Điều trị bệnh trĩ: Khi nào uống thuốc, khi nào phẫu thuật?
Bệnh trĩ làm cho người bệnh có cảm giác như ngồi trên quả cầu gai nên rất đau đớn. Nhưng vì đây là bệnh ở vị trí “nhạy cảm” nên dù có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nhiều người vẫn âm thầm chịu đựng. Những lời khuyên từ BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên - Trưởng khoa ngoại tổng hợp Viện Y dược học dân tộc TPHCM sẽ giúp bạn “quẳng quánh lo âu” để sẵn sàng đối diện với bệnh trĩ.
1. Khoảng một nửa dân số mắc bệnh trĩ
Người xưa có câu “thập nhân cửu trĩ”. Xin BS cho biết vì sao có nhiều người bị trĩ vậy ạ, và có phải trường hợp nào cũng cần điều trị?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Câu nói “thập nhân cửu trĩ” đã có từ xưa đến nay. Nhiều người ngầm hiểu câu nói này rằng: “Cứ 10 người thì sẽ có 9 người bệnh trĩ”.
Theo các nghiên cứu và những tổng kết của Hiệp hội Hậu môn trực tràng học ở các nước (trong đó có Việt Nam), tỷ lệ mắc bệnh trĩ chiếm khoảng 35 - 50%. Như vậy tỷ lệ này không khớp với câu nói “thập nhân cửu trĩ”.
Theo đó, “thập nhân cửu trĩ” ở đây phải hiểu là “Cứ 10 người bị bệnh về hậu môn trực tràng thì đã có 9 người bị bệnh trĩ”, để thể hiện rằng bệnh trĩ chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm bệnh hậu môn trực tràng.
Trĩ là một cấu tạo sinh lý của cơ thể mà ai cũng có nên không cần phải điều trị. Chúng ta chỉ điều trị khi khi trĩ bị rối loạn, làm bất thường công năng của nó, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề Y, bằng tài năng và kinh nghiệm ThS.BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên đã giúp cho nhiều trường hợp khỏi bệnh trĩ mà không cần đụng đến dao kéo
2. Những bệnh lý thường gặp ở hậu môn trực tràng?
Ngoài bệnh trĩ thì hậu môn còn có thể bị bệnh gì, trong đó, những bệnh nào rất giống với bệnh trĩ ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Có 3 bệnh lý thường gặp ở nhóm bệnh lý hậu môn trực tràng là:
- Bệnh trĩ: chiếm tỷ lệ cao nhất.
- Bệnh rò hậu môn (dân gian thường gọi là mạch lươn).
- Bệnh nứt kẽ hậu môn.
Tùy vào loại bệnh, mức độ và tình trạng, sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.
3. Quy trình khám bệnh trĩ sẽ diễn ra thế nào?
Đây là căn bệnh khó nói và rất nhiều người ngại đi khám bệnh. Nhân dịp này nhờ BS cho biết: việc thăm khám trĩ được tiến hành như thế nào, sự riêng tư của bệnh nhân được đảm bảo ra sao… để giúp mọi người đỡ ngần ngại khi đi khám bệnh?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Phương pháp điều trị tiêm PG60 sẽ được thực hiện bằng cách tiêm trực tiếp vào búi trĩ, làm cho búi trĩ co teo lại và tan biến một cách nhẹ nhàng. Phương pháp này không gây đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị khó chịu trong lúc BS tiến hành banh vạch hậu môn để tiêm thuốc.
Có 3 tư thế khám trĩ thường được áp dụng, bao gồm:
- Tư thế sản khoa: bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân gác lên.
- Tư thế nằm chổng mông: bệnh nhân quỳ gối và chổng mông lên để cho BS thăm khám và điều trị.
- Tư thế Sims: cả 2 tư thế khám trên đều khá nhạy cảm, tạo nên tình huống khó xử, ngay cả đối với bệnh nhân nam. Do đó, tư thế Sims khá kín đáo nên thường được áp dụng nhiều hơn. Theo đó, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng qua bên trái, co 2 đầu gối để BS khám. Với tư thế này, bệnh nhân có thể che được bộ phận sinh dục của mình nên cũng đỡ ngại hơn.
Riêng Lương y Lê Văn Chánh, ông đã sáng tạo ra tư thế khám riêng, đó là tư thế PG. Đối với tư thế này, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng qua bên phải. Do tim nằm bên trái nên khi bệnh nằm nghiêng bên phải thì bệnh nhân sẽ không bị ép tim nếu phải nằm lâu để thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ co sát đầu gối vào bụng. Lúc này, hậu môn sẽ được bộc lộ rõ ràng, giúp việc thăm khám trở nên dễ dàng, hạn chế được tình trạng đau. Ngoài ra, tư thế này cũng kín đáo, giúp bệnh nhân đỡ ngại ngùng.
Khi đến khám tại Viện Y dược học Dân tộc TPHCM, bệnh nhân sẽ được khám trong phòng riêng có một BS và một điều dưỡng viên. Theo đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về các tư thế khám và phổ biến về phương pháp điều trị tiêm. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị BS cũng trao đổi vui vẻ để tránh căng thẳng trong quá trình điều trị gây co thắt hậu môn. Một liệu trình tiêm thuốc cũng chỉ mất khoảng 3 - 5 phút. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn không biết BS đã tiêm hay chưa.
4. Những phương pháp điều trị bệnh trĩ theo cả đông y và tây y?
Xin BS cho biết hiện nay bệnh trĩ có những phương pháp điều trị nào (đông y và tây y)? Và tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM đang áp dụng những phương pháp nào?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Theo quan điểm điều trị hiện tại, có 3 nhóm điều trị bệnh trĩ:
1. Nhóm điều trị bảo tồn: điều trị nội khoa, tập luyện, thay đổi lối sống... Phương pháp điều trị này không cần phải can thiệp.
2. Thủ thuật: 2 phương pháp được y học chứng cứ công nhận
- Phương pháp thắt trĩ bằng dây cao su.
- Phương pháp tiêm trĩ bằng thuốc.
3. Phẫu thuật
Hiện tại, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM đang điều trị bệnh trĩ bằng thủ thuật tiêm PG60, là một phương pháp đặc trưng riêng của Viện.
>>> Tiêm PG60 điều trị bệnh trĩ, tỷ lệ thành công hơn 90%
Đông y tham gia tốt trong nhóm điều trị bảo tồn bằng một số chế phẩm có tác dụng hỗ trợ bảo vệ thành mạch, cầm máu… tập dưỡng sinh, tập thở, thiền…
Ngoài ra, đông y còn hỗ trợ tốt trong giai đoạn sau thủ thuật, hậu phẫu giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu, giúp làm lành vết thương.
5. Điều trị trĩ bảo tồn, không can thiệp là làm gì?
Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về điều trị trĩ theo nhóm bảo tồn, cụ thể là làm những gì ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời:
Nhóm điều trị bảo tồn (không can thiệp) gồm:
1. Nội khoa:
- Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid.
- Thuốc tại chỗ: gồm các loại thuốc mỡ (pommade) và đặt hậu môn (suppositoire) bao gồm các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ và dẫn xuất trợ tĩnh mạch.
2. Chế độ ăn uống (điều chỉnh thói quen ăn uống) : Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, các thức ăn nhiều gia vị như tiêu, ớt... Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ có trong rau, củ, quả.
3. Chế độ sinh hoạt, tập luyện
- Tập thói quen đại tiện đều đặn hàng ngày.
- Vận động thể lực: nên tập thể dục, đi bộ, bơi lội. Tập các động tác dưỡng sinh làm mạnh cơ sàn chậu, tập thở, thiền.
6. Khi nào bệnh trĩ cần phẫu thuật cấp cứu?
Thưa BS, trong trường hợp nào thì bệnh nhân cần phải phẫu thuật trĩ cấp cứu ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Triệu chứng chính của trĩ là sa trĩ và ra máu. Vì vậy, tùy vào mức độ của 2 triệu chứng đó, người ta chia thành 4 mức độ trong bệnh trĩ nội, gồm: độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4.
Trĩ ngoại có 3 thể dạng, trong đó có dạng trĩ tắc mạch, đây là là dạng cần phải phẫu thuật. Bởi máu của chùm tĩnh mạch trĩ ứ đọng lại, không hồi lưu được gây ra những khối máu đông, làm cho bệnh nhân có cảm giác như ngồi trên quả cầu gai nên rất đau đớn. Thường những trường hợp này khi uống thuốc chỉ giúp giảm bớt phần nào, phẫu thuật sẽ lấy được khối máu đông ra, giúp giải quyết nhanh vấn đề của bệnh nhân.
Theo tổng kết của Hội khoa học Hậu môn trực tràng thế giới và các hội nghị khoa học (Mỹ, Pháp, Việt Nam), tỷ lệ điều trị đối với nhóm điều trị nội khoa khoảng 40 - 50%, nhóm điều trị bằng thủ thuật chiếm 50%, điều trị bằng phẫu thuật chiếm khoảng 9 - 10%.
Ngày xưa ông bà có câu: “Cắt kê yên dụng ngưu đao”, nghĩa là “Giết gà không cần đến dao mổ trâu”. Nôm na, bệnh trĩ nếu điều trị được bằng những phương pháp không xâm lấn hay bằng thủ thuật thì không nhất thiết phải phẫu thuật.
Nhưng nếu trong trường hợp trĩ tắc mạch như đã kể ở trên, hay những trường hợp trĩ độ 4 nặng nề thì nên phẫu thuật vì đây là phương pháp tối ưu nhất, giúp giải quyết nhanh tình trạng đau đớn, khó chịu của bệnh nhân.
Trong Hội nghị Hậu môn trực tràng học Châu Á lần 9 tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc, Giáo sư Stanley Mc Goldberg có phát biểu rằng, tương lai của điều trị trĩ là điều trị bằng thủ thuật.
7. Triệu chứng của những bệnh lý khác gây nên bệnh trĩ
Trĩ có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác gây nên, đó là những bệnh gì ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Trĩ là một cấu tạo sinh lý của cơ thể nên không cần phải điều trị. Chỉ khi gặp các yếu tố thuận lợi làm rối loạn chức năng sinh lý gây ra bệnh trĩ, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt chất lượng sống thì mới cần phải điều trị.
Nguyên tắc điều trị bệnh trĩ là làm thu nhỏ thể tích búi trĩ, nhưng đồng thời phải bảo tồn lớp đệm hậu môn. Tức điều trị bệnh trĩ không phải là giải quyết triệt để hết các búi trĩ vì trĩ còn có nhiệm vụ che chắn hậu môn, đóng mở trong những lúc cần thiết, giúp sự tự chủ hậu môn.
Có những yếu tố thuận lợi gây ra bệnh trĩ như: táo bón, tiêu chảy, ngồi nhiều, đứng lâu, mang vác nặng, rượu bia nhiều, khi mang thai và béo phì… Những yếu tố làm áp lực trong khung chậu tăng lên thì sẽ làm chùm tĩnh mạch trĩ giãn ra, đến một mức nào đó trĩ không co hồi được thì nó sẽ tạo thành bệnh trĩ. Lúc này, chúng ta mới cần cân nhắc điều trị.
8. Có phải người suy giãn tĩnh mạch chân dễ bị bệnh trĩ?
Dường như người bị suy giãn tĩnh mạch chân cũng dễ bị bệnh trĩ, nhờ BS giải thích thêm về trường hợp này?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Khi tình trạng tăng áp lực liên tục và máu không hồi lưu được thì sẽ gây ra tình trạng sa giãn tĩnh mạch.
Bệnh trĩ là sa giãn chùm tĩnh mạch trĩ. Suy giãn tĩnh mạch chi là một tình trạng sa giãn của chùm tĩnh mạch ở 2 chi đưới. Cả 2 đều là bệnh lý về mạch máu - suy giãn tĩnh mạch, chỉ khác nhau ở chỗ vị trí chùm tĩnh mạch trĩ là ở hậu môn và hệ thống tĩnh mạch chi là ở chân.
Riêng bệnh trĩ, ngoài cơ chế mạch máu thì còn một cơ chế gây bệnh nữa đó là cơ chế cơ học. Cụ thể, chùm tĩnh mạch sẽ được giữ bởi hệ thống sợi cơ, dây chằng, mạc treo. Khi mang vác nặng hoặc tăng áp lực trong ổ bụng sẽ làm hệ thống này giãn ra, không giữ được chùm tĩnh mạch trĩ, gây ra bệnh trĩ.
Cả 2 bệnh lý này đều cùng cơ chế suy tĩnh mạch và có thể dùng chung thuốc điều trị.
Như đã phân tích, những yếu tố làm tăng áp lực trong khung chậu thì sẽ gây ra bệnh trĩ (ví dụ: những bệnh đơn giản như táo bón, tiêu chảy…). Nhiều người nghĩ rằng chỉ táo bón mới làm tăng nguy cơ bệnh trĩ. Nhưng thực chất tiêu chảy cũng có thể khiến chúng ta bị trĩ nặng nề vì nếu đi vệ sinh nhiều lần sẽ làm búi trĩ giãn ra.
Hệ thống tĩnh mạch chi suy giảm do tình trạng thoái hóa và do các yếu tố thuận lợi tương tự bệnh trĩ như mang vác nặng, đứng lâu, béo phì, mang thai… Vậy thì có thể nói, người bị suy giãn tĩnh mạch chi cũng dễ bị bệnh trĩ và ngược lại.
>>> Điều trị bệnh trĩ không cần mổ với ThS.BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên ở đâu?
9. Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến việc điều trị bệnh trĩ?
Thưa BS, tình hình dịch COVID-19 hiện nay có ảnh hưởng gì đến công tác điều trị bệnh trĩ không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Không chỉ riêng điều trị bệnh trĩ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý khác cũng gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của chỉ thị 16 do không thể đến bệnh viện để điều trị. Theo đó, số lượng bệnh nhân được điều trị qua tư vấn điện thoại tăng lên liên tục trong thời gian đó.
Hiện nay, chúng ta đang dần trở lại với cuộc sống “bình thường mới”. Do đó, người dân cứ bình thản, thực hiện tiêm chủng đầy đủ và tuân theo khuyến cáo 5K. Theo tôi, khi đến khám bệnh trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta chỉ cần thực hiện 2K (khẩu trang và khử khuẩn) cũng đã đủ để đảm bảo an toàn rồi. Bởi chúng ta đang “sống chung với dịch COVID-19”, nếu giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét thì sẽ khó có thể điều trị. Vì vậy, chúng ta cứ điều trị lại như bình thường.
>>> Lá trầu không, ngâm hậu môn trong nước ấm, hiệu qua ra sao trong điều trị bệnh trĩ?
10. Phòng ngừa bệnh trĩ như thế nào?
Nhờ BS gửi đến bạn đọc một vài lời khuyên, nhắn nhủ, đặc biệt là với những ai đang mắc phải căn bệnh khó nói này.
BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Bệnh trĩ trước đây là một bệnh khó nói. Tôi mong rằng các bạn hãy mạnh dạn chia sẻ khó khăn của mình với các BS, chúng tôi sẽ giải quyết những nỗi niềm đó, giúp bạn chấm dứt nỗi lo thầm kín bấy lâu nay đã mang nặng.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, chúng ta nên tránh ngồi lâu hoặc làm việc nặng, có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý để hạn chế các tình trạng tiêu chảy, táo bón,… đó những việc đơn giản chúng ta có thể làm được để “quẳng gánh lo đi và vui sống”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình