Hotline 24/7
08983-08983

CT-scan liều thấp là phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo

Thông thường các dấu hiệu ung thư phổi không xuất hiện cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư phổi duy nhất được khuyến cáo là chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Xét nghiệm máu không giúp ích trong việc tầm soát ung thư và không được khuyến cáo. PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khẳng định: “Chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả có khả năng giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư phổi”.

1. Ung thư phổi có tần suất mắc và tử vong rất cao

Xin BS cho biết, ung thư phổi hiện đang được xếp hạng như thế nào trên bản đồ ung thư nước ta? Có những con số đáng chú ý nào về căn bệnh này tại Việt Nam?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Trước năm 2018, ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu nhưng về sau đã ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, nguyên nhân là do ung thư gan có số bệnh nhân qua đời tăng vọt, vượt qua ung thư phổi chứ không phải số người mất vì ung thư phổi giảm đi.

Tần suất mắc và tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam và trên thế giới vẫn cao nhất. Chính vì vậy, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi có tầm quan trọng nhất định tại nước ta.

2. Ung thư gia đình khiến độ tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư phổi giảm xuống

Người Việt Nam thường được phát hiện mắc ung thư phổi trong độ tuổi nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Ung thư phổi thường gặp ở người lớn tuổi. Nhưng Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung lại có một số bệnh nhân liên quan đến ung thư gia đình nên độ tuổi của bệnh nhân có thể nhỏ hơn con số 40.

Một số bệnh nhân chỉ mới 20, 30 tuổ đã mắc ung thư phổi.

3. Ô nhiễm môi trường là một yếu tố khiến ung thư phổi trẻ hóa tại khu vực Đông Nam Á

Thưa BS, những nguyên nhân hay yếu tố nào khiến ung thư phổi ngày càng gia tăng và trẻ hóa?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi là hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá tích lũy số lượng điếu thuốc ngày càng nhiều, cùng với yếu tố tuổi tác sẽ làm xuất hiện ung thư. Chính vì vậy, chúng ta vẫn nghe rằng ung thư phổi là bệnh của người từ 40 tuổi trở lên, 50 - 80 là độ tuổi thường gặp nhất.

Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam còn có vấn đề ô nhiễm môi trường, khói bụi. Trên những cơ địa gia đình có người bị ung thư, đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến ung thư phổi có xu hướng trẻ hóa tại khu vực này.

Theo PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ, tầm soát ung thư phổi nên được biết đến rộng rãi nhưng chỉ cần thực hiện đối với nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao

4. Ai cần tầm soát ung thư phổi?

Theo BS, việc tầm soát ung thư phổi có nên được thực hiện rộng rãi trong cộng đồng?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Việc tầm soát ung thư phổi nên được biết đến một cách rộng rãi nhưng khi thực hiện phải có chủ đích, lưu ý đến những người nguy cơ cao mắc ung thư phổi.

Mỗi hành động đều có mặt lợi và mặt hại. Mục tiêu của bác sĩ là đem lại lợi ích lớn nhất nên phải thực hiện tầm soát trên những người có yếu tố nguy cơ cao nhất.

Theo nhiều khuyến cáo trên thế giới, người trên 50 tuổi và có thời gian hút thuốc trên 20 gói năm (hút 1 gói thuốc/ngày trong suốt 1 năm được tính là 1 gói năm) nên được tầm soát ung thư phổi.

Khu vực châu Á có thêm một chỉ định tầm soát là những người từ 40 tuổi trở lên, thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm môi trường và trong gia đình có thành viên bị ung thư phổi.

5. Không cần thiết phải tầm soát ung thư phổi cho cả cộng đồng

Việc tầm soát ung thư phổi trên những người có nguy cơ cao khác biệt như thế nào so với nhóm người có sức khỏe bình thường, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Cơ thể con người có rất nhiều loại bệnh, vì vậy việc khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi khỏe mạnh là điều cần thiết. Trong đó, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ, người ở độ tuổi trung niên có thừa cân béo phì sẽ cần tầm soát đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...

Tuy nhiên, việc tầm soát ung thư phổ rộng rãi, kể cả thanh niên không hút thuốc thì không hề khoa học, mang lại nhiều tổn thất hơn lợi ích.

6. Chụp CT scan liều thấp lồng ngực là bước đầu để chẩn đoán ung thư phổi

Xin BS cho biết rõ hơn, khi tầm soát ung thư phổi, người bệnh cần thực hiện những cận lâm sàng nào? Đâu là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán chính xác tình trạng ung thư phổi?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Nhiều hiệp hội trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đều chấp thuận chụp cắt lớp vi tính liều thấp (CT-scan liều thấp) là cần thiết đối với chẩn đoán ung thư phổi.

Liều thấp sẽ giúp giảm thiểu phơi nhiễm với tia xạ trong khi vẫn đủ để phát hiện những khối u rất nhỏ, có thể chữa được, giảm thiểu tỷ lệ tử vong do ung thư và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính liều thấp lồng ngực là xét nghiệm được lựa chọn. Trong trường hợp phát hiện một nốt nhỏ trên hình ảnh, có đến 97% khả năng không phải là ung thư. Để xác định chính xác hơn, chúng ta cần phải làm sinh thiết để chứng minh có tế bào ung thư.

7. Thực hiện CT scan mỗi năm để tầm soát ung thư phổi

Xin hỏi BS, CT scan liều thấp thường được chỉ định cho những trường hợp nào và tần suất thực hiện cận lâm sàng này như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Như đã nói, tầm soát cần phải được chỉ định đúng cho bệnh nhân nguy cơ cao, nhất là 2 nhóm sau:

- Những người trên 50 tuổi, hút thuốc lá trên 20 gói năm;

- Những người trong gia đình có thành viên bị ung thư phổi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm soát ung thư phổi có hiệu quả rất tốt khi làm CT mỗi năm một lần, một số nghiên cứu chỉ ra có thể thực hiện 2 năm/lần.

Kết quả tầm soát lần đầu hoàn toàn bình thường có thể giãn cách thời gian thành 2 năm/lần. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao vẫn nên tầm soát kỹ mỗi 12 - 24 tháng/lần.

8. Không khuyến cáo dùng xét nghiệm máu để tầm soát ung thư

Ngoài CT scan liều thấp, những cận lâm sàng khác như X-quang hay xét nghiệm máu tìm dấu ung thư có giá trị như thế nào trong việc chủ động tầm soát sớm ung thư phổi, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Tầm soát bằng CT-scan liều thấp được các hiệp hội và Bộ Y tế khuyến cáo vì giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư.

Một số người không có triệu chứng đi chụp X-quang có thể phát hiện tương đối sớm các khối u. Tuy nhiên, khối u được phát hiện trên phim X-quang cũng đã tương đối to và việc điều trị khó đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong. Do đó, chụp X-quang chỉ có giá trị phát hiện sớm nhưng không có hiệu quả tầm soát.

Hiệu quả của các xét nghiệm máu càng thấp hơn. Một số người xét nghiệm tiểu đường mỡ máu rồi nhân đó làm cả tumor markers (chất đánh dấu ung thư), trong đó có CA, CYFRA được cho là có liên quan đến ung thư phổi. Tuy nhiên, các chỉ số này phải tăng lên rất cao mới có thể cảnh báo ung thư.

Chúng ta cần phải hiểu rõ và dùng đúng phương tiện để phát hiện khối u. Xét nghiệm máu không giúp ích trong việc tầm soát ung thư và không được khuyến cáo.

9. Chẩn đoán đúng, điều trị hiệu quả sẽ kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về quy trình và chi phí tầm soát ung thư phổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược.

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ trả lời: Khi người bệnh có nhu cầu tầm soát ung thư phổi, bác sĩ sẽ chỉ định CT-scan liều thấp. Người bệnh mang kết quả quay trở lại phòng khám để được tư vấn kỹ hơn.

Trong đa số các trường hợp, người bệnh chỉ cần chuẩn bị chi phí cho việc khám và chụp CT-scan liều thấp, khoảng 1.000.000 - 1.2000.000 đồng.

Lợi thế của Bệnh viện Đại học Y Dược là có đủ phương tiện để làm chẩn đoán khi kết quả CT-scan của bệnh nhân có bất thường. Ngay cả khi kết quả chẩn đoán là ung thư, chúng tôi vẫn có đủ phương tiện điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

Chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả sẽ giảm thiểu khả năng tử vong do ung thư, đem lại cơ hội sống dài hơn cho bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X