Hotline 24/7
08983-08983

Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ - MRI?

Câu hỏi

Dạo này tôi khá đau vùng ngực và đầu, cháu gái tôi (đang học Y khoa) khuyên nên đi khám và chụp cộng hưởng từ bao giờ (MRI). Tôi chưa đi chụp MRI lần nào nên không biết phải lưu ý những gì trong quá trình chụp? Tôi có thể đi chụp MRI ở bệnh viện nào? Mong được AloBacsi giải đáp. (Trần Thị Lệ Hà - 58 tuổi - Quận 12, TPHCM)

Trả lời


Chào bạn,

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp khảo sát không xâm lấn, sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh, có thể cần sử dụng chất tương phản.

Trường hợp của bạn cần được khám bởi bác sĩ Nội tổng quát, Nội thần kinh để chẩn đoán trước. Tùy vào tình trạng bệnh sẽ có thể chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu, mà chụp cộng hưởng từ là một gợi ý. Nếu chụp MRI, bạn sẽ được chỉ định chụp ở 2 địa điểm: lồng ngực và sọ não.


Hình minh họa. Nguồn Internet

Chi phí chụp MRI dao động từ: 2,5 - 3,5 triệu đồng/ 1 vị trí, không có chụp MRI toàn thân.

Tại các cơ sở y tế như: BV Nhân dân 115, BV Đại học Y dược, BV Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán Y khoa Medic - Hòa Hảo, BV Nhân dân Gia Định... đều có thực hiện xét nghiệm này.

Những lưu ý khi chụp MRI

1. Trước khi chụp MRI

Nên mang theo các kết quả xét nghiệm, siêu âm, phim X quang và CT nếu có.

Bệnh nhân được hướng dẫn tháo răng giả, các vật trang sức như vòng nhẫn, dây chuyền, bông tai, đồng hồ đeo tay, thẻ từ...

Những bệnh nhân được đặt các thiết bị điện tử như máy tạo nhịp nhân tạo, máy khử rung, máy trợ thính, các kẹp mạch máu não không nên vào phòng máy, vì từ trường mạnh của máy có thể làm hỏng các thiết bị trên.

Không nên mang các các vật dụng kim lọai như chìa khóa, kim bấm, túi xách tay hoặc mắt kính có gắn kim lọai vào phòng chụp vì các vật này có thể bị hút mạnh vào lồng máy và gây chấn thương.

Các thiết bị điện từ như thẻ tín dụng, thẻ rút tiền tự động (thẻ ATM), chìa khóa từ có thể bị xóa mất dữ liệu khi mang vào phòng máy.

Bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế biết nếu có mang các dụng cụ và thiết bị trong cơ thể như: Van tim nhân tạo, thiết bị bơm thuốc tự động đặt dưới da, vòng tránh thai, các khớp, chỏm xương nhân tạo...

Các thiết bị này thường gây nhiễu hình ảnh cộng hưởng từ nên cần có một kỹ thuật chụp đặc biệt.

Với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản, nhân viên y tế sẽ hỏi về tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh thận... Thuốc tương phản hoàn toàn không gây độc cho cơ thể.

Đôi khi, thuốc có phản ứng dạng dị ứng với các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê rần tay, chân và nổi mẩn. Tuy nhiên, tỉ lệ thấp hơn 6 lần so tác dụng dị ứng của thuốc cản quang trong X - quang hoặc CT. Các tác dụng ngòai ý muốn này thường nhẹ và nhanh chóng mất hẳn sau vài phút hoặc sau khi dùng thuốc chống dị ứng.

Các trường hợp chụp vùng bụng, chậu và chụp toàn thân, cần nhịn đói 4 giờ trước khi chụp.

2. Trong khi chụp MRI

Thời gian chụp cộng hưởng từ thay đổi khoảng từ 15 - 60 phút tùy thuộc vào cơ quan cần khảo sát. Đối với trường hợp có tiêm thuốc tương phản thời gian chụp tối thiểu là 20 phút.

Trong phòng chụp, bệnh nhân nằm trên bàn máy, các vùng cơ thể sẽ được lót bởi những gối kê có hình dạng chuyên biệt giúp nằm thỏai mái và không nhúc nhích trong khi chụp.

Chụp MRI không đau. Vài trường hợp cảm giác hơi mỏi do phải nằm yên ở một tư thế. Trong lúc chụp, từng lúc quý vị nghe có tiếng ồn từ máy phát ra do hiện tượng cộng hưởng, đây là điều bình thường. Bệnh nhân sẽ đeo tai nghe nhạc để giảm bớt tiếng ồn.

Điều quan trọng là giữ yên cơ thể trong lúc chụp. Với chụp vùng cổ, không nuốt nước bọt trong khi chụp. Với chụp vùng ngực hoặc bụng, bệnh nhân có thể được yêu cầu nín hơi thở trong khỏang thời gian ngắn để hình ảnh sắc nét hơn.

Trong thời gian chụp, có thể nói chuyện với kỹ thuật viên qua hệ thống loa và micro gắn trên máy.

Với trường hợp cần tiêm tương phản, thuốc được tiêm vào tĩnh mạch tại vùng cẳng tay hay cổ tay, thời gian tiêm có thể từ 1 đến 2 phút. Sau tiêm thuốc, cơ quan cần khảo sát sẽ được chụp lại một lần nữa. Khi tiêm thuốc, có thể cảm giác tòan thân ấm lên hay có vị đắng ở lưỡi, điều đó là bình thường, và các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 2 - 5 phút.

Cần báo ngay cho kỹ thuật viên khi có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt hoặc khó thở.

3. Sau khi chụp MRI

Sau khi chụp xong, sẽ có trong vòng 15 - 30 phút

Đối với các trường hợp có tiêm thuốc tương phản, sẽ được theo dõi tại phòng chờ trong 15 phút nhằm phát hiện các triệu chứng dị ứng thuốc nếu có.

Phụ nữ đang cho con bú tốt nhất nên ngưng cho trẻ bú mẹ trong 36 giờ sau tiêm thuốc tương phản từ.


Mời tham khảo:
>>> Chụp CT toàn thân tầm soát bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe?

>>> Nên chụp MRI vùng ngực ở đâu, AloBacsi ơi?
>>> Chụp MRI có làm giảm tuổi thọ?
>>> Đau đầu khi nào cần chụp MRI, AloBacsi?

Thân ái,


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X