Hotline 24/7
08983-08983

Cứ nhức mình là giác hơi, lợi hay hại?

Ai tuyệt đối không nên giác hơi và những lưu ý cần biết để tránh biến chứng, thậm chí là tử vong? Đây là những vấn đề đã được BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Đại học Y dược TPHCM, bác sĩ điều trị tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cơ sở 3 giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Dụng cụ giác hơi có bao nhiêu loại?

Thưa BS, giác hơi là phương pháp chữa bệnh có từ lâu đời, được sử dụng nhiều trong dân gian. Nhờ BS cho biết giác hơi có cơ chế như thế nào, giúp chữa những bệnh gì?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo quan điểm Đông Y có 3 nguyên nhân gây bệnh, đó là ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân. Ngoại nhân gồm có phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (nơi ẩm ướt), táo (nơi khô ráo), hỏa (nóng nực). Trong đó, phong (gió) và hạn (lạnh) là nguyên nhân đầu tiên gây nên tình trạng đau nhức mình mẩy, di chuyển trong cơ thể.

Hàn là “lạnh” nên Đông Y dùng phương pháp cân bằng “nóng”, ví dụ như ngày xưa sẽ sử dụng lửa hơ vào các ly, đồ sành, sứ, thủy tinh với mong muốn hút các phong hàn ra ngoài, làm cơ thể con người khỏe mạnh. Nhưng ngày nay đã có nhiều phương pháp mục tiêu chủ yếu là tạo áp lực âm ở trong dụng cụ để đạt được hiệu quả làm sao cho da vùng đó ửng đỏ lên, mang lại kết quả như Đông Y mong muốn đó là “khu phong, tán hàn”.

Hiện nay, dụng cụ giác hơi có mấy loại ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Hiện nay, dụng cụ giác hơi hay phương pháp giác hơi có 3 loại.

Giác hơi bằng lửa (Ảnh minh họa)

Thứ nhất là “hỏa giác”, hay còn gọi là giác hơi bằng lửa. Người ta thường sử dụng lửa trong các dụng cụ thủy tinh, sành sứ, “đuổi” không khí ra ngoài, tạo chân không áp lực âm để hút phong hàn ra ngoài.

Thứ hai là “khí giác”, hay còn gọi là giác hơi bằng khí. Tức là người ta sẽ bóp súng vào dụng cụ giác có lỗ ở phía dưới đáy để hút các không khí ra.

Thứ ba là “thủy giác”, hay còn gọi là giác bằng nước, gồm có 2 loại. Trong đó có một loại, dụng cụ giác hơi được được làm bằng tre, nứa sẽ nấu trong nước thuốc, sau đó giũ ra để lên vùng cần giác.

Trong Đông Y, giác hơi điều trị chủ yếu xoáy mạnh vào các chứng đau nhức, các bệnh lý về liệt, bệnh lý rối loạn chức năng.

2. Các vị trí nên giác hơi trên cơ thể

Vị trí nào trên cơ thể nên và không nên giác hơi thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Giác hơi nên áp dụng trên các vị trí có thịt nhiều hoặc vùng cơ, mô mỡ thì mới tạo được kết quả điều trị như mong muốn.

Chúng ta thường thường hay gọi cạo gió, đánh gió, bắt gió thì giác hơi cũng là một dạng đánh gió để kéo phong hàn ra ngoài. Theo quan điểm của Đông Y thường là do phong hàn nên thường giác ở phần trên và bên ngoài, ví dụ như vùng lưng, cổ, gáy, chân… Hạn chế giác vào những vùng xương, khớp…

Đối với bệnh nhân bị suy nhược hạn chế mức độ giác hơi, nếu có chỉ định thì thường chỉ giác vùng lưng hoặc cổ gáy.

Giác hơi bằng khí (Ảnh minh họa)

3. Trước - trong - sau khi giác hơi cần lưu ý gì?

Trước khi giác hơi, bệnh nhân nên chuẩn bị thế nào ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trước khi giác hơi, không nên ăn quá no hoặc để quá đói, không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu. Khi giác hơi phải chọn tư thế phù hợp để bộc lộ vùng cần giác, vì thời gian thực hiện tương đối lâu, nếu chuẩn bị tốt sẽ mang lại chất lượng, hiệu quả điều trị cao.

Trong khi giác hơi có được nằm quạt hay máy lạnh không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Ngày xưa, khi cơ thể suy yếu, người ta thường gọi là “lục dâm”, tức là 6 loại khí tràn đầy gây bệnh.

Ngày nay, chúng ta có thể giác hơi trong phòng máy lạnh hoặc nằm quạt nhưng cần lưu ý không để thổi trực tiếp vào người được giác hơi. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó nếu dùng loại “hỏa giác” gió thổi vào ngọn lửa có thể gây bỏng, hoặc gây ra một số biến chứng khác.

Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta tạo không khí thoáng, thoải mái trong quá trình giác hơi.

Sau khi giác hơi, bệnh nhân nên và không nên làm gì? Bao lâu thì được đi tắm ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Sau khi giác hơi, chúng ta cần chú ý nằm nghỉ ngơi để cơ thể có khả năng hồi phục, không căng thẳng, không lao động nặng, không ăn uống quá no hoặc sử dụng các chất kích thích.

Đặc biệt, theo quan điểm Đông Y, sau khi giác hơi, lỗ chân lông hở ra, nếu đi tắm thì vô tình xâm nhập lại phong, hàn, điều này không có lợi cho sức khỏe. Như vậy, chúng ta có thể đi tắm trước khi giác hơi hoặc sau khi giác hơi 2 giờ thì sẽ ổn hơn.

Tóm lại, sau khi giác hơi nên nghỉ ngơi thư giãn, uống một ít nước ấm để tạo cảm giác dễ chịu, hoặc nếu có thể thì ăn bát cháo giải cảm. Hạn chế cảm xúc hoặc vận động quá mạnh. Không nên đi tắm ngay sau khi giác hơi, không ra gió, không nên để quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào người.

4. Ai không nên giác hơi?

Những trường hợp nào không được giác hơi, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Chúng ta nên đến các cơ sở chuyên nghiệp khi muốn giác hơi, vì khi đó sẽ được đo huyết áp, đánh giá tình trạng bệnh để có chỉ định cụ thể. Giác hơi là một phương pháp điều trị của Y học cổ truyền, không phải như mọi người lầm tưởng là bất cứ khi nào mệt thì đều có thể giác hơi.

Giác hơi chống chỉ định với người cao huyết áp, người có tâm lý không ổn định, người gầy-ốm quá, người bị lở loét da, người đang bị chấn thương. Vì vậy, giác hơi chỉ được thực hiện khi được thầy thuốc đánh giá, có chỉ định, điều này mới mang lại hiệu quả, hồi phục sức khỏe sau một thời gian bị bệnh, học tập, lao động mệt mỏi.

Vậy tự giác hơi tại nhà, nên hay không thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Nếu muốn giác hơi thì phải học và đào tạo bài bản. Khi đó chúng ta mới biết những bệnh nào nên làm và bệnh nào không nên làm.

Dân gian chúng ta thường quan niệm giác hơi phải thật đỏ thì mới nhanh hết bệnh. Điều này không đúng, trong Đông Y việc giác hơi chỉ cần vùng da hơi ửng đỏ lên là được.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều tai biến trong quá trình giác hơi. Phổ biến nhất là do vùng qua giác hơi quá đỏ hoặc hút hơi quá nhiều, đặc biệt là vùng da nhạy cảm, vùng ngực có thể kích thích hoạt động của tim gây ảnh hưởng đến chức năng của tim. Ví dụ như nhồi máu cơ tim, thắt mạch vành, nó thúc đẩy quá trình của một số bệnh lý tim cũng như tăng tuần hoàn đột ngột, điều này không có lợi cho sức khỏe.

Do đó, như tôi đã nói muốn giác hơi chúng ta nên trải qua quá trình đào tạo bài bản, để tránh các biến chứng gây nên như phỏng, lở loét ngoài da, thậm chí có người tử vong trong quá trình giác hơi. Vì vậy, tôi mong muốn chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Giác hơi nếu không được đào tạo bải bản, không thực hiện cẩn thận có thể gây ra các biến chứng gây hại, chẳng hạn như bỏng (Ảnh minh họa)

Nhiều người cảm thấy mau khỏe sau khi giác hơi, nhưng những vết bầm nhìn khá mất thẩm mỹ. Có cách nào giúp vết bầm mau tan không, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Thường sau giác hơi 1-3 ngày, cao lắm là 5 ngày sẽ tan các vết bầm với điều kiện việc giác này chỉ vừa ửng đỏ. Để tránh mất thẩm mỹ thì nên giác những vùng kín đáo để khi mặc trang phục sẽ che đi các vết bầm. Không ai giác hơi lên trán hay vùng mặc hoặc các vùng vẫn bộc lộ khi mặc quần áo.

Một số quan điểm cũng bài bác việc giác hơi vì cho rằng gây ảnh hưởng đến mạch máu. Nhưng nếu chúng ta được đào tạo bài bản cũng như khi thực hiện phải có chỉ định phù hợp thì sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.

5. Giác hơi có thể lây bệnh từ người này sang người khác?

Một số người lo ngại dụng cụ giác hơi có thể lây truyền bệnh từ người này qua người kia không ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Nếu được thì mỗi người nên trang bị cho mình một bộ giác hơi riêng và mang theo khi đến bệnh viện, cơ sở y tế.

Ngày nay, tại các bệnh viện, nhất là phòng khám y học cổ truyền việc vệ sinh dụng cụ giác hơi cũng được thực hiện kỹ lưỡng. Thường sau khi giác hơi cho một bệnh nhân, dụng cụ sẽ được rửa sạch bằng các loại xà phòng sát khuẩn, sau đó ngâm các ống giác vào môi trường cồn một thời gian, để ráo và lau khô trước khi dùng cho bệnh nhân khác.

Trong trường hợp sử dụng giác hơi ở những nơi không đủ điều kiện, như chúng ta thường thấy nhất là “giác hơi dạo”, chỉ một tấm chiếu hoặc tấm nilon trải ra, một bộ dụng cụ dùng cho nhiều người. Điều này có thể lây bệnh ngoài da, nếu chẳng may có người gặp vấn đề lở loét thì đây sẽ trở thành đường lây nhiễm các siêu vi, ví dụ như viêm gan siêu vi B, C, HIV; da trầy xước còn có thể gây ra vấn đề nhiễm trùng, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết.

Như vậy, xin được kết luận lại, giác hơi là một phương pháp của y học cổ truyền, cho nên trước khi thực hiện phải được thăm khám, đánh giá và chỉ định, không nên tự ý giác hơi không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe mà thậm chí còn nguy hiểm cho tính mạng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X