Hotline 24/7
08983-08983

Dạy trẻ tập đi thế nào là đúng cách, an toàn?

Khoảng 10 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chập chững những bước đi đầu đời. Một số sai lầm khi dạy trẻ tập đi sẽ khiến trẻ lười đi, sợ đi hoặc bị cong chân. Những thắc mắc về tập đi đúng cách sẽ được giải đáp với chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1.

1. Các bước tập đi cho trẻ

Thưa bác sĩ, độ tuổi nào nên bắt đầu cho trẻ tập đi?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đầu tiên, phụ huynh phải tập cho trẻ phản xạ chống chân. Khi trẻ khoảng 5-6 tháng tuổi, cha mẹ tập cho trẻ phản xạ chống chân.

Khoảng 9-10 tháng tuổi, trẻ bắt đầu đứng vững. Sau đó, trẻ bắt đầu tập đi. Tuy nhiên, trước 10 tháng tuổi, không để trẻ chịu hoàn toàn lực trên đôi chân, cha mẹ phải đỡ cho con tập đi. Bởi khi chân trẻ chịu lực nặng của cơ thể sẽ bị cong.

Các bước dạy trẻ tập đi được tiến hành như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khoảng 5-6 tháng tuổi, cha mẹ sẽ đỡ em bé tập đứng, nhún nhảy trên đôi chân của trẻ. Khoảng 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu đứng vững, cha mẹ cố gắng đỡ phần mông để giúp trẻ không dồn trọng lượng cơ thể xuống chân.

10 tháng tuổi, cha mẹ phải tập đi cho trẻ. Nhiều em bé rất nhát, có thể dựa tường để đi nhưng không dám buông tay. Nguyên nhân có thể do gia đình quá cưng chiều, luôn sợ trẻ té ngã khi tập đi nên đã vô tình tạo cho trẻ cảm giác nhát. Do đó, cha mẹ cần tránh hiện tượng này.

Cha mẹ không được tập đi cho trẻ bằng xe tròn, bởi nó gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Khi sử dụng xe tròn, trẻ không tập bước đi mà chỉ dùng chân đẩy xe chạy. Nếu chẳng may vấp phải vật cản sẽ làm xe ngã, trẻ té cắm đầu xuống đất, rất nguy hiểm.

Cha mẹ nên sử dụng xe gỗ, hình dạng chữ L để trẻ tập bước đi sẽ tốt hơn. Nếu không có điều kiện mua xe tập đi, cha mẹ cũng có thể cho trẻ bám vào ghế và đẩy đi.

Trường hợp em bé quá nhát, cha mẹ có thể dùng khăn tắm, vòng qua trước bụng của trẻ và dùng tay giữ 2 đầu khăn ở phía sau. Sau đó, cha mẹ từ từ nới lỏng khăn và cho trẻ tự đi 1 mình. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn khi bước đi hơn.

Dấu hiệu nào để nhận biết trẻ có thể sẵn sàng bước đi những bước đi đầu đời?

Nếu em bé chậm vận động, cha mẹ phải xem xét trí tuệ của trẻ có lanh lợi hay không. Nếu bé chậm đi nhưng trí tuệ bình thường thì cha mẹ yên tâm.

10 tháng tuổi cha mẹ hãy tập đi cho trẻ. Trước 10 tháng, nếu trẻ muốn nhún nhảy thì cha mẹ có thể đỡ mông và cho trẻ chơi thoải mái.

BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Tập trẻ đi sớm sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển?

Một số trẻ cứng cáp, có xu hướng muốn tập đi sớm hoặc nhiều cha mẹ muốn cho trẻ tập đi sớm vì “hơn con nhà người ta”? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển sau này của trẻ mai này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Em bé nói sớm có thể sẽ thông minh. Nhưng em bé biết đi quá sớm sẽ có nguy cơ cong chân. Do đó, cha mẹ không nên vội tập đi cho trẻ.

Đợi đến 10 tháng tuổi hãy tập đi cho trẻ. Khi tập đi, cha mẹ không nên chăm chút trẻ quá nhiều sẽ tạo cảm giác nhát và trẻ chậm đi.

3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ chậm đi?

Ngược lại, có những trẻ lười đi, thậm chí là đến vài tuổi mà cũng không biết đi. Những trường hợp như thế này thì cha mẹ cần làm gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trường hợp trẻ chậm đi nhưng vẫn lanh lợi, nguyên nhân có thể do trẻ nhát. Nếu trẻ leo trèo tốt, sức cơ khỏe nhưng không thể tự đi được thì phải tập cho trẻ lại từ đầu.

Trường hợp trẻ có biểu hiện khó khăn khi đứng dậy thì có khả năng trẻ mắc bệnh cơ. Cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám để xác định chính xác bệnh.

Một số em bé có vòng thắt ở cổ chân, thoạt nhìn sẽ tưởng em bé bụ bẫm nhưng bàn chân không phát triển. Cha mẹ phải chú ý quan sát và đưa trẻ đi khám để có thể cắt vòng thắt cổ chân, bàn chân phát triển to hơn thì trẻ mới tập đi được.

Làm sao khi trẻ có dấu hiệu nản, muốn được bế hoặc chuyển sang tư thế bò?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi té, em bé khóc, nguyên nhân có thể không phải vì đau, mà nó muốn cho người thân biết rằng mình bị té. Thông thường, một số em bé khi té sẽ không khóc liền mà trẻ đưa ánh mắt nhìn người thân sau đó mới khóc.

Đó là sự nhõng nhẽo. Do vậy, cha mẹ phải quan sát động tác té của trẻ, không nên chạy ngay đến ôm con khi nó bị té. Điều đó sẽ tạo cảm giác nhát cho trẻ.

Tuy nhiên, không nên ép trẻ đi quá nhiều, bởi trẻ chưa thể tự đi được. Cha mẹ phải hỗ trợ trẻ khi tập đi. Ngày đầu tập đi, cha mẹ phải đỡ trẻ đứng dậy khi bị té và lâu dần trẻ có thể tự đứng dậy được.

4. Làm sao phòng tránh chấn thương khi trẻ tập đi?

Chấn thương ở trẻ khi tập đi là điều khó tránh khỏi. Vậy trong giai đoạn đầy khó khăn thử thách này, trẻ đối mặt với những nguy cơ nào? Làm sao để phòng tránh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cha mẹ phải tạo không gian rộng rãi để trẻ tập đi và không sử dụng xe tròn. Em bé có thể tập đi bằng chân không nhưng phải đảm bảo không có vật cản nào làm tổn thương bàn chân trẻ.

Xe tập đi phải không quá nặng và quá trơn, bởi sẽ gây khó khăn cho trẻ khi tập đi. Chấn thương sẽ gặp nhiều nhất khi trẻ biết leo cầu thang. Bởi em bé chỉ biết leo lên cầu thang mà không thể tự leo xuống. Nếu cha mẹ không để ý, trẻ sẽ bị té khi tự leo xuống cầu thang.

5. Bổ sung canxi khi tập đi, liệu có cần thiết?

Quan niệm của các cha mẹ ông bà là trước giai đoạn trẻ bắt đầu tập đi là bổ sung thật nhiều canxi càng tốt để trẻ cứng xương khớp. Bác sĩ đánh giá như thế nào về quan niệm và hành động này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sai lầm của phụ huynh là cho trẻ uống canxi để trẻ nhanh biết đi. Trong thức ăn và sữa của trẻ có rất nhiều canxi nên trẻ không thể thiếu canxi, ngoại trừ trẻ bị kém hấp thu (rất hiếm). Tuy nhiên, vai trò của canxi không phải lúc tập đi mà là khi trẻ phát triển chiều cao.

Do vậy, cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống đủ sữa và bổ sung vitamin D.

Vậy dinh dưỡng đóng vai trò như thế nào để giúp trẻ thời kỳ này và nên bổ sung dinh dưỡng như thế nào?

Dinh dưỡng trong lúc tập đi của trẻ vẫn như chế độ ăn bình thường, không cần bổ sung thêm chất nào khác.

6. Để trẻ tự đứng dậy sau khi té, có ảnh hưởng đến tâm lý?

Cha mẹ Việt thường có tâm lý xót con, bao bọc con. Chính vì thế, khi tập đi lỡ may trẻ té ngã là liền tới ôm con, xuýt xoa con, đổ tội do vướng cái bàn này ghế nọ. Ở nước ngoài lại không phải vậy, họ khuyến khích trẻ tự đứng dậy sau vấp ngã. Xin bác sĩ cho biết các hành động này tác động như thế nào đến tâm lý trẻ sau này về cả trí - lực?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sự quan tâm con thể hiện qua thể chất và tinh thần. Tinh thần là điều rất quan trọng.

Sự dỗ dành, chia sẻ của cha mẹ, xem con như người bạn, không phải là vật sở hữu sẽ quan trọng hơn. Việc cha mẹ rối lên khi thấy con bị té, trầy xước sẽ không quan trọng bằng sự quan tâm về tinh thần.

Do vậy, cha mẹ không nên nghĩ rằng để trẻ tự đứng dậy sau khi té là hành động không quan tâm.

Sự quan tâm của trẻ phải kéo dài, không phải chỉ trong một lúc nào đó. Khi lớn lên, trẻ sẽ hiểu được vấn đề này.

7. Vì sao không tập đi cho trẻ bằng xe tròn?

Vì sao các chuyên gia lại khuyên không nên cho trẻ tập đi với xe tròn thưa bác sĩ? Cách lựa chọn các vật dụng đúng cách, an toàn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Xe tròn không giúp cho em bé nhanh biết đi hơn và còn gây thêm nguy hiểm. Cha mẹ phải mua loại xe chữ L để trẻ tập đẩy và bước đi.

Xe đẩy phải không quá nặng và quá trơn để trẻ có thể tập đi được, không bị té khi đẩy.

Không trang trí lên xe đẩy những vật dụng dễ gỡ, dễ ngậm sẽ khiến trẻ lấy những vật dụng này đưa vào miệng, gây mất vệ sinh.

8. Có nên áp dụng biện pháp dân gian để trẻ tập đi?

Mới đây, MXH có chia sẻ một video “Dạy bé tập đi bằng cách dùng cá quả liên tục đập vào bắp chân làm trẻ khóc thét”. Thực tế, dân gian có khá nhiều “mẹo” giúp kích thích trẻ tập đi. Chúng ta nên tiếp thu các kinh nghiệm dân gian của cha ông thế nào để dạy con tập đi đúng khoa học, hiệu quả?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đến tuổi, em bé sẽ tự nhiên muốn tập đi. Nếu 12 tháng tuổi nhưng trẻ không muốn tập đi thì chắc chắn trẻ có vấn đề. Cha mẹ phải tìm ra nguyên nhân vấn đề của trẻ và không sử dụng biện pháp dân gian để kích thích trẻ đi.

Bởi nếu có sử dụng biện pháp dân gian cũng sẽ không mang lại hiệu quả.

9. Những lưu ý khi tập đi cho trẻ

Tóm lại, xin bác sĩ chia sẻ những khuyến cáo để cha mẹ có thể đồng hành cùng con có những bước đi đầu đời an toàn, chắc chắn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quá trình tập đi gồm nhiều giai đoạn: tập chống chân, tập bước, tập đứng vững.

Khi tập những giai đoạn này trước 10 tháng tuổi, không nên để một mình em bé chịu trọng lực của cơ thể nó, cha mẹ phải đỡ con khi tập đi.

Khi sử dụng xe tròn để tập đi mà phải sử dụng xe chữ L. Phải tập từ từ để trẻ biết đi.

Nếu ứng dụng tốt những điều này, trẻ sẽ nhanh biết đi và chân không bị cong do tập đi quá sớm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X