Hotline 24/7
08983-08983

Cụ ông vỡ dạ dày do sơ cứu hóc dị vật sai cách

Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một cụ ông (87 tuổi), hóc măng khi ăn, được người nhà thực hiện thủ thuật Heimlich. Dị vật bật ra nhưng sau đó xuất hiện đau bụng dữ dội, chướng bụng phải nhập viện.

Cụ ông 87 tuổi được đưa vào Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Kết quả chụp X-quang và CT ổ bụng phát hiện khí tự do, dấu hiệu vỡ tạng rỗng (dạ dày).

Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vết rách dài 5cm tại bờ cong nhỏ dạ dày và tiến hành khâu phục hồi. Bệnh nhân hồi phục sau 10 ngày điều trị.

Người nhà bệnh nhân cho biết, cụ ông bị hóc măng khi ăn, được gia đình thực hiện thủ thuật Heimlich. Dị vật bật ra nhưng sau đó xuất hiện đau bụng dữ dội, chướng bụng. Gia đình vội đưa cụ ông nhập viện.

Bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật thực hiện phẫu thuật

Theo TS.BS Trần Thanh Tùng - Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Bạch Mai, thủ thuật Heimlich là kỹ thuật sơ cứu quan trọng giúp đẩy dị vật đường thở, nhưng nếu thực hiện quá mạnh hoặc sai vị trí, áp lực đột ngột có thể làm rách thành dạ dày, đặc biệt ở người dạ dày đang căng đầy thức ăn hoặc khí; người cao tuổi (thành dạ dày mỏng, kém đàn hồi); hoặc người có tiền sử bệnh dạ dày (viêm loét, phẫu thuật cũ).

Dấu hiệu để nhận biết biến chứng vỡ dạ dày sau sơ cứu cần lưu ý như đau bụng đột ngột, dữ dội; Bụng chướng cứng như gỗ, không sờ được; Da xanh tái, mạch nhanh, tụt huyết áp (dấu hiệu sốc).

Cần đưa bệnh nhân ngay đến bệnh viện khi có dấu hiệu, bởi vỡ dạ dày gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, tử vong nếu chậm trễ.

Để học kỹ thuật Heimlich chuẩn, mọi người nên tham gia lớp sơ cứu cơ bản. Đồng thời, theo dõi sát sau sơ cứu dù dị vật đã bật, vẫn cần đưa nạn nhân đến viện kiểm tra tổn thương nội tạng.

Để phòng ngừa hóc dị vật, cần lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, tránh nói, cười khi ăn và cắt nhỏ thức ăn cho người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Thực hiện thủ thuật Heimlich đúng cách

Thực hiện Heimlich đối với người lớn/trẻ >1 tuổi: Bị hóc dị vật, không nói, ho hoặc thở được, da tím tái, nắm cổ họng.

Không làm Heimlich nếu: Nạn nhân vẫn ho được, còn tỉnh táo; Trẻ <1 tuổi (thay bằng vỗ lưng + ấn ngực); Người bất tỉnh (chuyển sang hồi sức tim phổi).

Các bước thực hiện (người lớn và trẻ >1 tuổi):

1. Đứng sau nạn nhân, vòng tay qua eo.

2. Đặt nắm tay trên rốn, dưới xương ức.

3. Ép mạnh theo hướng từ dưới lên 5 lần liên tục.

4. Dừng lại kiểm tra dị vật đã bật ra ngoài chưa.

Lưu ý:

- Giảm lực với người già, phụ nữ mang thai (ép ngực thay vì bụng).

- Không ép quá thấp (nguy cơ tổn thương gan, lách).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X