Hotline 24/7
08983-08983

Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp

Cường giáp là bệnh lý rất phổ biến ở phụ nữ và người lớn tuổi. Bài viết dưới đây với sự tư vấn của BS.CK1 Mã Tùng Phát - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về nguyên nhân, nguy cơ, triệu chứng, biến chứng, chẩn đoán và cách điều trị bệnh cường giáp.

1. Bệnh cường giáp phổ biến như thế nào?

Xin hỏi BS, bệnh cường giáp là gì? Căn bệnh này liệu có phổ biến ở Việt Nam không?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng giữa dưới của cổ. Tuyến giáp tổng hợp và sản xuất hormone giáp, có vai trò quan trọng trong chuyển hóa. Chính vì vậy, những thay đổi về hormone giáp ảnh hưởng rất nhiều đến điều hòa thân nhiệt, nhịp tim, suy nghĩ, cảm xúc, tiêu hóa và sinh sản.

Cường giáp hay cường chức năng tuyến giáp là tình trạng bệnh lý mà trong đó tuyến giáp hoạt động mạnh hơn, tăng tổng hợp và tiết ra hormone giáp nhiều hơn, tác động lên những cơ quan mà chức năng tuyến giáp đóng vai trò điều hòa.

Tại Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu về đặc điểm dịch tễ hay tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý tương đối phổ biến. Tại Hoa Kỳ, theo một số báo cáo, tỉ lệ cường giáp rơi vào khoảng 0,5 - 1%. Trong quá trình làm việc của tôi, ngày nào cũng có bệnh nhân cường giáp đến khám.

BS.CK1 Mã Tùng Phát - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

2. Chưa rõ nguyên nhân gây bệnh lý cường giáp

Những nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh cường giáp, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Cường giáp có 2 nhóm bệnh chính: Basedow và bướu giáp đơn nhân hoặc đa nhân độc. Basedow là bệnh lý tự miễn, cơ thể xuất hiện những tự kháng thể. Những tự kháng thể này kích thích tuyến giáp tiết hormone giáp nhiều hơn, gây ra cường giáp.

Với cường giáp nhân độc, tuyến giáp xuất hiện những nhân giáp to, thường có kích thước hơn 2cm. Nhân giáp này hoạt động một cách độc lập và tiết ra hormone giáp nhiều hơn mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể.

Lý do xuất hiện tự kháng thể trong Basedow và xuất hiện bướu giáp nhân độc trong cường giáp thì khoa học vẫn chưa giải thích được rõ ràng. Không có thói quen sinh hoạt nào ảnh hưởng đến sự xuất hiện bệnh lý cường giáp.

3. Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cường giáp cao hơn

Bệnh cường giáp thường gặp trên những nhóm người nào, độ tuổi nào thường mắc phải căn bệnh này?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Cường giáp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Đối với bệnh Basedow, lứa tuổi thường gặp là từ 20 - 50 tuổi. Bướu giáp nhân độc lại thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

Dù là Basedow hay bướu giáp nhân độc thì tỉ lệ nữ giới mắc bệnh thường cao hơn.

4. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp

Có những dấu hiệu nào giúp bệnh nhân nhận biết căn bệnh cường giáp, thưa BS? Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh cường giáp?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Những người bị bệnh cường giáp sẽ xuất hiện một nhóm triệu chứng gọi là triệu chứng cường giáp, bao gồm hồi hộp, đánh trống ngực, sụt cân, mất ngủ, đôi lúc có cảm giác mệt mỏi, mỏi cơ.

Khi có một trong những triệu chứng này, nên đi khám để xác định có bị cường giáp hay không. Thông thường, khi bệnh nhân có triệu chứng gợi ý cường giáp, bác sĩ cho làm những xét nghiệm hormone giáp như TSH và FT4.

Phần lớn trường hợp cường giáp có kết quả xét nghiệm TSH sẽ giảm và FT4 tăng cao. Đó là bước đầu tiên trong chẩn đoán bệnh lý cường giáp. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân của bệnh lý cường giáp, bác sĩ có thể cho làm thêm một số xét nghiệm như đo nồng độ tự kháng thể, siêu âm tuyến giáp. Một vài trường hợp còn phải xạ hình tuyến giáp.

5. Cường giáp không kiểm soát ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ

Xin BS cho biết, căn bệnh cường giáp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Khi bị cường giáp, chuyển hóa sẽ tăng lên rất cao và bệnh nhân dễ bị sụt cân, suy kiệt nặng nếu không điều trị. Cường giáp cũng tác động lên hệ thống tim mạch rất nhiều, làm nhịp tim nhanh lên, gây những rối loạn nhịp tim như rung nhĩ. Rung nhĩ lại là một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh lý trầm trọng như đột quỵ.

Ngoài ra, cường giáp có thể làm tăng chu chuyển xương, gây tình trạng loãng xương. Ở một số bệnh nhân cường giáp do bệnh Basedow, sự xuất hiện tự kháng thể có thể tác động đến mắt, gây lồi mắt. Có trường hợp tổn thương mắt nặng, có thể mù lòa.

Trong một số ít trường hợp, nếu bệnh nhân không điều trị, cường giáp có thể diễn tiến nặng thành cơn bão giáp. Đây là một trong những thể bệnh rất nặng của cường giáp, cần điều trị cấp cứu và có nguy cơ tử vong cao.

Cường giáp thể bệnh Basedow thường gặp ở phụ nữ từ 20 - 50 tuổi, là độ tuổi sinh sản. Cường giáp có thể gây những rối loạn kinh nguyệt như thiểu kinh, vô kinh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của người phụ nữ.

Phụ nữ đang mang thai bị cường giáp không kiểm soát sẽ xuất hiện những biến chứng như tiền sản giật, sảy thai, thai lưu, thai nhỏ so với tuổi thai hay cường giáp sơ sinh.

6. Ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị cường giáp

Xin hỏi BS, hiện nay đã  có những phương pháp nào để điều trị bệnh cường giáp? Lợi ích và khó khăn trong việc áp dụng những phương pháp này là gì?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Trong giai đoạn đầu của bệnh lý cường giáp, hầu hết bệnh nhân sẽ được điều trị với thuốc kháng giáp tổng hợp trong 1 - 2 tháng, đến khi hormone giáp trở về bình thường trong máu. Người bệnh sẽ khỏe mạnh, tăng cân trở lại và hết các triệu chứng cường giáp.

Tuy nhiên, bệnh chưa thật sự hết hẳn. Bệnh nhân cần có kế hoạch điều trị lâu dài với 1 trong 3  phương pháp:

- Tiếp tục dùng thuốc kháng giáp tổng hợp lâu dài, thường trong vòng 1 - 2 năm. Có thể kéo dài hơn nếu bệnh tái phát hoặc diễn tiến điều trị không thuận lợi. Khi sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ trầm trọng như giảm bạch cầu hạt, tăng men gan cấp tính.

- Điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp: Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc hầu như toàn bộ tuyến giáp. Đây được xem là một phương pháp điều trị dứt điểm nhanh, phù hợp với những bệnh nhân có bướu giáp to và chèn ép.

Tuy nhiên, phương pháp này có thể xảy ra những biến chứng liên quan đến phẫu thuật như khàn tiếng do tổn thương thần kinh thanh quản, hạ canxi do cắt tuyến cận giáp. Những trường hợp bệnh nhân già yếu, suy kiệt không thể tiếp cận phương pháp phẫu thuật này.

- Xạ trị: Bệnh nhân được cho uống i-ốt đồng vị phóng xạ. Khi vào trong cơ thể, những đồng vị phóng xạ này sẽ được tích lũy tại tuyến giáp, phá hủy mô tuyến giáp. Sau một thời gian tuyến giáp bị phá hủy sẽ giảm hoặc không tạo hormone giáp được, từ đó bệnh nhân có thể trở về tình trạng bình giáp hoặc trở thành suy giáp.

Phương pháp này không áp dụng với những bệnh nhân có mắc Basedow vì sẽ làm mắt lồi nhiều thêm nữa.

Chọn lựa phương pháp điều trị uống thuốc kháng giáp tổng hợp lâu dài, phẫu thuật hay điều trị i-ốt phóng xạ đòi hỏi phải có sự đánh giá của bác sĩ cũng như mong muốn của người bệnh. Đối với trường hợp bệnh nhân có thắc mắc cần điều trị bằng phương pháp nào, có thể gặp bác sĩ trình bày về tình trạng bệnh, bệnh nền, bệnh đồng mắc và đặc điểm của bệnh tuyến giáp để chọn được phương pháp điều trị phù hợp.

7. Hạn chế muối i-ốt trong chế độ ăn

Người bệnh cường giáp nên lưu ý nhưng vấn đề gì trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Người bị cường giáp cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều i-ốt như rau câu, rong biển, muối i-ốt. Hiện không có khuyến cáo gì về thức ăn có lợi cho bệnh cường giáp.

Tuy nhiên, ở những người cường giáp điều trị lâu năm có nguy cơ loãng xương. Vì vậy nên xem xét bổ sung thêm canxi trong chế độ ăn.

Trong giai đoạn đầu của cường giáp nặng, bệnh nhân thường mệt, nên hạn chế vận động mạnh. Đến giai đoạn ổn định, người bệnh có thể tập luyện bình thường.

Ngoài ra, những người bị cường giáp không nên hút thuốc lá, tránh sử dụng các chất kích thích cũng như cân bằng cuộc sống, không để stress quá mức.

 8. Tái khám và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định

Người bệnh có thể theo dõi tiến triển của bệnh cường giáp bằng cách nào? Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cần đến bệnh viện để gặp bác sĩ?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Để theo dõi tiến triển của bệnh, ngoài theo dõi những triệu chứng cường giáp, bệnh nhân nên tái khám theo chỉ định của bác sĩ song song với việc sử dụng đúng thuốc.

Tránh ngưng thuốc đột ngột mà không có chỉ định. Nhiều trường hợp chỉ ngưng thuốc 1 - 2 tuần cũng đủ để bệnh cường giáp tái phát trở lại và kéo dài thời gian điều trị thêm rất lâu. Khám và theo dõi đều đặn là rất quan trọng.

Giai đoạn đầu điều trị cường giáp, nếu có những biểu hiện như sốt, đau họng, đau bụng, vàng da, bệnh nhân nên quay lại bệnh viện sớm vì đây có thể là tác dụng phụ của thuốc kháng giáp.

Giai đoạn ổn định hoặc đang ngưng thuốc, nếu có triệu chứng gợi ý cường giáp trở lại như hồi hộp, tim đập nhanh, sụt cân, bệnh nhân nên đến khám lại để xem xét, đánh giá, điều chỉnh thuốc.

9. Chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh cường giáp

Xin BS cho biết, có cách nào để phòng ngừa căn bệnh cường giáp?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Rất tiếc là hiện tại chưa có biện pháp nào giúp phòng ngừa căn bệnh cường giáp. Chúng ta cần phải chú ý đến các triệu chứng của bệnh như mệt mỏi, sụt cân, hồi hộp, tim đập nhanh, cáu gắt, mất ngủ,...

Khi có những triệu chứng này mà không thể lý giải được, nên đến gặp bác sĩ để đánh giá, tầm soát cũng như được điều trị sớm nhất có thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X