Hotline 24/7
08983-08983

Đau vai mức độ nào cần đi thăm khám? Khi nào cần chụp MRI?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi xung quanh triệu chứng đau vai: Ai dễ bị đau vai? Đau vai do những nguyên nhân gì? Chữa trị đau vai như thế nào…

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vai có cấu tạo như thế nào?

Đầu tiên, BS có thể khái quát qua cho bạn đọc biết cấu trúc của vai?

Khớp vai được cấu trúc bởi nhiều xương nhất, bao gồm: đầu trên xương cánh tay, ổ chảo của xương bả vai, đầu ngoài của xương đòn (ba cấu trúc này được gắn chặt với nhau bởi một hệ thống chằng chịt của cơ và dây chằng). Trong đó quan trọng nhất là các đầu cơ và dây chằng bảo vệ khớp ổ chảo cánh tay.

Khớp vai là một trong những khớp thực hiện nhiều nhất các động tác của cơ thể như: khép, đưa trước, đưa ra sau, đưa lên trên, đưa ra ngang, xoay trong, xoay ngoài,…

Duy nhất khớp vai được coi là một khớp động nhất. Vì thế nó có nguyên một hệ thống dây chằng, cơ để vừa cố định vừa giúp thực hiện các động tác; được gọi là hệ chóp xoay.

2. Đau vai thường do nguyên nhân gì?

Các lý do có thể dẫn đến đau vai là gì?

Có các nguyên do như sau:

-  Chấn thương: Do cấu trúc đặc biệt có quá nhiều dây chằng, gân cơ bảo vệ vì thế khớp vai của chúng ta rất khó bị gãy, thường chỉ bị trật khớp vai dù đó là chấn thương mạnh.

- Sử dụng khớp thường xuyên hoặc một vài động tác đột ngột khiến lực lớn bất thường tác động vào khớp.

- Ngoài ra một vài bệnh lý khác cũng có thể ảnh hưởng đến khớp vai như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp.

Bên cạnh đó có một vài bệnh lý khiến vai bị đau. Ví dụ:

- Đau rễ thần kinh cột sống khiến đau lan xuống vùng cánh tay.

- Nhồi máu cơ tim khiến vai trái bị đau.

- Tổn thương các cơ hoành ở vùng đường mật khiến vai phải bị đau.

3. Đau vai mức độ nào cần đi khám bệnh?

Đau vai là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống, như đột ngột với cao quá hay sau khi chơi thể thao, nhưng có dấu hiệu nào thì nên gặp BS?

Trong một vài trường hợp nếu bạn biết tiết chế, điều chỉnh các hoạt động, hạn chế việc sử dụng năng lượng quá mức thì tình trạng đau vai sẽ cải thiện và không cần phải đến các cơ quan y tế.

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải nhận diện ra được những trường hợp đau vai nào báo hiệu tổn thương nặng; giả sử nếu bạn gặp phải tình trạng đau vai dữ dội, liên tục không giảm sau chấn thương thì cần loại trừ các trường hợp trật khớp vai, gãy xương ở đầu trên của xương cánh tay mà có thể là các nguyên do khác.

Những trường hợp quan trọng hơn liên quan đến các bệnh lý làm ảnh hưởng đến khớp vai: nhồi máu cơ tim, các bệnh lý của đường mật, cơ hoành, tổn thương rễ thần kinh cột sống,… Những trường hợp này đều có một đặc điểm chung: chấn thương kèm theo tình trạng đau dữ dội và không thuyên giảm dù không cử động cánh tay.

Trong những trường hợp này cần ngay lập tức đến các chuyên gia y tế gần nhất để có được những chẩn đoán tìm ra các nguyên nhân nguy hiểm và xử lý kịp thời.

 

4. Bệnh nhân đau vai được thăm khám như thế nào?

Các bác sĩ sẽ thăm khám và làm xét nghiệm gì để chẩn đoán đau vai, khi nào cần chụp MRI ạ?

Đa phần các trường hợp đau vai là tổn thương ở khớp, các mô mềm, dây chằng, gân cơ. Do đó có thể xử lý bằng các biện pháp thông thường không cần thiết phải có chỉ định của MRI.

Tuy nhiên trong một số trường hợp khi các tổn thương nặng kéo dài mãn tính, không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường hoặc nghi ngờ có bệnh lý nào đó nguy hiểm, khi đó cần thiết phải có chỉ định MRI của khớp vai.

 

5. Các phương pháp điều trị đau vai?

Xin bác sĩ cho biết chữa trị đau vai có những phương pháp nào ạ?

Những nguyên nhân thường gặp nhất ở khớp vai là tổn thương của chóp xoay. Gồm có đau chèn ép ở khớp vai (hẹp khoang dưới mõm vùng vai), bệnh lý dây chằng chóp xoay, rách chóp xoay, hội chứng vai đông đặc. Tất cả những bệnh lý này đều có một đặc điểm chung là tổn thương dây chằng gân cơ.

Nguyên tắc của điều trị tổn thương dây chằng gân cơ:

- Ngay khi bệnh nhân mới tổn thương cần nghỉ ngơi, chườm đá vào khớp vai một ngày 10-15 phút/ 3-4 lần/ tuần.

- Băng nhẹ lại vùng khớp vai hoặc dùng nẹp cố định khớp vai.

Bằng những liệu pháp đơn giản này có đến 60% các trường hợp tổn thương dây chằng, gân cơ ở khớp vai có thể tự hồi phục.

Để rút ngắn thời gian đau, viêm của khớp vai bạn có thế uống thêm một vài loại thuốc quen thuộc như non steroid (giảm đau, kháng viêm).

40% các trường hợp còn lại không đáp ứng là do tổn thương mạn tính của chóp xoay, khớp vai. Lúc này bạn có thể sử dụng biện pháp tiêm corticoid vào trong khớp bởi bác sĩ chuyên khoa; tiêm đúng vào vị trí tổn thương sau khi đã được khám kỹ càng.

 

6. Trường hợp đau vai nào cần phẫu thuật?

Thưa bác sĩ, khi nào chữa trị đau vai cần phẫu thuật?

Với những biện pháp thông thường như: nghỉ ngơi, chườm đá, hạn chế cử động, uống hoặc tiêm thuốc,… gần như chúng ta giải quyết được hết các bệnh lý thường gặp do tổn thương chính xác tại chóp xoay của khớp vai.

Một số trường hợp không đáp ứng với những biện pháp trên như: rách nặng ở gân của chóp xoay, đóng vôi nhiều làm hạn chế cử động ở khớp vai khi đó chúng ta cần phẫu thuật.

7. Những ai dễ bị đau vai? Cách phòng ngừa đau vai?

Những ai dễ bị đau vai? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách ngăn ngừa đau vai?

Những người trung niên, lớn tuổi là những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp vai; tiêu biểu như tình trạng đau khớp xoay là hay gặp nhất.

Những người như vận động viên đánh tenis hoặc bóng chuyền, bóng rổ thường xuyên có các động tác phải sử dụng khớp vai nhiều hoặc những người công nhân thường xuyên sử dụng các động tác nâng, khiêng, vác vật nặng,… trong những trường hợp này khớp vai sẽ bị chịu một lực quá tải và dễ bị tổn thương.

Để phòng tránh khớp vai bị đau và dễ tổn thương chúng ta cần: mỗi ngày đều đặn tập thể dục (các bài tập liên quan đến khớp vai) để các cơ của khớp được đàn hồi từ đó giúp bảo vệ khớp vai cho chúng ta.

Nên lưu ý ngoài các bài tập liên quan đến khớp vai giúp cho khớp của chúng ta chịu được lực hoặc những tác động xấu thì bạn cũng đừng quên chú ý đến sức khỏe chung của cơ thể bằng những bài tập toàn thân.

Thanh Quang - Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X