Hotline 24/7
08983-08983

Đến khi con dậy thì, cha mẹ mới nhìn tới chiều cao: trở tay không kịp

Tại Việt Nam, 1/4 số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Chiều cao cân nặng của trẻ cần được quan tâm từ trong bào thai và 4 năm đầu đời, không chờ đến tuổi dậy thì. Dự án Happy Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động giúp cải thiện tầm vóc của người Việt.

Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị SDD thấp còi, cho thấy Việt Nam hiện vẫn phải đương đầu với tỷ lệ trẻ em thấp còi khá cao.

SDD thấp còi không chỉ là vấn đề vóc dáng, bởi có mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi còn nhỏ đến sự phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động. Trong đó, trẻ em SDD rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Đáng chú ý, tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển, như hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ.

Lễ khởi động dự án Happy Việt Nam - nâng cao nhận thức bệnh lý thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam

GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, nhấn mạnh tại lễ khởi động dự án Happy Việt Nam: Chiều cao cân nặng của trẻ cần được quan tâm từ trong bào thai (1000 ngày đầu tiên) và 4 năm đầu đời, không chờ đến tuổi dậy thì. Thông thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng 25 cm và hai năm kế tiếp mỗi năm tăng thêm 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu đến khi con dậy thì cha mẹ mới nhìn đến chiều cao thì sẽ trở tay không kịp, bởi lúc này mới vội vàng điều trị giúp tăng chiều cao cho trẻ đem lại kết quả hạn chế.

Hiện tại đang có nghịch lý là nhà giàu nhưng con vẫn thiếu vitamin, tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra không chỉ ở gia đình thiếu ăn mà còn ở các gia đình có điều kiện kinh tế đầy đủ. Song song đó, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì vẫn gia tăng. Điều đó cho thấy vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà còn phụ thuộc vào nhận thức.

Do đó, làm thay đổi nhận thức về dinh dưỡng cho trẻ sẽ giúp giảm được tỷ lệ SDD thấp còi, dần dần nâng cao tầm vóc của người Việt. Đó là lý do Merck Việt Nam đồng hành cùng Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG), Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), và Tổ Chức ASSIST triển khai dự án Happy Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Dự án Happy Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động như khám tầm soát cho trẻ và tập huấn cho các giáo viên tiểu học, mẫu giáo, phụ huynh học sinh và nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

GS.TS.BS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam

Tại buổi khởi động dự án, GS Dàng cũng lưu ý chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề hormone tăng trưởng (hormone GH). Theo giáo sư, bên cạnh các nguyên nhân thường gặp dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương… thì thiếu hormone tăng trưởng cũng là một nguyên nhân đáng chú ý.

Đặc biệt ở trẻ từ trên 2 tuổi, nếu tăng trưởng chiều cao ít hơn 4cm/năm hoặc chiều cao của trẻ <-2SD chiều cao chuẩn theo tuổi và giới tính thì trẻ có nguy cơ thiếu hụt hormone tăng trưởng. Nếu thiếu thì điều trị sớm, khi xương chưa phát triển đầy đủ. Bởi khi hệ thống xương khớp đã phát triển hoàn chỉnh rồi thì chống chỉ định với việc sửa dụng hormone tăng trưởng.

Các bác sĩ cũng cho biết trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng tại Việt Nam thường phát hiện và điều trị muộn (8-9 tuổi), trong khi lẽ ra phải được điều trị từ 5-6 tuổi. Các bệnh viện có thể điều trị trẻ chậm phát triển chiều cao do thiếu thiếu hormone tăng trưởng là: BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM), BV Trung ương Huế, BV Nội tiết trung ương (Hà Nội), Viện Nhi trung ương.

Hiện vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành phố và nông thôn, đặc biệt, ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng khó khăn về tỉ lệ SDD, thấp còi ở trẻ. Trong đó, miền núi phía Bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em SDD. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

[HOI]Dự án Happy Việt Nam:

Mục tiêu tổng thể:

Giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi ở Việt Nam thông qua việc thực hiện các chương trình đào tạo, tư vấn để nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ giáo viên nhà trường, nhân viên y tế, phụ huynh và trẻ em.

Chỉ tiêu cụ thể:

  • 200 nhân viên y tế từ các bệnh viện được đào tạo về phát hiện, chẩn đoán và phòng ngừa thấp còi, SDD ở trẻ em.
  • 3.600 phụ huynh được đào tạo kiến thức về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ; cách đảm bảo dinh dưỡng cũng như quan tâm đúng cách, đúng lúc nhằm đầy lùi nguy cơ trẻ thấp còi, SDD.
  • 1.300 giáo viên mẫu giáo, tiểu học được đào tạo kiến thức về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ; thực hành đảm bảo sức khỏe thể chất cho học sinh.
  • 3.600 trẻ em từ các tỉnh, thành thuộc phạm vi dự án được tiến hành khám tầm soát và kiểm tra sức khỏe.[/HOI]

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X