Để "thích ứng an toàn với COVID-19", cần nhưng chỉ số, điều kiện gì?
Dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đang được Bộ Y tế xây dựng đề xuất cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Hướng dẫn dựa trên những nhóm dễ tổn thương, tập trung vào người cao tuổi để đưa ra chỉ số bắt buộc, phân loại cấp độ dịch.
Dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” do Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng đưa ra 5 chỉ số, điều kiện căn bản, khả thi để có thể triển khai, áp dụng ngay tại cấp xã, phường và quy mô nhỏ hơn.
Dự thảo hướng dẫn tạm thời được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước, thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp.
Trong bản hướng dẫn tạm thời, Bộ Y tế quy định 3 chỉ số được xem là nền, bắt buộc giúp giảm tỷ lệ tử vong cũng như đảm bảo cho hệ thống y tế có thể sẵn sàng đáp ứng ở mức độ dịch cao nhất.
Chỉ số 1: 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19
Hiện nay tại Việt Nam tỷ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất vì vậy cần tập trung tiêm vaccine cho đối tượng này để giảm tỷ lệ tử vong. Đây là tiêu chí thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện và tử vong.
Theo ước tính thì người trên 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất (chiếm tới trên 81% tổng số ca tử vong vì COVID-19). Vì vậy, chỉ số này làm rõ định hướng "sống chung an toàn" với dịch COVID-19.
Chỉ số 2: 100% trạm y tế xã phường thị trấn có 2 bình oxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động.
Đa số ca mắc sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Những người này cần được ngành y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế cấp xã… Nếu công tác chăm sóc, điều trị tại tuyến này không tốt, tỷ lệ nhập viện sẽ cao và cơ hội cứu chữa sẽ khó khăn.
Vì vậy, các phương án về oxy y tế, các trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Ngoài ra, các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cũng cần có phương án thiết lập trạm y tế lưu động để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. Các địa phương cần tổ chức diễn tập để sẵn sàng triển khai các biện pháp linh hoạt, hiệu quả.
- Chỉ số 3: Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Chỉ số này nhằm đảm bảo hệ thống y tế luôn sẵn sàng đáp ứng ở cấp độ dịch cao nhất để giảm các trường hợp nặng và tử vong ở 3 tầng điều trị.
Hiện nay ngành y tế đã xây dựng và vận hành phần mềm thể hiện số liệu thực về số giường điều trị hiện có của một tỉnh, huyện, số giường đang sử dụng, số giường còn trống, số giường ICU ... để kịp thời điều phối, phân luồng bệnh nhân giữa các cơ sở y tế và chuẩn bị, điều chuyển trang thiết bị y tế, nhân lực kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế. Ảnh: Báo Chính phủ
Hai chỉ số phân loại cấp độ dịch
Chỉ số 4: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần
Chia làm 4 mức: ≤20; từ 20 đến 50; từ 50 đến 149; từ 150 ca mắc mới tại cộng đồng trên 100.000 dân một tuần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là chỉ số quan trọng, trực tiếp đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng. Ca mắc tăng nhanh thì có thể phát sinh thêm các ca mắc khác và tỷ lệ người bệnh trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo.
Chỉ số 5: Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19.
Chia làm 2 mức: Dưới 70% và từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chiến lược, chủ động nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong. Theo các chuyên gia, tiêm 1 mũi vaccine cũng có tác dụng bảo vệ người dân khỏi bị mắc bệnh có triệu chứng, bệnh nặng hoặc tử vong; đồng thời giảm một phần mức độ lây nhiễm.
Ngoài ra hiện nay, đối tượng tiêm vắc xin tại Việt Nam là từ trên 18 tuổi vì vậy tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều phòng vắc xin phòng COVID-19 được sử dụng làm chỉ số đánh giá.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, trong dự thảo tạm thời của Bộ Y tế, căn cứ vào các chỉ số trên để phân loại cấp độ dịch, hiện nay có 4 cấp.
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới); Cấp 2: Nguy cơ trung bình; Cấp 3: Nguy cơ cao; Cấp 4: Nguy cơ rất cao.
Nếu không đạt được chỉ số trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin thì phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc); nếu không đạt được chỉ số 2, 3 thì không được giảm cấp độ dịch hiện tại.
Các địa phương căn cứ vào các chỉ số trên để quyết định cấp độ dịch và từng bước mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Hướng dẫn này sẽ là hướng dẫn khung, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch tại cấp xã hoặc quy mô nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ đội, khóm, ấp,… Không đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh để giảm thiểu phạm vi chịu tác động, đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện dự thảo hướng dẫn tạm thời vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến để có thể tiếp thu hoàn chỉnh và sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình