Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -
Luôn cảm thấy buồn chán, mất ngủ… là dấu hiệu trầm cảm?
Câu hỏi
Thưa BS, Cháu hiện làm việc ở Nga. Vừa qua do công việc và tình cảm xảy ra mâu thuẫn nên cháu bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Dù xảy ra một thời gian dài và mọi chuyện chưa qua hết nhưng đã nguôi ngoai phần nào. Bây giờ nó để lại trong tâm trí cháu một hình tượng không đẹp về người yêu và tất cả mọi chuyện. Mặc dù cố gắng vượt qua, nhưng thực sự cháu cứ bị ám ảnh. Qua tìm hiểu trên internet cháu thấy mình có triệu chứng trầm cảm rất nặng. Thỉnh thoảng vui vẻ nhưng được vậy rất ít, cháu lại cô đơn, buồn chán, không thiết làm việc gì, đêm mất ngủ, rất khó ngủ lại, người lúc nào cũng khó chịu, tim đập nhanh. Cháu không biết nên khám và điều trị ra sao, cuối năm nay cháu định về tổ chức đám cưới nhưng đến lúc đó điều trị thì muộn quá. Cháu thấy trầm cảm không nên quyết định làm việc gì lớn, cháu sợ cưới xong tính tình không thay đổi làm ảnh hưởng cuộc sống hôn nhân. Giờ cháu có thể bảo người yêu lên phòng khám bệnh tâm thần kể bệnh hộ cháu và mua thuốc gửi sang bên này được không ạ? Đôi lúc cháu nghĩ đến cái chết để giải thoát. Cháu sợ lắm, AloBacsi ơi! (Tiến Dũng - minh…@gmail.com)
Trả lời
Chào Tiến Dũng,
Các biểu hiện buồn phiền, mất ý chí (không thiết làm việc gì), nghiền ngẫm (suy nghĩ lặp đi lặp lại về những chuyện đã xảy ra), mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, cảm giác lo âu (bứt rứt, khó chịu, tim đập nhanh) mà em hiện có gợi ý một tình trạng trầm cảm lo âu mức độ trung bình (dù em không nêu chính xác thời gian bao lâu, nhưng dựa vào thông tin ‘một thời gian dài’ và mức độ lo lắng quan tâm tìm hiểu về biểu hiện bệnh cho thấy tình trạng này hẳn không phải mới xuất hiện trong thời gian ngắn).
Để điều trị tình trạng trầm cảm lo âu này, cần phối hợp điều trị thuốc và trị liệu tâm lý. Trong đó việc lựa chọn thuốc tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của em, thêm vào đó là khả năng dung nạp cũng như mức độ đáp ứng của em đối với điều trị. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả em và bác sĩ điều trị, thời gian điều trị phải đủ lâu để duy trì tình trạng ổn định cần thiết trước khi đi đến quyết định giảm và ngưng thuốc.
Lưu ý rằng, bệnh lý trầm cảm nói riêng, bệnh lý tâm thần nói chung có tính chất mạn tính, hay tái phát. Tỷ lệ tái phát tăng dần theo số lần tái phát, theo đó mức độ đáp ứng với điều trị cũng dao động theo hướng bất lợi. Do đó, giải pháp tối ưu là em nên đi khám sớm nhất có thể để mau chóng ổn định bệnh. Em có thể khám ngay tại nơi em đang ở để tiện cho việc tái khám và theo dõi.
Chúc em mau bình phục.
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình