Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng: Điếc tai, nghe kém đâu chỉ là bệnh tuổi già

Làm sao để nhận diện, xử trí và phòng ngừa tình trạng nghe kém, điếc tai? Trong chương trình phát sóng ngày 17/7, PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch Liên Chi Hội Thính học TPHCM giải đáp các thắc mắc này với bạn đọc AloBacsi.


NỘI DUNG BUỔI LIVESTREAM

I. Khái quát sơ lược đường dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài đến não

1. Đầu tiên, nhờ BS mô tả khái quát (sơ lược) về con đường dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài cho đến não ạ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Âm thanh nghe đầu đời là âm thanh của người mẹ. Có những đứa bé may mắn được nghe âm thanh đó từ khi lọt lòng, kể cả khi chưa được sinh ra, bé cũng đã nghe ngay từ trong bụng mẹ. Và những tháng cuối cùng nằm trong bụng mẹ, các cháu đã có thể nghe được tiếng của mẹ rồi.

Tuy nhiên cũng có những đứa trẻ, và người lớn không may mắn nghe kỹ âm thanh và nhắc lại tiếng nói. Như vậy bắt đầu từ âm thanh, từ môi trường phía bên ngoài, từ bên ngoài âm thanh đi vào tai của chúng ta. Tai của chúng ta gồm có nhiều cơ quan và có nhiều tầng lớp.

Đường dẫn truyền thính giác ngoại biên - trung ương

Đầu tiên âm thanh đi vào tai ngoài, rồi ống tai ngoài. Âm thanh đi vào ống tai ngoài được cộng hưởng và khuếch đại để đi vào tai giữa. Tại tai giữa, âm thanh đi vào màng nhĩ, từ trong màng nhĩ đi vào hòm nhĩ; trong hòm nhĩ có nhiều chuỗi xương con, khuếch đại âm thanh để chúng ta nghe lớn hơn nữa.

Âm thanh từ tai giữa sẽ đi vào tai trong. Tai trong là bộ phận cấu trúc của tai nằm bên trong xương thái dương và chắt lọc tất cả âm thanh theo từng tần số. Từ đó âm thanh được dẫn truyền lên hệ thần kinh trung ương.

Ngay trong đoạn lên hệ thần kinh trung ương cũng có nhiều đoạn nhỏ, từ đoạn thân não bên dưới, trung não rồi ngay phía bên trên gọi là đồi thị. Ngay từ đồi thị lại dẫn truyền âm thanh đi vào vùng phân tích từ âm sang lời nói.

Chúng ta là con người - một loại động vật cao cấp cho nên nghe được và hiểu được lời nói, còn những động vật khác không hiểu được lời nói mà chỉ nghe được tầng thấp, dưới não. Chúng ta có một trung tâm gọi là trung tâm thính giác võ não nằm ở vùng thùy thái dương. Nơi này sẽ giải mã những âm thanh như tiếng động để trở thành những lời nói mà chỉ con người mới có được điều này.

Chúng ta may mắn có được trung tâm thính giác võ não, do đó chúng ta nghe, chúng ta hiểu lời nói của người đối diện và có thể hợp tác tốt. Đó là con đường dẫn truyền âm thanh từ môi trường bên ngoài tới hệ thính giác trung ương.

II. Nguyên nhân dẫn đến nghe kém, nghe kém bắt đầu từ độ tuổi nào?

2. Nguyên nhân nghe kém? Có phải bất cứ bộ phận nào trên đường dẫn truyền âm thanh BS vừa nêu bị trục trặc đều gây ra nghe kém?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta phải làm rõ khái niệm nghe kém là gì?

Nghe kém tức là nghe không rõ lời nói của người đối diện, của người giao tiếp.

Nghe kém có nhiều mức độ mà chúng ta gọi là nghe kém hoặc điếc. Nghe kém hoàn toàn khác với điếc. Trong bảng phân loại về nghe, có nghe bình thường, nghe kém. Trong nghe kém có nghe kém nhẹ, nghe kém trung bình, nghe kém nặng và cuối cùng là điếc đặc.

Nếu phân theo thính lực mức nghe thính học, nghe bình thường từ 0-20dB, nghe kém nhẹ là từ 20-40 dB, nghe kém trung bình từ 40-70dB, nghe kém nặng từ 70-90dB, điếc đặc (điếc sâu) là từ 90dB trở lên.

Như vậy, trong phần lớn trường hợp, chúng ta chỉ gặp nghe kém, khi nào không nghe được từ 90dB trở lên mới gọi là điếc. Cho nên, nghe kém vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, vẫn nghe được nhưng không nghe rõ, còn điếc là đã bị khuyết tật.

Nghe kém bắt đầu từ tai ngoài, tai giữa, tai trong tới thần kinh trung ương. Vì vậy, nghe kém có nhiều nguyên nhân, có thể do bẩm sinh - di truyền (ngay từ trong bụng mẹ đã mắc), hoặc nghe kém do bệnh mắc phải.

Những bệnh lý mắc phải gồm có:

- Bệnh lý viêm: Viêm tai giữa mạn, viêm mê nhĩ, viêm thần kinh ốc tai…

- Chấn thương: chấn thương sọ não, xương thái dương...

- Bệnh lý miễn dịch: Meniere

- Thoái hóa do tuổi tác: lão thính

- Tiếng ồn - quá chất độc (Aminoglucosides)

- Bệnh lý tim mạch: điếc đột ngột

Dù là do di truyền hay mắc phải cũng có tổn thương trên đường dẫn truyền thính giác trung ương mà tôi vừa mô tả. Có nghĩa là bất kỳ một tổn thương nào nằm trên đường dẫn truyền này đều gây nghe kém. Vì vậy điều trị phải đúng theo nguyên nhân và tổn thương.

3. Nghe kém bắt đầu xảy ra ở độ tuổi nào? Có cách gì để mọi người tự kiểm tra mình có bị nghe kém hay không?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Chúng ta bắt đầu nghe kém vào tuổi 30. Chúng ta có hệ thống tai trong chứa những tế bào lông, khoảng chừng 13.000-15.000 tế bào lông phụ trách và tạo nên xung điện để nghe được.

Bắt đầu từ tuổi 30, các tế bào lông bắt đầu suy thoái và gây nghe kém. Tuy nhiên, mức độ nghe kém ở tuổi chưa ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt nên nhiều người không chú ý. Nghe kém ảnh hưởng sinh hoạt nhiều hơn ở độ tuổi > 55 - 60 tuổi.

Những người nghe kém thường hay hỏi lại để nghe cho rõ, hay lặp lại từ (hả, nói gì, nói lớn lên…), tự so sánh sức nghe phải trái. Cách tốt nhất nên đi khám tai - đo thính lực để phát hiện có hay không nghe kém, mức nghe kém.

10% dân số có nghe kém đủ gây khó khăn trong giao tiếp, tỉ lệ này gia tăng đến 40% ở dân số > 65 tuổi. 80% nghe kém xảy ra ở người lớn tuổi, người ở tuổi 70 hiếm khi không có nghe kém hoặc sức nghe không suy giảm so với tuổi trẻ.

Nghe kém thường hai bên đối xứng ở dạng điếc tiếp nhận thần kinh phối hợp thoái hóa tế bào lông ốc tai. Nghe kém tần số cao thường gặp ở phái nam, mức nghe kém từ nhẹ đến trung bình nặng, hai bên tiếp nhận thần kinh với thính lực đồ hạ thấp đột ngột. Phái nữ nghe kém chủ yếu ở tần số thấp, nghe kém nhẹ đến trung bình, thính lực đồ hạ thấp dần, đối xứng hai bên, nghe kém tiếp nhận thần kinh.

Người lớn tuổi thường than phiền khó hiểu lời nhất là khi có sự hiện diện của âm ồn môi trường. Mức độ nghe kém và dạng thính lực đồ âm đơn tương ứng với vị trí tổn thương ở ốc tai, thần kinh VIII, đường dẫn truyền thính giác thân não và vỏ thính giác. Mức suy giảm nghe hiểu lời theo từng 10 năm: 16% ở tuổi 60, 32% ở tuổi 70, 64% ở tuổi 80.

III. Phát hiện và điều trị nghe kém như thế nào?

4. Một người nhận thấy mình có dấu hiệu lãng tai, nghe kém, đến bệnh viện, bác sĩ khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm gì để chẩn đoán nghe kém/ điếc ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Khi có những vấn đề về tai, mọi người nên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng hoặc khoa Tai Mũi Họng ở các bệnh viện đa khoa, trong khoa Tai Mũi Họng cũng có chuyên khoa riêng về Thính học. Do đó mọi người sẽ được khám tổng quát, khám tai mũi họng và khám chuyên khoa về thính học.

Khám tổng quát Tai Mũi Họng sẽ kiểm tra:

- Bất thường cấu trúc

- Khối u lành tính, ác tính

- Bệnh lý viêm: viêm mũi xoang

Một số thử nghiệm đo thính lực:

- Đánh giá sức nghe đơn giản: tiếng nói thầm

- Đánh giá hoàn chỉnh: các thử nghiệm đo sức nghe (thính lực đồ, nhĩ lượng, phản xạ bàn đạp, âm ốc tai, ABR, CT Scan xương thái dương…)

- Đánh giá nghe kém: nhẹ, trung bình, nặng

- Từ đó có chỉ định điều trị (nội khoa, bảo tồn, phẫu thuật, trợ thính, cấy ốc tai điện tử…)

- Một số xác nghiệm liên quan bệnh lý nội khoa (đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh tuyến giáp hoặc xác nghiệm miễn dịch).

5. Có phải nếu không điều trị nghe kém thì sẽ dẫn đến bị điếc hay không?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Nghe kém chỉ là một triệu chứng, không phải là bệnh, có nghĩa là nghe kém là triệu chứng của nhiều loại bệnh, có thể là bệnh di truyền và các bệnh mắc phải.

Các bệnh lý mắc phải gồm có:

- Bệnh lý viêm: viêm tai giữa mạn, viêm mê nhĩ, viêm thần kinh ốc tai

- Chấn thương: chấn thương sọ não, xương thái dương

- Bệnh lý miễn dịch: Meniere

- Thoái hóa do tuổi tác: lão thính

- Tiếng ồn - quá chất độc (Aminoglucosides)

- Bệnh lý tim mạch: điếc đột ngột

Vì vậy điều trị nghe kém cũng chính là điều trị các bệnh lý nguyên nhân, nếu không điều trị bệnh lý sẽ ngày càng nặng hơn và có nhiều nguy cơ nguy hiểm hơn chứ không chỉ là điếc. Thí dụ:

- Viêm tai giữa mạn có cholesteatoma có thể gây các biến chứng về não như viêm màng não, viêm não, áp xe não, nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.

- U dây thần kinh số VIII gây tăng áp lực nội sọ có thể chèn ép và phát triển thành các biến chứng thần kinh.

- Không điều trị nghe kém, đường dẫn truyền thính giác thoái hóa và gây điếc sâu.

Không điều trị điếc gây nhiều biến chứng nguy hiểm kể cả tử vong.

6. Nếu bị lãng tai không điều trị, có dẫn đến bệnh lý khác không? Bà ngoại và mẹ đều yếu 1 bên tai, vậy có khả năng bị di truyền? Làm sao để phòng ngừa?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Nghe kém là triệu chứng, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và các bệnh khác, do đó chúng ta điều trị nguyên nhân từ bệnh khác là chính, khi điều trị nguyên nhân bệnh tốt  thì nghe kém sẽ giảm hoặc không dẫn tới điếc đặc.

Bên cạnh triệu chứng điếc, nghe kém còn dẫn tới ù tai. Khi bệnh nhân ù tai sẽ dẫn đến lo lắng, sợ hãi, mấy ngủ và trầm cảm, gây tách biệt cuộc sống cá nhân ra khỏi xã hội và chất lượng cuộc sống sẽ kém dần.

Vòng xoắn bệnh lý ù tai

Hệ thần kinh muốn minh mẫn và hoạt động tốt cần có sự giao tiếp. Do đó, hệ thần kinh cần phải được kích hoạt liên tục.

Nếu nghe kém là một biểu hiện, đã thể hiện ra bên ngoài và không được quan tâm điều trị thì có thể dẫn đến điếc. Do đó, từ triệu chứng nghe kém phải truy ra căn nguyên bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng lipid, các bệnh lý về tâm thần kinh... và điều trị theo nguyên nhân dẫn đến nghe kém, giúp người bệnh không những không nghe kém mà còn điều trị tốt bệnh lý căn nguyên.

Nếu nghe kém là di truyền thì sẽ di truyền ngay từ khi mới sinh. Nếu nghe kém cả hai bên mới nghĩ đến do di truyền, nghĩa là cả bà ngoại và mẹ đã bị nghe kém ngay từ khi lọt lòng. Nếu khi bà ngoại hoặc mẹ lớn lên mới nghe kém thì thường là do các bệnh lý mắc phải.

Tuy nhiên, nếu nghe kém 1 bên  thường có thể do bệnh mắc phải như viêm tai giữa. Viêm tai giữa là khởi đầu của nghe kém sau này, do đó sẽ không di truyền.

Để phòng ngừa nghe kém:

- Đối với người lớn:

+ Vệ sinh tai thường xuyên

+ Tránh gây chấn thương tai (móc rái tai)

+ Điều trị tích cực khi có viêm mũi xoang

- Đối với trẻ em:

+ Không tắm ở các sông rạch hoặc hồ bơi không an toàn nhiễm trùng

+ Điều trị tích cực khi có viêm họng mũi (VA)

Người dân cần thăm khám Tai Mũi Họng, chuyên khoa Thính học, khi có triệu chứng về tai.

IV. Điếc đột ngột do nguyên nhân gì, điều trị thế nào?

7. Riêng trường hợp bị điếc đột ngột khiến bệnh nhân rất hoảng sợ. Xin BS cho biết điếc đột ngột thường do nguyên nhân gì, nguy hiểm ra sao? Việc điều trị dễ hay khó ạ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Điếc đột ngột là tự không nghe và được phát hiện một cách đột ngột, bất ngờ. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng, sau một giấc ngủ. 90% điếc đột ngột xảy ra một bên tai, xảy ra hai bên tai chỉ có 1%.

Điếc đột ngột gây cảm giác sợ hải đối với người bệnh, hầu hết các trường hợp xảy ra một bên, nhiều trường hợp phục hồi tốt. Với trường hợp không phục hồi, điếc có thể nặng hoặc hai bên. Điều trị rất khó khăn và thường chậm trễ. Do điếc đột ngột là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý khác nhau vì vậy chẩn đoán nguyên nhân rất khó khăn.

Chẩn đoán điếc đột ngột theo quy luật số 3:

1. Nghe kém tiếp nhận thần kinh ≥ 30 dB.

2. Ở 3 tần số liên tục.

3. Trong thời gian dưới 3 ngày.

Điếc đột ngột do nhiều nguyên nhân (ít nhất là 400), nhưng tựu chung có 4 nguyên nhân chính:

- Nhiễm siêu vi

- Bệnh lý mạch máu

- Vỡ màng mê nhĩ ốc tai

- Bệnh lý miễn dịch tai trong

Mỗi giả thuyết có thể giải thích một số dạng điếc đột ngột:

- Tỉ lệ phái nam tương đương phái nữ (nam: 53%), tai phải tương đương tai trái (tai trái: 55%), điếc đột ngột hai bên chiếm 1-5 % các trường hợp, xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng thấp hơn ở trẻ em và người lớn tuổi. Trung bình 40-54 tuổi.

- Điếc đột ngột do tắc động mạch tai trong, là tiền chứng của tai biến mạch máu não về sau (≥ 5 năm).

Có nhiều cách điều trị điếc đột ngột, điều này phản ảnh nhiều nguyên nhân khác nhau gây điếc đột ngột và chẩn đoán không chắc chắn:

- Điều trị ban đầu hướng đến nguyên nhân chuyên biệt nếu được xác định.

- Điều trị theo kinh nghiệm do phần lớn nguyên nhân không rõ.

- Điều trị theo cơ chế tác dụng thuốc:

+ Thuốc kháng viêm

+ Thuốc giãn mạch

+ Thuốc thay đổi thể dịch

+ Kháng siêu vi

+ Thuốc lợi tiểu

+ Dẫn xuất của triiodobenzoic acid

+ Oxy cao áp

Một tiến bộ mới nhất hiện nay là phương pháo dùng corticoid tiêm thẳng vào tai giữa. Từ tai giữa có cửa sổ thuốc xuyên qua đó đi vài tai trong điều trị chứng điếc đột ngột.

Một trong những thành tựu mới của nền y học mà hiện nay Việt Nam đang sử dụng rất rộng rãi, bắt đầu từ năm 2005 thế giới đã bắt đầu ứng dụng, thì đến năm 2007 Việt Nam đã đưa vào điều trị. Bệnh viện Tai Mũi Họng, chuyên khoa Thính học hay các khoa Tai Mũi Họng của các bệnh viện lớn ở TPHCM đều có các phương tiện, trang thiết bị qua nội soi để chích siêu nhĩ corticoid điều trị điếc đột ngột mang lại hiệu quả cao.

- Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân điếc đột ngột sẽ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật.

Các yếu tố tiên lượng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị:

- Sự hiện diện của chóng mặt hoặc mất thăng bằng làm cho tỉ lệ phục hồi kém. Chóng mặt nặng thường xảy ra trong nghe kém tần số cao hoặc điếc đặc, tương quan cấu trúc giải phẫu giữa vòng đáy ốc tai và tiền đình có thể giải thích hiện tượng này.

- Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến sự phục hồi, càng nhỏ tuổi hoặc càng lớn tuổi có tỉ lệ phục hồi thấp hơn.

- Nghe kém nhẹ có phục hồi gần như hoàn toàn, nghe kém trung bình thường tự phục hồi một phần nhưng hiếm khi phục hồi hoàn toàn nếu không được điều trị. Nghe kém nặng đến điếc đặc hiếm khi tự phục hồi hoặc phục hồi hoàn toàn.

- Nếu không cải thiện thính lực trong vòng 2 tuần, tiên lượng càng xấu.

V. Làm sao để phòng ngừa, khắc phục nghe kém do tuổi tác (lão thính)

8. Xin BS cho biết, hiện nay có những cách nào để điều trị hay khắc phục tình trạng nghe kém do tuổi tác?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Nghe kém ở người lớn tuổi còn gọi là lão thính do ảnh hưởng tuổi tác, là quá trình nghe kém tự nhiên, nhiều yếu tố ảnh hưởng, mức độ thay đổi từ nghe kém nhẹ đến điếc đặc.

10% dân số có nghe kém đủ gây khó khăn trong giao tiếp, tỉ lệ này gia tăng đến 40% ở dân số > 65 tuổi. 80% nghe kém xảy ra ở người lớn tuổi, người ở tuổi 70 hiếm khi không có nghe kém hoặc sức nghe không suy giảm so với tuổi trẻ.

Toàn bộ hệ thính giác thay đổi theo tuổi tác, các bệnh lý về tai cũng xảy ra nhiều hơn so với tuổi trẻ.

Cùng với thoái hóa cơ quan thính giác, một số yếu tố khác có thể gây nghe kém ở người lớn tuổi, bao gồm tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ lớn, yếu tố di truyền, u thần kinh VIII, chấn thương, bệnh lý biến dưỡng như bệnh lý thận, mạch máu, nhiễm trùng, thuốc gây độc cho tai như aminoglycosides, ethacrynic acid và salicylates.

Duy trì một sức khỏe đầy đủ, một tổng trạng tốt sẽ giảm thiểu nguy cơ nghe kém do bệnh lý hệ thống.

Người lớn tuổi thường than phiền khó hiểu lời nhất là khi có sự hiện diện của âm ồn môi trường.

Mức suy giảm nghe hiểu lời theo từng 10 năm: 16% ở tuổi 60, 32% ở tuổi 70, 64% ổ tuổi 80 (van Rooij, Plomp (1989)).

Người lớn tuổi thường than phiền “tôi không hiểu” chứ không phải “tôi không nghe”, do nhầm lẫn các nguyên âm trong câu từ có phụ âm, thí dụ nhầm lẫn giữa các từ thắc, mắc, chắc, khắc, sunday với someday, chính những nhầm lẫn này dù nhỏ nhưng vẫn gây khó khăn trong giao tiếp.

Triệu chứng lâm sàng kinh điển của điếc thần kinh là khó hiểu lời.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với nghe kém người lớn tuổi, tuy nhiên có thể phòng ngừa và cải thiện sức nghe với một số phương pháp như:

  • Trợ thính: phương thức điều trị đầu tiên chọn lựa với khuếch đại âm thanh. Hiện nay có rất nhiều công ty trong và ngoài nước cung cấp máy này. Họ có có dịch vụ đo để đánh giá sức nghe cho tới lắp đặt máy trợ thính
  • Thiết bị hỗ trợ như telephone khuếch đại.
  • Ngôn ngữ dấu như đọc môi nếu điếc đặc.
  • Cấy ốc tai điện tử.

Phòng ngừa: lão thính là quá trình không thể tránh khỏi và rất khó phòng ngừa, tuy nhiên một số biện pháp sau đây có thể giúp làm chậm tốc độ lão thính.

  • Tránh tiếp xúc tiếng ồn: Người lớn tuổi ở nơi ồn ào càng khó nghe. Nghe kém do tiếp nhận thần kinh (tổn thương tế bào thần kinh), đặc biệt ở vị trí khớp chuyển chuyển hóa từ âm thanh qua lời nói bị hư khiến người lớn tuổi nghe mà không hiểu người khác nói gì. Vì vậy họ cần hạn chế đến nơi quá ồn ào như công trường xây dựng, nhà máy, cửa hàng mở loa lớn…
  • Nút tai chống tiếng ồn: Nếu buộc phải đến những nơi này và cảm thấy khó chịu thì có thể sử dụng “nút tai chống ồn”. Lưu ý, nút tai này phải sử dụng liên tục trong quá trình chúng ta đứng ở nơi quá ồn, nếu chỉ tháo ra trong 15 phút thì hiệu quả sẽ không còn nhiều.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nội khoa.
  • Trực diện khi đối thoại với người lão thính, phát âm rõ ràng, có thể lặp lại, có thể viết ra giấy để đọc.
  • Tránh các thuốc gây độc cho tai.
  • Tế bào gốc.
  • Với nghe kém miễn dịch: corticoides và các thuốc kháng miễn dịch.

Có thể nói việc điều trị lão thính rất khó khăn nhưng chúng ta lại có các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ để nghe tốt hơn thì phong phú, dồi dào.

9. Việc đeo máy trợ thính có phải là lựa chọn tối ưu với bệnh nhân nghe kém? Người đeo máy trợ thính cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Việc sử dụng trợ thính chủ yếu dựa vào mức độ nghe kém, loại nghe kém, sự khó khăn trong giao tiếp, ý muốn của người bệnh và sự hợp tác của người bệnh. Như một quy luật: hầu hết người nghe kém cần đến trợ thính do có nhiều tiện ích từ việc sử dụng thiết bị này.

Trợ thính chủ yếu lắp đặt trong nghe kém tiếp nhận thần kinh (88%) hoặc nghe kém hỗn hợp (11%), với nghe kém dẫn truyền 1%, mức nghe kém trung bình (40-70 dB)

Như một quy luật: nghe kém đủ để gây khó khăn trong giao tiếp đều có chỉ định đeo trợ thính.

Nghe kém nặng hoặc điếc đặc làm giảm hiệu quả của trợ thính, kể cả trợ thính có công suất lớn nhất, vì vậy trợ thính không có chỉ định các trường hợp này, cấy ốc tai cho hiệu quả cao nhất dạng điếc đặc này.

[HOI]Trợ thính: các quy luật đáng nhớ

  • Nghe hai tai luôn tốt hơn một tai
  • Nghe tốt hơn với cường độ âm lớn hơn
  • Trợ thính BTE có nhiều thuận lợi so với ITE
    • Ít âm dội
    • Dễ lắp đặt
    • Thời gian sử dụng pin điện kéo dài hơn
    • Dễ thao tác[/HOI]

Tiên lượng thành công của trợ thính sẽ giới hạn bởi người bệnh không nhận ra bản thân nghe kém, các trường hợp khác người bệnh biết mình nghe kém nhưng do yêu cầu giao tiếp rộng hơn vì vậy tâm lý có nhiều lo lắng và ngại sử dụng trợ thính.

Động cơ lắp đặt trợ thính của người bệnh mới chính là yếu tố chìa khóa để tiên lượng thành công khi đeo trợ thính, người bệnh có yêu cầu mạnh mẽ để nghe rõ hơn là một yếu tố tuyệt vời trong thành công khi đeo trợ thính.

Về cơ bản có 2 loại máy trợ thính: đeo sau tai (BTE) và máy trợ thính trong tai (nằm trong ống tai), mỗi loại có ưu và khuyết điểm riêng

- Nếu bệnh nhân có sức nghe quá kém thì có chỉ định dùng máy trợ thính sau tai vì nó tiếp nhận âm thanh từ mọi hướng.

- Nếu sức nghe kém nhẹ và vừa thì sử dụng máy trợ thính trong tai, ưu điểm là khó nhìn thấy nên được người trẻ ưa chuộng, giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp.

Các công ty cung cấp máy trợ thính có đầy đủ sản phẩm để phục vụ theo nhu cầu của bà con, nhưng không phải đơn giản là thấy nghe kém rồi đi mua máy về đeo. Điều quan trọng nhất là đánh giá đúng mức độ nghe kém, tổn thương nằm ở đâu (tai ngoài, tai giữa, tai trong…) để có chỉ định phù hợp. Do đó bà con phải đến các cơ sở thính học để bác sĩ khám kỹ, cân nhắc với ước muốn của người bệnh, sự hợp tác của người bệnh… điều này sẽ quyết định thành công của việc dùng máy trợ thính.

Nhiều người bệnh mua cái máy cả trăm triệu nhưng về nhà không đeo, hoặc lúc đeo lúc không. Như vậy vừa lãng phí tiền bạc làm giảm hiệu quả điều trị, khiến cho nghe kém ngày càng tăng. Cho nên lời khuyên của chúng tôi đối với bà con khi đeo máy trợ thính là phải đeo suốt ngày, đeo trong mọi tình huống vì chúng ta luôn cần sự kích hoạt để hệ thần kinh làm việc liên tục, ngoài việc giúp nghe được thì việc trợ thính còn giúp hệ thần kinh thoái hóa chậm lại.

Nghĩa là người bệnh phải quyết tâm và ước muốn nghe tốt hơn. Chứ hễ cần thì đeo, không cần thì cất, điều đó là “cấm, cấm, cấm và cấm tuyệt đối”, vì không có hiệu quả.

10. Khi nào có chỉ định cấy ốc tai điện tử ? Hiện tại ở TPHCM có những bệnh viện nào thực hiện kỹ thuật này ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Với trẻ em điếc trước ngôn ngữ, sự tiếp nhận và xử ly lời - ngôn ngữ ở thần kinh trung ương bởi kích thích từ thiết bị, ở người lớn sự tiếp nhận và xử ly lời có nhiều khó khăn hơn do giới hạn ở thần kinh trung ương và cần đến sự phát triển cũng như xử ly trên đường dẫn truyền thính giác trung ương.

Điếc sau ngôn ngữ cả trẻ em lẫn người lớn với điếc đặc và không hiệu quả với trợ thính đều rất thích hợp với chỉ định cấy ốc tai.

Tiêu chuẩn chọn bệnh

FDA công nhận hướng dẫn cấy ốc tai với các đặc trưng: (1) điếc nặng đến điếc đặc có trung bình âm đơn 70 dB HL, (2) thử nghiệm và theo dõi trợ thính, (3) chỉ số thử nghiệm nghe mở có trợ thính < 50%, (4) không có bằng chứng tổn thương thính giác trung ương hoặc thần kinh thính giác, (5) không có chống chỉ định đối với phẫu thuật nói chung và phẫu thuật cấy ốc tai nói riêng.

Bên cạnh đó, các trung tâm cấy ốc tai còn khuyến khích sử dụng trợ thính ít nhất từ 1-3 tháng trước khi cấy, tìm hiểu kỳ vọng của bệnh nhân và thân nhân người bệnh, ý chí của người bệnh và sự tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sau phẫu thuật.

Tiêu chuẩn gợi ý cấy ốc tai

  • Ngưỡng nghe không trợ thính ≥ 70 dB HL ở 1000 Hz.
  • Phân biệt lời khi không có trợ thính < 70%.
  • Giao tiếp khó khăn.

Tiêu chuẩn chọn bệnh

Khuyến cáo của FDA, tiêu chuẩn bao gồm:

  • Tuổi từ 12 tháng đến 17 tuổi.
  • Điếc tiếp nhận thần kinh dạng điếc đặc (trung bình âm đơn không trợ thính ≥ 90 dB HL).
  • Hiệu quả với trợ thính tối thiểu, được xác định < 20-30% trong thính lực lời từ một vần.
  • Không có bằng chứng tổn thương thính giác trung ương hoặc thần kinh thính giác.
  • Không có bằng chứng chống chỉ định phẫu thuật nói chung hoặc phẫu thuật cấy ốc tai nói riêng.
  • Nên dùng trợ thính ít nhất 3-6 tháng trước khi cấy ngoại trừ trường hợp cốt hóa ốc tai được xác nhận.
  • Kỳ vọng của gia đình bệnh nhi.

Một số bệnh viện tại TPHCM có cấy ốc tai điện tử

- Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

- Bệnh viện Nhi Đồng 1

- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

11. Cũng có trường hợp nghe kém, ù tai được giới thiệu qua khoa Nội thần kinh, đó là do bệnh lý gì? Một số người điều trị ù tai với bác sĩ Tai Mũi Họng chưa thấy hiệu quả thì tự động tìm đến BS nội thần kinh, BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Nghe kém có nguyên nhân tại tai và các bệnh lý nội khoa khác, vì vậy để điều trị tốt chứng nghe kém rất cần sự tham gia của các bác sĩ nội khoa như tim mạch, nội thần kinh, tâm thần hoặc nội tiết.

Việc giới bác sĩ Tai Mũi Họng giới thiệu người bệnh nghe kém, ù tai đến khám ở khoa nội (nội thần kinh) là điều cần thiết. Xin nhắc lại vòng xoắn bệnh lý của ù tai > trầm cảm > mất ngủ > lo lắng.

Nguyên tắc điều trị là phải điều trị tới nơi tới chốn, xác định rõ nguyên nhân và từ đó có cách xử trí phù hợp. Quá trình điều trị cần thời gian, vì vậy thầy thuốc Tai Mũi Họng sẽ có nhận định nghe kém ù tai thuộc chuyên khoa nào, từ đó có thể chuyển người bệnh đến chuyên khoa liên quan.

Việc người bệnh tự động tìm đến bác sĩ chuyên khoa khác trong khi đang điều trị tại bác sĩ Tai Mũi Họng là không nên, nên tham vấn ý kiến của bác sĩ Tai Mũi Họng trước khi đến với chuyên khoa khác.

VI. Bảo vệ đôi tai trong sinh hoạt hằng ngày

12. Nhiều bạn trẻ thường xuyên đeo tai nghe để học hành hay giải trí thì nên sử dụng tai nghe như thế nào là an toàn, thưa BS?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Sinh lý bình thường là nghe qua đường khí, âm thanh từ vành tai - tai ngoài - tai giữa - tai trong - thần kinh trung ương. Tai thường nghe theo đường khí (ví dụ mọi người nói chuyện với nhau), ít khi nghe theo đường xương.

Nghe theo đường xương là âm thanh chạm thẳng vào xương, không đi qua tai ngoài, tai giữa. Với đường xương thì chúng ta không duy trì quá lâu trong 1 lần. Trong giáo dục đã một tiết học kéo dài 45 phút, ứng dụng nguyên tắc này, chúng ta cũng nghe 45 phút là dừng.

Nghe kém có 2 mức độ: nghe kém tạm thời và nghe kém vĩnh viễn. Việc nghe đường xương dễ dẫn đến nghe kém tạm thời, do đó phải nghỉ một lúc để tai tự phục hồi. Nếu không tạm nghỉ như vậy mà nghe liên tục nhiều giờ đồng hồ, tôi chắc chắn sức nghe sẽ bị ảnh hưởng, gây nghe kém tiếp nhận - thần kinh tai trong.

Tai nghe gồm 2 loại: chụp tai đường khí và chụp tai đường xương

  • Với chụp tai đường khí, người sử dụng nghe theo đường khí, đây là con đường sinh lý vì vậy có thể sử dụng trong thời gian lâu dài. Bất tiện của loại này là chụp tai cồng kềnh gây khó chịu cho người đeo
  • Với chụp tai theo đường xương (tai nghe đặt sâu vào ống tai) tiếp xúc trực tiếp với xương, kích thích liên tục đường xương dễ gây nghe kém tiếp nhận thần kinh. Vì vậy với loại chụp tai này nên nghe trong thời gian có hạn (không quá 30 - 45 phút cho mỗi lần nghe) và sao đó cho tai nghỉ ngơi. Tuyệt đối không được nghe liên tục nhiều giờ.

13. Nhờ BS hướng dẫn cách bảo vệ sức nghe cho đôi tai của mình trong môi trường đô thị ồn ào hiện nay?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

Môi trường đô thị, nhất là những thành phố lớn thì rất nhiều tiếng ồn từ xe cộ, máy móc, đủ thứ… Với người trẻ thật ra ảnh hưởng chưa nặng nề nhưng là vấn đề cần chú ý với người lớn tuổi. Tiếng ồn có thể gây nghe kém nếu tiếp xúc lâu dài và cường độ ồn đủ lớn. Nghe kém do tiếng ồn rất khó điều trị nhưng phòng ngừa rất hiệu quả.

Đầu tiên chúng ta phải bảo vệ mình bằng một thể trạng tốt, thể dục thường xuyên (mỗi ngày từ 30-60 phút). Làm việc liên tục để cái đầu luôn luôn tỉnh táo, không được ngơi nghỉ.

Nếu phải đến nơi ồn ào thì dùng nút tai chống ồn. Nếu gặp khó khăn nữa trong việc nghe hiểu thì tìm đến trung tâm thính học để được dùng trợ thính. Chú ý: trợ thính cũng là một cách để giảm tiếng ồn, vì nó là một thiết bị nhét vào tai, cản trở âm thanh từ ngoài vào. Trường hợp nặng hơn nữa thì cấy ốc tai điện tử.

Các giai đoạn của thay đổi ngưỡng nghe do tiếng ồn:

- Thay đổi ngưỡng nghe tạm thời: phục hồi hoàn toàn sau 24 - 48 giờ sau khi tiếp xúc tiếng ồn liên tục, ngắt quãng

- Thay đổi ngưỡng nghe vĩnh viễn sau khi tiếp xúc tiếng ồn lặp lại nhiều lần

Phản xạ bàn đạp bảo vệ tai trong có thể huấn luyện để thích nghi. Từ đó cách phòng ngừa tác hại do tiếng ồn:

  • Tránh tiếp xúc tiếng ồn nếu được
  • Đeo nút tai chống ồn tại nơi có tiếng ồn: Giảm 15 - 30 dB, đeo toàn bộ thời gian tiếp xúc tiếng ồn
  • Dành thời gian 12-24 tiếng để phục hồi sức nghe
  • Phát hiện sớm nghe kém tiếng ồn
  • Sử dụng trợ thính.

Do đó, để bảo vệ đôi tai, phòng ngừa nghe kém, bà con hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến sức nghe của mình.

Hằng năm Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Liên Chi Hội Thính học TPHCM phối hợp tổ chức một khóa học 3 tháng, đào tạo bài bản và chuyên sâu về thính học, thu hút cả trăm học viên tham gia, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội vì các chuyên viên này không chỉ phục vụ tại TPHCM mà còn tỏa đi các tỉnh. Liên Chi Hội Thính học TPHCM mong muốn trong tương lai sẽ kết nối và hợp tác tốt hơn với các khoa Thính học của nhà nước và tư nhân, các công ty trợ thính… để đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên viên thính học hơn nữa.

14. Thưa bác sĩ, làm sao để phát hiện bé có bệnh về thính giác? Nhiều bé bị điếc bẩm sinh nhưng gia đình không phát hiện được sớm. Cách nào kiểm tra thính giác cho con ạ?

PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng:

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” nhưng đôi tai mới là nguồn gốc của ngôn ngữ. Chúng ta nói chuyện với nhau nhưng thực chất là phải nghe, nghe rồi hiểu, hiểu rồi mới nói được. Tức là điếc thì sẽ dẫn tới câm. (Tuy nhiên, không có điều ngược lại là câm dẫn tới điếc, bởi vì người câm vẫn có thể nghe bình thường nếu tai họ không có vấn đề gì).

Tai chúng ta không chỉ để nghe mà nó còn phát ra một âm thanh gọi là “âm ốc tai”. Tại Bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương, trước khi các bé xuất viện, bộ phận thính học sẽ làm xét nghiệm tầm soát bằng cách đo âm ốc tai, nếu âm ốc tai tốt thì sức nghe của em bé bình thường.

Nếu âm ốc tai âm tính thì đứa bé được xem là hơi bất thường, nhưng cũng chưa chắc là bé nghe kém mà là do nước ối tràn vào ống tai giữa làm mờ âm ốc tai. Tháng sau bé sẽ quay lại đo lần nữa, nếu vẫn âm tính thì mới đánh giá là có bệnh lý ở tai gây nghe kém.

Với những trẻ không có điều kiện đo âm ốc tai, nhưng còn quá nhỏ chưa biết nói thì làm sao cha mẹ phát hiện bé có nghe kém hay không (dựa theo nguyên lý điếc dẫn tới câm)? Giải pháp là theo dõi phản xạ của đứa bé. Ví dụ từ 0 tới 3 tháng tuổi trẻ có những phản xạ: chớp mắt, quay đầu nhìn theo hướng có tiếng động. Từ 4 - 6 tháng tuổi: trẻ biết bắt chước phát âm “ba”, “ma”… Hơn 1 tuổi: trẻ biết ghép những từ đơn giản và thông dụng như gọi bố mẹ, “ăn”, “uống”… 18 tháng tuổi: biết chỉ và gọi tên các bộ phận trên cơ thể…

Nếu trẻ có những phản xạ này nghĩa là trẻ nghe tốt. Nếu thực hiện trước mặt bé, chúng ta có thể bị cảm giác chủ quan đánh lừa thì có thể đứng sau lưng bé, vỗ tay để xem bé có phản xạ hay không.

Tóm lại, thông qua xét nghiệm âm ốc tai hay dựa theo phản xạ và ngôn ngữ, ta có thể đánh giá về sức nghe của trẻ, phát hiện trẻ nghe kém từ rất sớm để có thể can thiệp kịp thời (dưới 6 tháng tuổi), giúp cho quá trình phát triển ngôn ngữ ở vài năm đầu đời của trẻ không gặp trở ngại.

Phản xạ trẻ con:

- 0-3 tháng:

  • Chớp mắt, giật mình
  • Quay đầu về phía âm
  • Nằm yên với cường độ bình thường

- 4-6 tháng:

  • Quay đầu về phía phát âm
  • Biết lắng nghe và đáp ứng khi đối thoại

- 7-12 tháng: Quay đầu về hướng phát âm và bập bẹ nói

- 13-15 tháng:

  • Bập bẹ nói từ đơn giản (ba ba, ma ma)
  • Biết bắt chước

- 16-18 tháng: sử dụng được các từ đơn

- 19-24 tháng: dùng các từ kép.

- 25-36 tháng: biết sử dụng câu ngắn.

- 37-48 tháng: dùng từ-câu tương đối chuẩn

Cách kiểm tra sức nghe trẻ em:

- Gây tiếng động (tiếng vỗ tay), ánh sáng…

- Xét nghiệm âm ốc tai, ABR (điện thính giác thân não), ASSR (đo thính lực khách quan).

Xin cảm ơn PGS rất nhiều!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X