Đau bụng kinh thế nào là bình thường, thế nào là lạc nội mạc tử cung?
Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến xảy ra trong những ngày hành kinh ở phụ nữ, mức độ đau cũng khác nhau ở mỗi người. TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM đã có những chia sẻ để giúp chị em hiểu hơn về những cơn đau trong chu kỳ sinh lý, nhận biết như thế nào là bình thường và khi nào cần thăm khám ngay.
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Vì sao có người bị đau bụng dữ dội khi đến kỳ kinh nguyệt? Đây có phải bệnh lý hay không? Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt đáng lo ngại trong trường hợp nào?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Đây là một câu hỏi thường gặp và nó nêu lên một vấn đề cần phải thay đổi nhận thức trong xã hội mới hiện nay. Ngày xưa, khi bị đau bụng kinh, đặc biệt là ở các thiếu nữ thường được bảo là cứ mặc kệ, có chồng có con từ từ sẽ hết. Suy nghĩ này cần phải được loại bỏ.
Việc đau bụng khi hành kinh chỉ nên dừng lại ở mức độ khó chịu và chỉ xảy ra trong tối đa 2 ngày quanh thời điểm bắt đầu hành kinh. Đó là cảm giác sinh lý bình thường. Nhưng nếu thực sự có cảm giác đau đến mức ảnh hưởng sinh hoạt bình thường, cảm giác đau kéo dài thì dược xem là báo động của một bệnh lý thường gặp là lạc nội mạc tử cung.
Theo tổng kết của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi sinh sản thì có 1 người có lạc nội mạc tử cung. Đây là một tỷ lệ không nhỏ và người ta quyết định chọn tháng 3 hằng năm để tổ chức các hoạt động gia tăng nhận thức về lạc nội mạc tử cung tại nhiều nước trên thế giới.
Lạc nội mạc tử cung có đáng lo hay không? Lạc nội mạc tử cung không chỉ gây đau rồi hết như nhiều người lầm tưởng. Lạc nội mạc tử cung còn kèm theo tình trạng phả hủy một cách dần dần, mãn tính hai vòi ống dẫn trứng của người phụ nữ. Cơn đau là do những tổn thương lạc nội mạc tử cung gây viêm, gây kích thích trong ổ bụng, gây tình trạng sẹo xơ dính. Thường gặp nhất là tạo ra khối nang ở cạnh buồng trứng, ở ngay trên buồng trứng. Đến khi đi khám mới phát hiện được u hoặc nang trên buồng trứng.
Phụ nữ thường xuyên đau bụng kinh là dấu hiệu báo động ban đầu. Không nên đợi đến khi phát hiện ra nang buồng trứng mà ngay lúc này, người phụ nữ cần gặp chuyên gia tư vấn và điều trị để tránh những tổn thương của lạc nội mạc tử cung như u buồng trứng, tổn thương tay vòi,... ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Phải làm gì để đỡ đau bụng kinh?
Làm thế nào để giảm tình trạng đau bụng, đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Khi đã bị đau đến mức phải dùng thuốc thì đây là triệu chứng đau bất thường, nên được đánh giá bởi chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa. Cách giảm đau đơn giản nhất là dùng các loại thuốc giảm đau thường bán trên thị trường như Alaxan, Panadol, Cataflam,...
Nếu bạn phải uống thuốc giảm đau lặp lại từ chu kỳ này sang chu kỳ khác thì nên đến gặp bác sĩ. Việc uống các loại thuốc giảm đau thường xuyên chứng tỏ bạn cần phải điều trị dài hạn, có thể là biện pháp nội tiết.
Khi có cảm giác khó chịu trong những ngày hành kinh nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh những chất kích thích, tránh sử dụng thực phẩm, thức uống có thể gây nên tình trạng xung huyết vùng chậu. Đặc biệt, sử dụng rượu bia trong những ngày hành kinh dễ dẫn đến tình trạng xung huyết vùng chậu và làm hiện tượng đau càng nhiều hơn.
Nếu đã nghỉ ngơi, tập yoga nhẹ nhàng, chườm lạnh chườm nóng xen kẽ trên bụng mà vẫn không giảm cảm giác khó chịu thì cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa. Rất nhiều khả năng có lạc nội mạc tử cung, cần được điều trị dài hạn, nghiêm chỉnh chứ không phải chỉ bằng thuốc giảm đau.
Nghỉ ngơi, thư giãn giúp giảm đau bụng kinh
Những loại thực phẩm nào có thể giúp giảm đau bụng kinh? Cần tránh những loại thực phẩm hay các sinh hoạt nào khi đến kỳ kinh nguyệt để giảm thiểu cảm giác khó chịu?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Một số kinh nghiệm dân gian cho rằng khi hành kinh cần tránh những món ăn chua, uống nhiều nước dừa,... có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Những điều này không hề có căn cứ khoa học.
Trong thời gian hành kinh, việc nghỉ ngơi, giảm stress, tránh thức ăn đồ uống có tính kích thích như quá nhiều gia vị, thức uống có cồn,... để tránh kích thích mạch máu vùng chậu. Những việc này có thể làm giảm cảm giác khó chịu của phụ nữ khi hành kinh.
Những thông tin lan truyền về uống loại nước này, ăn loại thức ăn kia có thể giảm đau bụng kinh là không có bằng chứng khoa học, có thể trong lúc nghỉ ngơi, xả stress đã vô tình đáp ứng việc giảm đau.
Có nên uống thuốc giảm đau bụng kinh?
Uống nhiều thuốc giảm đau khi đến kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau không, thưa BS?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn thường thấy nhất là Paracetamol. Việc uống tối đa 2g thuốc giảm đau trong một ngày thường không ảnh hưởng đến sức khỏe dài hạn. Theo logic thông thường, nếu uống thuốc không thể làm giảm cảm giác đau, người ta sẽ “cầu viện” đến các biện pháp khác, chứ không ai tiếp tục uống thêm nhiều viên thuốc giảm đau.
Chỉ uống 1 - 2 viên thuốc để chấm dứt cảm giác đau, sau đó không dùng nữa sẽ không dẫn đến những tác hại lâu dài. Tuy nhiên, nếu có khuynh hướng sử dụng thuốc giảm đau ngày càng nhiều mà vẫn không đáp ứng phải xem lại vấn đề. Không phải do lờn thuốc hay thuốc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Chính bệnh lý gây nên đau bụng kinh đang có khuynh hướng tiến triển, không đáp ứng thuốc giảm đau. Đây mới là nguyên nhân dẫn đến tiên lượng về sinh sản xấu dần theo thời gian.
Xin nhắc lại một lần nữa, căn bệnh lạc nội mạc tử cung cần phải được quản lý, không chỉ bằng thuốc giảm đau mà còn bằng các biện pháp sử dụng nội tiết phù hợp với người bệnh.
Đau bụng kinh kéo dài bao lâu là bất thường?
Những trường hợp nào đau bụng kinh được xem là sinh lý bình thường và trường hợp nào đang báo động những vấn đề đáng lo ngại?
TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Cảm giác đau của mỗi người là khác nhau. Theo thang điểm đánh giá về mức độ đau, nếu ở mức độ khó chịu, bạn chỉ cần nằm nghỉ vài tiếng đồng hồ là vượt qua được cảm giác này. Thậm chí những cảm giác kèm theo như đầy chướng hơi, nặng thắt ở vùng kín,... cũng không kéo dài quá nửa ngày.
Cảm giác đau đến mức “chết đi sống lại”, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến những sinh hoạt hằng ngày là những cảm giác không bình thường và không được xem thường.
Tóm lại, cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài giờ đồng hồ đến nửa ngày là bình thường. Có nhiều biện pháp để quên đi cơn khó chịu như nghỉ ngơi, trò chuyện, đọc sách, thư giãn, uống nhiều nước,... Nhưng nếu cảm giác này kéo dài suốt cả ngày thì cần phải được đánh giá tình trạng bởi bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình