Hotline 24/7
08983-08983

BS ơi, vì sao tôi hay lo lắng và mất ngủ triền miên?

Câu hỏi

Xin chào BS, Tôi 45 tuổi. Năm 20 tuổi, tôi gặp 1 biến cố lớn trong công việc, tôi bị sốc, không ngủ được khoảng 3 tháng.Tiếp đó tôi thấy đau lưng, đi khám BS nói thoái hóa cột sống, dùng nhiều thuốc không đỡ, tôi lo lắng mất ngủ triền miên. Nhiều lần tôi đi lang thang ngoài đường như người vô hồn. Người nhà nói tôi bị ma làm hại, theo thầy bà đi cúng bái đủ nơi nhưng không có kết quả. Sau đó đưa tôi về quê ngoài Bắc để có điều kiện chữa trị (Tôi làm việc và sống trong này một mình, còn bố mẹ và anh em ruột ở ngoài Bắc). Vào viện Bạch Mai khám, BS nói tôi bị sốc về tâm lý nên dẫn đến trầm cảm. BS cho thuốc về nhà uống, sau 3 tháng tôi đã tỉnh táo và ngủ được. Tôi trở lại nơi mình làm việc, rồi lấy vợ sinh con. Năm 2010 tôi lại gặp biến cố về công việc, tiền bạc, gia đình… Tôi rơi vào tình trạng mất ngủ như trước đây. Tôi tìm đến BS tâm lý ở TP BMT, nhưng uống thuốc của BS này mãi không khỏi. Mọi người lại khuyên tôi nên về Hà Nội. Về lại BV Bạch Mai khám, BS kết luận tôi bị Fo Rc Trầm cảm lo âu và cho thuốc uống. Tôi khỏi bệnh và trở lại BMT, cho tới nay sức khỏe nói chung là ổn. Toa thuốc như sau: - Setra 50g ngày uống 2v chia 2 - Zapnex 10g ngày uống 1v tối - Hubaco 80g ngày 2v chia 2 - Moniplas ngày 2v chia 2 Khi có chuyện lo nghĩ là tôi không sao ngủ được, hay lo lắng. Hiện sức khỏe của tôi cũng bình thường, chỉ hay ngủ muộn và khó ngủ. Một đêm tôi ngủ 3- 4 tiếng. Trước đây tôi hay chịu khó tập thể dục buổi sáng, nhưng giờ ít ngủ nên tôi hay ngủ nướng. Khi người mệt, mất ngủ là tai tôi bị ù và người buồn bực. BS tư vấn xem có phải thần kinh của tôi yếu không? Nên sinh hoạt như thế nào, ăn uống gì tốt cho sức khỏe? Khi mất ngủ nên dùng thuốc gì? Tôi hay mua cây lá lạc tiên bán ở chợ về nấu nước uống hàng ngày, như vậy có tốt không ạ? Rất mong BS trả lời giúp tôi. Xin cảm ơn. (Van Dinh - dinh…@gmail.com)

Trả lời

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -

Ảnh minh họa - nguồn internet 
Ảnh minh họa - nguồn internet

Chào anh Dinh,

Các biểu hiện về mặt cơ thể (đau lưng, đau đầu, mệt mỏi, uể oải...) xuất hiện đồng thời với tình trạng lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ... với các yếu tố gây stress trong cuộc sống mà anh mô tả gợi ý một tình trạng rối loạn lo âu.
 
Không thấy anh nêu trong thư là giai đoạn này anh có cảm xúc phiền muộn, chán chường, mất hứng thú, mất tự tin, ý nghĩ bi quan, tiêu cực… hay không? Đây là những biểu hiện hay kèm theo tình trạng trên. Nếu có thì chẩn đoán lúc này sẽ là rối loạn lo âu trầm cảm.
 
Với rối loạn lo âu trầm cảm, nếu không được điều trị tích cực, đầy đủ thì dễ có nguy cơ tái phát và tái diễn.
 
Vì hoàn toàn không có thông tin gì về quá trình điều trị trước đây (thuốc men sử dụng, liều lượng, thời gian, đáp ứng…) nên AloBacsi không thể kết luận chính xác tình trạng hiện tại là diễn tiến tiếp theo và nặng thêm của bệnh hay do điều trị lần trước chưa dứt điểm và xuất hiện thêm các yếu tố stress mới; hoặc là do bệnh tái phát sau một giai đoạn đã ổn định.

Dù cho là trường hợp nào đi chăng nữa thì hiện tại mặc dù đang dùng thuốc nhưng anh vẫn còn các biểu hiện như: khó dỗ giấc ngủ, ngủ ít 3-4 giờ/ngày, mệt mỏi, uể oải… chứng tỏ bệnh chưa được cải thiện hoàn toàn. Vì vậy việc điều chỉnh thuốc men là cần thiết, có thể tăng thêm liều (liều đang dùng chưa đạt mức tối đa); hoặc đổi sang nhóm thuốc chống lo âu trầm cảm khác nếu liều đã tăng đủ nhưng không đem lại hiệu quả mong muốn.

Việc dùng thêm các loại thảo dược hay thuốc men khác một cách tự ý là không nên vì có thể dẫn đến các tương tác thuốc không có lợi cho sức khỏe cũng như hiệu quả điều trị. Hơn nữa, việc dùng các thuốc có tác dụng gây ngủ, an thần kinh đòi hỏi phải có sự chỉ định và giám sát chặt chẽ của BS chuyên khoa tâm thần nhằm tránh ảnh hưởng đến các bệnh lý cơ thể sẵn có, tránh việc lệ thuộc, nghiện thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất (phát hiện sớm và điều chỉnh ngay) các tác dụng không mong muốn của thuốc như sút giảm trí nhớ,…

Vì vậy, anh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để có thay đổi thích hợp nhất. Song song đó, một chế độ làm việc, sinh hoạt phù hợp cần phải được thiết lập:

- Tránh các công việc quá áp lực, gây căng thẳng thường xuyên về mặt tâm lý, mệt mỏi quá mức về mặt cơ thể; giảm thiểu các xung đột trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày.

- Chế độ ăn uống cũng phải phù hợp: ăn uống đủ chất, điều độ đúng giờ, tránh ăn quá nhiều gia vị, tránh dùng các chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu, thuốc lá…

- Nghỉ ngơi điều độ: đi ngủ và thức giấc đúng giờ, tránh thức quá khuya.

- Tập luyện thể dục đều, phù hợp với tình trạng cơ thể: không tập quá nặng, tập luyện cách giờ đi ngủ ít nhất 2 giờ, ít nhất 3 lần/tuần.

Chúc anh mau bình phục.

 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X