Điều trị các di chứng thần kinh sau tai biến mạch máu não?
Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não, hiện nay có thể đi lại được nhưng thường xuyên bị đau đầu, mắt kém, đôi lúc không nhìn thấy và bị rối loạn ngôn ngữ. Vậy liệu mẹ tôi có thể điều trị như thế nào để hồi phục được?
Mẹ tôi 45 tuổi, bị tai biến mạch máu não, hiện nay có thể đi lại được nhưng thường xuyên bị đau đầu, mắt kém, đôi lúc không nhìn thấy và bị rối loạn ngôn ngữ. Vậy liệu mẹ tôi có thể điều trị như thế nào để hồi phục được? Cách điều trị sau tai biến mạch máu não như thế nào? (Quanhoai...@gmail.com)
Chăm sóc người bệnh sau tai biến mạch máu não. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,
Các di chứng thần kinh sau tai biến mạch máu não (đột quỵ) có thể hồi phục dần trong vài tháng đầu, nếu tập vật lý trị liệu phục hồi tốt. Với rối loạn ngôn ngữ bạn có thể đưa mẹ tới các trung tâm Ngữ Âm Trị Liệu.
Tại TPHCM, bạn có thể đưa mẹ tới Bệnh viện An Bình hoặc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để khám và điều trị.
Vấn đề nhìn mờ cần khám thêm chuyên khoa Mắt tầm soát có bất thường nào khác gây giảm thị lực hay không và điều chỉnh sớm. Bạn cũng nên đưa mẹ đi tập vật lý trị liệu vận động kết hợp tập tại nhà hàng ngày để tăng sức cơ, sức đề kháng. Cần tái khám và tuân thủ toa thuốc bác sĩ nội thần kinh để phòng ngừa tái phát đột quỵ bạn nhé!
Những điều cần làm sau tai biến mạch máu não: - Nghe nhạc: Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc nghe nhạc sẽ làm cho các tế bào não sớm hồi phục, trí nhớ và khả năng nghe trở lại tốt hơn. Các chuyên gia thấy rằng âm nhạc quả là liều thuốc quý, rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả kỳ diệu đến không ngờ nên cần được thực hiện đầu tiên trong khi chờ đợi tiến hành các phương pháp phục hồi chức năng khác.
- Rèn luyện thân thể: Người bệnh cần phải phục hồi lại tính linh hoạt của chức năng vận động qua việc tập thể dục hoặc thể thao tùy theo sở thích của mình. Tuy nhiên, trong thời gian đầu không được gắng sức quá mức. Tất cả dường như làm lại từ đầu với các động tác từ đơn giản đến phức tạp, từ vận động nhẹ đến vận động theo mức độ tăng dần.
- Không bia rượu, không thuốc lá: Bia rượu và thuốc lá là các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ và chúng còn là mối đe dọa thường trực gây ra cơn tái phát qua tác dụng làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó, bia rượu còn làm mất tác dụng của các thuốc đang dùng điều trị dự phòng. Nếu uống nhiều, say thì ý thức của người bệnh sẽ bị lu mờ, có khi dẫn đến sự bi quan, chán nản. Nói vậy cũng không có nghĩa là bệnh nhân tuyệt đối không được uống bia rượu. Các chuyên gia cho rằng, một lượng nhỏ bia rượu sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm tăng hoạt động của hệ tim mạch.
- Không tự lái xe: Trong thời gian đầu người bệnh vẫn còn yếu, sự quan sát, độ nhạy và khả năng xử lý kém linh hoạt hơn trước. Hơn nữa, khả năng tái phát trong vòng một tháng sau điều trị là rất cao nên cần tránh điều khiển các phương tiện lưu thông để tránh nguy hiểm cho bản thân và người khác.
- Trở lại công việc: Công việc đối với nhiều người là niềm vui, tuy nhiên phải tùy theo tính chất công việc mà quyết định thời gian trở lại hoặc phải thay đổi cho phù hợp với tình trạng sức khỏe. Khối lượng công việc cũng cần giảm thiểu, tránh sự gắng sức và nhất là sự căng thẳng thần kinh bởi điều này có thể gây cơn đột quỵ tái phát.
- Hoạt động tình dục: Hoạt động tình dục là một trong những “bí quyết” giúp con người sống lâu và hạn chế khả năng đột quỵ. Tuy nhiên, sau cơn tai biến thì sự ham muốn ở một số người có phần giảm sút. Bên cạnh đó, hoạt động tình dục cũng là một hoạt động gắng sức, tiêu hao nhiều năng lượng, do vậy cũng cần có thời gian “khởi động” trở lại để đạt được phong độ bình thường.
|