Hotline 24/7
08983-08983

Đau tức ngực thường xuyên, bệnh gì?

Mỗi người trong chúng ta đều có thể đối mặt với tình trạng đau ở ngực. Tuy nhiên việc xác định đó là biểu hiện của bệnh gì là điều không dễ dàng.

Chính vì vậy, nếu có biểu hiện đau tức ngực thường xuyên, kéo dài bạn cần đi khám để tìm ra được nguyên nhân và phát hiện sớm bệnh.

Đau ngực tiềm ẩn những nguy hiểm

Chị Hương 47 tuổi (Nga Sơn- Thanh Hóa) cho biết sức khỏe của mình trước đây bình thường. Nhưng thời gian gần đây thỉnh thoảng chị có biểu hiện của việc đau ngực, rồi những cơn đau lan tỏa trước và sau ngực kiến chị rất mệt mỏi, nhất là những lúc làm việc nặng nhọc.

Vì điều kiện kinh tế nên chị không đi khám ngay chỉ mua thuốc uống. Sau thời gian uống thuốc, những cơn đau ngực không thuyên giảm, lo sợ có chuyện không hay chị đã đi khám, bác sĩ kết luận chị bị ảnh hưởng của bệnh động mạch vành.

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, thì bệnh đau ngực có rất nhiều nguyên nhân ai cũng có thể mắc. Nhất đối với những người bị huyết cao, mỡ máu cao, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, viêm nhiễm, stress đều có thể gây ra xơ vữa động mạch vành hẹp lại, co thắt và gây đau ở ngực.

Chỗ đau thường là sau xương ức, vùng trước ngực, sau ngực. Đau như bị nén, ngột ngạt, đau thắt, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Vị trí đau lan ra sau lưng, cánh tay trái, cổ, răng. Nguyên nhân phát tác có thể do lao động mệt nhọc, ăn no, vận động, tinh thần bị kích động.

Nhưng với trường hợp anh Niệm (Hà Nam) làm công nhân xây dựng là người có thâm niên nghiện thuốc lá 15 năm nay, lại làm việc trong môi trường khắc nghiệt càng khiến sức khỏe anh yếu dần.

Thời gian gần đây thời tiết ẩm ướt khiến bệnh viêm phổi của anh tái phát với đợt sốt cao, ho, kèm theo những cơn đau ngực thường xuyên mà trước đây anh không mắc. Thấy sức khỏe bất ổn anh đi khám được bác sĩ chuẩn đoán anh do bị viêm phổi nguyên nhân gây ra đau tức vùng ngực mỗi khi ho.

Bác sĩ chia sẻ thêm những người bị viêm phổi như trường hợp anh Niệm có thể do nhiễm trùng hoặc nhiễm virus có sốt, ho, khạc đờm, đau ngực. Bên cạnh đó, đau thắt ngực còn có thể do viêm màng phổi. Nếu chúng ta ho mạnh hoặc thở sâu thì càng xuất hiện những cơn đau ngực hơn.

Đừng coi thường những cơn đau ở ngực 1Mỗi người trong chúng ta đều có thể đối mặt với tình trạng đau ở ngực. Ảnh minh họa

Cần kiểm tra khi thấy đau ngực

Bác sĩ Huệ chia sẻ dấu hiệu nhận biết triệu chứng các cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở vùng ngực trái, phía sau xương ức. Người bệnh có cảm giác nặng ngực hoặc như bị bóp chặt lồng ngực. Cơn đau có thể lan lên vai trái, lên càm hoặc chuyển xuống mặt trong cánh tay trái. Đôi khi, người bệnh có cảm giác như bị ngộp thở, mặt tím tái, người vả mồ hôi. Cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến 10-15 phút.  

Người bệnh sẽ trở lại bình thường sau khi nghỉ ngơi, khi điều hoà được cảm xúc hoặc sau khi đã dùng thuốc. Ngược lại, nếu tần suất cơn đau xảy ra thường, xảy ra cả khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc cơn đau không thuyên giảm khi đã dùng thuốc, những trường hợp nầy cần phải  nghỉ đến nguy cơ có thể dẫn đến các bệnh vệ tim.

Đối với những bệnh nhân tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh động mạch vành. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch vàng như gia đình có tiền sử bố mẹ, ông bà hay anh chị bị các bệnh liên quan đến tim mạch, do hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh, không chỉ tác động đến các bệnh tim mạch mà còn liên quan một số bệnh khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng...

Hút thuốc lá làm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng lên gấp 2 lần. Mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid, viêm phổi... Uống quá nhiều rượu, bia cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra thiếu mạn tính cục bộ ở cơ tim, làm xuất hiện những cơn đau ngực.

Tuy nhiên để phòng tránh các bệnh liên quan đến đau ngực chúng ta cần thay đổi lối sống như  bỏ hút thuốc lá là yêu cầu quan trọng. Xây dựng một lối sống thanh thản, vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức, nhất là tình trạng stress. Cần phải tập thể dục thể thao cách điều độ và thường xuyên.

Trong ăn uống người bệnh cần hạn chế tối đa ăn mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn ít đường, bơ, phomát, không nên ăn mặn, những món dưa, cà... càng hạn chế.

Đặc biệt, không nên ăn với các món phủ tạng động vật, nhiều người cho rằng “ăn gì bổ nấy” nên mắc bệnh tim mạch rồi lại hay ăn tim động vật, điều này chẳng những không bổ dưỡng cho tim mà còn làm gia tăng những yếu tố nguy hiểm cho tim, đó chính là sự gia tăng của cholesterol có hại. Không nên uống nhiều rượu, bia và những chất kích thích khác.

Đối với những người đã có cơn đau thắt ngực ổn định, tất cả những yêu cầu trên càng cần phải kiêng và thực hiện triệt để. Đồng thời cần phát hiện và điều trị những bệnh liên quan đến bệnh mạch vành như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì - thừa cân.

Khi cơn đau xảy ra, người bệnh nên ngồi xuống tại một nơi có chỗ tựa.  Ngồi trên mặt đất, trên giường, trên phản hoặc trên ghế nơi gần nhất và có chỗ tựa lưng và đầu để dễ thư giãn. 

Ngoài ra, khi có dấu hiệu của các bệnh liên quan đến đau ngực người bệnh cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo Minh Tuyết - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X