Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm PG60 điều trị bệnh trĩ, tỷ lệ thành công hơn 90%

Tiêm PG60 điều trị bệnh trĩ là một phương pháp được sử dụng từ lâu nhưng thời gian gần đây trở nên phổ biến hơn, với tỷ lệ thành công, hiệu quả hơn 90%. Mời bạn đọc theo dõi phần chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên - Trưởng khoa ngoại tổng hợp Viện Y dược học dân tộc TPHCM để hiểu rõ hơn về phương pháp này.

1. Tiêm PG60 điều trị bệnh trĩ là gì, tỷ lệ thành công bao nhiêu%?

Xin BS cho biết cụ thể hơn về phương pháp sử dụng thuốc tiêm PG60, phương pháp này có lịch sử như thế nào? Sau khi tiêm thuốc này, tỷ lệ thành công là bao nhiêu %? Và nếu có tái phát thì có tiêm nữa không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Phương pháp tiêm để điều trị bệnh trĩ đã có từ rất lâu đời, trong những năm của thế kỷ 19.

Khi đó, trong quá trình áp dụng phương pháp tiêm, người ta thấy rằng tỷ lệ thành công thấp và xảy ra nhiều biến chứng không mong muốn. Vì vậy, phương pháp tiêm trĩ không được ưa chuộng và dần bị quên lãng. Lúc này, nhiều người bắt đầu chuộng phương pháp phẫu thuật hơn vì quá trình thực hiện nhanh gọn và mang lại hiệu quả tức thì.

Đến năm 1960, một chiến sĩ cách mạng là Lương y Lê Văn Chánh - tham mưu trưởng của tỉnh Bến Tre - bị đày ra ngoài Côn Đảo. Ở đây, rất nhiều tù nhân mắc bệnh trĩ. Trước tình cảnh đó, ông đã dựa vào tài liệu về phương pháp tiêm của những người đi trước để áp dụng điều trị cho những tù nhân ở Côn Đảo.

Khi trở về đất liền, ông giữ chức quản lý dưỡng đường Duy Tân và tiếp tục nghiên cứu, mày mò thêm về phương pháp này để giảm tỷ lệ tai biến, cũng như tăng tỷ lệ thành công. Sau nhiều cải tiến, thay đổi, phương pháp điều trị bằng tiêm PG60 dần ổn định và trở thành phương pháp đặc trưng riêng của Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho đến hiện nay.

Có thể nói, phương pháp này đem lại hiệu quả hơn 90%. Sau 50 năm đúc kết (từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến nay), phương châm của phương pháp tiêm PG60 là hiệu quả, an toàn, đồng thời chi phí tương đối thấp nên phù hợp với đông đảo quần chúng.

Bất kỳ bệnh lý nào cũng vậy, dù bệnh nhân đã được chữa khỏi nhưng không tránh được những yếu tố bất lợi, tác nhân nào đó gây bệnh. Như vậy, đương nhiên bệnh sẽ tái phát.

Ví dụ, bạn bị viêm phế quản và đã điều trị hết bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn không tránh hút thuốc thì vẫn có nguy cơ bị viêm phế quản trở lại. Hoặc khi bạn bị sâu răng, BS nha khoa có thể trám răng, nhổ răng. Nhưng nếu bạn vệ sinh răng miệng không đúng cách, ăn ngọt nhiều hoặc hút thuốc… thì đương nhiên bạn sẽ bị sâu răng khác.

2. Ở Việt Nam, đến đâu để điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm PG60?

BS Tuấn Quyên đã đi đến rất nhiều tỉnh thành để phổ biến phương pháp điều trị trĩ bằng thuốc tiêm PG60. Hiện nay, đã có các tỉnh nào thực hiện được phương pháp này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Sau khi thành lập Viện Y dược học Dân tộc TPHCM từ năm 1975, Viện đã thừa kế phương pháp của Lương y Lê Văn Chánh, là những viên gạch xây dựng nền móng cho khoa Ngoại hiện nay. Nguyện vọng của ông là phải phổ quát phương pháp tiêm PG60 đến nhiều người dân hơn.

Từ đó, Viện đã hướng dẫn đào tạo và chuyển giao phủ kín gần như tất cả các tỉnh thành phía Nam (từ Huế đến Cà Mau). Hiện tại, Viện cũng đã bắt đầu chuyển giao kỹ thuật này cho một số tỉnh phía Bắc (Thái Nguyên, Nghệ An,…).

3. Những khó khăn và thuận lợi trong điều trị bệnh trĩ?

Nhờ BS đưa ra lời nhận định về tình hình điều trị bệnh trĩ hiện nay, có những khó khăn và thuận lợi gì (về phía bệnh nhân và phương tiện điều trị)?

BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên trả lời: Phương pháp điều trị bằng tiêm PG60 thường mang lại hiệu quả an toàn. Tuy nhiên, có một điểm không thuận lợi cho người bệnh đó là họ không thể điều trị một lần mà tùy vào mức độ bệnh sẽ có liệu trình khác nhau.

Ví dụ, bệnh nhân bị trĩ ở độ 2 thì phải tiêm từ 5 - 10 lần, độ 3 phải tiêm từ 10 - 15 lần… tùy theo mức độ đáp ứng của người bệnh mà thời gian điều trị và số lần tiêm sẽ khác nhau. Do đó, phương pháp tiêm PG60 sẽ bất tiện hơn phương pháp phẫu thuật ở chỗ bệnh nhân phải mất thời gian.

Việc điều trị bệnh trĩ không gặp nhiều khó khăn. Khi bệnh nhân khám và xác lập được phương pháp điều trị thì cứ thực hiện theo phác đồ cho đến khi khỏi bệnh.

Hiện, chỉ có một vướng mắc là theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế (người ta dựa vào những y văn trước đây), điều trị trĩ nội chỉ ở mức độ 2. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị 50 năm ở bệnh viện, các BS đã điều trị rất tốt bệnh nhân bị trĩ độ 3. Thậm chí, một số trường hợp chống chỉ định phẫu thuật ở bệnh nhân trĩ độ 4 thì khi BS điều trị vẫn có những hiệu quả nhất định.

Do đó, mong muốn hiện tại đó là Bộ y tế hãy điều chỉnh lại phác đồ để các bệnh nhân có bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn.

>>> Điều trị bệnh trĩ: Khi nào uống thuốc, khi nào phẫu thuật?

>>> Điều trị bệnh trĩ không cần mổ với ThS.BS.CK2 Nguyễn Tuấn Quyên ở đâu?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X