm lý tốt, bình tĩnh. Để bản thân không bị căng thẳng, bạn có thể tìm đọc một quyển sách trên mạng, xem một bộ phim hay, học tiếng Anh. Khi đó, bạn sẽ thấy thời gian bay rất mau.

“COVID-19 gây khó thở mà phần lớn do tắc mạch phổi vì huyết khối. Do đó, không chỉ vận động tích cực ngay cả trong suy nghĩ mà vận động cả tay chân. Bởi vì cách giảm huyết khối là vận động để máu lưu thông, nếu thường xuyên ngồi một chỗ sẽ rất dễ hình thành huyết khối. Hãy tưởng tượng rằng dòng sông chảy chậm thì rác đọng lại rất nhiều, dòng máu cũng tương tự như vậy, khi lưu thông tốt thì giảm huyết khối. Ngoài ra, béo phì là nguy cơ của huyết khối, nên trong thời gian này nếu muốn có thể tận dụng để học giảm cân.

Có rất nhiều cách để vận động. Chẳng hạn, nếu thấy anh em trong khu cách ly than bẩn, rác nhiều và bạn đang khỏe, hãy xắn tay áo lên dọn sạch sẽ, vệ sinh, ngăn nắp và vận động mọi người cùng chung tay. Như vậy, bạn sẽ thấy khỏe hơn thôi. Bạn chỉ cần mang khẩu trang, cách nhau 2m khi vận động, lao động là bạn tuân thủ quy trình” - PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên hướng dẫn.

Song song đó, bạn cần báo nhân viên y tế chính xác về bệnh nền nếu có (như các bệnh đã nói ở trên hoặc bất kỳ bệnh lý nào trước đây) và cả các loại thuốc đang sử dụng. Lưu ý, nếu bạn có bệnh nền thì cần uống thuốc đầy đủ, đừng bỏ thuốc. Không cần phải ngưng bất kỳ loại thuốc nào khi bạn mắc COVID-19. Vì vậy, cần chuẩn bị đủ thuốc mang theo, tốt nhất là 1 tháng, đừng để hết giữa chừng.

Đặc biệt, không được hút thuốc lá, vì phổi vừa chiến đấu với COVID-19 lại thêm thuốc lá có thể dẫn đến quá tải. Ngoài ra, nên ăn đủ chất, uống đủ nước.

Cuối cùng, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên nhắn gửi: “Chúc bạn luôn giữ niềm tin chiến thắng và cùng nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho bạn và cộng đồng”.

>>> PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên: Cách nâng cao sức đề kháng, cải thiện tâm lý cho trẻ mùa dịch

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X